KHỞI NGHIỆP TRẺ - BÀI 3

Người đẹp mê nấu nướng và dự án 130 tỉ

Gặp Đào Chi Anh trong một cửa hàng đang trong quá trình hoàn thiện, cuối giờ chiều mà cô chủ nhỏ vẫn tất bật với những tính toán, những cuộc họp mà nói như cô là: Ngày nào cũng có những bài toán mới cần phải giải.

Người truyền cảm hứng

Mấy năm về trước, Chi Anh về Việt Nam với hành trang gần như là con số không. Sự khác biệt về văn hóa, lối sống khiến cô sốc thật sự: “Mọi người hay hỏi quá, cái gì họ cũng hỏi. Ở nước ngoài người ta ít khi hỏi người lạ lắm” - cô chia sẻ.

Nhớ lại thời điểm đưa ra quyết định về nước khởi nghiệp của mình, Chi Anh cho hay: “Áp lực lớn từ công việc ở Singapore đã giúp tôi nhận ra niềm đam mê lớn nhất của mình là nấu nướng. Nó khiến tôi tìm ra ý nghĩa của cuộc sống khi mỗi sớm tôi vào bếp và sửa soạn một món ăn mới”.

Thời gian đầu, trang cá nhân Door To My Kitchen do Chi Anh xây dựng nhanh chóng trở thành một địa chỉ quen thuộc của những người có cùng đam mê. Door To My Kitchen lọt vào danh sách những website thú vị nhất Hà Nội năm 2011 theo đánh giá của tạp chí The Word Hanoi.

Một lần tình cờ biết được thông tin về thương hiệu dụng cụ làm bếp và nhà hàng lớn nhất Đông Nam Á tại Singapore đang tìm đối tác phân phối độc quyền ở Việt Nam. Cái đầu nhanh nhạy của một cô gái toàn cầu nhanh chóng mách bảo với Chi Anh rằng: “Nào, cơ hội đây rồi”.

Cơ hội đó không từ chối cô, Chi Anh được đối tác Singapore chấp thuận, thậm chí cho cô nợ vốn trong 60 ngày. Đồng thời, có thêm 1-2 người bạn thân hiếm hoi ở Việt Nam - Chi Anh tìm thêm được những cổ đông đặt niềm tin góp vốn, cùng cô mở công ty và thực hiện dự án về nghệ thuật bếp núc.

Bước ngoặt đánh dấu con đường phát triển sự nghiệp của cô ở Việt Nam đó là sự ra đời của Kitchen Art, điều đặc biệt đó không đơn thuần chỉ là nơi người ta đưa thức ăn vào dạ dày mà hơn thế, cô muốn giúp mọi người trải nghiệm những mùi vị mới và tìm thấy sự hứng thú với gian bếp thông qua việc cùng nấu ăn, dạy nấu ăn, thuyết trình, xuất bản tạp chí điện tử về ẩm thực… Bắt đầu gặt hái được những thành công ban đầu, Chi Anh tiếp tục mở quán cà phê kết hợp làm bánh và phục vụ các món ăn mang tên The KAfe.

Đằng sau những hào quang đó “cô phù thủy của những căn bếp” cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Cô tâm sự: “Khi dấn thân vào rồi mới biết khó khăn nhiều khủng khiếp, từ chuyện thiết kế văn phòng sai lệch phải lùi thời gian khai trương đến khâu nhập hàng vướng rào cản về thủ tục hải quan, bị phạt vì thiếu giấy tờ, bị mất hàng… nhưng rồi tôi tự nhủ mình phải mạnh dạn đối đầu”.

Năm 2013, KAfe Group - chuỗi cửa hàng cà phê đô thị phục vụ ẩm thực fusion (Phong cách lai Âu Á) đầu tiên tại Việt Nam chính thức xuất hiện trên thị trường ẩm thực. Trải qua năm năm, từ một cửa hàng nhỏ ven hồ Tây, Chi Anh đã phát triển thương hiệu của mình thành một tập đoàn lớn với tham vọng phát triển không chỉ trong nước mà còn là quốc tế. Năm vừa rồi, Chi Anh là một trong 10 nhân vật truyền cảm hứng của We Choice Awards.

 
Trong đầu Chi Anh luôn chảy rần rần những ý tưởng táo bạo với những món ăn và căn bếp.

Cái bắt tay ngàn đô

Mới đây nhất, một sự kiện gây xôn xao cộng đồng khởi nghiệp trẻ ở Việt Nam gắn với cái tên Chi Anh đó là việc KAfe Group đã nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu đô (gần 130 tỉ VND) trong vòng đầu tiên của quá trình gọi vốn từ các quỹ đầu tư tại London và Hong Kong.

Khoản đầu tư này sẽ phục vụ kế hoạch mở rộng The KAfe trên toàn Việt Nam, bắt đầu bằng việc khai trương bốn địa điểm mới của The KAfe tại Sài Gòn vào cuối tháng 10 và sẽ nâng tổng số nhà hàng trên cả nước lên con số 26 vào cuối năm nay.

Để đạt được thành công này, Chi Anh đã chủ động đi Hong Kong, Singapore, Anh và gõ cửa hàng trăm quỹ đầu tư. Nhớ lại thời điểm đó, Chi Anh cho hay: “Công việc đó giống như mình đi chào sản phẩm, họ nghe xong rồi hẹn lịch sang gặp, xem cơ sở, nhân viên… Họ theo dõi trong thời gian ba tháng, đó là một thời gian căng thẳng vì chỉ cần sơ suất họ có thể thay đổi quyết định. Mặc dù vậy tôi vẫn luôn thể hiện sự thẳng thắn, đó cũng là bản tính của tôi. Có lúc tôi nghĩ mình phải như con vịt, trên nước nhìn rất êm nhưng ở dưới đạp kinh lắm”.

Nói thêm về sự lựa chọn của nhà tài trợ đối với KAfe, Chi Anh đánh giá KAfe được đầu tư vì những nét riêng của KAfe trong bối cảnh thị trường Việt Nam ngày hôm nay. Tất cả đều khá độc nhất và khác biệt, khó có thể so sánh với mô hình nào khác ở Việt Nam hay thế giới.

“KAfe có chỗ đứng rất riêng và khó có thể định nghĩa là mô hình cà phê hay nhà hàng hay ăn nhanh. Đó là điểm mạnh và điểm khiến KAfe nổi bật so với các mô hình khác” - cô tâm sự.

Vào Sài Gòn sẽ là “học sinh” mới

Một trong những kế hoạch tới đây của Chi Anh đó chính là việc đưa mô hình The KAfe vào Sài Gòn. Mặc dù khá tin tưởng ở thành công của The KAfe vào thị trường này  nhưng chị cũng nhìn ra những trở ngại.

“Trở ngại lớn nhất KAfe phải đối mặt sẽ là việc thích nghi với khẩu vị, sở thích riêng của người Sài Gòn. Giống như là một người Việt Nam mới ra nước ngoài sẽ đối mặt với nhiều sự khác biệt về văn hóa, cách ăn mặc, nói năng, cử chỉ… Tuy nhiên, sau một thời gian nếu biết cởi mở, thích nghi và hòa hợp với môi trường xung quanh, giao lưu với một tấm lòng mở rộng thì người đó sẽ sớm hòa nhập tốt vào môi trường, TP mới và không còn “lộ” ra là người mới nhập cư” - cô bày tỏ.

Cũng theo Chi Anh, ban đầu vào Sài Gòn cô sẽ là một “học sinh” mới trong lớp, rồi dần dần sẽ tự thích nghi và hòa hợp với các bạn xung quanh để trở thành một phần của TP chứ không phải là một cái gì đó “ngoại lai” hoặc áp đặt.

Nói chuyện với Chi Anh, cảm giác bên trong đầu cô luôn chảy rần rần những ý tưởng táo bạo, những dự định phải làm. Nhưng tất cả vẫn quanh quẩn với một niềm đam mê lớn nhất, đam mê với những món ăn và căn bếp. Bởi ở đó chị giống như một phù thủy biến tấu để tạo ra những món ăn ngon.

 

. Chị nghĩ mình là người như thế nào?

+ Tôi là con người khá là trong suốt. Mình nghĩ gì, cảm thấy gì thì sẽ thể hiện như thế, cả trong kinh doanh, gọi vốn đầu tư cũng vậy. Tôi cũng là phụ nữ đam mê kinh doanh, rất yêu nhân viên của mình, yêu cái mình đang làm. Không tỏ ra mình là người đàn bà cứng rắn, đanh thép hoặc là người tiền nong rất là nhạy bén, đó không phải bản tính nên tôi không cố được, trong kinh doanh họ chấp nhận mình mới đi dài, không thể hiện 100% màu sắc của mình thì họ cũng không muốn đi sâu hơn, mình càng thật thà càng tốt.

. Đã bao giờ chị thất bại chưa?

+ Phải định nghĩa thất bại là gì đã. Với tôi, có nhiều khó khăn như bị hạn chế về vốn, có lúc kêu gọi đầu tư tưởng họ vào rồi nhưng sát nút họ không vào nữa, lúc đó thất vọng lắm. Hoặc căng thẳng nhất chuẩn bị mở thêm cửa hàng thì nhân viên quan trọng nghỉ việc. Kinh doanh đó là một chuỗi các bài toán không bao giờ giải hết. Mỗi ngày là một bài toán phải giải, hết bài này đến bài khác. Bài toán xảy ra hằng ngày, có bài toán cả tháng trời mới giải được nhưng quan trọng là luôn đi tiếp, không để nằm đấy, giải sai cũng được. Trong Kafe có những lúc làm ra món ăn khách hàng hoàn toàn thất vọng, có những lúc bị làm ầm lên trên mạng xã hội, bị nói xấu rồi nhiều người lao vào, có thời điểm có sự kiện bung lên rất mạnh khiến tôi lo lắng, sợ ảnh hưởng đến tiếng tăm của công ty, khách hàng. Nhưng rồi tôi chọn giải pháp im lặng cải thiện, không nói, không tranh luận lý lẽ, dần dần xuôi đi.

______________________________________

Đỗ Chi Anh sinh năm 1984 ở Nga, lớn lên ở Đức và Đài Loan, học phổ thông ở Việt Nam, học ĐH ở Singapore. Hiện là giám đốc Công ty TNHH Kitchen Art Vietnam. Cô là đồng tác giả của những đầu sách nấu ăn best-seller (Chuyện 2 Căn BếpHai Căn Bếp Ngọt Ngào) và là gương mặt quen thuộc trên những show dạy nấu ăn trên truyền hình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm