Người đưa hàng ngàn liệt sĩ về ‘đón tết’ tại nghĩa trang quê nhà

Một sáng xuân, trời se lạnh, chúng tôi theo chân Cựu chiến binh Đào Thiện Sính (68 tuổi, ở thị trấn Khánh Vĩnh, người đã gần 40 năm đến trên 200 nghĩa trang ở miền Nam ghi chép và viết thư báo tin cho thân nhân liệt sĩ). 

 Về để lòng người thanh thản     

Tại nghĩa trang Hòn Dung, TP.Nha Trang (tỉnh Khánh Hoà), bất ngờ gặp chị Trần Thị Huyền Trân (37 tuổi), con dâu của liệt sĩ Lương Khanh (sinh 1955, ở phường Vĩnh Trường). Ông Sính và chị Trân cùng bùi ngùi đến bên ngôi mộ liệt sĩ Lương Khanh thắp nén hương. Chị Trân xúc động kể lại: “Đây là ngôi mộ cha chồng của tôi, ông nhập ngũ năm 1976 và hy sinh năm 1978 trong khi làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia anh em”.

Ông Đào Thiện Sính tại nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung TP.Nha Trang và nghĩa trang thị xã Ninh Hoà.Ảnh: C.THI

 Cũng theo chị Trân, khi về làm dâu trong gia đình chị mới biết, ngày cha hy sinh, trong điều kiện gia đình rất khó khăn, nhưng mẹ chồng chị vẫn tần tảo nuôi con trai duy nhất mới 3 tuổi khôn lớn. Bà cứ thầm mong ước, làm sao biết được mộ ông giờ ở nơi đâu trên đất bạn?  Mơ là vậy, nhưng chắc chắn là vô vọng rồi...

“Hôm bất ngờ nhận được thư của bác Đào Thiện Sính báo tin, biết mộ của cha tôi được chôn cất chu đáo tại nghĩa trang ở tỉnh Tây Ninh. Các bác và đồng đội của cha đã giúp đưa về an táng tại đây. Thật tiếc, nếu mẹ tôi còn sống (bà mất 1993) chắc chắn bà sẽ rất mừng về điều kỳ diệu này. Vậy là Tết này, cha tôi, người ông của chúng tôi, liệt sĩ Lương Khanh đã về yên nghỉ tại nghĩa trang quê nhà, một cảm giác vô cùng ấm áp bên cháu con”, chị Trân xúc động.

Tiếp tục theo chân ông Sính đến nghĩa trang liệt sĩ của thị xã Ninh Hoà. Chúng tôi gặp anh Bùi Văn Được cũng đang sửa soạn những bó hoa cúc vàng tươi và thắp nén hương phần mộ anh trai của mình là liệt sĩ Bùi Văn Phước (ở xã Ninh Tân, hy sinh năm 1982 tại Campuchia, khi mới tròn 22 tuổi).

Cùng chung nghĩ suy với gia đình chị Trân ở Nha Trang, anh Được chia sẻ: “Gia đình chúng tôi cũng được bác Sính báo tin cho biết, mừng quá, nên gia đình đã đưa anh chúng tôi về an táng tại nghĩa trang quê nhà, rất cảm ơn bác Sính và đồng đội của anh tôi”.

 Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, đón chúng tôi vào thăm nhà liệt sĩ Hoàng Văn Thìn (dân tộc Tày), bà Hoàng Thị Kỳ Hương, em gái của liệt sĩ Thìn (tổ 5 thị trấn Khánh Vĩnh) chia sẻ: “Anh trai tôi vào Nam chiến đấu và hy sinh năm 1973 tại chiến trường Nam Bộ. Hơn 40 năm qua, nay bất ngờ nhận được thư ông Sính báo tin, đồng thời chỉ dẫn chu đáo, giúp cả gia đình vừa vào nghĩa trang ở Tây Ninh viếng mộ anh mình. Chưa có điều kiện đưa anh chúng tôi về, thế nhưng Tết này cả dòng họ sẽ rất vui vì như đã có anh về “ăn Tết”…    

Người kết nối hoàn hảo

 Tất cả những gia đình kể trên đều nói trong nước mắt vui sướng khi nói về ông  Đào Thiện Sính: “Chính bác Sính là người kết nối hoàn hảo giúp chúng tôi”.

Hàng chục năm qua ông Sính đã đi đến trên 200 nghĩa trang (từ Quảng Trị trở vào) và đã viết trên 30 ngàn thư gửi đi báo tin cho thân nhân liệt sĩ. Nhận và lưu giữ hàng nghìn cuộc điện thoại, địa chỉ hồi âm…Riêng số liệt sĩ thuộc tỉnh Phú Khánh, ông đã tìm được 163 trường hợp lạc sang nghĩa trang khác theo quy định. Trong số này, có khoảng 20 trường hợp đã hồi âm và nhiều gia đình đã liên hệ hồi hương liệt sĩ về nghĩa trang quê nhà.

Ông Sính bên bàn làm việc đang viết thư gửi gia đình tìm người thân là liệt sĩ. Ảnh: C.Thi

Trường hợp liệt sĩ Lương Khanh kể trên, qua điện thoại, biết gia đình rất khó khăn, người con trai duy nhất của liệt sĩ là Lương Quanh Thanh, lúc cha hy sinh anh mới 3 tuổi. Rồi mẹ mất năm 1993, vợ chị đi làm thuê, 2 con gái, nhưng cháu lớn phải nghỉ học để mưu sinh…hiện giờ anh Thanh lại bị bệnh chỉ ở quanh trong nhà. Vì vậy ngoài việc tạo mọi điều kiện giúp đưa liệt sĩ về quê, ông còn tặng quà cho họ.

Theo ông Sính, hiện nay, khắp các nghĩa trang có nhiều tấm bia chỉ ghi tên người mà không rõ địa chỉ. Theo số liệu của ngành bưu điện, ở các tỉnh phía Bắc có đến 7 nghìn xã, phường. Từ nay, ông sẽ lại triển khai mô hình “kết nối mới”, với ông, sẽ lại viết hàng trăm cái tên trên bia mộ, rồi gửi đến trên cả nghìn thư (cho 7 nghìn xã, phường) và hy vọng vào một kết quả mới kỳ diệu hơn.

Niềm vui nhân đôi

Ở cái tuổi 68 rồi, ông  Sính vẫn “mãi khúc quân hành” đến các nghĩa trang. Ông thường nói rằng, cũng có người hiểu sai về ông, họ gọi điện hỏi và nhờ tìm mộ liệt sĩ theo kiểu “thị trường”. Với ông, chỉ chú tâm vào việc thiện ông đã làm gần 40 năm qua. Ông luôn tự hào về cái việc ông làm gần bằng với tuổi đảng của ông.

Theo ông Sính, tất cả 4 người con của ông (2 trai, 2 gái), đều đã trưởng thành, tự lo được nhà ở và việc làm ổn định. Cả nhà ủng hộ việc ông dùng lương hưu đi làm và cả cộng đồng ủng hộ ông làm việc thiện. Khâm phục trước những nghĩa cử nặng lòng với đồng đội, các ông Phan Văn Phúc (Cựu tù Côn Đảo), Thiếu tá Vũ Chí Bộ, Thượng tá Trịnh Minh Sửu…ở thành phố HCM, các CCB ở thaˋnh cổ  Quảng Trị, chị Trần Thị Anh Đào (vợ một Thượng tá quân đội ở Nha Trang…), đã thường xuyên giúp hàng chục triệu đồng để ông mua bì thư và giấy viết…chắc chắn, họ cùng chung niềm vui với những kết quả vô cùng hiệu quả mà ông Sính đã cống hiến gần 40 năm qua.

Người lính già với chiếc ba lô trên vai vẫn miệt mài giúp đồng đội về với gia đình. Ảnh: C.THI

68 tuổi, ông vẫn khoẻ mạnh, vẫn chiếc ba lô trên lưng và đội mũ cối hành quân. Có lẽ cả ông Trời và hương hồn của các liệt sĩ đã “ban tặng” cho ông một sức khoẻ đến phi thường để ông làm việc thiện cũng phi thường.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư chi bộ đảng, nơi ông Sính tham gia sinh hoạt chia sẻ: “Tôi tin Đảng bộ huyện Khánh Vĩnh, các đảng viên trong chi bộ chúng tôi rất tự hào về những cống hiến của bác Sính, đài, báo…đưa tin nhiều về bác, dù bác chưa nhận được một tấm bằng khen nào. Nhưng bác vẫn toàn tâm làm việc thiện. Đây là công việc mà hiện nay Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, giúp vơi đi những nỗi đau cho bao gia đình. Giúp cho hàng nghìn liệt sĩ về “đón xuân mới” tại nghĩa trang quê nhà”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm