Người mê “vọc đất” bên sông Thu

Anh cứ nhẹ nhàng, tỉ mẩn gạt từng mẩu đất sét trên khuôn mặt huyền bí của bức tượng nàng vũ nữ Apsara sắp hoàn thành. Quanh chân anh, những nàng Apsara khác bằng đất sét còn chưa kịp khô như đang đắm mình trong một điệu múa Chăm xưa.

Người mê “vọc đất” bên sông Thu ảnh 1

Người mê “vọc đất” Lê Đức Hạ. Ảnh: NGUYỄN MINH

Cuộc chuyện trò với đất

Lê Đức Hạ đến với nghề làm tượng, hàng mỹ nghệ bằng đất nung như một mối lương duyên. Cha anh là một nghệ nhân làm gốm có tiếng. Từ ngày bé, Lê Đức Hạ đã mê mẩn với từng nắm đất sét dẻo quánh nằm dưới các cánh đồng xứ Quảng. Những nắm đất sét đã làm nên kinh thành Trà Kiệu xưa, làm nên những ngọn tháp Chăm rêu phong ngạo nghễ với thời gian. Lớn lên, anh xin vào làm công nhân lò gốm. Nhưng rồi lò gốm làm ăn thua lỗ, giải thể. Anh lang thang kiếm sống với đủ thứ nghề, từ buôn gà buôn dưa đến chụp ảnh thuê.

Thế nhưng những mẩu đất sét dẻo quánh gắn bó với bao nhiêu năm tuổi thơ vẫn cứ quẩn quanh trong tâm trí anh Hạ. “Cứ rảnh ra là tôi lại ngồi nặn mấy con vật bé xíu, đủ thứ loại nai, hươu, rùa, rắn… rồi bỏ trong lon sữa bò, đốt lửa nung đỏ chơi cho đỡ nhớ đất. Ngờ đâu mấy ông chơi non bộ thấy thích, đặt làm. Vậy là từ từ tôi chuyển qua làm tượng đất nung, ngồi vọc đất suốt ngày đã đời luôn” - anh Hạ cười sảng khoái, đôi bàn tay và khuôn mặt chai sạn bết đầy những vệt đất sét.

Người mê “vọc đất” bên sông Thu ảnh 2

Anh Hạ bên những sản phẩm gốm đất nung của mình. Ảnh: NGUYỄN MINH

Bây giờ, cái xưởng nhỏ của Lê Đức Hạ đã làm ra đủ thứ mặt hàng mỹ nghệ bày bán khắp các khu du lịch ở Quảng Nam và dọc chiều dài đất nước. Xưởng của anh giải quyết việc làm cho hàng chục thợ là người địa phương. Từ những bức tượng vũ nữ Chăm, những mục đồng chăn trâu thổi sáo, trẻ con hát đồng dao, chơi mo cau cho đến đèn tường, tranh tường... đều mang một sắc thái rất riêng không lẫn, mộc mạc nhưng sống động. Tượng, đồ trang trí bằng đất nung của Hạ mang hơi thở của những ngọn tháp Chăm huyền bí, trầm mặc và sảng khoái sắc hương nội đồng xứ Quảng. Cái xưởng nhỏ nằm chênh vênh bên sông Thu Bồn luôn có khách tìm tới thăm. Lúc thì bạn bè đến xem, bình phẩm, góp ý với những sản phẩm, tác phẩm mới. Lúc thì người tới đặt hàng. Lúc thì mấy đứa nhỏ trong xóm qua ngồi chồm hổm xem chú Hạ “vọc đất”.

Người mê “vọc đất” bên sông Thu ảnh 3

Tạo phôi cho sản phẩm. Ảnh: NGUYỄN MINH

Sản phẩm trong xưởng, có thứ anh bán để kiếm sống, nhưng có thứ anh làm để một mình hay cùng bạn bè… ngắm chơi mà thôi. Lê Đức Hạ đến với đất như một anh thợ cần cù mưu sinh, nuôi sống bản thân và gia đình, tạo việc làm cho bà con quê hương mình. Không những thế, anh lại như một gã lãng tử trong cuộc rong chơi bất tận với đất.

Nhớ khi vợ mắc bệnh nặng, anh cùng vợ rong ruổi mấy tháng trời khắp các bệnh viện trong Nam ngoài Bắc để chạy chữa. Vậy mà bao giờ trong hành trang mang theo của anh cũng có một bịch đất sét to kệch. Khi vợ đã ngủ thiếp đi, anh mới lặng lẽ tìm một chỗ vắng trong bệnh viện, bày đất sét ra, nắn đủ các loại hình thù cho bớt nhớ nghề, bớt lo lắng, và còn để… tặng vợ.

“Vọc đất” theo kiểu của Hạ

Những tác phẩm ngẫu hứng của Lê Đức Hạ cứ thế tỏa đi khắp nơi, theo chân du khách ra nước ngoài. Sản phẩm đất nung với màu đỏ chủ đạo cùng những sắc màu lạ khác trong cuộc phối ngẫu giữa đất và lửa, vừa thô mộc lại vừa sắc sảo, đã chinh phục được nhiều khách hàng.

Thấy Hạ làm ra nhiều thứ lạ, hay và được du khách ưa thích, có công ty du lịch ngỏ ý đưa khách ghé tham quan cơ sở đất nung mỹ nghệ của anh trong tổng thể tour du lịch các làng nghề truyền thống ở Điện Phương (Điện Bàn, Quảng Nam). Họ “chỉ đạo” anh khi khách đến thì “giấu” hết mấy thứ máy móc tự chế của anh đi, ra giữa sân làm bằng tay không cho có vẻ… truyền thống. Hạ lắc đầu: “Chỗ tôi chỉ là một cơ sở đất nung mỹ nghệ. Tôi chỉ là kẻ ham vọc đất theo nghề của cha. Khách tới thì tôi sẵn sàng đón tiếp, cho họ xem tôi làm đất nung theo kiểu của tôi, chứ tôi không làm trò để lừa họ đâu”.

Người mê “vọc đất” bên sông Thu ảnh 4

Những sản phẩm đất nung huyền bí. Ảnh: NGUYỄN MINH

Anh Hạ chỉ cho chúng tôi xem cái bàn xoay có gắn môtơ và hộp số xe máy do anh mày mò tự chế. Không cần phải dùng chân để đẩy như cha ông vẫn làm, chỉ cần cắm điện là bàn xoay có thể xoay nhanh hay chậm tùy thích khi nhấn số từ một đến bốn. “Tiện lắm, làm lu, hũ… sẽ nhanh và tròn trịa, chất lượng hơn hẳn” - Hạ hào hứng khoe. Rồi anh nói tiếp: “Những công đoạn phụ, cái gì dùng máy móc được là tôi đưa vào ngay để người làm họ bớt khổ. Có cái máy nhồi đất thì dại gì mà nhồi bằng tay, vừa cực vừa không đều, cho ra sản phẩm có phẩm chất kém. Truyền thống đâu có phải là giữ mãi cái lạc hậu. Phải thay đổi để sản phẩm bền, đẹp hơn chứ. Nhiều thứ dùng để trang trí ngoài trời mà làm thủ công hết là chóng hỏng lắm”. Thế nhưng không phải công đoạn nào cũng dùng máy móc hết được. Tạo đường nét cho sản phẩm, những họa tiết, hoa văn… đều phải bằng tay. Phải nắn, gạt từng tí ti đất một trên mỗi mẫu sản phẩm bằng tất cả sự tỉ mẩn, khéo léo và đam mê.

Để giới thiệu sản phẩm của mình, Hạ còn cày cục học Internet, làm cho mình một trang web riêng mang tên Đất nung Lê Đức Hạ ở địa chỉ datnungcuaha.com. Ngày miệt mài nặn đất sét, tối về gã “nghệ nhân thời @” lại lướt web tìm kiếm thông tin, nghĩ ra những ý tưởng mới lạ. Thỉnh thoảng, anh còn đưa vài sản phẩm tâm đắc, thích thú lên blog để khoe cùng bạn bè và mong nhận về những góp ý, bình phẩm.

Bao nhiêu nằm, ngồi lì trong cái lán nhỏ bên sông Thu tự tình với đất như thế, niềm đam mê của Lê Đức Hạ dường như chưa khi nào vơi cạn.

NGUYỄN MINH

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…