Gặp gỡ tháng Tư - Kỳ 1

Người rải tro đồng đội trên sông Thu Bồn

LTS: Sau chiến tranh, nhiều người Mỹ là các cựu binh, là mẹ của các cựu binh hoặc doanh nhân đã quay lại Việt Nam, đến với một đất nước mà chiến tranh từ nước họ gieo rắc nơi quê hương này. Tháng Tư, tôi viết về họ và những cuộc gặp gỡ có ý nghĩa cùng hướng về phía trước!

GS Herrmann bị bắt quân dịch và bị đưa đến chiến trường Quảng Nam lúc 25 tuổi. Giờ đây ông là giáo sư khoa Công tác xã hội của một trường ĐH ở New York. Ông hiện là giám đốc chương trình phi chính phủ mang tên Quỹ Đà Nẵng/Quảng Nam và giám đốc chương trình giáo dục quốc tế của Suny Brockport. Ông cũng là tác giả của nhiều sách giáo khoa, bài báo và nhiều cuốn sách lên án nạn xâm phạm tình dục trẻ em.

Ám ảnh dai dẳng…

Sau khi đi quân dịch một năm (1968-1969) trong một đơn vị bộ binh, đóng quân ở Hiệp Đức, phía Tây Quảng Nam, Kenneth J. Herrmann, Jr. trở về Mỹ tiếp tục làm việc trong một cơ quan công tác xã hội và sau đó đi học ĐH, rồi trở thành giảng viên của Trường ĐH Brockport, New York. Ông lấy vợ nhưng không dám sinh con vì sợ nhiễm chất độc da cam lúc ở chiến trường Việt Nam.

Vợ chồng ông nhận nhiều đứa con nuôi châu Á. Nhưng... “vợ tôi đã nhìn thấy tôi bấn loạn cùng những cơn ác mộng diễn ra suốt đêm. Cô ấy nhìn thấy phản ứng sợ hãi của tôi giữa những cơn mơ. Cô cũng từng chứng kiến nhiều đêm tôi trở dậy và bò lổm ngổm quanh giường như để tránh đạn trong những trận đánh nhau...”.

Những hồi ức đẫm máu về những người dân Việt Nam bị sát hại, trong đó có cả trẻ em... đã khiến Herrmann không bao giờ yên ổn, mặc dù ông đã có gia đình và công việc ổn định.

Ông được vợ khuyến khích trở lại Việt Nam năm 1998. “Đây giống như một chuyến đi định mệnh. Cũng như nhiều cựu binh khác, tôi bị ám ảnh rất nhiều. Tôi tưởng dễ dàng bước ra khỏi ký ức của cuộc chiến ở Việt Nam, vậy mà không, nó cứ dai dẳng bám theo tôi...”.

Herrmann trở lại Đà Nẵng và tìm đến nơi trung đội bộ binh của ông đã trú đóng 30 năm trước. “Đà Nẵng tràn ngập tiếng nhạc, tiếng cười nói của con trẻ, câu chuyện vui của những bà nội trợ và hàng ngàn chiếc xe máy đan dệt như mắc cửi trên đường phố. Không gian thoảng làn gió biển, hương của những loài hoa, mùi thơm của những món ăn ngon lành nóng sốt... TP này đổi đời cho những ai có máu khám phá. Tôi có cảm giác như đã chết ở một nơi cách Đà Nẵng 60 km về phía Tây Nam hồi cuối thập niên 60 (thế kỷ trước) và kỳ lạ thay được hồi sinh 30 năm sau đó” - ông bộc bạch.

GS Herrmann trở lại Việt Nam nhiều lần làm công tác xã hội. Ông cũng là tác giả quyển sách Một người Mỹ ở Việt Nam hôm nay.  Ảnh: TĐT

Đưa sinh viên Mỹ sang Việt Nam

Quay về Mỹ, GS Herrmann lập ra chương trình giáo dục quốc tế Suny Brockport để đưa sinh viên của ĐH bang New York sang Việt Nam với mục đích giúp sinh viên Mỹ có “một vốn hiểu biết về Việt Nam, giúp các em phát triển kỹ năng giao tiếp với người Việt và tạo cho các em cơ hội giúp đỡ người nghèo...”. Từ khi bắt đầu năm 2001 đến nay, chương trình vẫn đang tiếp tục với mỗi năm ba khóa học tại Đà Nẵng và các vùng phụ cận thuộc Quảng Nam.

Có lần ông đưa sinh viên đến một làng quê ở Quế Sơn, một nông dân 45 tuổi đã kể chuyện cho họ nghe: Mẹ anh bị bệnh, điều trị tại một bệnh xá của quân giải phóng ở Hiệp Đức thì máy bay Mỹ đến thả bom. Hơn 30 năm nay anh không tìm được xác mẹ để chôn cất cho tử tế và “chết mất xác là nỗi đau ghê gớm đối với người Việt Nam…”. Các sinh viên hiểu thế nào là nỗi đau cuộc chiến từ lời kể ấy.

Theo đánh giá của chương trình Suny Brockport, những khóa học đã mang lại cho các sinh viên Mỹ những nhận thức đúng đắn về một nền văn hóa và một đất nước chứ không phải một cuộc chiến theo một chiều mà những nhà chính trị ở Mỹ lẫn các nhà làm phim ở Hollywood đã tưởng tượng ra để “nhồi” cho họ.

Cuộc tháo chạy của bản thân

Trong nhiều chuyện kể về những năm trở lại Việt Nam của GS Herrmann, có một chuyện hết sức cảm động: Ông đã đưa các sinh viên Mỹ đến thắp hương nhiều nghĩa trang liệt sĩ ở miền Trung Việt Nam - “nơi yên nghỉ của những “kẻ thù” của hôm qua đã chiến đấu để tự bảo vệ cho quê hương họ”, thăm những người dân quê từng trải qua những đau khổ của chiến tranh…

Và cảm động lên đến đỉnh điểm khi ông mang tro cốt của một cựu binh tên Rick Bradshaw, chết tại Mỹ vì di chứng của chiến tranh ở Việt Nam, rải trên thượng nguồn sông Thu Bồn (theo di chúc của anh và đề nghị của vợ anh) trước sự ngậm ngùi của cả sinh viên Mỹ lẫn những người dân Việt Nam chứng kiến. 

Bài thơ của Rick Bradshaw để lại được GS Herrmann đọc vào phút trước khi tháo túi vải đựng tro cốt của bạn:

 Một mai khi tôi chết

 Tôi muốn tro tàn xác thân tôi

 Theo gió núi rải đi khắp cao nguyên Trung phần Việt Nam

 Từ nơi này tâm hồn tôi

 Sẽ dõi nhìn vẻ đẹp cuộc đời

 Và dòng nước của trời sẽ gột rửa tâm hồn tôi

 Mang đến những thửa ruộng bậc thang

 Mọc lên bên sườn đồi...

 Tôi sẽ sống ở đây mãi mãi...

 Để mỗi ngày sẽ trồi lên trong những cánh hoa rừng...

Sau hơn 15 năm sống và làm việc tại Việt Nam, GS Herrmann tâm sự: “Bạn bè, đồng nghiệp tôi miêu tả rằng tôi đã chạy đua với công việc trong vòng 30 năm sau chiến tranh. Đó cũng là cuộc tháo chạy của bản thân. Tôi từng lao vào công việc, phấn đấu hết sức mình để giúp đỡ những người được coi là nạn nhân của xã hội tiến bộ như để tìm quên. Nhưng sau khi tôi đến Việt Nam, tôi đã mở lòng ra với đất nước các bạn và tôi đã tìm được sự cân bằng trong cuộc sống của mình. Tôi gọi đó là “cõi niết bàn””!

Trong cuốn sách Một người Mỹ ở Việt Nam hôm nay viết về cả hai giai đoạn ông đến Việt Nam, Trung sĩ - GS Herrmann cho thấy không dễ dàng khi chọn đứng về phía của công bằng và lẽ phải.

Ông từng gặp sự chống đối của những kẻ đại diện cho phe diều hâu coi ông như “kẻ phản bội lại nước Mỹ”, từng bị vợ đòi ly dị vì hạnh phúc riêng tư bị sứt mẻ khi ông bị cuốn vào công việc từ thiện ở Việt Nam… Nhưng ông đã không lùi bước vì lý tưởng của một nhà hoạt động xã hội vì quyền lợi của công dân nhiều nước, trong đó có việc giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam.

(Còn tiếp)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm