Kỷ niệm 127 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2017)

Nhà sư - họa sĩ vẽ ảnh Bác Hồ

Sư thầy Thích Huệ Văn tên khai sinh là Nguyễn Văn Chủng, quê ở Củ Chi, năm nay gần 70 tuổi, là trụ trì chùa Pháp Giới ở quận Tân Phú, TP.HCM. Những bức tranh tường và Đức Phật trong chùa đều do ông vẽ. Nhiều ngôi chùa khác trong TP cũng mời ông vẽ tranh tường. Với đôi tay đầy những nốt hoa tay, ông chỉ muốn vẽ tranh Phật. 

Trước đó ông cũng đã có một mối duyên kỳ lạ khi nhận lời vẽ ảnh Bác Hồ. Bức vẽ hoàn tất trong căn hầm đặc biệt ngay trước thời điểm lịch sử ngày 30-4-1975, ngày thống nhất đất nước.

Muốn họa lại bức ảnh cũ cắt từ báo

Năm 1959, cậu bé Chủng mới vừa chín tuổi đã chuyên tâm vào chùa tu tập. Ngôi chùa ban đầu Chủng đến tu học là chùa Gò Kén (Tây Ninh), sau đó Chủng về Đồng Nai rồi vô Sài Gòn. Tháng 3-1968, 18 tuổi, Chủng được sư thầy Thích Đạt Hảo đưa về chùa Pháp Quang ở quận 8 tu học và được mang pháp danh Thích Huệ Văn. Nhà sư Thích Huệ Văn có người anh đi theo cách mạng. Mẹ ông làm việc ở Ban hậu cần của Mặt trận giải phóng và đã hy sinh. Nhớ lại những ngày tháng mất mát đó, sư thầy bày tỏ: “Tôi đi tu từ nhỏ, không màng chính sự. Nhưng thấy gia đình mình và nhiều gia đình khác đã trải qua nhiều mất mát, tôi tự hỏi mình có thể vô can? Nếu làm được gì cho nền hòa bình, tôi sẽ làm”.

Từ lúc vô Sài Gòn, sư đã theo học hội họa ở Hội Việt Mỹ. Vì việc học đạt kết quả xuất sắc, sư được nhận học bổng. Những ngày tu ở chùa Pháp Quang, sư Huệ Văn luôn dành tâm trí của mình cho hội họa. Nhiều chùa chiền, tư gia mời sư về vẽ trang trí. Một hôm, sư Huệ Văn được các cán bộ cách mạng liên quận 7-8 nhờ viết truyền đơn và băng rôn cho các phong trào ủng hộ cách mạng.

Sau Hiệp định Paris năm 1973, sư Huệ Văn tìm vào căn cứ ở Bình Dương thăm anh trai là đội trưởng Đội Tuyên truyền giải phóng quân. Đó là một cuộc gặp gỡ đầy xúc động. Hai anh em ôm chầm lấy nhau khóc vì một thời gian dài bặt tin nhau. Nhà sư kể: “Anh Tư đã đưa cho tôi một bức ảnh Bác Hồ. Đó là bức ảnh được cắt từ tờ báo mang từ Hà Nội vào Nam. Chân dung ông cụ sáng ngời, hiền hậu. Tấm ảnh đó đã cũ lắm nhưng anh tôi giữ gìn bên mình như vật quý. Trong lòng tôi rất xúc động, tôi muốn vẽ tặng anh trai một bức ảnh màu Bác Hồ thật đẹp”. Trong cuộc gặp mặt đó, anh trai sư Huệ Văn kể rất nhiều những câu chuyện về Bác với lòng yêu kính vô bờ. Người anh nói khi nào có hòa bình, nước nhà thống nhất, anh sẽ ra thăm quê Bác.

Nhưng sư Huệ Văn chưa kịp vẽ tặng bức ảnh Bác cho anh trai thì người anh đã hy sinh vào tháng 5-1973. Nhà sư nhớ lại: “Tôi đã tìm đọc nhiều sách về cách mạng và các lãnh tụ. Tôi đọc rất nhiều sách về Hồ Chủ tịch. Cuộc đời của Hồ Chủ tịch đã khiến tôi xúc động. Tôi hiểu tại sao anh trai tôi yêu kính ông cụ như vậy”.

Bức vẽ Bác Hồ do sư Thích Huệ Văn vẽ tại chùa Pháp Quang trước ngày 30-4-1975. Bức ảnh này được mang đi diễu hành cùng xe hoa mừng thống nhất đất nước. Sau đó, bức ảnh này được treo trong dịp đại hội HTX Tiểu thủ công nghiệp quận 8.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và ông Huỳnh Văn Hạnh, Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, trong một lần thăm chùa Pháp Giới và sư thầy Thích Huệ Văn.  Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vẽ ảnh Hồ Chủ tịch trong căn hầm đặc biệt

Sư Huệ Văn quyết định gia nhập lực lượng Thanh niên giải phóng của liên quận. Sau đó, sư đảm nhận vai trò đội phó Đội Vận động an ninh Phật giáo liên quận 7-8. Cùng với nhiều nhà sư khác ủng hộ cách mạng, sư Huệ Văn đã trực tiếp vận động hơn 100 chư tăng về ở chùa Pháp Quang từ chối cầm súng tham chiến. Nhiều quần chúng đã theo Phật giáo, đóng góp lương thực, thực phẩm cho người dân nghèo và cho cách mạng.

Những cán bộ của liên quận nhận chỉ thị từ cấp trên rồi nhét vào nải chuối đi “cúng chùa”. Vào chùa họ xuống hầm đọc chỉ thị và họp bàn, sư Huệ Văn cũng tham gia nhiều cuộc họp ở đó. Trước chiến dịch Hồ Chí Minh, tổ chức đề nghị sư Huệ Văn vẽ hai ảnh Bác Hồ. Sư Huệ Văn nhớ lại: “Lúc đó Buôn Ma Thuột đã được giải phóng. Tôi vẽ ảnh Bác trong bảy ngày, từ ngày 20 đến 27-4-1975. Tôi vẽ trên giấy carton, bức vẽ khá lớn, có một bức kích cỡ 1,2 x 2 m. Rất nhiều người đã trầm trồ bảo bức vẽ đẹp quá, có hồn quá. Tôi đặt hết tâm trí của mình vào bức vẽ. Lòng tôi rất vui vì ngày hòa bình cho đất nước đã đến gần”.

Ngày 28-4-1975, đoàn quân giải phóng cánh Tây Nam tiến vào TP. Nhiều cán bộ đóng tại chùa Pháp Quang được sư Huệ Văn đưa tất cả vào hầm. Nhà chùa chuẩn bị truyền đơn kêu gọi binh lính Việt Nam Cộng hòa buông súng, kêu gọi người dân đón mừng quân giải phóng.

Ngày thống nhất, bức ảnh Bác Hồ do sư Thích Huệ Văn vẽ đã được đưa xuống đường diễu hành cùng với xe hoa. Sư thầy nhớ lại: “Cảm xúc lúc đó đặc biệt lắm! Đất nước hòa bình rồi. Tôi nhận nhiệm vụ lái xe đưa cán bộ đi tiếp quản các quận”. Chiếc xe sư Huệ Văn lái là chiếc Jeep. Trên đường tiếp quản vẫn có một số điểm bị phục bắn nhưng bắn trượt. Có người hỏi nhà sư trẻ tuổi tại sao tham gia việc tiếp quản. Sư Huệ Văn trả lời: “Hòa bình rồi, tôi không muốn ai gặp phải sự gì nữa. Tôi là người tu hành, tôi có lái xe cũng ít bị tên bay đạn lạc”.  Sau khi đưa cán bộ đi tiếp quản các quận 2, 4, 8, sư Huệ Văn về chùa Pháp Giới (quận Tân Phú) tiếp tục tu hành. Ông được Ủy ban quận 8 mời ra làm việc cho chính quyền nhưng ông từ chối.

Bức vẽ Bác Hồ trên giấy carton được sư Huệ Văn tặng lại cho ông Ba Tôn, Bí thư liên quận 7-8 lúc bấy giờ và đoàn tiếp quản. Sư Huệ Văn cho biết: “Tôi nghe nói rằng bức vẽ đã được đưa tới dinh Thống Nhất, sau đó tôi cũng không rõ bức vẽ đó được chuyển cho ai. Sắp tới tôi sẽ vẽ lại ảnh chân dung của Hồ Chủ tịch bằng chất liệu sơn dầu trên vải bố để treo trong phòng khách”.

Ông đưa chúng tôi lên chánh điện ngắm bức tranh tường cao 5 m do ông tự tay vẽ. Đó là bức vẽ dưới gốc bồ đề rất đẹp và bình yên. Niềm yêu hội họa vẫn còn nguyên trong nhà sư - họa sĩ. Người như tranh, tranh cũng là người.

Tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người

Sau giải phóng, nhiều gia đình của những người lính Sài Gòn trước năm 1975 rơi vào khó khăn. Sư Huệ Văn canh cánh trong lòng: “Phải có việc làm cho họ thì cuộc sống mới đỡ khổ”. Nghĩ là làm, sư Huệ Văn vay vốn mở cơ sở mây tre lá xuất khẩu, tạo công ăn việc làm cho vợ con của họ. Các sản phẩm mây tre lá của cơ sở Pháp Quang xuất qua Liên Xô, thu về được lượng ngoại tệ đáng kể. Có thời điểm cơ sở nhận giải quyết việc làm cho gần 200 công nhân. Năm 1986, tại đại hội Hợp tác xã (HTX) Tiểu thủ công nghiệp quận 8, sư thầy đến dự với tư cách là chủ nhiệm HTX Mây tre xuất khẩu Pháp Quang. Tại đây, sư thầy nhìn thấy bức ảnh Bác mà ông vẽ được treo trang trọng ở hội trường.

 Năm 1991, Liên Xô tan rã, sư thầy Huệ Văn lại cố gắng vượt qua khủng hoảng kinh tế, gom vốn tiếp tục mở HTX May mặc Pháp Quang, nhận công nhân nghèo vào làm việc. Nhiều nơi nhận tiêu thụ sản phẩm ủng hộ nhà chùa.

Kinh tế ngày càng phát triển, cơ hội việc làm cho mọi người đã rộng mở, sư thầy Thích Huệ Văn mới ngừng làm kinh tế. Chính quyền nhận thấy sự nhanh nhạy của ông lại tiếp tục mời ra làm việc. Một lần nữa ông lại từ chối. Hiện nay ông là phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo TP.HCM.

Nhà sư Thích Huệ Văn đã được chủ tịch nước tặng huân chương Kháng chiến hạng Ba, Ủy ban MTTQ Việt Nam tặng huy chương Vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân và nhiều bằng khen của TP.HCM về sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. 

_________________________________

Ở quận 8 có hai ngôi chùa là di tích lịch sử, một trong số đó là chùa Pháp Quang. Những nhân chứng lịch sử gắn với hai di tích này nay đã già yếu, người còn người mất. May mắn là sư thầy Thích Huệ Văn - trước đây ở chùa Pháp Quang - vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông không chỉ là nhân chứng lịch sử mà cuộc sống của ông còn là một tấm gương lớn.

Anh HUỲNH THANH SƠN,chuyên viên phụ trách lĩnh vực
văn hóa-di sản, Phòng VHTT quận 8, TP.HCM

______________________

* Bài viết có sử dụng tư liệu Lý lịch di tích chùa Pháp Quang của Sở VH&TT TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…