Nhộn nhịp phố hương ngày cận tết

Những ngày giáp tết Tân Mão 2011, đi khắp con phố, đâu đâu cũng thấy cảnh người dân rộn ràng xe hương.

Con đường độc đáo

Vốn là mảnh đất của văn hóa Phật giáo nên nhu cầu về hương trầm ở TP Huế rất lớn. Cứ vào dịp tết, người phụ nữ cố đô khi đi chợ đều không quên mua về thật nhiều hương để dâng cúng ông bà tổ tiên. Người Huế quan niệm làm lụng quanh năm, đến ngày tất niên cần phải có hương trầm để mời ông bà về. Hương trầm thoang thoảng trên bàn thờ sẽ giữ chân tổ tiên trong ba ngày tết.

Nhộn nhịp phố hương ngày cận tết ảnh 1

Chông hương sắp xếp rất bắt mắt. Ảnh: TRIỆU SƠN

Theo cảm nhận tinh tế của một “thổ địa” xứ Huế, phố hương là nơi giúp người ta thỏa mãn mọi giác quan. Người tham quan sẽ được nghe những cô gái Huế ngọt ngào mời chào, được nhìn ngắm một con phố rực rỡ và được ngửi thấy mùi hương trầm ấm cúng.

“Những ngày đầu tiếp cận với nghề, ai cũng bỡ ngỡ vì cách làm hương trầm quá khó. Vậy mà sau gần 30 năm, nghề hương đã phát triển rất nhanh. Bây giờ cả phố ai cũng làm hương, lấy đó làm kế sinh nhai cho gia đình” - chị Hoàng Thị Thủy, một thợ làm hương lành nghề, cho biết.

Nhộn nhịp phố hương ngày cận tết ảnh 2

Biểu diễn cách xe hương thủ công cho du khách xem. Ảnh: TRIỆU SƠN

Theo chị Thủy, nghề làm hương trầm ban đầu chỉ để phục vụ nhu cầu tâm linh cho người dân địa phương. Tuy nhiên, phố hương Huyền Trân Công Chúa nằm ngay trên lối vào các di tích lăng vua triều Nguyễn như Thiệu Trị, Tự Đức, Minh Mạng nên người ta mới nghĩ đến phương pháp nhuộm chông tre nhiều màu để thu hút du khách. Kể từ đó, người dân lại nghĩ ra thêm nhiều cách sắp đặt chông tre thật hấp dẫn sao cho chỉ cần nhìn thôi, du khách đã buộc phải dừng chân lại để ngắm. Chỉ dài hơn 1 km với khoảng 20 quán xe hương, đây quả là một con đường độc đáo của nghệ thuật bài trí với nhiều màu sắc sinh động.

Cuối năm, khách du lịch nước ngoài đổ về phố hương cũng đông hơn. Người làm hương trầm lại thêm một mùa bận rộn với việc biểu diễn cách làm hương truyền thống, đồng thời cung cấp hương cho thị trường tết.

Nhộn nhịp phố hương ngày cận tết ảnh 3

Khách Tây chăm chú lưu lại hình ảnh chông hương đầy màu sắc. Ảnh: TRIỆU SƠN

Tết sung túc của người xe hương

Không chỉ nhờ màu sắc, hương trầm tại phố Huyền Trân Công Chúa còn nổi tiếng nhờ mùi thơm đặc biệt của nó. Đáp ứng nhu cầu người mua, các hộ sản xuất phố hương sáng tạo ra nhiều loại hương đa dạng. Hương thắp có hai loại cơ bản: loại hương để lấy mùi thơm là hương trầm và loại hương để lấy sự ấm cúng là hương bổi, kém thơm hơn hương trầm.

Chị Ngô Thị Ánh cho biết: “Tùy mức thu nhập mà người mua chọn loại hương khác nhau. Hương trầm, hương quế là loại đắt nhất, với mức giá khoảng 150.000 đồng/1.000 que, trừ chi phí thì lãi khoảng 20.000 đồng. Còn hương bổi có giá rẻ hơn, lãi chỉ khoảng 6.000 đồng/1.000 que”.

Nhộn nhịp phố hương ngày cận tết ảnh 4

Sản xuất hương bằng máy thường nhanh và đẹp hơn. Ảnh: TRIỆU SƠN

Hương trầm thoang thoảng trên bàn thờ sẽ giữ chân tổ tiên trong ba ngày tết.

Nhiều thợ làm hương hồ hởi trước thời tiết khá thuận lợi vì có nhiều ngày nắng trong mùa cận tết năm nay. Theo khảo sát của chúng tôi, giá nguyên liệu làm hương trầm đang tăng hơn thường ngày khoảng 5.000-7.000 đồng. Tuy nhiên, nhu cầu mua của người dân vẫn không hề giảm bớt. Ngày bình thường, mỗi người chỉ sản xuất trung bình 7.000-8.000 que hương. Tuy nhiên, để kịp cung ứng đủ hàng cho thị trường tết năm nay nên ngay từ đầu tháng 11 âm lịch, nhiều hộ đã liên tục “tăng ca”. Bà Tôn Nữ Thị Tuyết, trú tại 69 Huyền Trân Công Chúa, cho biết: “Mỗi tối, tôi thường làm thêm khoảng 6.000 que hương để có đủ nguồn hàng bán cho các chợ Đông Ba, An Cựu. Tết năm nay, mặc dù tôi đã từ chối nhiều đơn hàng nhưng vẫn làm không xuể”.

Để theo nghề, một người thợ chỉ cần khoảng 15 triệu đồng tiền vốn. Mỗi thợ đều có kiểu xe hương riêng. Nhìn chung, để có một que hương thơm thì cần trộn đều các nguyên liệu vào với nhau theo một tỉ lệ nhất định, gồm: bột bắc, bột quế, bột đàn, bột hồi và bột bời lời. Khi bột đã nhuyễn, người thợ chỉ việc xe thứ bột hỗn hợp này vào chông hương bằng tre rồi phơi khô khoảng hai ngày.

Nhộn nhịp phố hương ngày cận tết ảnh 5

Hương trầm ở phố Huyền Trân Công Chúa được khách tiêu dùng ưa chuộng. Ảnh: TRIỆU SƠN

Những người trong nghề quan niệm rằng hương tết phải làm kỹ hơn, bột trầm phải nhuyễn và mịn hơn. Quan trọng nhất là khi phơi hương, người ta phải luôn chú ý ngăn không cho người bước qua. Bởi nếu không may có người đi ngang thì toàn bộ số hương đang phơi phải bị vứt bỏ để tránh sự ô uế.

Cứ nhìn những chuyến xe chở đầy hương ra vào không ngớt, có thể biết được mức tiêu thụ hương lớn đến nhường nào. “Làm đến tết chắc cũng thu lãi lớn hơn năm ngoái. Em hy vọng năm nay nhà em sẽ có cái tết sung túc hơn” - em Hoàng Trọng Hưng cười tươi.

TRIỆU SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 1-2011)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm