Những bức tranh biếm họa gây tranh cãi trên thế giới

Tạp chí danh tiếng của Đức Der Spiegel hôm 3-2 công bố trang bìa với hình ảnh biếm họa Tổng thống Mỹ Donald Trump chặt đầu Nữ thần Tự do. Bức ảnh này đang gây ra nhiều tranh cãi trên toàn cầu.

Nhiều tạp chí danh tiếng trước đó cũng từng đăng tải những hình ảnh biếm họa nhạy cảm về chính trị tương tự và phải gánh chịu chỉ trích từ phía dư luận, thậm chí là những hậu quả nặng nề.

Báo Đức gây chấn động

Trang bìa của tạp chí Đức Der Spiegel hôm 3-2 đăng hình ảnh biếm họa Tổng thống Mỹ Donald Trump một tay cầm chiếc đầu chảy máu của tượng Nữ thần Tự do trong khi tay kia cầm một con dao. Chú thích của bức tranh cũng chính là khẩu hiệu tranh cử của ông Trump: “Nước Mỹ trên hết”.

Tờ Washington Post dẫn lời họa sĩ Edel Rodriguez giải thích rằng tác phẩm mang thông điệp ông Trump đang “chặt đầu nền dân chủ Mỹ, chặt đầu một biểu tượng thiêng liêng”. Theo Washington Post, họa sĩ Rodriguez là một người Cuba tị nạn chính trị tại Mỹ từ thập niên 1980. Ông vẽ bức biếm họa so sánh tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) với Tổng thống Mỹ Donald Trump vì “cả hai đều là những kẻ cực đoan”.

Sau khi được đăng tải, bức biếm họa đã gây ra một cuộc tranh luận gay gắt trên mạng xã hội và truyền thông quốc tế. Nhiều chính trị gia và tờ báo khắp thế giới cũng đã lên tiếng chỉ trích bức tranh này. Nhà hoạt động Ezra Levant viết: “Tôi không nhớ Der Spiegel có miêu tả những kẻ khủng bố Hồi giáo như vậy không, khi chúng mới là những kẻ chặt đầu người khác”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu Alexander Graf Lambsdorff cũng chê tấm ảnh là “vô nghĩa”. “Bìa báo đó trêu chọc số phận của các nạn nhân khủng bố theo cách rất bẩn thỉu” - ông Lambsdorff phát biểu với tờ Bild.

Tờ báo Đức Die Welt đã lên án trang bìa của Spiegel làm “tổn hại đến báo chí” nhiều hơn là ông Trump, “bởi vì nó xác nhận thành kiến của mọi người rằng báo chí chính thống đưa tin sai lệch, nhiều phóng viên thích chứng tỏ quan điểm của mình hơn là đưa ra cái nhìn trung lập về những gì đang xảy ra”. Trước những phản ứng từ dư luận, ông Klaus Brinkbaeumer, Tổng Biên tập Der Spiegel, cho biết tạp chí này “không muốn khiêu khích bất kỳ ai”. “Chúng tôi muốn cho thấy rằng bức biếm họa này là về cái gì. Đó là về dân chủ, tự do, tự do báo chí, tự do công lý và tất cả điều này đang bị đe dọa nghiêm trọng. Vì thế chúng tôi đang bảo vệ nền dân chủ” - ông Brinkbaeumer nói.

Bức biếm họa ông Trump chặt đầu Nữ thần Tự do gây tranh cãi.  Ảnh: DER SPIEGEL

Stephane Charbonnier, cố Tổng Biên tập của tờ Charlie Hebdo, là một trong những nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng hồi năm 2015. Ảnh: AP

Một trong các bức biếm họa về nhà tiên tri Mohammed của tờ Charlie Hebdo. Ảnh: AFP

Những biếm họa “tày đình”

Trước Der Spiegel, nhiều tạp chí danh tiếng trên thế giới cũng từng đăng tải những hình ảnh biếm họa nhạy cảm về chính trị gây chấn động thế giới. Những bức biếm họa này sau khi được phát hành đã gây ra những cuộc tranh cãi gay gắt trên toàn cầu, thậm chí khiến các cuộc biểu tình xảy ra…

Ngày 30-9-2005, tạp chí Đan Mạch Jyllands-Posten đăng tải 12 bức ảnh biếm họa về nhà tiên tri Mohammed, trong đó có bức ảnh vị “Sứ giả của thánh Allah” đội quả bom trên chiếc khăn xếp, bom đã được châm ngòi, lời tín điều Hồi giáo được viết trên quả bom. Báo chí của 40 quốc gia sau đó đã đăng tải lại những hình ảnh này. Vụ việc gây chấn động toàn thế giới, đặc biệt là tại các quốc gia Hồi giáo. Những bức tranh này bị coi là đang sỉ nhục và lăng mạ Hồi giáo và nhà tiên tri Mohammed. Còn những người ủng hộ lại cho rằng việc một tờ báo in ảnh biếm họa là quyền tự do báo chí.

Tạp chí Charlie Hebdo là một tuần báo nổi tiếng ở Pháp chuyên về vẽ biếm họa các tôn giáo. Hồi tháng 2-2006, tạp chí Charlie Hebdo đăng lại những bức tranh biếm họa trên của tờ báo Jyllands-Posten khiến cộng đồng Hồi giáo phẫn nộ. Tạp chí này còn đăng tải một bức tranh châm biếm liên quan đến nhà tiên tri Mohammed trên trang bìa, trong ảnh nhà tiên tri này đang khóc, với tiêu đề là “Mohammed đã bị chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đánh bại”.

Nổi tiếng với các bức ảnh biếm họa kích động tranh cãi, tháng 11-2011, tạp chí này đăng bức ảnh biếm họa nhà tiên tri Mohammed với bộ râu dài, mặc áo choàng trắng, giơ một ngón tay lên, trợn mắt nói: “Nếu ngươi không cười nổ bụng sẽ đánh ngươi 100 roi”. Vào năm 2012, khi các cuộc bạo loạn nổ ra ở Trung Đông nhằm phản đối một bộ phim chống Hồi giáo của Mỹ, tạp chí Charlie Hebdo đã đăng tải hàng loạt tranh biếm họa, trong đó có một bức tranh vẽ nhà tiên tri Mohammed trong tư thế khỏa thân quỳ dưới đất. Các tín đồ Hồi giáo phần đông đều có sự mộ đạo và tôn kính rất lớn đối với nhà tiên tri Mohammed. Chính vì vậy, những bức biếm họa có nội dung “tày đình” này đã góp phần đẩy sự mâu thuẫn giữa các giá trị phương Tây với cộng đồng Hồi giáo lên đến đỉnh điểm.

Hậu quả đẫm máu

Mặc dù không vi phạm luật tự do báo chí nhưng các tạp chí sau khi đăng tải các bức tranh biếm họa nhạy cảm về chính trị, tôn giáo… đã phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí phải trả giá bằng tính mạng.

Tạp chí Đan Mạch Jyllands-Posten vào năm 2005 đã phải đối mặt với làn sóng biểu tình chống đối, gây thiệt hại không nhỏ đến tính mạng và tài sản. Nhiều cơ quan ngoại giao của Đan Mạch ở nước ngoài cũng bị phóng hỏa. Có ít nhất 50 người đã thiệt mạng trong các cuộc bạo động này. Tòa soạn báo Jyllands-Posten và các họa sĩ vẽ tranh cũng trở thành mục tiêu tấn công và đe dọa của các nhóm Hồi giáo cực đoan.

Còn với Charlie Hebdo, tòa soạn này liên tục đối mặt với những vụ tấn công. Năm 2011, trụ sở tòa báo đã bị một quả bom xăng thiêu rụi. Đỉnh điểm là vào năm 2015, tòa soạn bị các phần tử Hồi giáo cực đoan tấn công đẫm máu ngay giữa thủ đô Paris nước Pháp. Vụ việc khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có Tổng Biên tập Stephane Charbonnie và làm 11 người khác bị thương.

Các cuộc tranh cãi gay gắt xung quanh các bức biếm họa này thường xảy ra ở hai phe: Phe ủng hộ tự do ngôn luận và phe cho rằng các bức tranh xúc phạm đến đức tin tôn giáo… Hãng tin AFP dẫn lời một nhà nghiên cứu lịch sử báo chí tại ĐH Sorbonne cho rằng “Charlie Hebdo đúng là có ý khiêu khích nhưng “tờ báo này làm đúng vai trò của họ khi khẳng định rằng trong một quốc gia thế tục và theo thể chế cộng hòa, người ta có quyền chế giễu mọi biểu tượng thiêng liêng”. Tuy nhiên, theo Giáo hoàng Francis, việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ để con người được nói lên suy nghĩ của mình vì các lợi ích chung. Nhưng điều gì cũng có giới hạn của nó. “Không ai có thể khiêu khích, không ai có thể xúc phạm đức tin của người khác, không ai có thể lấy đức tin của người khác ra làm trò đùa” - hãng tin AP dẫn lời Giáo hoàng Francis nói.

Tới các “cây hài” cũng chịu thua

Ngày 3-2, các tác giả của loạt phim hoạt hình biếm họa nhiều tập South Park của Mỹ, Trey Parker và Matt Stone, tuyên bố sẽ hạn chế châm biếm về các quan chức chính phủ của Tổng thống Donald Trump trong các tập phim sắp đến.

Trong hai phần trước đó của South Park, Parker và Stone đã xây dựng một nhân vật và nhiều tình tiết lấy cảm hứng từ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump. Tuy nhiên, hai tác giả của loạt phim chia sẻ với kênh truyền hình ABC News (Úc) rằng việc sáng tác trong thời gian tới sẽ trở nên khó khăn hơn nhiều.

Tuy nhiên, Parker và Stone quyết định như vậy không phải vì sợ hãi chính quyền mới. “Thật khó tin là những gì chúng tôi châm biếm giờ đây đã trở thành hiện thực. Chúng tôi đã cố hài hước hóa những điều đã diễn ra trong phần trước. Nhưng giờ thì chúng tôi không thể tiếp tục nổi nữa. Những gì đang diễn ra ngoài đời thật giờ đây còn hài hước hơn mọi thứ mà chúng tôi có thể nghĩ ra. Vậy nên chúng tôi quyết định bó tay và để các chính trị gia tự diễn vở hài kịch của họ” - Parker hóm hỉnh nhận định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm