Những cô gái mê gánh tạ

Những cô gái mê gánh tạ ảnh 1
Phạm Hồng Đào và đòn tạ nặng 80kg - Ảnh: Gia Tiến

Khi nhấc đòn tạ cả trăm ký, trong đầu một lực sĩ chỉ được nghĩ tới một từ “Lên!”. “Không còn chỗ cho sự phân vân: Tôi là ai? Tôi làm được hay không?... Đơn giản là phải chinh phục sức mạnh ngoài ngưỡng mình có thể” - Bích Ngọc, cựu lực sĩ cử tạ nữ của đội tuyển cử tạ TP.HCM, giải thích khi được hỏi về chuyện trong nghề. Trưởng bộ môn cử tạ TP.HCM Huỳnh Hữu Chí chia sẻ: “Đã chấp nhận chơi với tạ thì bất kể nam hay nữ, tất cả đều phải chuẩn bị tâm lý với những chấn thương khi tập luyện hay thi đấu”. “Hoa” trong phòng tạ

"Dựa vào tố chất thể hình của vận động viên, các HLV sẽ tuyển chọn cử tạ nữ theo tiêu chí: cẳng tay, cẳng chân ngắn; khoảng cách giữa bắp tay và cẳng tay phải đều nhau (chân cũng vậy); lưng thẳng, không quá dài; tay, chân thẳng... Ngoài ra còn về sức khỏe bản năng mỗi VĐV, việc luyện tập phải được bắt đầu từ lứa tuổi 10-12”         

HLV LÊ VĂN NGỌT

8g sáng ở phòng tập tạ nhà tập luyện thể thao Phú Thọ (TP.HCM) đã vang lên những cú rớt tạ rầm rầm cùng tiếng hét “Lên!” của các VĐV. Ngô Nhuận Nữ dáng nhỏ nhắn và khuôn mặt lầm lì nhưng hay mắc cỡ khi người ngoài hỏi chuyện, đã khiến chúng tôi bất ngờ khi em từ từ nâng đòn tạ từ 50kg tới 65kg trong vài chục phút suốt buổi tập một cách nhẹ nhàng. Chỉ tới khi ngồi phịch xuống ghế thở, khuôn mặt cô bé mới đỏ rần lên và đẫm mồ hôi. Ở ca tập 8g30-9g30 sáng là nhóm nữ thiếu niên. Cao chưa tới 1,5m, một nữ VĐV năng khiếu của tuyển cử tạ nữ TP.HCM đang giật, đẩy tạ trước mặt các nam lực sĩ. Một quy trình lặp đi lặp lại suốt buổi tập của họ là xoa bột tay chống trượt đòn tạ, thắt đai lưng để tập trung tối đa sức mạnh trước khi giật tạ. Trước đó, mỗi VĐV đều phải uống một viên thuốc dinh dưỡng để làm giãn cơ bắp và tăng cường thể lực trước khi vào các bài tập nặng. Những “bông hoa” hiếm hoi trong phòng tạ này hầu như chỉ quên mình là chân yếu tay mềm khi thực hiện động tác giật đẩy. “Huấn luyện viên nữ không có nên các thầy mệt với các “chị” lắm. Hơi chút là nhõng nhẽo, la chút là dỗi. Không như nam, có khi bực bội thầy quát ầm ầm xong rồi thôi, còn với nữ cứ phải kìm nén lại, có khi còn khó hơn đẩy tạ vượt ngưỡng” - HLV Nguyễn Thanh Phong kể. Có lẽ cực nhất với các nữ lực sĩ là trong những “ngày khó chịu”, các thầy ở đây phải dần quen với những câu bỏ nhỏ ngượng ngùng khi học trò báo “mệt”. Tuy không nghỉ tập nhưng hầu hết các nữ lực sĩ đều phải tập nhẹ, giảm trọng lượng tạ để giữ sức. Ngọc Dung tâm sự: “Trong đội xui nhất là em và Phasiro (một thành viên đội tuyển), cứ tới đợt thi đấu là “dính” ngày mệt. Lúc đó chỉ còn cách uống thuốc cầm cho lùi ngày hoặc quên mình đang “bịnh” để rướn tới thành tích cho đội tuyển!”.
Những cô gái mê gánh tạ ảnh 2
Xoa bột tránh trượt đòn tạ trước khi nâng tạ - Ảnh: Gia Tiến

Cái giá của đam mê Hai năm trước, dân cử tạ Sài thành ít nhiều biết tới hai cái tên Ngọc Bích - Bích Ngọc. Cặp chị em song sinh này có thành tích khá tốt trong suốt sáu năm mê gánh tạ. Nhưng cuộc chơi không chỉ dành cho sức mạnh mà còn cần sự bền bỉ. Trưa một ngày đầu tháng 10, chúng tôi đã chứng kiến nỗi buồn khó tả của Bích Ngọc, cô gái 19 tuổi mới từ giã môn cử tạ được một năm. Ngọc gần như bật khóc khi nhận lời thách thức của bạn bè thử giật đòn tạ chỉ 65kg và bị bật ngã... Dù đổ thừa tại chiếc quần jean đang mặc làm cô không đủ độ dẻo để thực hiện động tác, nhưng Ngọc vẫn bị Phạm Hồng Đào hóm hỉnh trêu chọc: “Chị tin không? Em mặc quần jean “chơi” với chị nè!”. Ở thời điểm năm 2008, Bích Ngọc có thể thực hiện động tác giật đẩy với thành tích từ 65-90kg. Các HLV đội tuyển cử tạ TP.HCM cho biết đa số nữ VĐV đều có hoàn cảnh đặc biệt. Theo đuổi môn cử tạ nữ, Nhuận Nữ nghỉ học từ lớp 6 vì không đủ tiền đóng học phí. Phạm Hồng Đào thì ở quận Bình Tân nên trừ lịch tập ở Phú Thọ, Đào không thể tới Trường Nghiệp vụ TDTT 2 (gần vòng xoay Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1) học bổ túc buổi tối. Lịch tập trùng với giờ học nên đó cũng là lý do họ phải chọn lựa một trong hai. Cha mẹ những nữ VĐV khác đa số chạy xe ôm, ở nhà làm nội trợ hoặc ốm đau không đủ sức lao động. Vì vậy với lương tháng hơn 3 triệu đồng, các nữ VĐV nhỏ bé này trở thành “lao động” chính giúp đỡ gia đình.  Thoáng chút xót xa trong câu chuyện của các thầy khi nói về học trò: “Nữ cử tạ thường có tuổi nghề giới hạn, đa số các em đều dừng tăng thành tích ở tuổi hai mươi. Trong khi thành phố chưa có điều kiện cho các em vừa tập luyện vừa học bổ túc văn hóa, nên đa số khi nghỉ chơi tạ đều bơ vơ không biết đi đâu, làm gì...”. Đơn cử như cặp song sinh Bích - Ngọc, khi đến tuổi ngưng chơi tạ, bài toán cuộc sống của hai chị em cũng khó khăn như khi đối mặt với trọng lượng đòn tạ ngày nào. “Đòn đời” tuy không có số nhưng cũng không dễ dàng chút nào. Hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ khi mới bước qua tuổi 15. Sau khi nghỉ tạ, cô chị Ngọc Bích theo chồng về Nam Định, cô em Bích Ngọc sống một mình trong ngôi nhà nhỏ của cha mẹ ở khu Bình Tây, quận 8. Ở phòng tập tạ của nhà tập luyện thể thao Phú Thọ, những ứng viên vô địch của các giải trẻ toàn thành và toàn quốc đều trong độ tuổi 13-20. Không như đội cử tạ nữ của hầu hết tỉnh thành khác được tập trung đội tuyển tại nơi tập luyện, các nữ lực sĩ của TP.HCM chỉ tập theo buổi rồi về nhà tự túc mọi hoạt động khác.Giữa phòng tập, Như Quỳnh, cô gái 16 tuổi có vóc dáng nhỏ nhắn, yếu nhất trong đội tuyển nhưng đã gắn bó năm năm nay, hồn nhiên chia sẻ: “Hổng biết sao chứ tụi em tập riết rồi mê tạ quá chừng. Giờ chỉ sợ nhất là mỗi ngày tập mà không lên tạ chút nào, vắng tiếng rớt tạ rầm rầm mỗi ngày là như buồn chân buồn tay hết muốn làm gì...”. Chấn thương là chuyện nhỏNăm ngoái, Ngô Nhuận Nữ bị “gánh đùi”. Lúc đang nâng đòn tạ 80kg thì bỗng dưng Nữ bị hoa mắt chóng mặt và làm rớt đòn tạ, bị tạ đè gây chấn thương cổ tay. Cũng may do sức khỏe phục hồi tốt nên chỉ hai tuần sau Nữ có thể tập những bài nhẹ. Còn Như Quỳnh từng bị đau vai suốt hai năm, HLV Lê Văn Ngọt phải chở đi chích thuốc gần một năm mới hết. Cử tạ nữ xuất hiện ở TP.HCM từ những năm 2000, trễ hơn nhiều so với môn cử tạ nam đã phát triển từ các phòng tập thể hình những năm 1980. Bắt đầu ra mắt tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 4 (năm 2002), cử tạ nữ TP.HCM đã mang về một bộ huy chương, trong đó có HCV của Lê Thị Quỳnh ở hạng cân 48kg. Tại Đại hội TDTT toàn quốc lần 5 (2006), cử tạ nữ TP cũng đoạt một HCV ở hạng cân 58kg (Trần Thị Ngọc Dung). HLV Lê Văn Ngọt nói: “Cử tạ nữ rất khó đào tạo vì khâu tuyển chọn rất khó. Ít có cha mẹ nào chịu để con gái mình lao vào môn thể thao dùng sức mạnh này. Đó cũng là khó khăn khiến thành tích đội tuyển chưa được như ý. Nhưng bù lại, những em đã chọn chơi cử tạ thật sự đam mê và luôn cống hiến hết sức, dù giới hạn sức vóc và tuổi nghề hạn chế”.
Theo LÊ VÂN (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm