Những người làm nên huyền thoại - Bài 6: Thiêng liêng nắm đất Vũng Rô

Ở phường 3, TP Tuy Hòa có một người anh hùng của những chuyến tàu Không Số. Đó là Trung tá Hồ Đắc Thạnh, năm nay đã 79 tuổi, thuyền trưởng tàu 41, từng 12 lần chỉ huy tàu vượt biển thành công, mang hàng trăm tấn vũ khí vào miền Nam. Ông đã trở thành nguyên mẫu nhân vật chính trong bộ phim truyện truyền hình Những người lính biển của đạo diễn Trần Vịnh.

Bến đỗ huyền thoại

Ông Nguyễn Văn Tuyên (hiện sống ở Nha Trang, Khánh Hòa) là người đã có năm chuyến vượt biển cùng con tàu 41 do thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh chỉ huy. Bằng giọng nói trầm ấm, ông Tuyên kể: Cuối năm 1964, khi nhận được lệnh của Tư lệnh Hải quân, tàu chúng tôi chuẩn bị xuất bến. Tàu được biên chế 20 người, do anh Hồ Đắc Thạnh làm thuyền trưởng, tôi là pháo thủ. Đêm 26-11-1964, chiếc tàu mang mật hiệu 41 xuất bến tiến thẳng về phía vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) trong tiết trời se lạnh. Để tránh sự nhòm ngó của địch, tàu đi qua đảo Lôi Châu, eo biển Hải Nam và tiến thẳng ra hải phận quốc tế. Sau ba ngày lênh đênh, khoảng 8 giờ tối 28-11, thuyền trưởng lệnh cho tàu chuyển hướng vào bờ. Vừa dứt lời, ba chiếc tàu chiến của địch bỗng xuất hiện chặn ngay trước mũi. Trên không, máy bay địch quần đảo, khoảng cách chỉ chừng hơn 100 m so với mặt tàu. Thuyền trưởng Thạnh nhận định tàu địch chỉ thăm dò, chúng ta không nên manh động.

“Tình hình rất căng, nếu ta tiến thẳng vào Vũng Rô thì chắc chắn bị địch phát hiện. Nhưng nhờ sự mưu trí của thuyền trưởng lệnh cho tàu cứ nối đuôi theo sau tàu địch để tránh sự nghi ngờ. Sau khi không thấy động tĩnh gì, tàu ta chủ động giảm tốc độ, chờ tàu địch khuất xa mới bẻ lái quay vào bến Vũng Rô” - ông Tuyên kể.

Khoảng 12 giờ đêm, tàu 41 vào tới cửa Vũng Rô. Sau khi liên lạc với bến, tàu vội cập bờ để kịp bốc hàng trước khi trời sáng. Bỗng một tiếng động mạnh phát ra, mấy cây gỗ làm bến nhận hàng bị gãy nát. Do nhận định sai về khối lượng vũ khí và trọng tải tàu nên bến không có sự chuẩn bị tốt nhất. Lúc này đã hơn 1 giờ, bến thì hỏng, trời lại gần sáng. Được cấp trên đồng ý, tàu nán lại một ngày để đêm sau thả hàng tiếp. Để tránh bị lộ, tàu được đưa vào sát vách núi, phủ kín lưới đánh cá. Cán bộ, chiến sĩ tàu cùng anh em trên bến rút lên núi đá, trên tàu chỉ còn thuyền trưởng Thạnh và máy trưởng Phan Nhạn trực chiến, sẵn sàng cho nổ tàu khi bị địch phát hiện.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 6: Thiêng liêng nắm đất Vũng Rô ảnh 1

 Tàu Không Số trên bến Vũng Rô huyền thoại. (Ảnh tư liệu)

Đêm sau, việc bốc dỡ hàng được tiến hành thuận lợi, an toàn. “Đây là chuyến hàng đầu tiên của tàu 41, cũng là chuyến đầu tiên mở đường cập cảng Vũng Rô - bến đỗ huyền thoại sau này” - ông Tuyên nói.

Mảnh đất kiên cường, bất khuất

Ông Phan Nhạn, máy trưởng tàu 41, hồi tưởng: “Sau hai chuyến vượt biển thành công vào bến Vũng Rô, đồng chí Hồ Đắc Thạnh tiếp tục làm thuyền trưởng đi chuyến thứ ba (cuối năm 1964). Lần này chúng tôi nhận lệnh phải cập bến Vũng Rô đúng đêm giao thừa. Cũng như lần trước, mọi công tác chuẩn bị đều được tiến hành chu đáo nhưng lần này chúng tôi còn chủ động gói bánh chưng, làm giò chả, chuẩn bị mứt tết sẵn sàng đón xuân tại bến Vũng Rô”.

Trước lúc lên đường, tất cả chiến sĩ trên những con tàu Không Số đều tự làm lễ truy điệu sống cho chính mình. Nghi lễ ấy là lời tuyên thệ cho tâm thế sẵn sàng hy sinh của người chiến sĩ để bảo toàn bí mật cho con đường huyền thoại.

Ông Nhạn kể đêm 27 tháng Chạp năm 1964, sau lễ truy điệu sớm, các chiến sĩ tàu 41 lại lên đường. Đến chiều 30 tháng Chạp, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh cho tàu chuyển hướng vào bờ. “Gần 12 giờ đêm, tàu vào tới Vũng Rô. đội ngũ cán bộ, chiến sĩ tại bến đã chờ sẵn. Gặp nhau tay bắt mặt mừng, chúng tôi vỡ òa trong niềm hạnh phúc. Bất chợt trong giây phút hân hoan ấy một loạt đạn pháo nổ liên hồi vang lên. Từ khoang báo vụ, chiếc radio vang lên lời chúc tết của Bác Hồ. Giao thừa! Vậy là mùa xuân đã đến, thêm một chuyến vượt biển nữa thành công”.

Những người làm nên huyền thoại - Bài 6: Thiêng liêng nắm đất Vũng Rô ảnh 2

Trung tá Hồ Đắc Thạnh. Ảnh: PHẠM VĂN HỌC

Kể đến đây, hai mắt ông Nhạn đỏ hoe. Ông nhớ lại: “Chúng tôi tranh thủ đón tết ngay trên tàu. Trong không khí hân hoan, tràn ngập niềm vui, thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh thay mặt anh em thủy thủ trên tàu chúc tết cán bộ và nhân dân địa phương. Đáp lại, cô giao liên trẻ bày tỏ: “Có Đảng, có Bác Hồ và đồng bào miền Bắc lo cho miền Nam từng khẩu súng, viên đạn; có các anh thủy thủ vượt qua sóng to, gió lớn, đối mặt với quân thù vận chuyển hàng chi viện cho miền Nam, quê hương Phú Yên nguyện xứng đáng với nghĩa tình cao cả đó”. Ai cũng xúc động, nghẹn ngào...

Cũng chính tại bến Vũng Rô này, trong giờ phút chia tay, bất ngờ cô giao liên trẻ xuất hiện, trên tay cầm nắm đất bọc cẩn thận trong chiếc khăn tay trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh, giọng run run cô nói: “Bà con quê hương Phú Yên xin gửi theo tàu các anh nắm đất Vũng Rô, mảnh đất kiên cường, bất khuất. Dù giặc càn quét, lùng sục gắt gao, nhân dân nơi đây vẫn một lòng, một dạ vững tin theo cách mạng, theo Bác Hồ. Có súng, có đạn của miền Bắc chi viện, mảnh đất này sẽ là điểm tựa của những chiến công, quyết đuổi sạch bóng quân thù”.

Trong danh sách sáu người được đề nghị phong tặng anh hùng đợt này (chỉ hai người còn sống, bốn người là liệt sĩ) có tên thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh. Đã 10 năm rồi ông từ chối danh hiệu anh hùng vì một lý do hết sức đơn giản: “Ở Phú Yên, tôi đi đâu, ai cũng biết là thuyền trưởng tàu Không Số Vũng Rô. Tôi thích nhất tên gọi này, chứ đâu cần chi anh hùng với trung tá”.

Đục đá ở Hoàng Sa

Hành trình của con tàu Không Số thường phải đi vòng qua vịnh Bắc Bộ, đảo Hải Nam, chạy sang lãnh hải Philippines, Indonesia, Malaysia rồi mới ngược lên Cà Mau. Lần đó, khi gần đến Hoàng Sa, do sóng to gió lớn, lái tàu lại thiếu kinh nghiệm nên tàu đã phóng lên bãi cạn Hoàng Sa. Ông Hồ Đắc Thạnh nhảy xuống từ cabin, lúc này đã 3 giờ sáng.

Trên bãi cạn Hoàng Sa trước đó đã có hai con tàu mắc cạn phải phá hủy. Tình hình hết sức gay go. Tàu hải quân của Sài Gòn đang đậu ở gần đó…

Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh ra lệnh quyết tâm vượt cạn, không phá tàu. Ông cho thả neo phụ để con tàu không bị gió đẩy vào sâu thêm trong cạn nữa. Một người lính nhảy xuống nước kiểm tra chân vịt xem có bị vướng không. Sau đó, chờ cho thủy triều xuống, tất cả mọi người dùng bất kỳ thứ gì có ở trên tàu mang xuống để… đục đá ngầm bên dưới. “Chúng tôi cứ hì hục đục, sau hai ngày đêm, khi thủy triều lên, con tàu không còn đụng đáy nữa. Tôi lệnh nổ máy, quay neo sau, kết hợp với việc đẩy sào ở hai bên. Khi con tàu vượt khỏi bãi cạn thì da lưng ai nấy đều phỏng rộp, bàn tay ứa máu, người mệt lả…” - Trung tá Thạnh kể.

Thoát khỏi bãi cạn Hoàng Sa, con tàu 41 vô đến Cà Mau an toàn, giao 63 tấn vũ khí đạn dược cho cơ sở.

XUÂN THÀNH - PHẠM VĂN HỌC

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm