Gặp gỡ tháng Tư - Kỳ 2

Những người Mỹ kiên trì vì Việt Nam

Một người là cựu binh, một người có bằng MBA về nhân loại học và từng chống chiến tranh trong thời gian quân đội Mỹ đến Việt Nam. Họ kiên trì hoặc tự vượt qua những ám ảnh chiến tranh, tạo tình bạn giữa những người lính trước kia từng ở hai chiến tuyến, hoặc tìm đến Việt Nam để đóng góp phát triển.

Món quà kỳ diệu sau cuộc chiến

Tháng 2-2017, Pete Pepper và một người bạn trở lại Việt Nam thực hiện một chuyến đi xuyên Việt bằng xe máy. Họ rong ruổi qua nhiều tỉnh miền Bắc và miền Trung. Dừng lại ở Hội An, ông kể về cuốn sách ông đang viết về Việt Nam với những thay đổi sau chiến tranh: “Cuốn sách có được từ những chuyến đi. Tôi sẽ dành nhiều trang cho ngày 30-4 ở các TP của đất nước này…”.

Tôi và Pete Pepper quen nhau ở Đà Nẵng vào một buổi chiều tháng Tư, tình cờ tại một quán cà phê. Đó là một người Mỹ dong dỏng cao, áo quần xộc xệch, vai mang máy ảnh bước vào quán.

Thì ra Pete Pepper cũng là nhà báo. Ông tốt nghiệp trường báo chí Hawaii năm 1971 sau khi rời chiến trường Việt Nam. Ông từng là phi công trực thăng của Lữ đoàn 1, Sư đoàn Không kỵ 101 đóng tại Đà Nẵng, Phú Bài những năm 1965-1967…

Vợ của Pete từng bị xâm hại khi còn bé và một ngày nọ bà tự tử bằng cây súng của chồng còn lưu giữ sau khi rời cuộc chiến tại Việt Nam. “Trong những ngày chịu tang đen tối đó, tôi đã nhận được cuộc gọi cũng đầy chán nản từ người lính cũ của tôi, bảo là anh ấy và các bạn đã đi tìm tôi từ lâu với mong muốn, hy vọng tôi có thể tìm ra cách thức cùng nhau xóa tan những gì của cuộc chiến. Mối ràng buộc của tôi với đồng đội cũ đã đánh thức tôi dậy…” - Pete tâm sự.

Pete vội vã bay đi Chicago gặp ba người bạn, sau này họ đã có mặt trong cuốn phim của ông. Ông tìm lại đơn vị cũ, gặp lại nhiều bạn khác. Họ chọn Pete là “chỉ huy” chuyến sang Việt Nam.

Từ năm 2009, Pete và các bạn của ông đã tìm gặp các cựu binh Việt Nam Hoàng Minh Diệu và Phạm Đức Hải ở Quảng Ngãi, những người lính quê Thái Bình từng đối mặt với họ vào năm 1967. “Chúng tôi nhanh chóng vượt qua những khác biệt và thông cảm cho nhau những gì tệ hại đã xảy ra trong quá khứ. Không có oán trách nào về những gì chúng tôi đã làm. Bây giờ chúng tôi thật sự coi nhau như là anh em và các anh ấy luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim tôi. Tôi có thể nhận thấy rõ ràng rằng các anh ấy cũng dành cho mình” -  ông Pete nói. Đưa cho tôi xem bức ảnh năm cựu binh Mỹ và hai cựu binh Việt chụp cùng nhau năm 2009, Pete bảo đây có lẽ là món quà kỳ diệu nhất.

Bộ phim tài liệu Killing Memories do Pete Pepper sản xuất là câu chuyện có thật của Pete Pepper và các bạn ông. Phim kết thúc với những cuộc gặp gỡ xúc động, nhiều nước mắt giữa các cựu binh ở hai bên chiến tuyến, những người dân thường Việt Nam ở các vùng nông thôn Quảng Ngãi và Quảng Nam. Tại Liên hoan phim “Hope and Freedom Film Festival” tổ chức tại Art Theatre, Long Beach (bang California) năm 2009, phim này đã được giới phê bình đánh giá rất cao.

Pete cho biết hiện ông là giám đốc điều hành quỹ giúp đỡ cựu binh Mỹ. Nhưng thông qua hoạt động của mình, ông trở thành người sản xuất, viết kịch bản và sản xuất bộ phim tài liệu nổi tiếng Killing Memories. Ông cho biết đang viết một cuốn sách tư liệu khác về những lần đến Việt Nam.

Ông Pete Pepper cùng bốn người bạn cựu binh Mỹ gặp gỡ hai cựu binh Việt Nam năm 2009. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ông Peter Ryder trao tiền cứu trợ đồng bào miền Trung bị bão lụt.

Ông Pete Pepper. Ảnh: TĐT

“Bạn hãy đến Việt Nam”

Có bằng MBA về nhân loại học và từng chống chiến tranh trong thời gian quân đội Mỹ đến Việt Nam, năm 1992 Peter Ryder đi du lịch Việt Nam một tuần lễ trong lúc đang làm việc cho quỹ tín dụng Salomon Brothers chi nhánh tại Nhật. Ông kể với tạp chí Credit Suisse: “Tôi đến Việt Nam một tuần và ở lại từ đó đến nay. Điều giữ tôi lại lúc đó và hấp dẫn tôi bây giờ là con người, vùng đất và những gì xảy ra ở đây. Tôi không tìm thấy lý do gì để rời khỏi nơi này. Không có lý do gì mà tôi không ở lại!”.

Peter Ryder kể với nhà báo Frederik Balfour của tạp chí Businessweek: “Cảnh vật, con người, những hàng cây ven đường, công trình kiến trúc từ thời Pháp thuộc, những bãi biển hoang sơ và cả những tà áo dài của nữ sinh đạp xe trong buổi sáng tinh mơ như một tảng bông trôi trên đường phố ở Việt Nam... đã hớp hồn tôi. Trong đó có vợ tôi bây giờ, lúc đó là một sinh viên kiêm thông dịch mới 24 tuổi. Tính ưa khám phá đã giữ tôi ở lại Việt Nam cho đến bây giờ...”.

Ngay từ khi cơ chế đầu tư và kinh tế tư nhân chưa chuyển đổi rõ ràng, điện thoại di động và Internet vẫn còn là những gì vô cùng xa xỉ ở Việt Nam, Peter vẫn tin tưởng đất nước này sẽ phát triển. Trong lúc chờ đợi đó, ông và vợ đã ứng biến mưu sinh với nhiều nghề khác nhau như phân phối mỹ phẩm, mở salon làm tóc, lập công ty công nghệ thông tin.

Sau ba năm “dĩ vạn biến”, Peter có được giấy phép đầu tư xây dựng một tòa nhà bảy tầng tại Hà Nội và sau đó là những dự án khác. Qua mỗi lần như vậy, ông gặp được những người bạn tâm huyết cùng hợp tác như Rick Mayo-Smith lúc đó đang xây dựng khu nghỉ mát năm sao Furama ở Đà Nẵng, sau này khi cùng Rick lập ra Indochina Capital lại có Tùng Kim Nguyễn, một trí thức Việt kiều làm việc tại Golden Sachs (New York) và văn phòng tổng thống Mỹ. Họ trở thành “bộ ba”. Sau năm 1999, họ thành lập Indochina Capital. Theo thống kê, số vốn Indochina Capital đã đầu tư tại Việt Nam đến nay là 250 triệu USD.

Với tư cách là chủ tịch Am Charm nhiều năm tại Hà Nội, ông đã có nhiều đóng góp trong vận động hành lang tại Quốc hội Mỹ đối với việc bình thường hóa quan hệ thương mại và đầu tư của hai nước.

Đầu năm nay, khi trả lời câu hỏi “Nếu ai đó yêu cầu ông tóm tắt trong một câu về Việt Nam, ông sẽ nói thế nào?” của tạp chí Credit Suisse, Peter Ryder đã nói ngay: “90 triệu dân, nhanh nhẹn, tháo vát, thông minh - Hãy đến và làm ăn với họ!”.

Một lần tình cờ gặp Peter khi anh đến trao tiền cứu trợ bão lụt cho UBND thị xã Điện Bàn, Quảng Nam, tôi hỏi câu trả lời mà anh nói với tờ Credit Suisse phải chăng là kết quả của một “Patient American - người Mỹ kiên trì” sau 1/4 thế kỷ ở Việt Nam, Peter Ryder chỉ cười. Nhưng sau đó ông bảo: Đó là một câu hỏi hay!

“Câu chuyện Việt Nam vẫn được tôi nhắc lại từ 15 năm nay, bất cứ khi nào có dịp, rằng trong quá khứ, khoảng 100 năm trước, Việt Nam đã từng là một cường quốc kinh tế ở khu vực Đông Nam Á. Tôi tin Việt Nam sẽ sớm quay lại vị trí này. Nhân tố mô hình thống nhất với dân cư thuần nhất, sử dụng một loại ngôn ngữ tiếng Việt giúp Việt Nam giảm thiểu những xung đột nội tại trong xã hội, đảm bảo sự bền vững trong phát triển kinh tế” - Peter Ryder trả lời phỏng vấn của báo nước ngoài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm