Những sự thật gây sốc về căn nhà 2,2m2 nơi phố cổ Hà Nội

Những ngôi nhà hộp diêm

Nằm sâu trong ngõ Phất Lộc (Phường Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội), căn hộ của bà Nguyễn Thị Tỉnh được cho là căn hộ đặc biệt nhất trong ngõ. Bởi gọi là nhà cho sang chứ thực ra nó chỉ nhỏ tin hin với diện tích 2,2 m2.

Ấy vậy nhưng, đây lại là nơi sinh sống của 4 con người. Bao gồm bà Tỉnh năm nay 75 tuổi. Và 3 mẹ con cô con gái. Trong đó, 1 cháu đã đến tuổi trưởng thành (sinh năm 1992). Cháu nhỏ nhất trong nhà, năm nay cũng đã 11 tuổi.

phố cổ, chật chội, khu nhà ổ chuột
Căn hộ 2,2m2 của gia đình bà Nguyễn Thị Tỉnh là nơi sinh sống của 4 con người.

Nhà nhỏ, để có được khoảng trống trong nhà, ngoài chiếc tủ lạnh – đồ vật bắt buộc phải có để chứa đựng thực phẩm phục vụ cho việc buôn bán nhỏ lẻ nuôi sống cả gia đình, thì trong nhà không thể để thêm vật dụng nào khác. Toàn bộ quần áo, đồ dùng, bát đĩa của gia đình đều được treo kín 4 vách tường.

Sáng tạo” này, tuy có tiết kiệm chút khoảng trống cho căn hộ, nhưng lại khiến cho căn hộ trở nên nóng bức và ngột ngạt đến vô cùng. Vì thế, ban ngày, cả nhà đều di tản đi khắp nơi, người đi học, người đi làm. Chỉ có bà Tỉnh yếu chân nên phải chịu ngồi bó chân ở nhà.

Tối đến, khi mọi thành viên đều phải trở về nhà để ngủ thì căn hộ này không mấy khi được đóng cửa cho dù đó là ngày mưa gió hay bão táp. Và khi đã nằm ngủ là chẳng ai được nhúc nhích. Vì cả nhà cô con gái, ai cũng to cao.

phố cổ, chật chội, khu nhà ổ chuột
Nhà nhỏ và ngắn nên chỉ manh chiếu 1 cũng đã gần kín cả nhà

Đã vậy, do đã bị mất một khoảng diện tích để tủ lạnh nên chỗ nằm của bà Tỉnh thường không đủ dài để có thể duỗi thẳng chân. Nếu muốn duỗi thẳng chân thì hoặc là bà phải gác chân lên tủ lạnh, hoặc là bà phải quay đầu để thò một nửa đôi chân ra ngoài sân.

Chính vì thế, dù đôi chân có yếu, đi lại phải vịn vào bờ tường mới có thể di chuyển, nhưng đêm nào cũng phải đôi ba lần bà Tỉnh lần theo bờ tường của nhà, của ngõ để lang thang ra ngoài đường hít chút không khí, và cũng là để tập thể dục cho đôi chân đỡ mỏi khi phải nằm co quắp trong mấy tiếng đồng hồ.

“Sau này, gia đình có làm thêm 1 gác xép nhưng cũng chỉ đủ chỗ để đồ và cho 1 người lên đó ngủ. Nhưng cứ hễ mưa, căn gác xép lại dột như ngoài trời nên không thể ở được. Vì thế nhà chật vẫn hoàn chật.” – bà Tỉnh chia sẻ.

phố cổ, chật chội, khu nhà ổ chuột
Căn gác xép với chiều cao chừng 60cm nằm ngay trên lối đi chung của khu tập thể là chỗ ở được anh Đức tạo nên để giải bài toán chỗ ngủ cho cả gia đình trong căn nhà chật hẹp.

Cách nhà bà Tỉnh không xa là căn nhà số 34 nơi sinh sống của rất nhiều hộ gia đình cùng trong cảnh chật hẹp, cũ nát.

Trong đó, có căn hộ chỉ vỏn vọn 4m2 nhưng cũng là nơi sinh sống của 4 con người. Đó là căn hộ của bà Nguyễn Thị Mười (sinh năm 1934) và gia đình anh con trai.

Nhà đã chật, bà Mười lại bị tàn tật nên căn hộ càng trở nên nhếch nhác hơn. Vì thế, để có thêm chỗ ở, anh Đức (con trai bà Mười) phải “mượn tạm” trần của lối đi chung trong khu tập thế để dựng lên một căn gác xép với chiều cao khoảng 60cm làm chỗ ngủ.

Sau đó, khi đã có chút kinh tế, gia đình anh Đức chuyển qua nơi khác sống nên căn khác xép được bỏ trống. Và căn hộ của bà Mười cũng chỉ còn lại mình bà. Hỏi chuyện, bà Mười chỉ bảo, vì chân yếu nên mỗi ngày bà chỉ lê lết ra ngõ kiếm chút đồ ăn rồi lại trở về nhà nằm, không muốn giao tiếp với ai.

Đối diện với nhà bà Mười cũng là một căn hộ 4m2, không hề có cửa mà chỉ được che bởi một tấm ri-đô cũ. Đây cũng là nơi sinh sống của một gia đình 3 thành viên. Trong căn nhà, đồ đạc ngổn ngang. Những người dân ở đây cho biết, vì nhà chật chội, tối tăm, nên ban ngày căn hộ này hầu như không có ai ở nhà, chỉ buổi tối cả gia đình mới về đây ngủ…

Theo Minh Anh – Hạnh Thúy (Vietnamnet)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm