Những tháng ngày lịch sử trong kí ức của cô dân y nhỏ

Bà là Nguyễn Thị Hồng Minh, mọi người vẫn gọi là bà Hai Minh (68 tuổi, xã Long Phước, TP Bà Rịa- Vũng Tàu), Nguyên phó chủ tịch UBND Thị xã Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Bà Hai Minh sinh ra trong một gia đình ba thế hệ cùng tham gia cách mạng nên từ nhỏ đã luôn nuôi ý chí căm thù giặc, tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

11 tuổi đã đi trao thư giúp mẹ

Bà Hai Minh tâm sự, từ nhỏ bà đã tận mắt chứng kiến những trận càn tàn bạo của giặc đối với dân làng của mình nên thấy căm phẫn và nuôi ý chí đánh giặc cho bằng được. 11 tuổi, bà đã giúp mẹ (vốn hoạt động cách mạng bí mật) đi trao thư cho những người trong tổ chức.

“Hồi đó mà giúp mẹ đi trao thư, tôi cuốn lá thơ trong lá chuối, cuốn vào ghi- đong xe đạp, chạy xe sát lề. Gặp lính mà cảm thấy không an toàn là buông thơ cho rơi xuống đất luôn để chúng không tìm ra được, nếu cảm thấy anh toàn thì cứ đi bình thường thôi. Mà tôi gặp bọn chúng hoài nhưng không cảm thấy sợ đâu”, bà Hai Minh kể về những lần đi trao thư cho mẹ.

Vì tính chất công việc, mẹ bà Hai Minh thường xuyên vắng nhà, một mình bà phải nuôi mấy đứa em còn nhỏ, chăm lo việc nhà, vừa hoàn thành công tác được giao. Năm 13 tuổi, bà đã tham gia vào đoàn văn công, đội thông tin tuyên truyền của xã, tích cực tham gia vào hoạt động cách mạng.

“Những lúc một mình chăm lo cho cả lũ em thơ còn chưa biết gì, tôi càng căm hờn địch hơn vì sự tàn ác của chúng, chúng đốt nhà mình, làng mình... Vì chúng mà mẹ không thể thường xuyên ở bên chúng tôi được, mọi chuyện trong nhà tôi phải tự lo liệu hết dù còn rất nhỏ”, bà Hai Minh nói.

Bà Hai Minh bên những bức ảnh kỉ niệm của gia đình mình, những tấm bằng khen lúc còn tham gia kháng chiến và sau khi giải phóng. Ảnh: THANH TUYỀN.

Hình ảnh của một xã đội trưởng đi gài bom để mai phục giặc không may bị bom nổ, một người khác anh dũng hy sinh, liều thân mình ném lựu đạn giải vây cho bộ chỉ huy đã mãi khắc ghi trong tâm trí bà về sự khắc nghiệt của chiến tranh.

Trưởng thành hơn, bà trở thành “chị nuôi” của nhiều đơn vị, lo cơm nước, giặt giũ cho mọi người. Sau đó, bà được chuyển qua làm thư kí đánh máy cho ban Kinh Tài (liên quan đến tài chính) rồi tiếp tục được phân công học cứu thương, làm trong đoàn dân y.

Những lần đi tải thương ngoài chiến trường cùng mọi người, bà càng cảm nhận hơn sự khốc liệt của chiến tranh. Các chiến sĩ bị thương nằm la liệt trên chiến trường, trên đầu là trực thăng của địch, bên kia chiến tuyến là bom đạn, pháo liên tục bắn về phía mình, dù trong hoàn cảnh đó, bà và mọi người trong đoàn dân y vẫn phải giữ bình tình để chưa trị kịp thời cho mọi người.

“Mình phải có một tinh thần thép chứ không là dễ bị đánh gục lắm. Vẫn phải bình tĩnh để xử lí vết thương trong khi tiếng bom, tiếng đạn vẫn nổ ngay bên tai”, bà nói.

Đào địa đạo nuôi giấu cán bộ

Những năm sống chung với bom đạn, người dân quê bà Hai Minh thường cùng nhau đào hầm bí mật, đào địa đạo để tự bảo vệ an toàn cho chính mình và người thân trong gia đình. Riêng bà Hai Minh, bà tự tay đào ba căn hầm bí mật ngay trong nhà mình để nuôi giấu cán bộ.

Bà Hai Minh đọc lại những dòng hồi kí mẹ bà để lại. Ảnh: THANH TUYỀN.

“Một mình tôi đào thôi, cứ tranh thủ thời gian rảnh là lại đào. Một cái trong nhà, một cái ngoài gốc me và một cái bên vườn trầu để nuôi giấu cán bộ”, bà nói.

Bà cũng cùng người dân trong xã tham gia đào tuyến địa đạo thông qua nhiều nhà, làm hầm bí mật để nuôi giấu cán bộ. Bà kể, cứ sau giờ ăn cơm chiều, khoảng 6 giờ 30 là mọi người bắt đầu đào tới 11 giờ, có đêm ráng tới 12 giờ cho xong luôn một đoạn địa đạo.

“Dưới hầm tối nên mọi người dùng đèn cầy để lấy ánh sáng. Cứ từ một cái lỗ nhỏ trên tường đất, một tay vịn vào thành đất, chân bước bên đây cái bên kia cái, đạp chân vào lổ đó mà đi xuống. Đào xong là hai cái mũi đen thui vì hít khói đèn cầy. Cứ một đứa đào, hai đứa khiêng, đào xong thì khiêng phần đất đó ra ngoài, người ở trên đưa dây xuống khiêng ụ đất đó lên. Vì mình đào một chỗ lại đi đổ đất ở chỗ khác nên địch khó mà phát hiện được. Địch đi phục kích nhiều lần nhưng cũng không tìm ra được miệng địa đạo”, bà kể lại. 

Kí ức ngày 30-4 và tâm nguyện đi tìm hài cốt liệt sĩ

42 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, khi ngồi nhớ lại khoảnh khắc lịch sử đó, bà Hai Minh nói chân thành: “Cái không khí đó tôi không thể tả lại được”.

Đó là khi quân giải phóng tiến vào giữ lấy những điểm trọng yếu, đuổi giặc ra khỏi mảnh đất của mình, bà cùng bạn bè được trở về lại vùng đất mình sinh ra và lớn lên. “Những ngày tháng chiến tranh đó, tôi không nghĩ là cuộc đời mình sẽ có ngày bước đi thong thả trên con đường làng gần cả cây số như thời khắc đó. Mọi người hân hoan nắm tay nhau đi trên con đường quen thuộc sạch bóng quân thù. Cảm giác sung sướng y như lũ trẻ con được cha mẹ cho quà vậy đó”, bà nói.

Bà Hai Minh bên hai ngôi mộ liệt sĩ mà bà đã tìm được hài cốt, mang về chôn cất ngay trong sân vườn nhà mình. Ảnh: THANH TUYỀN.

Cùng thời điểm đó, bà được phân bổ nhận nhiệm vụ ở Trung tâm Y tế thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Bà kể lại, ở trung tâm lúc đó có một cái máy phát điện nên khi vừa được trả tự do, bà đã nhờ người nổ máy phát điện để trung tâm tiếp tục làm việc ngay trong thời khắc lịch sử đó, ai cũng thấy háo hức.

Năm 1992, bà giữ chức PGĐ rồi sau đó là Giám Đốc Trung tâm Y tế thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đến năm 2000, bà được phân công giữ chức PCT UBND Thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu nhiệm kì 2000-2006. Cũng từ đây, bà bắt đầu hành trình đi tìm hài cốt của các liệt sĩ như một cách để tri ân họ.

Năm 2002, bà bắt đầu đi tìm lại các hài cốt của chính các thành viên trong gia đình của mình rồi từ đó mở rộng ra đi tìm kiếm hài cốt của các liệt sĩ trong và ngoài tỉnh với tâm niệm mong họ được an nghỉ sau khi đã hy sinh cho độc lập của Tổ quốc. Từ đó đến nay, bà đã tìm được gần 700 bộ hài cốt của các liệt sĩ và đưa họ về với gia đình hoặc tự tay chôn cất.

Gần đây nhất, bà tìm được hai bộ hài cốt của hai chiến sĩ ngay trong vườn nhà mình. Vì không tìm được thân nhân, bà đã chôn cất hai người đó ngay trong khuôn viên nhà mình, chăm lo nhang khói mỗi ngày như người thân trong nhà.

Dù đã về hưu nhưng bà vẫn tích cực dành thời gian để đi tìm hài cốt của các liệt sĩ. Với bà, đó là tâm niệm cuối cùng của cuộc đời mình.

   Bàn tay vàng chuyên mổ đình sản

Sau giải phóng, bà Hai Minh học chuyên sâu về ngành y, trở thành bác sĩ chuyên khoa ngoại sản. Từ năm 1988, bà phụ trách khoa sản ở Trung tâm Y tế của thị xã Bà Rịa. Hơn 40 năm làm ngành y, bà đã tiến hành mổ đình sản cho gần 1.000 ca mà không xảy ra tai biến nào. Thậm chí, bà còn mổ miễn phí cho người nghèo, người già. Bà cũng có phòng khám tư vẫn hoạt động cho đến cuối năm 2011. Nhiều người dân ở đây gọi bà là “Bàn tay vàng” về mổ đình sản.

  Khắc tinh của tội phạm tệ nạn xã hội

Thời còn là PCT UBND Thị xã Bà Rịa, Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, bà Hai Minh luôn là người đi đầu trong các hoạt động bài trừ tệ nạn xã hội. Các hoạt động mại dâm trá hình, đánh bài và nạn ma túy trên địa bàn bà đều đích thân tìm hiểu và dẹp loạn. Bà chọn cách thuyết phục, phân tích để mọi người hiểu, nếu biết đó là sai mà vẫn làm thì bà sẽ thẳng tay xử lí, không câu nệ người thân, người quen biết với bà.

“Đó là lần tôi thẳng tay cho ngừng hoạt động một cơ sở kinh doanh mà chủ của cơ sở đó là bà con xa với tôi. Lúc tiến hành kiểm tra, đình chỉ hoạt động tôi mới biết đó là bà con. Tôi thẳng thắn nói rằng, người nào cũng như nhau cả thôi, nhưng nếu là bà con của tôi thì tôi càng không dung túng được”, bà thẳng thừng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm