Nổi tiếng từ... một bông lúa

Ông Dưỡng đã mất ba năm làm nên cái tên “Hồng Ngọc Óc Eo” cho bộ giống của mình. Một giống lúa mới mọc ngay trên nền văn hóa cổ Óc Eo. Ông đang nuôi mộng cải biến nó thành… siêu lúa.

“Làm thử coi nó ra cái giống gì!”

Nhà có 2 ha đất, trồng lúa hàng hóa bán chỉ đủ xoay xở cho gia đình bốn miệng ăn. Cuộc sống tưởng lặng lẽ trôi, nào ngờ một dịp tình cờ, ông Dưỡng được người bạn cho bông lúa lạ.

Cầm vỏn vẹn một bông lúa, trong đầu ông Dưỡng chỉ dám nghĩ làm thử coi nó ra giống gì. “Khi hỏi lại người bạn thì mới biết bông lúa lạ mà ông ấy biếu tui đã được lai từ ba thứ giống gồm Jasmine, OM 3536 và lúa đỏ Tàu Binh. Bông lúa đang ở giai đoạn phân ly mạnh. Do vậy, khi mang nó về tui chỉ chọn được vài chục hạt màu đỏ để làm giống. Vốn thiếu kiến thức về lai tạo nên tui miệt mài đọc sách báo và theo dõi cây lúa lai từ lúc mới nẩy mầm” - ông Dưỡng kể.

Mùa xuân năm 2007, mấy chục hạt lúa ông Dưỡng gieo đã cho thu hoạch, ông lại càng nặng đầu. “Tui chỉ muốn làm thế nào cho ra giống lúa năng suất cao, mà có mùi thơm thì càng tốt. Vì vậy, tui lấy mấy chục hạt lúa của bạn cho lai đại với giống OM 4926 giàu sắt (có mùi thơm). Dòng lai đầu nó cho ra đủ thứ kết quả, nhìn muốn lùng bùng con mắt. Có cây gốc đỏ, cây gốc trắng; cây cao, thấp; lá đứng, lá von… khiến tui rối bù” - ông Dưỡng kể tiếp.

Bước sang dòng lai thứ hai, ông Dưỡng lấy hạt giống mà mình vừa chọn từ dòng lai đầu sạ chung với giống HD 1, HD 4 và OM 4926. Hai tổ hợp lai được ông tiến hành song song. Một là lai giữa HD 1 với OM 4926, hai là lai giữa HD 4 với lúa đỏ chọn ra từ dòng lai đầu tiên. Sau quá trình lai kép qua nhiều giai đoạn công phu, kết quả cuối cùng đã cho ông Dưỡng sự ngạc nhiên đến khó ngờ. Hạt lúa lai cuối cùng có gạo màu đỏ hồng, mùi thơm đặc trưng và đậm hơn “ông nội” OM 4926.

Nổi tiếng từ... một bông lúa ảnh 1

Ông Dưỡng (thứ hai từ trái qua, hàng phía sau) là một trong số ít nông dân An Giang vừa được chọn đi dự Đại hội Thi đua yêu nước năm 2010.

Lấy con lai thuần của dòng hai trồng đại trà trên đất mình trong vụ đông xuân 2010 thì lúa ông Dưỡng cho năng suất gần 9 tấn/ha. Hạt gạo vẫn giữ màu đỏ hồng, mùi thơm đậm hơn cả F 1 Jasmine. “Đặc biệt là màu và mùi của nó xuất hiện ngay từ khi cây lúa mới lên xanh và kéo dài hơn ba tháng sau thu hoạch. Tui đặt liền cho nó cái tên OE 1” - ông Dưỡng phấn khởi.

Từ thành công này, không mấy chốc ông Dưỡng được nhiều cán bộ ở các viện, trường phía Nam biết đến. Lãnh đạo huyện Thoại Sơn liền chọn Hồng Ngọc Óc Eo của ông Dưỡng làm giống đặc sản địa phương.

Trăn trở làm giàu cho nông dân

Ông Dưỡng kể dân lai lúa chuyên nghiệp chỉ cần qua sáu dòng với thời gian hai năm (mỗi năm ba vụ trồng lúa) là đã cho ra kết quả cuối cùng, bộ giống mới đã thuần. Còn như ông, mày mò qua chín dòng lai mất ngót ba năm mới thu được kết quả. Khi ông đem giống OE 1 trồng trên đất mình cho năng suất gần 9 tấn/ha thì bà con ai nấy ngạc nhiên, đến hỏi mua giống ùn ùn. “Đến nay nông dân ở hầu hết các tỉnh miền Tây đã mua lúa giống của tôi về trồng. Sau một vài vụ họ cho biết kết quả thích nghi cũng như những ưu điểm về năng suất, mùi thơm và giá bán đều khả quan. Tôi mừng lắm” - ông Dưỡng bộc bạch.

Với chất người chẳng ngại khó, ông Dưỡng tiếp tục lấy giống OE 1 lai tiếp và cho ra bộ giống mới thứ hai trong năm 2010 với cái tên OE 2. Ưu thế của OE 2 thì khỏi phải bàn. Thời gian sinh trưởng vừa phải, bông đùm, cứng cây và chống chịu được rất nhiều loài sâu bệnh. Nông dân vùng Bảy Núi mua về trồng trên đất ruộng cao lúa vẫn chịu hạn tốt. Dân vùng ven biển như Trà Vinh, Kiên Giang hay Cà Mau mua trồng lại chịu được mặn. “Nó có thể là loại giống phù hợp với biến đổi khí hậu tới đây; chịu hạn, mặn tốt. Cái độc đáo hơn là lúa Hồng Ngọc Óc Eo được thương lái từ nhiều nơi đến mua với giá rất cao. Vụ đông xuân và thu đông 2010 vừa qua, thương lái mua lúa Hồng Ngọc Óc Eo tại ruộng với giá 10.000 đồng/kg. Còn vụ hè thu thì mua với giá 7.500 đồng/kg. Trong khi đó, lúa hạt dài, gạo trắng dành cho xuất khẩu thương lái mua chưa tới 6.000 đồng/kg” - ông Dưỡng so sánh.

Nổi tiếng từ... một bông lúa ảnh 2

Ông Dưỡng bên mảnh lúa lai triển vọng thành “siêu lúa” OE 3 của mình.

Niềm mong mỏi lớn của ông Dưỡng hiện nay là khi thực hiện chính sách “tam nông”, Bộ NN&PTNT cần tổ chức lại khâu giống. Khi bờ thửa được san bằng để sản xuất lớn thì mỗi tỉnh cần chọn một vài giống đặc trưng, đặc sản tại địa phương mình, hướng dẫn nông dân trồng. Cấm toàn bộ nhà sản xuất cũng như nông dân trồng những giống có phẩm chất gạo kém và khó bán như hiện nay. “Nhà nước cũng cần tổ chức lại khâu tiêu thụ. Có doanh nghiệp thu mua để nông dân luôn bán lúa được giá có lời như Hồng Ngọc Óc Eo. Bởi hiện nay, người trồng lúa vẫn chưa biết Hồng Ngọc Óc Eo được xuất bán đi đâu. Vì thế mà nông dân không biết bán ở mức giá nào cho phù hợp. Trong lúc hút hàng, thương lái kiếm mua lúa này với giá 11.000 đồng/kg vào vụ hè thu năm 2010 nhưng dân không có lúa mà bán” - ông Dưỡng đề xuất.

Siêu lúa

Ông Danh Văn Dưỡng (người dân tộc Khmer 60 tuổi, nhà dưới chân núi Ba Thê thuộc ấp Trung Sơn, thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn, An Giang). Năm 1988, ông nghỉ làm giáo viên, về nhà làm ruộng. Các bộ giống mới do ông lai tạo đang hoàn tất hồ sơ xin được công nhận là giống lúa cấp quốc gia với thương hiệu Hồng Ngọc Óc Eo.

Nổi tiếng từ... một bông lúa ảnh 3

Nhờ miệt mài lai tạo giống, ông Dưỡng được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen về thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

Vụ đông xuân 2011-2012 này, ông Dưỡng đang lai dòng Hồng Ngọc Óc Eo 3 (OE 3). Lúa thử nghiệm này sắp vào thu hoạch. Theo chiết tính của ông Dưỡng, bộ giống thứ ba này lại có nhiều ưu thế so với OE 2. Đặc biệt là năng suất vượt trội, khả năng đạt tới 10 tấn/ha. Bởi một vài chỉ số cơ bản như mật độ hạt trên bông, tỉ lệ hạt trắc, độ nở bụi, số cây hữu hiệu… đều rất đạt. Ông hy vọng đây sẽ là giống “siêu lúa” của cả nước. Bởi hiện nay chưa có bộ giống nào trồng đại trà tại Việt Nam cho năng suất 10 tấn/ha.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm