Nụ cười ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm

Ngoài ngày Thầy thuốc 27-2, những y, bác sĩ của Bệnh xá Đặng Thùy Trâm còn có một ngày truyền thống khác. Đó là ngày giỗ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, 22-6.

Bệnh nhân cũng ăn giỗ chị Trâm

Ngày này y, bác sĩ trong bệnh xá tự nguyện đóng tiền làm cỗ cúng chị Trâm. Họ nấu những món ăn xứ Quảng mà ngày xưa chị Trâm từng thích để làm giỗ.

Sau khi bày cỗ, thắp nén nhang dưới bức tượng bán thân của chị Trâm, các y, bác sĩ lại mời tất cả bệnh nhân cùng chung vui.

Trong ngày giỗ chị Trâm, y sĩ Ninh bao giờ cũng kể câu chuyện xưa, bao giờ cũng có nụ cười của chị Trâm làm yên tâm đồng đội trong gian khó một thời.

BS Thạch Cảnh Đoàn, Phó Bệnh xá Đặng Thùy Trâm, cho hay bệnh xá là một mô hình khác biệt, vừa là nơi điều trị bệnh vừa là điểm trưng bày tư liệu hiện vật của chị Trâm.


Ông Nguyễn Xuân được BS Thạch Cảnh Đoàn khám bệnh. Ảnh: VÕ QUÝ

Chẳng ai bảo ai nhưng lâu rồi các y, bác sĩ ở trạm xá đã học tập y đức, tinh thần lạc quan từ chị Trâm. Mỗi y, bác sĩ không dừng lại là một thầy thuốc cứu chữa người bệnh mà còn là hướng dẫn viên nghiệp dư luôn nở nụ cười trên môi khi có khách tham quan. Riêng với BS Đoàn, nhà ở sát bệnh xá nên trong ngày nghỉ, gặp ca sinh nở khó, ca tai nạn xe cộ nguy hiểm các y sĩ ới một tiếng là anh có mặt tức thì.

Ông Lê Văn Khương, nguyên y sĩ công tác ở Trạm Y tế huyện Đức Phổ (cơ quan đóng gần Bệnh xá Bác Mười trong chiến tranh), nhớ lại: “Những năm sau khi chị Trâm hy sinh và cả đến bây giờ, mỗi khi gặp lại anh em du kích, bộ đội thương binh của huyện Đức Phổ từng ở Bệnh xá Bác Mười và cả những chiến sĩ của đoàn tàu không số, ai ai cũng đều nhắc đến nụ cười ấm áp, lạc quan của chị Trâm…”.

Nụ cười tiếp sức

Đêm về các y, bác sĩ trực bệnh xá đều đến thắp hương dưới tượng chị Trâm. Riêng trong ngày rằm, mùng 1 âm lịch, chị em chọn mua hoa cúc hoặc hoa huệ trắng cùng ít trái cây đem về thắp hương trên bàn thờ chị. Gặp ca sinh nở khó, chị em cũng thường lẳng lặng đến thắp hương dưới tượng chị để được chị tiếp sức giúp những người mẹ, người vợ vượt cạn.

Nữ hộ sinh Nguyễn Thị Lai kể rằng cách đây vài năm, trong lúc giao thừa đúng phiên trực của mình, chị qua phòng trưng bày hình ảnh tư liệu của chị Trâm bày biện bánh trái, thắp hương dưới tượng chị Trâm rồi về phòng trực xem tivi nghe Chủ tịch nước chúc tết thì nghe tiếng kêu thất thanh ngoài bệnh xá nên vội chạy ra. Lúc đó cô Lài, giáo viên Trường Tiểu học xã Phổ Khánh, chuyển bụng sinh nên chồng của cô vội đưa đến bệnh xá. Trên đường đi chị đau quá không ngồi xe được anh chồng đành bỏ xe máy, cõng vợ mình. Khi đến trạm xá thì cả vợ lẫn chồng đều kiệt sức. Nữ hộ sinh Lai cùng BS Đoàn chuyển cô Lài lên bàn sinh. Ca đỡ đẻ đó gặp khó khăn, y sĩ Lai lẳng lặng ra ngoài thắp một nén nhang dưới tượng chị Trâm để cho mình có thêm nghị lực vượt qua ca sinh nở khó.

Không hiểu vì chị Trâm linh thiêng hay vì nhìn nụ cười của chị Trâm lạc quan mà các cán bộ y tế ở trạm xá đã được tiếp sức để vượt qua nhiều ca khó tương tự.

Chiếc hầm kỷ niệm

Cách bệnh xá chừng non cây số về phía tây là nhà của y sĩ Tạ Thị Ninh, người em kết nghĩa của chị Trâm. Bốn năm rồi về nghỉ hưu, quanh quẩn với ruộng đồng chị càng nhớ về quá khứ. Đưa tay chỉ ngạch cửa trước nhà, chị Ninh xúc động kể: “Chỗ này đây, hồi đó thường dọn bữa cho anh em y, bác sĩ du kích. Bữa cơm khoai củ thật nhiều nên chị Trâm thường chỉ ăn bát canh rau, nhường phần cơm trắng cho anh em ăn no đi chống càn”.

Những năm 1965-1970, chiến trường Đức Phổ đánh lớn. Bệnh xá Bác Mười mà chị Trâm công tác phải di chuyển liên tục. Ngôi nhà của chị Ninh xung quanh đào đến năm hầm bí mật trở thành lối đi về, nơi ẩn náu của bộ đội, du kích và các y, bác sĩ.

Những năm đó, thuốc men khan hiếm, chị Trâm luôn tìm cách mua thuốc Tây bí mật dưới đồng bằng chuyển lên trạm xá để cứu chữa cho thương binh. Đồng thời, chị Trâm chỉ bày cho bà con trồng cây xuyên tâm liên để chữa bệnh đường ruột, trồng sâm đại hành để cải thiện sức khỏe hay dùng đọt chuối chát, giã với hạt cau già, đem nấu làm thuốc sát trùng vết thương.

Cũng từ chị Trâm, bây giờ, khi tuổi đã cao, là thương binh 2/4, bệnh tật cũng nhiều nhưng chị Ninh luôn vững vàng trước cuộc sống. Biết nhiều bà con ở đất này vẫn còn nghèo nên chị Ninh lại trồng cây thuốc Nam giúp bà con chữa bệnh. Trong năm căn hầm bí mật quanh nhà sau chiến tranh, chị chỉ san lấp bốn hầm để lấy đất trồng bắp, trồng đậu, còn một chiếc hầm được để lại làm kỷ niệm, để nhớ mãi một thời sống cùng chị Trâm.

______________________________

Tui là bệnh nhân thường xuyên của bệnh xá. Mỗi khi đau yếu, nhà neo người nên vợ đưa xuống đây cho mấy cháu y, bác sĩ chăm sóc. Các bác sĩ tận tình lắm, ai cũng vui vẻ chăm sóc và đặc biệt là họ rất hay cười động viên bệnh nhân.

Bệnh nhân NGUYỄN XUÂN, thương binh 1/4 ở thôn
Nga Mân, xã Phổ Cường

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm