Nước mắt voi rừng - Kỳ 4: Bi kịch của con người

Nước mắt voi rừng - Kỳ 4: Bi kịch của con người ảnh 1
Đã có nhiều voi rừng bị chết tại Đồng Nai trong vòng một năm qua - Ảnh tư liệu
Căng thẳng...Và đến bây giờ vẫn thế, để canh một mẫu xoài và mía trước sự phá phách của voi rừng, đêm nào gia đình cô Nguyễn Thị Ngọc Lan (ấp 2, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) cũng phải thức trắng. Trong bộ dạng phờ phạc cô Lan kể: “Cứ đêm đến là chúng tôi sợ hãi. Chỉ có vợ chồng bám trụ để trông nhà, còn con cái gửi đi hết. Voi từng về bẻ gãy cột điện, giẫm sập nhà, nát hoa màu, đuổi cả người dân chạy. Nhiều đêm những hộ gia đình chúng tôi phải dồn về một nhà để đuổi voi cho đỡ sợ. Mấy năm đầu mọi người còn hăng hái đi đuổi voi với hi vọng bên trên có phương án trợ giúp nhưng tình hình vẫn không thay đổi. Một năm nay dân chúng tôi không chạy nổi voi nữa”. Cũng thật dễ hiểu với nỗi bức xúc “không thể chịu nổi” của người dân nơi đây. 10-15 năm trước họ từ những vùng nghèo khổ tìm đến đây gây dựng những rẫy điều, rẫy xoài mơn mởn. Cuộc sống đang thanh bình thì năm năm nay đàn voi rừng xuất hiện và ba năm trở lại đây voi về ngày càng nhiều, đẩy cuộc sống người dân vào bi kịch không lối thoát. Voi xuất hiện vào lúc chiều tối và sáng sớm nên dân cũng phải “đi muộn về sớm” tránh voi. Đêm đến cả đàn voi hàng chục con kéo đến những rẫy điều, xoài, mía đang vụ thu hoạch vừa ăn vừa quậy nát nương rẫy. Hàng chục hộ gia đình với hàng trăm con người đốt đuốc, gõ kẻng, la hét ầm ĩ để đuổi voi bảo vệ nương rẫy và nhà cửa... Họ dựng lán trại thức canh voi thâu đêm suốt sáng nhưng sáng ra rẫy vẫn bị giẫm nát. Voi trở nên “quen hơi người”, không sợ những cách xua đuổi thủ công của người nữa. Voi tiến vào các khu dân cư, đi nghênh ngang ngoài đường nhựa, đứng sau mái trường mầm non, thò vòi vào phá nát nhà dân và đuổi người dân tháo chạy. Nhiều cuộc quần nhau “một sống một còn” của người dân với “ông bồ” đã diễn ra trong đêm đen...

“Điểm nóng” xung đột giữa voi và người

Trên địa bàn cả nước hiện có các điểm nóng về tình trạng xung đột giữa voi và người như: xã Sông Trà, xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, xã Nà Lau, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam; Nông lâm trường Bù Đốp, tỉnh Bình Phước; bản Lục Sơn, xã Lục Dạ, huyện Con Cuông và xã Thạch Giám, huyện Tương Dương, Nghệ An; xã Ia R’Vê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk; huyện Vĩnh Cửu, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai...

Dựng lại mốc thời gian người ta thấy năm 2007, ở xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, voi bắt đầu phá nông sản. Năm 2008, xung đột tăng cao khi voi phá hoại mùa màng, gây thiệt hại cho người dân gần 400 triệu đồng. Năm 2009, voi tiếp tục gây thiệt hại trên 476 triệu đồng. Tại xã Mã Đà, năm 2008 chỉ xảy ra 14 vụ thì sang năm 2009 số vụ voi vào tấn công đã tăng gần gấp ba (44 vụ). Khi đi qua những biển cảnh báo hình tam giác vàng “Vùng nguy hiểm thường xuyên có sự xuất hiện của đàn voi dữ” để vào khu dân cư thuộc ấp 2, chúng tôi thấy bên trong khu cảnh báo có vài đứa trẻ đang chơi đùa. Gia đình anh Nông, gia đình chị Lan đang chuẩn bị lửa đuổi voi cho đêm nay.
Anh Đinh Ngọc Ánh vẫn còn nỗi hoảng sợ trong đôi mắt thâm quầng. Nhà anh bị voi rừng phá bảy lần, lần thứ bảy là vào một đêm tối voi rừng về phá nhà, cả gia đình anh tháo chạy. Anh bế được đứa con nhỏ chạy thoát, còn vợ anh bị té giập mặt, bị voi tiến tới đưa chân và vòi lên người nhưng may không giết... Sau lần đó gia đình anh buộc phải chuyển nhà ra khu vực voi ít xuất hiện hơn. Nhưng ban ngày anh và vợ con vẫn vào đây trồng điều, đêm ngủ lại canh voi. Một năm nay người dân đã trở nên bực tức với voi rừng khi chúng phá nát nương rẫy và đe dọa sự an toàn tính mạng con người. Trong khi đó, các phương án được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện vẫn là phát tờ bướm, họp tuyên truyền “người dân chỉ nên xua đuổi voi và không được làm hại voi...”. Cuộc xung đột vẫn căng thẳng hằng ngày... Và những cái chếtNếu thời gian này một năm về trước khi chúng tôi đến xã Phú Lý là cảnh người dân suốt ngày đêm chống chọi với voi rừng, thì năm nay lại nóng lên với cảnh voi rừng bị chết hàng loạt. Dường như bi kịch của cuộc xung đột giữa người và voi rừng ở đây đến đỉnh điểm khi trong một năm có tới bảy voi rừng chết. Phần lớn xác chết của voi được người dân và kiểm lâm phát hiện khi bắt đầu thối rữa. Một voi rừng được phát hiện chết trong khu dân cư. Anh Nguyễn Hà Thái, chủ vườn điều - nơi xác voi thứ 7 được phát hiện, cho hay: “Thời điểm voi chết tại rẫy nhà tôi là lúc bà con chúng tôi đang giành giật với voi để thu hoạch xoài. Ở thôn 7 này voi phá quá nhiều lúa, xoài, điều trong nhiều năm qua. Người dân đã chán cảnh đuổi voi rồi. Nhiều gia đình phải thu hoạch xoài non, điều non vì sợ voi phá mất”. Vừa dứt lời, anh Thái và đông đảo bà con thôn 7 dẫn chúng tôi đi xem những rẫy mì, lúa vừa bị voi rừng về giẫm nát đêm qua. Ông Trần Văn Mùi - giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu - khẳng định: “Bảy con voi bị chết trong thời gian qua là do bị đầu độc bằng một loại hóa chất cực mạnh. Đây có thể là do người dân quá bức xúc vì voi phá cuộc sống của họ nên đã tiêu diệt voi bằng thuốc độc. Sự giết hại voi tỏ ra khá chuyên nghiệp và đây cũng có thể là một tổ chức thực hiện có ý đồ. Hiện nay đàn voi rừng ở Đồng Nai chỉ còn trên dưới 10 con và đang nằm trong mối nguy hiểm tiếp tục bị sát hại. Sự nguy hiểm đối với đàn voi sẽ giảm khi xung đột giữa người và voi giảm”. Trong khi những cái chết của voi rừng đang được báo động thì máu người đã bắt đầu đổ. Chúng tôi tìm về xã Thanh Sơn, huyện Định Quán khi thi thể em Nguyễn Trần Vũ (14 tuổi) đã được đưa về nhà. Khắp người em đầy thương tích sau khi bị voi dữ tấn công, đầu bị toác, một nhát đâm bởi ngà voi từ lưng xuyên qua phổi, vùng bụng bị voi giẫm gãy sườn, hai đầu gối bị giẫm nát... Vũ là con thứ hai trong gia đình ba anh em. Bố mất sớm nên một mình mẹ nuôi ba anh em, vì nhà nghèo Vũ phải bỏ học sớm đi hái cà phê thuê. Hôm bị nạn là ngày nghỉ nên em theo cậu và anh họ vào suối Đá Bàn bắt cá, trên đường đi thì bị voi rừng lao ra tấn công. Bên thi thể của con trai, chị Trịnh Ngọc Oanh ngất lên ngất xuống, van la đau đớn: “Con có tội tình gì mà chết oan ức quá Vũ ơi”. Bà ngoại của Vũ cũng ngất lịm bên thi thể cháu. Nhiều người già trong làng cảnh báo đã đến lượt voi rừng trả thù con người...
Theo ĐÌNH DÂN - VŨ THỦY (TTO)
________________ Giữa cuộc căng thẳng ấy thì ở vài nơi con người thản nhiên bày bán từng chiếc lông đến da, phổi, răng, ngà voi...Kỳ tới: Thâm nhập “chợ voi”

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm