Nước Mỹ không phải thiên đường - Bài 2: Bi kịch sống thừa

Trong khi các bạn cùng lớp chờ giấy báo ĐH, tôi hy vọng kiếm được một công việc toàn thời gian tại Đài Phát thanh Mountain View. Không phải tôi không muốn vào ĐH nhưng tôi thuộc loại người không thể nhận trợ cấp dù là của bang hay liên bang. Gia đình tôi không có khả năng chu cấp tiền cho tôi ăn học.

Vật lộn để vào đời

Khi tôi tâm sự với Pat (hiệu trưởng trường trung học nơi tôi theo học) và Rich (người quản lý khối các trường công khu vực tôi ở) về vấn đề nhập cư của tôi, luật sư của Rich nói với ông rằng không thể thay đổi hoàn cảnh bất hợp pháp của tôi bởi vì tôi đã quá lớn. Cuối cùng họ giới thiệu cho tôi được hưởng học bổng từ một nguồn quỹ dành cho sinh viên thuộc dạng tiềm năng cao. Quan trọng nhất, quỹ này vốn không dành cho những người nhập cư. Tôi là một trong những người được nhận học bổng đầu tiên bao gồm học phí, chỗ ở, sách vở và các chi phí khác dành cho việc học của tôi tại Trường ĐH bang San Francisco.

Khi còn là sinh viên, tôi tìm được một công việc bán thời gian tại tờ tin San Francisco, tờ tin hằng ngày Philadelphia, rồi hợp tác với tờ The Seattle Times. Nhưng sau đó việc thiếu giấy tờ hợp pháp lại gây khó khăn cho tôi. Tờ The Seattle Times đòi hỏi thực tập viên bắt buộc phải nộp các thứ giấy tờ: giấy khai sinh hoặc hộ chiếu, giấy phép lái xe cộng với một thẻ an sinh xã hội gốc. Tôi hoảng hốt, nghĩ rằng mình không thể nào vượt qua được kỳ “sát hạch” giấy tờ gay go này. Tôi bộc bạch với bà Pat. Sau khi trao đổi với người quản lý, bà trả lời rằng tôi không thể làm phóng viên thực tập.

Nước Mỹ không phải thiên đường - Bài 2: Bi kịch sống thừa ảnh 1

Vargas và ông ngoại. Ảnh: nytimes.com

Sau vụ này, Jim Strand - nhà kinh doanh mạo hiểm đã cấp học bổng cho tôi, đề nghị thuê một luật sư chuyên về nhập cư. Rich và tôi đã đến gặp vị luật sư này. Cuộc gặp gỡ lại khiến tôi thêm tan nát cõi lòng. Bà luật sư nói giải pháp duy nhất của tôi là trở về Philippines và chấp nhận một lệnh cấm 10 năm trước khi tôi có thể trở thành một người hợp pháp. Nhưng Rich không có vẻ gì nản lòng và động viên tôi tiếp tục.

Mùa hè năm 2003, tôi xin thực tập khắp cả nước Mỹ. Một số tờ báo trong đó có The Wall Street Journal, The Boston GlobeThe Chicago Tribune tỏ ra quan tâm đến tôi. 

Giấy phép lái xe

Thực tập tại The Washington Post cũng nan giải: Phải có bằng lái xe (mà tôi làm gì có cái nào lận lưng). Nhưng tôi đã gặp may. Cha một đứa bạn của tôi sống ở Portland cho phép tôi sử dụng địa chỉ của ông để làm bằng chứng về nơi cư trú của tôi. Pat, Rich và một trợ lý lâu năm của Rich là Mary Moore gửi thư cho tôi tại địa chỉ đó. Rich đã dạy tôi những điều có liên quan đến ô tô và một người bạn đưa tôi đi về Portland. Cái giấy phép lái xe quyết định cuộc đời tôi: Nó sẽ cho tôi mọi thứ. 

Tôi quyết tâm theo đuổi khát vọng dù biết những gì mình đang làm là phi pháp. Nhưng tôi phải làm gì trong hoàn cảnh này? Tôi đang đóng thuế cho nước Mỹ nhưng tôi đang sử dụng một thẻ an ninh xã hội giả mạo và giấy phép việc làm với thông tin dối trá. Khổ nỗi điều đó lại có vẻ tốt hơn đối với tôi so với việc sống bám vào ông bà hoặc ai đó hay phải trở về Philippines. Tôi thuyết phục bản thân rằng mọi chuyện sẽ tốt đẹp nếu tôi sống với đầy đủ những phẩm chất của một công dân: Làm việc chăm chỉ, tự lập, yêu nước.

Tại cơ quan cấp bằng lái ở Portland, tôi nộp bản sao thẻ an sinh xã hội và thẻ sinh viên, tập biên lai tiền nhận từ tờ tin San Francisco và các giấy tờ có liên quan đến việc cư trú. Mọi chuyện đều ổn. Giấy phép lái xe của tôi được cấp năm 2003, sẽ có hiệu lực trong vòng tám năm. Tôi có tám năm để làm việc và hy vọng rằng trong thời gian đó, một số cải cách về vấn đề nhập cư sẽ được ban hành cho phép tôi ở lại nước Mỹ.

Nước Mỹ không phải thiên đường - Bài 2: Bi kịch sống thừa ảnh 2

Cái thẻ giả giúp Vargas tồn tại (số thẻ đã được nytimes cố tình làm mờ trong bản phôtô)

Đỉnh cao thành đạt

Mọi chuyện ở Washington Post đều thuận lợi với tôi. Tôi được phân công vào phòng biên tập tin tức chính. Người giúp đỡ, hướng dẫn nghiệp vụ tôi là Peter Perl - một cây bút kỳ cựu, sau này trở thành một trong những ân nhân của tôi.

Tôi bắt đầu cảm thấy ngày càng hoang mang. Tôi sốt ruột với ý nghĩ mình đã làm phiền một số đồng nghiệp và lo lắng rằng bí mật của tôi sẽ bị bại lộ. Nỗi lo ấy làm tôi gần như tê liệt. Và tôi tìm đến Peter.

Peter sốc nhưng ông ta hứa sẽ thưa chuyện với cấp trên nếu tôi làm việc một cách xứng đáng.

Năm năm sau, tôi ra sức làm việc “một cách xứng đáng”. Tôi được đề bạt làm phóng viên chuyên về mảng đề tài văn hóa video game. Tôi viết loạt bài về sự lan truyền HIV/AIDS ở Washington và được giao viết về vai trò của công nghệ và truyền thông xã hội trong cuộc chạy đua vào ghế tổng thống Mỹ năm 2008. Tôi đã đến Nhà Trắng để phỏng vấn các trợ lý cấp cao và được mời một bữa ăn “nghi thức”. Ở đây, tôi trình văn phòng bảo vệ tổng thống số hiệu thẻ an sinh xã hội mà tôi có được nhờ giấy tờ giả mạo.

Tôi cố không viết về chính sách nhập cư nhưng không thể lúc nào cũng tránh được vấn đề này. Đó là hai lần giống như số phận sắp đặt. Lần thứ nhất tôi viết về vị trí của bà Hillary Clinton trong việc cấp giấy phép lái xe cho những người nhập cư không có giấy tờ. Lần thứ hai là bài viết về việc Thượng nghị sĩ Mel Martinez của bang Florida bảo vệ lập trường của đảng Cộng hòa đối với vấn đề người Mỹ gốc châu Mỹ La tinh.

Tôi luôn cố trở nên nổi bật trong cái phòng biên tập tin tức có sức cạnh tranh cao độ nhưng tôi lại lo sợ rằng sự nổi bật của mình sẽ thu hút một sự “giám sát” ngoài ý muốn. Tôi cố xóa bớt đi nỗi thấp thỏm bằng cách viết về những đề tài khác nhưng rốt cuộc không có cách nào thoát được mâu thuẫn trung tâm của đời mình. Tháng 4-2008, tôi là thành viên trong nhóm phóng viên giành giải thưởng Pulitzer với bài viết về vụ thảm sát ở Trường ĐH Kỹ thuật Virginia. Bà tôi gọi điện thoại cho tôi vào cái ngày vinh quang đó (ông tôi đã qua đời vào năm 2007). Điều đầu tiên mà bà nói là: Điều gì sẽ xảy ra nếu người ta phát hiện tình trạng thực của tôi. Sau khi tắt điện thoại, tôi lao vào phòng tắm ngồi bệt xuống sàn và khóc.

Tan giấc mơ Mỹ

Mùa hè năm 2009, tôi lẳng lặng rời tờ The Washington Post với ý định đến New York để đầu quân vào tờ The Huffington Post. Tôi muốn làm báo mạng để thay đổi môi trường. Lúc đó các cơ hội khác lại xuất hiện. Chuỗi bài báo về HIV/AIDS của tôi được chuyển thể thành phim có nhan đề “Thành phố khác”, vinh dự được ban tổ chức chọn chiếu khai mạc Liên hoan phim Tribeca; viết về ông chủ Mark Zuckerberg của Facebook cho tờ The New Yorker.

Càng thành đạt tôi càng sợ hãi và chán nản. Tôi tự hào về công việc của mình nhưng cảm thấy có một đám mây rủi ro vờn trên sự nghiệp của tôi, trên cuộc đời tôi. Cái thời hạn tám năm của tôi - tức cái giấy phép lái xe do bang Oregon cấp sắp đến ngày kết thúc.

Đầu năm nay (2011), tôi nhận được một đặc ân: Xin được giấy phép lái xe ở bang Washington. Giấy này có hiệu lực cho đến năm 2016, có giá trị của một thẻ căn cước đối với tôi trong năm năm. Nghĩa là tôi sẽ có thêm năm năm sống trong sợ hãi và nói dối với những người mà tôi tôn trọng và các tổ chức đã tin tưởng tôi.

Nước Mỹ không thừa nhận tôi

Trong suốt 14 năm qua, tôi đã tốt nghiệp trung học, ĐH và trở thành một ký giả, phỏng vấn một số người nổi tiếng nhất nước Mỹ. Bề ngoài, tôi đã tạo dựng được một cuộc sống tốt. Tôi được thỏa giấc mơ Mỹ. Có khoảng 11 triệu người nhập cư không có giấy tờ tại Mỹ. Nước Mỹ là nhà của tôi. Có điều mặc dù tôi tự nghĩ mình là một người Mỹ nhưng đất nước này lại không xem tôi là một thành viên của nó.

JOSE ANTONIO VARGAS

JOSE ANTONIO VARGAS (Theo nytimes.com, latimes.com, senate.gov)

ĐẶNG NGỌC HÙNG dịch

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm