Ông Nguyễn Thiện Nhân: ‘Gian dối phải bị lên án!’

Nhân đầu xuân Bính Thân 2016, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ VN), về trăn trở của ông đối với đời sống của người dân và sự phát triển của quốc gia khi đất nước bước vào hội nhập.

Đừng vì kiếm lợi nhuận mà đầu độc thế hệ sau

. Phóng viên: Khi nói về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, ông từng cho rằng người VN không thể đầu độc người VN. Điều này xuất phát từ đâu, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Thiện Nhân: An toàn vệ sinh thực phẩm hiện là vấn đề rất bức xúc của nhân dân. Nhân dân muốn khi mua thực phẩm thì phải biết chắc thực phẩm không ảnh hưởng đến sức khỏe. Xuất phát từ điều này, nhiều bộ trưởng, trong đó có bộ trưởng Bộ NN&PTNT và bộ trưởng Bộ Y tế mong muốn MTTQ VN thực hiện cuộc giám sát với nội dung này.

Như vậy, đây là một món nợ của MTTQ VN đối với nhân dân và các cơ quan quản lý nhà nước. Hiện nay việc trồng rau không an toàn, chăn nuôi không an toàn khá phổ biến. Kinh doanh là quyền tự do tìm kiếm lợi nhuận nhưng nếu bán các sản phẩm không an toàn là chúng ta đang đầu độc người tiêu dùng, ảnh hưởng tiêu cực cả đến những thế hệ sau.

Chúng ta nói “thương người như thể thương thân” nhưng nếu sản xuất, buôn bán các sản phẩm đầu độc chính người VN thì không phù hợp với đạo đức, văn hóa.

. Chúng ta cần phải ứng xử thế nào để loại bỏ điều này, thưa ông?

+ Chúng ta cần xác định: Gian dối phải bị lên án.

Gian dối sinh ra bệnh thành tích. Mà bệnh thành tích như chúng ta thấy trong giáo dục đã tạo ra nhiều con người có bằng cấp cao mà trình độ thấp.

Ở từng khía cạnh cụ thể, chúng tôi đã bàn với Bộ VH-TT&DL, trong tiêu chí gia đình văn hóa đối với gia đình nông nghiệp thì có tiêu chí không sản xuất sản phẩm nông nghiệp không an toàn. Nếu vướng vào việc này thì sẽ không được công nhận gia đình văn hóa.

Khâu nhập khẩu và chế biến thực phẩm cũng cần được giám sát. Chúng ta chấp nhận sự tác động của điều này đến gia tăng giá trị cho nền kinh tế nhưng dân tộc và nòi giống của VN được an toàn và phát triển tốt. Toàn xã hội cần phải thay đổi nhận thức: Thu nhập ngắn hạn hay bảo vệ an toàn cho dân tộc, giống nòi?

Bớt trình bày, hãy tìm câu trả lời cho dân

. Đất nước đã bước vào hội nhập và nông nghiệp cũng như nông dân được dự báo là sẽ chịu “tổn thương” khá nhiều. Theo ông, giải pháp nào cần được thực hiện để giảm “tổn thương”?

+ Với tư cách là chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, năm 2013-2014 tôi hai lần báo cáo trước Quốc hội về ý kiến của cử tri và nhân dân về tình hình đất nước. Năm nào cũng có ý kiến nông dân than vãn việc được mùa mất giá, khó vay vốn, xuất khẩu bấp bênh... Tôi cứ tự hỏi liệu có cần trình bày khó khăn lần thứ ba nữa không? Chính vì thế tôi nghĩ MTTQ phải phối hợp với chính quyền để khảo sát, để tìm ra câu trả lời cho nhân dân chứ không thể trình bày khó khăn trước Quốc hội nữa.

Chúng tôi còn khảo sát ở trong nước và cả hợp tác xã (HTX) ở nước ngoài như Đức và Ý. Việc nông dân liên kết lại thành HTX giúp kinh tế hộ mạnh lên. Tôi đi thăm các địa phương, rất mừng vì nhiều địa phương từ Nam chí Bắc đều có những mô hình liên kết nông dân tự nguyện, hình thành HTX. Mỗi HTX chỉ vài chục hộ, hiểu nhau, liên kết và làm ăn hiệu quả. Chúng tôi trăn trở làm sao để phát huy được những mô hình này.

Chúng ta hội nhập quốc tế, chúng ta vào siêu thị, rau, thịt VN giá có thể rẻ nhưng không có xuất xứ, chứng nhận chất lượng. Còn sản phẩm nước ngoài thì có thương hiệu, xuất xứ… mua chắc chắn là không sợ bị ngộ độc, người dân sẽ mua sản phẩm nước ngoài, dù giá đắt hơn.

Tôi tự hỏi: Từng hộ nông dân có thể đăng ký thương hiệu, chất lượng được không? Khó! Nhưng nếu liên kết, hình thành HTX thì có thể làm được.

Tóm lại, chúng ta phải liên kết để thích ứng với sự vận hành của nền kinh tế thị trường thì mới nâng cao đời sống nông dân. Nếu HTX liên kết được với doanh nghiệp thì nông dân mới mạnh lên được.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân trong chuyến thăm các tỉnh Tây Nguyên tháng 12-2015.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân xem nồi cơm của gia đình bà Phạm Thị Cái, thôn Tượng 3, xã Hợp Thành, TP Lào Cai. Ảnh: CHÂN LUẬN

Người Việt đủ sức tìm đường phát triển cho mình

. Đó là nói về nông nghiệp. Còn về phát triển toàn diện đất nước, theo ông, đâu sẽ là những động lực cơ bản nhất?

+ Khi bàn về phát triển, điều mà dư luận và các địa phương lo lắng nhất là sợ thiếu tiền, thiếu đất. Nhưng ít ai lo thiếu nhân lực.

Nhiều nước trên thế giới hiện không đủ mức sinh để thay thế lao động hằng năm. VN may mắn vẫn có tỉ lệ sinh phù hợp, mỗi năm trên dưới một triệu lao động tăng thêm. Nếu cộng thêm khả năng sáng tạo thì rất tốt.

Muốn phát triển nhanh đất nước thì phải tận dụng được lợi thế lao động vẫn đang tăng trưởng, có khả năng sáng tạo và trình độ được đào tạo ngày càng cao, chi phí còn thấp so với các nước. Cùng với yếu tố đổi mới quản lý kinh tế và thể chế, chúng ta tin rằng đây là nguồn lực quan trọng nhất của phát triển. Con người VN sẽ tìm được giải pháp phát triển cho chính đất nước mình.

Sắp tới không chỉ chính sách của Nhà nước, các địa phương, các tổ chức cần quan tâm phát triển và thu hút nhân tài, doanh nghiệp cũng cần phát triển nhanh lên tới con số khoảng một triệu doanh nghiệp để tương ứng với số dân 100 triệu. Muốn vậy, chúng ta cần phải có một chương trình khởi nghiệp quốc gia. Văn kiện Đại hội XII cũng đề cập đến vấn đề này và chúng ta hy vọng vào phong trào quốc gia khởi nghiệp sẽ là một động lực để phát triển bền vững.

MTTQ VN nhận thức được rằng sáng tạo là yếu tố rất quan trọng trong phát triển và MTTQ VN sẽ cố gắng hết sức mình để với tinh thần đại đoàn kết, sự lãnh đạo của Đảng và những định hướng mà Đại hội XII đã xác định, thúc đẩy sự phát triển sáng tạo của quốc gia.

. TP.HCM đã có nhiều chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực và nâng cao năng lực cạnh tranh. Chủ tịch đánh giá thế nào?

+ Đó là những chương trình rất tốt, rất đúng hướng đã góp phần giúp TP.HCM dẫn đầu trong phát triển kinh tế nhiều năm qua. Nhưng TP.HCM có thể làm tốt hơn được không? Tôi cho rằng TP.HCM có thể làm tốt hơn. TP.HCM cần liên kết các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo theo phương châm đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội. Khi đó, TP.HCM sẽ rút ngắn hơn được thời gian phát triển.

Chúng ta đã hội nhập, cần phải lấy chuẩn mực về năng lực lao động của ASEAN và quốc tế để áp dụng. Nếu làm được như vậy, lao động của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung hoàn toàn có thể hội nhập tốt. Tôi tin rằng năm 2016, TP.HCM sẽ có những bước phát triển tốt hơn nữa.

Cán bộ phải bước vào đời sống của dân

Cuối năm 2015, khi dự ngày hội đại đoàn kết ở TP của một tỉnh miền núi phía Bắc, tôi có thăm một hộ nghèo ở xã khó khăn. Có một chi tiết làm tôi thắc mắc là nhà hộ nghèo này không thấy nuôi trâu, lợn, gà gì nhưng lại có chiếc tủ lạnh. Hai vợ chồng còn sức lao động, con cái đang đi học. Tôi nghĩ nếu số tiền mua tủ lạnh này được gia đình sử dụng mua trâu, gà, lợn… để chăn nuôi thì sẽ mang lại hiệu quả hơn không.

Điều này có nghĩa là người dân thiếu được tư vấn. Nếu hộ nghèo đó được các hội, đoàn địa phương tư vấn, hướng dẫn làm kinh tế thì chắc người ta sẽ không dùng hàng triệu đồng để mua tủ lạnh mà tập trung vốn cho sản xuất.

Muốn giảm nghèo cho dân thì cán bộ phải sát dân hơn nữa, phải bước vào đời sống của dân, thậm chí phải theo dõi từng hộ, giúp họ đường hướng phát triển kinh tế để bước ra khỏi cái nghèo một cách bền vững.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…