Ông tuýt còi 'rửa tay gác kiếm'

Đã muốn hỏi chuyện ông “cục trưởng tuýt còi”, TS Lê Hồng Sơn, sau khi ông nghỉ quản lý, vậy mà hơn một tháng sau tôi mới gặp được ông, vẫn trong căn phòng làm việc nhỏ ở Bộ Tư pháp.

“Nói nghỉ mà có được nghỉ đâu... Kết thúc hơn 40 năm công chức, có hơn 10 năm ngồi“ghế nóng” tôi bảo thế là thành công trong sự nghiệp…” - ông Sơn cười mở đầu câu chuyện.

Hơn 10 năm “đi trên dây”

. Phóng viên: Vì sao lại là thành công, thưa ông?

+ TS Lê Hồng Sơn: Tôi từ bé đến lớn đi học bao giờ cũng xếp vào nhóm vài ba người giỏi nhất lớp. Đi lính được tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh. Học luật thì khóa đầu tiên, rồi về Bộ Tư pháp khi Bộ được tái lập. Đặc biệt, hơn 10 năm đảm nhiệm chức vụ cục trưởng tại Bộ Tư pháp là thành công.

10 năm tôi kiểm tra văn bản giống như“đi trên dây”, như người làm xiếc ấy. Phải cẩn thận, bản lĩnh, chắc chắn lắm, không kín kẽ là ngã lộn cổ. Thế nên bây giờ mình trọn vẹn thế này (không ngã) là thắng lợi, thành công lớn…

. Cơ duyên nào đưa ông đến vị trí “ghế nóng” này?

+ Khi sửa Hiến pháp 1992 có yêu cầu của lãnh đạo Bộ giao nghiên cứu xác lập cơ chế kiểm tra văn bản thay cho nhiệm vụ của VKSND, tôi mới phát hiện rằng mấy chục năm nay ta “quên” mất cơ chế kiểm tra, xử lý văn bản bên Chính phủ và các cơ quan hành chính. Tôi đã đề xuất cơ chế “hậu kiểm”, “tuýt còi” văn bản như hiện tại. Năm 2002, lãnh đạo Bộ chọn tôi đảm nhiệm vị trí đứng đầu Cục Kiểm tra văn bản, ban đầu tôi từ chối và đề cử người khác. Bác Nguyễn Đình Lộc khi đó là bộ trưởng đã ôm lấy vai tôi nói chân tình: “Chúng tớ bàn kỹ rồi, việc này chỉ có cậu mới giúp được”. Bộ trưởng nói vậy thì tôi nhận...

. Nhưng nghe nói có những lần tuýt còi, ngay tại Bộ mình, ông cũng phải đấu gay gắt lắm?

+ Có khi dễ, cũng có khi không. Thậm chí nhiều khi tôi còn bị yêu cầu báo cáo quá trình xử lý, gửi văn bản thế nào. Tại sao báo chí lại biết. Tại sao anh trả lời phỏng vấn của báo chí nhiều thế mà không xin ý kiến. Nhiều lần tôi đã phải khẳng định rằng việc ký, phát hành thông báo tại Cục hoàn toàn đúng quy định, phát hành rồi phóng viên có văn bản là cái giỏi của phóng viên, tại sao lại hỏi tôi. Khi được hỏi: Báo chí có đăng ảnh của anh khi trả lời phỏng vấn đấy. Tôi cười. Người ta có văn bản của tôi ký, viết bài như thế nào là nghiệp vụ của phóng viên. Còn ảnh của tôi thì họ toàn đưa ảnh cũ cách đây ba, bốn năm chứ có phải ảnh mới đâu…

Nhân đây, tôi muốn nói thêm rằng không có báo chí thì một mình chống chọi đơn độc lắm. Vẫn biết bên cạnh mình cũng có nhiều người có tâm, có trách nhiệm giúp nhưng anh em cũng ngợp lắm, ngại lắm. Có báo chí công việc của mình thuận lợi hơn rất nhiều.

. Lần nào anh chịu nhiều sức ép nhất, cả từ trong nội bộ lẫn bên ngoài?

+ Thực ra lần nào cũng căng, cũng có những sức ép cả trong lẫn ngoài. Chẳng hạn, khi chúng tôi xử lý hơn một trăm văn bản của các tỉnh, thành về xử phạt vi phạm hành chính, về ưu đãi đầu tư, lý lẽ của một số người cho rằng đây là yêu cầu thực tiễn tại địa phương, người ta hoàn toàn có quyền này, rồi phần lớn những văn bản loại này đều có điểm xuất phát từ chủ trương của cấp ủy. Nhiều lãnh đạo địa phương nói với tôi: “Chúng tôi biết văn bản không ổn, là sai nhưng nếu không ban hành thì “ghế” của tôi sẽ khó tồn tại”…

Gần đây, xử lý văn bản sai ở một địa phương Nam Trung Bộ, tôi còn biết khi Sở Tư pháp thẩm định không đồng ý vì nó sai, bí thư, chủ tịch đã yêu cầu giám đốc Sở Tư pháp rút thẩm định phản đối để cho văn bản được ban hành…

Ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Ảnh: THU NGUYỆT

Bị đồn “có gì” với hoa hậu

. Đã bao giờ ông bị nghi ngờ về động cơ, mục đích khi xử lý công việc chưa?

+ Nghi ngờ là quyền của người ta. Còn việc mình làm mang lại lợi ích chung cho xã hội, cho doanh nghiệp, cho người dân yếu thế là đương nhiên rồi. Lần mình lên tiếng bảo vệ hoa hậu Diễm Hương vì bị “cấm vận” không được tham gia hoạt động văn hóa nghệ thuật có người lại đặt câu hỏi hay ông Sơn “có gì” với cô hoa hậu, liệu có phải bồ bịch gì không?... (Cười lớn). Chà! May là mình chưa hề gặp, cũng không có bất kỳ sự tiếp xúc cá nhân nào với cô ấy.

. Họ đồn thế vì không ưa ông chăng?

+ Ưa hay không, yêu hay ghét là lẽ thường. Ghét tôi có hai loại: Một do họ làm sai, bị tôi xử lý thì đương nhiên. Cũng có điều lạ là một số sau đó quay lại cám ơn, khi có những việc khó về văn bản lại xin ý kiến. Loại thứ hai không ưa tôi như là một sự ganh ghét ở đời. Tôi làm được mà họ không làm được, tôi nói được mà họ không nói được. Vậy là không ưa.

Thế nhưng tôi vẫn vui vì người ta gọi điện thoại, nhắn tin hay gửi thư hoan nghênh tôi vì đã giúp bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của họ. Có người bảo tôi khác với một số công chức “mũ ni che tai” thấy sai không dám nói, thấy đúng không dám bảo vệ, ngậm miệng ăn tiền, sáng cắp ô đi tối cắp về. Tôi cảm động, qua đó cũng thấy mình được ghi nhận, đền đáp.

Tôi ước có cơ chế “tài phán” với văn bản sai

. Có người nói rằng ông là người thiệt thòi dù đã làm nhiều điều vì lợi ích chung. Tự ông có cảm thấy mình bị thiệt thòi không?

+ Tôi thì chẳng thấy thiệt thòi gì cả. Hôm nhận quyết định, chia tay có phần cho lãnh đạo các đơn vị phát biểu cảm tưởng nhưng tôi cắt đi và nói: “Không cần thiết. Là cục trưởng, được huân, huy chương đủ cả nhưng tôi thích nhất là được công luận, được người dân ghi nhận và khẳng định. Vậy là được rồi, thiệt gì nữa.

. Vậy khi về rồi còn những việc muốn làm nhưng chưa làm được hoặc từng thất bại thì sao?

+ Đúng là có việc chưa làm được, như cơ chế “tài phán” đối với văn bản sai. Cơ quan tư pháp, tòa án phải vào cuộc đối với những văn bản trái pháp luật để tuyên hủy nó. Tôi cũng muốn là những người ban hành văn bản sai trái phải được xử lý một cách công bằng, nghiêm minh vì hậu quả một văn bản sai trái gây ra cho xã hội không hề nhỏ.

Hồi hủy gần 100 văn bản sai về xử phạt vi phạm hành chính, tôi có nêu yêu cầu phải bồi thường, trả lại cho người dân những gì mà họ phải chịu khi xử phạt... Cấp trên bảo khó lắm, không làm nổi vì có hàng triệu trường hợp bị xử phạt sai như vậy. Tôi nói ít nhất thì người nào còn giữ được biên bản, giấy tờ phạt, nếu họ kiện ra tòa án hành chính thì phải hủy quyết định phạt sai và hoàn tiền cho dân. Anh em bên tòa án hành chính đã thực hiện theo hướng này. Dù giải quyết được rất ít nhưng được vẫn còn hơn không. Văn bản trên trời, văn bản lồng lợi ích cục bộ, hành người dân, doanh nghiệp vẫn còn nhiều, không hiếm gặp, đang tác oai tác quái ghê lắm.

Tôi cũng mong có một cơ chế kiểm tra ngay trong nội bộ các cơ quan Đảng về nghị quyết của cấp ủy cấp dưới có đúng chủ trương, đúng Hiến pháp, pháp luật hay không. Như trên đã nói, đây là nguyên nhân mà một số văn bản sai trái được ban hành ở các địa phương trong thời gian qua.

Tôi còn muốn xã hội này tốt hơn, muốn hết tiêu cực, quan ra quan, dân ra dân… (Cười).

. Sau khi nghỉ quản lý, anh có dự định gì về công việc không?

+ Bộ cần thì mình vẫn sẵn sàng. Tôi vừa nhận làm chuyên gia tư vấn tại Bộ và một số việc cụ thể khác.

Nghỉ quản lý dù phải làm việc nhiều hơn nhưng áp lực giảm đi. Giờ cảm thấy thênh thang, thanh thản hơn. Có mấy anh em nói: “Anh nên làm luật sư”. Mình đang suy nghĩ, hay lập văn phòng luật sư “Ông Sơn “tuýt còi” và cộng sự” được không. (Cười lớn).

. Xin cám ơn ông.

Vài nét về nhân vật

Ông Lê Hồng Sơn để lại nhiều dấu ấn trong thời gian giữ cương vị cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), nổi tiếng vì “tuýt còi” nhiều văn bản có dấu hiệu vi phạm pháp luật như “tuýt còi” văn bản cấm công chức chơi golf ở Bộ GTVT; văn bản cấm nhập cư ở Đà Nẵng; xử lý văn bản tính diện tích căn hộ chung cư theo tim tường; quy định “ngực lép, chân ngắn” không được lái xe; chứng minh mình không vi phạm pháp luật mới được hưởng bảo hiểm khi bị tai nạn giao thông; cấm người dân quay phim, chụp ảnh CSGT; mỗi người dân chỉ được đăng ký một xe máy; cấm vận chuyển gia súc, gia cầm vào nội thành, nội thị; cấm học sinh, sinh viên biểu diễn nghệ thuật; chỉ được bán hàng ở cửa hàng văn minh, tiện lợi (cấm chợ cóc, hàng rong); bản quy định về quan tài không được lắp ô kính; bảo vệ học sinh ở Bắc Giang quay clip phản ánh tiêu cực trong thi cử (vụ Đồi Ngô)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm