Phía sau những bản án - Kỳ 5: Nhà chia dọc, thóc chia hai

Và nhiều khi vụ việc đã trôi qua nhiều năm rồi nhưng hình ảnh về những phiên tòa này vẫn khiến các thẩm phán day dứt.

Thẩm phán Nguyễn Duy Thành, chánh án TAND thị xã Hồng Ngự - Ảnh: H.Điệp

Đếm đũa để chia... tài sản

Không xử nhiều án hôn nhân và gia đình nhưng thẩm phán Trương Văn Sang - phó chánh án TAND tỉnh Tiền Giang - cho biết hồi mới bắt đầu vào nghề làm thẩm phán, ông công tác tại tòa huyện và cũng từng xử rất nhiều án hôn nhân. Ông Sang từng xử những vụ án hôn nhân mà vợ chồng chia nhau từng chiếc chén, đôi đũa ăn cơm.

Đó là giai đoạn những năm 1980 khi mà nền kinh tế bao cấp còn gặp rất nhiều khó khăn, rất nhiều cặp vợ chồng ly hôn và yêu cầu tòa chia luôn từ đôi đũa ăn cơm, cái thìa, cái muỗng đến cái chén.

Đồng nghiệp ông ở ngoài Bắc còn kể có những cuộc ly hôn mà sau khi bản án có hiệu lực thì căn nhà được chia đôi, vách ngăn giữa nhà chỉ còn là tấm liếp. Án ly hôn cứ nhà chia dọc, thóc chia hai rồi mỗi người sống cuộc sống của mình.

Ông cũng nói rằng bây giờ những vụ ly hôn như thế không còn, nhưng cả giai đoạn khó khăn của nền kinh tế ảnh hưởng rất nhiều đến việc ứng xử giữa con người với con người trước công đường.

Xác nhận về những bản án mà tài sản được kê khai và yêu cầu chia đều này, thẩm phán Nguyễn Duy Thành - chánh án TAND thị xã Hồng Ngự (Đồng Tháp) - cho biết trước đây ông từng phải xuống tận nhà dân để thẩm định, kiểm đếm tài sản trước khi tuyên bản án: “Đó là một cặp vợ chồng người miền Trung đã gần 40 tuổi. Khi ra tòa không ai chịu nhường ai bất kể thứ gì, con cái đứa theo cha đứa theo mẹ, còn tài sản từ nhỏ đến lớn đều chia”.

Vẫn nhớ như in đó là một căn nhà vách đất, đồ đạc trong nhà không có gì giá trị ngoài một vài vật dụng sinh hoạt hằng ngày như chén, đĩa... những vật nhỏ như nồi niêu xoong chảo hay lu sành đựng nước mưa đều đã được chia đôi, nhưng đến cối xay bột thì không ai chịu để lại cho ai nên phải mời tòa đến “định giá”.

Sau nhiều cãi vã thì người vợ đã đồng ý ra đi, để lại căn nhà cho người chồng kèm theo cả chiếc cối đá xay bột và người chồng đã vay mượn được một ít tiền đưa cho vợ. Bản án được tuyên thì người vợ dắt một đứa con ra khỏi nhà.

“Sau này thỉnh thoảng tôi có gặp lại người chồng, nghe hàng xóm nói anh vẫn chắt chiu như thế” - thẩm phán Thành kể.

Không chỉ ở nông thôn và cũng không chỉ ở những năm bao cấp mới có chuyện chia từng vật dụng nhỏ như vậy trong bản án hôn nhân.

Thẩm phán Trần Nam Bình, phó chánh án TAND Q.3, đến giờ vẫn không quên được việc thụ lý vụ án ly hôn kéo dài hàng năm trời. “Đó là vụ ly hôn mà người chồng đòi đếm từng đôi đũa để chia. Mà theo tôi biết, không phải bởi tài sản mà vì cay cú nhau”.

Theo thẩm phán Bình, vụ án hi hữu ấy xuất phát từ việc hai vợ chồng có thái độ quá chặt chẽ và chi li đối với tiền bạc. Đến khi cảm thấy không thể sống chung với nhau thì thống nhất đưa nhau ra tòa.

Tuy nhiên, vụ ly hôn này kéo dài hàng năm trời và không biết bao nhiêu lần phải hòa giải chỉ bởi việc định giá và phân chia tài sản trong nhà mất quá nhiều thời gian.

“Họ đòi chia nhau toàn bộ tài sản đã có trong ngôi nhà, từ việc đếm từng đôi đũa, bộ quần áo đến xe gắn máy. Qua nhiều lần hòa giải, cuối cùng họ tự thỏa thuận được về những tài sản có giá trị nhỏ.

Tuy không phải định giá những tài sản trong việc chia đôi của cải trong bản án ly hôn, nhưng thẩm phán Bình cho biết cán bộ xét xử vụ án đã chứng kiến việc chia đó dù điều này không được ghi trong bản án. “Họ tự định giá các tài sản này và sắp xếp những tài sản có giá trị tương đương để chia đôi” - thẩm phán Bình nói.

Đau lòng với những đứa trẻ trước tòa

TAND Q.3 từng xét xử một vụ án ly hôn mà người vợ khi ra tòa đã chịu sự mạt sát không tiếc lời của người chồng.

Phía sau những bản án - Kỳ 5: Nhà chia dọc, thóc chia hai ảnh 2

Thẩm phán Phạm Công Hùng, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM, đang tuyên án - Ảnh: Minh Hiếu

Theo các cán bộ làm việc tại TAND Q.3 (TP.HCM), từ khi bắt đầu thụ lý vụ án đến khi đưa ra xét xử người chồng luôn miệng chửi vợ mình bằng những ngôn từ rất khó nghe. Thậm chí ngày mở phiên tòa, người chồng ép đưa hai con gái đến tòa để chứng kiến việc bố nó kể tội mẹ.

Theo trình bày của người chồng, lý do để họ ly hôn là bởi người vợ không còn yêu chồng mà yêu người khác. Người vợ cũng không phủ nhận việc này và đồng ý được ly hôn.

Nhưng việc người chồng ép đưa hai con gái khoảng 9-10 tuổi đến tòa để chứng kiến việc mẹ kể về những hành vi tội lỗi của mẹ khiến hai đứa trẻ khóc như mưa và nhất quyết không muốn vào phòng xử án. Khi đó, chủ tọa phiên tòa yêu cầu không đưa hai đứa trẻ vào trong phòng xử.

“Hai đứa trẻ rúm ró khóc lóc khi nghe những lời bố mạt sát mẹ về việc mẹ ngoại tình. Người mẹ muốn bảo vệ con mình nhưng không thể ngăn những hành vi thô bạo đến từ người chồng nên chị chỉ khóc” - một cán bộ đang làm việc tại TAND Q.3 cho biết.

Còn luật sư Hồ Trung Hiếu kể khi còn làm thẩm phán tại TAND TP.HCM, ông cũng đã tham gia xét xử một vụ án hôn nhân kéo dài đến mấy năm không xong.

Cô vợ làm nghề tiếp viên quán nhậu, nhưng hai người quyết tâm kết hôn với nhau dù gia đình nhà chồng không đồng ý. Suốt những năm chung sống rất hạnh phúc họ đã không bao giờ nhắc đến quá khứ.

Nhưng trong một lần cãi vã, người chồng có hơi men nên lỡ miệng nói vợ cũng “chỉ là hạng tiếp viên mà thôi”. Người vợ vì vậy mà ôm đứa con ra khỏi nhà, cô làm đơn xin ly hôn. Sau cơn say, người chồng tỉnh lại rất ân hận vì những gì mình nói.

Ra tòa, họ đều nói còn rất thương yêu nhau, sau nhiều lần hòa giải họ đều khóc nhưng nhất quyết chia tay. “Cuộc ly hôn nào cũng buồn, nhưng khi họ không tha thứ được cho nhau, dù thương nhau thật nhiều thì những người làm thẩm phán cũng cảm thấy chua xót thay cho họ” - ông Hồ Trung Hiếu kể.

Là thẩm phán xét xử án hình sự là chính, nhưng việc phải chứng kiến những khoảnh khắc nhói lòng trước sân tòa khiến thẩm phán Trương Văn Sang (phó chánh án TAND tỉnh Tiền Giang) bị ám ảnh mãi.

“Đó là một phiên tòa hôn nhân gia đình mà tôi được báo cáo lại nội dung là hai bên cha mẹ đã không thống nhất được từ tài sản đến con cái. Bởi vậy phải mang hai đứa trẻ đến để tòa ra quyết định. Khi toàn bộ tài sản đã được định đoạt và hai đứa trẻ cũng được chia một đứa theo cha, một đứa theo mẹ.

Tôi trên lầu nhìn xuống thấy cha nắm tay một đứa kéo đi một hướng, mẹ nắm tay một đứa kéo đi một hướng, ai cũng cương quyết, chỉ có hai đứa trẻ khóc váng dưới sân tòa, chúng rướn người về phía nhau, một đứa gọi anh Hai ơi, một đứa kêu em Ba ơi... Đó là một cảnh tượng thật đau lòng” - ông Sang ngậm ngùi.

Theo HOÀNG ĐIỆP (TTO)

------------------------

Kỳ tới: Bị trả thù

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm