Phía sau vụ Trung Quốc tẩy chay ‘Hawaii của Hàn Quốc’

Tám ngày đầu tháng 10 vừa qua được xem là “Tuần lễ vàng” của Trung Quốc (TQ), kéo dài từ kỳ nghỉ Quốc khánh (1-10) đến Tết Trung thu.

“Tuần lễ vàng” này là dịp để dân TQ nghỉ ngơi, du lịch, mua sắm trong và ngoài nước. Ngành du lịch dịch vụ nhiều nước cũng trông mong “Tuần lễ vàng” này để thu lợi. Số liệu từ Tổng cục Du lịch Quốc gia TQ cho thấy có tới 663 triệu dân đi du lịch, tăng 11,8% so với năm ngoái.

Khi láng giềng… giận

Là điểm đến số một của du khách TQ mùa du lịch “Tuần lễ vàng” năm 2016, thế nhưng “Hawaii của Hàn Quốc” - đảo Jeju năm nay thậm chí không lọt cả vào tốp 20. Số du khách TQ đến Jeju trong năm 2016 chiếm đến 90% tổng lượng khách du lịch đến đảo nhưng kỳ nghỉ lễ này giảm tới 70%. “Tuần lễ vàng” năm nay đảo Jeju trở thành một “thành phố ma” đìu hiu bất thường, theo cách ví von của Thời Báo Hoa Nam Buổi Sáng (SCMP). Đường phố vắng vẻ. Cửa hàng thưa thớt. Nhà hàng im ắng.

Có thể thấy đảo Jeju đang phải hứng chịu cơn giận từ TQ vốn hồi tháng 3 đã lệnh các công ty du lịch ngưng bán tour đến Hàn Quốc. Lý do là nước này duyệt triển khai hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ. Ngoài du lịch, hàng loạt lĩnh vực kinh doanh khác của Hàn Quốc ở TQ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Có thể kể đến hệ thống bán lẻ Lotte, các nhà hàng Hàn Quốc, các nhãn hiệu ô tô như Hyundai, Kia Motor… và còn rất nhiều công ty vừa và nhỏ của Hàn Quốc phải rời bỏ TQ về nước.

Quan hệ Trung-Hàn đang trong thời điểm khó khăn nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992, tờ SCMP nhận định. Tháng 8 vừa qua, hai nước vừa kỷ niệm 25 năm quan hệ ngoại giao. Các mốc kỷ niệm 15, 20 năm quan hệ, hai nước có nhiều hoạt động chúc mừng. Chẳng hạn lần kỷ niệm năm năm trước, ông Tập Cận Bình (khi đó còn là phó chủ tịch TQ) cùng với ông Dương Khiết Trì (khi đó là bộ trưởng Ngoại giao) đã đến thăm Đại sứ quán Hàn Quốc ở Bắc Kinh trong sự đón tiếp long trọng. Lần này, hai bên không có hoạt động nào chung. Quan chức cấp cao nhất của TQ đến Đại sứ quán Hàn Quốc cũng chỉ là hàng bộ trưởng. Truyền thông TQ cũng không đưa tin nhiều về sự kiện này, theo SCMP. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng trao đổi lời mừng với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Nhưng nếu thông điệp của ông Moon tập trung vào các thành tựu và viễn cảnh quan hệ song phương thì ông Tập lại nhấn mạnh sẵn sàng giải quyết các bất đồng giữa hai nước.

Thắng cảnh đảo Jeju (Hàn Quốc) thưa thớt du khách. Ảnh: SCMP

Đường phố Jeju (Hàn Quốc) lặng lẽ trong mùa du lịch “Tuần lễ vàng” của Trung Quốc. Ảnh: SCMP

Hệ thống tên lửa THAAD được lắp đặt tại huyện Seongju, tỉnh Gyeongsang Bắc (Hàn Quốc). Ảnh: REUTERS

Vẫn là câu chuyện kinh tế

Hàn Quốc lắp đặt hai bệ phóng THAAD từ tháng 4. Sau hàng loạt hành động khiêu khích của Triều Tiên, Seoul đồng ý cho lắp đặt thêm bốn bệ phóng tên lửa còn lại trong hệ thống THAAD. TQ trả đũa bằng hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế với lý do lo ngại Hàn Quốc và Mỹ có thể dùng THAAD để làm suy yếu chương trình tên lửa nước mình. Tuy nhiên, theo bài viết trên tờ SCMP của GS Ivan Tselichtchev tại ĐH Quản lý Niigata (Nhật), THAAD và Triều Tiên có thể chỉ là cái cớ. Theo ông, nguyên nhân thật sự của việc TQ mạnh tay với Hàn Quốc là vì cạnh tranh kinh tế giữa hai nước.

Hai thập niên sau thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao (1992) được xem là kỳ trăng mật về kinh tế và địa chính trị hai bên. Tháng 9-2015, bà Park Geun-hye (lúc đó là tổng thống Hàn Quốc) là lãnh đạo duy nhất trong số các nước đồng minh của Mỹ đến dự lễ diễu binh ở quảng trường Thiên An Môn của TQ. Quan hệ kinh tế Trung-Hàn phát triển ấn tượng, Hàn Quốc chuyển từ một nước phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ sang cân bằng giữa Mỹ và TQ. Hàn Quốc xuất khẩu sang TQ nhiều hơn sang bất kỳ nước nào trên thế giới, chiếm 1/10 tổng nhập khẩu của láng giềng, gần 1/4 tổng xuất khẩu của Hàn Quốc, gấp đôi sang thị trường Mỹ. Hàn Quốc nằm trong nhóm năm nước đầu tư trực tiếp nhiều nhất vào TQ. Năm 2015, thương mại song phương hai nước đạt 227,4 tỉ USD.

Một trong những lý do khiến quan hệ kinh tế Trung-Hàn phát triển là nhờ tính gần gũi về địa lý. Các công ty Hàn Quốc cung cấp nguyên liệu, thiết bị cho lĩnh vực điện tử, máy móc của TQ. Có thể nói Hàn Quốc có công không nhỏ trong việc thúc đẩy đà tăng trưởng cho nền kinh tế thứ hai thế giới. Và cũng nhờ Hàn Quốc, TQ bớt hẳn chuyện phụ thuộc vào phụ tùng ô tô từ Nhật. Người dân TQ, đặc biệt là giới trẻ ngày càng quen thuộc với sản phẩm Hàn Quốc, từ điện tử tới thời trang, mỹ phẩm, phim ảnh, âm nhạc… Tháng 12-2015, hai nước ký Thỏa thuận Thương mại tự do, gỡ bỏ thuế nhập khẩu tới gần 90% cho hàng hóa hai bên trong hai thập niên.

Đối tác thành đối thủ

Tuy nhiên, giai đoạn cực thịnh trong quan hệ kinh tế dường như đã qua, hai nước dần bước sang con đường trở thành đối thủ trên thương trường. Nếu như trước đây TQ là miền đất màu mỡ cho nền kinh tế chủ yếu thiên về xuất khẩu của Hàn Quốc thì giờ lại trở thành thách thức. Các công ty TQ dần dần tỏ rõ mong muốn và khả năng cạnh tranh trực tiếp với các công ty Hàn Quốc ở những lĩnh vực mà trước đây Hàn Quốc vốn chiếm ưu thế. Từ công nghiệp ô tô, đóng tàu đến hóa chất hay bất kỳ ngành công nghiệp nào, các công ty Hàn Quốc giờ đều cảm nhận sức nóng cạnh tranh của các đối thủ TQ vốn thường được chính phủ hỗ trợ.

“Số công ty này ở TQ tăng rất nhanh, đưa các công ty Hàn Quốc vào thế phải chịu áp lực chưa từng thấy trước nay” - ông Ivan Tselichtchev nhận định. Các tập đoàn điện tử lớn của TQ như Huawei, Haier chiếm lĩnh rất nhanh thị phần trên “sân nhà” và thị trường toàn cầu, cạnh tranh mạnh mẽ với các tập đoàn điện tử lâu đời của Hàn Quốc như Samsung, LG.

Các thay đổi này đã và đang tạo nên một bối cảnh mới cho quan hệ song phương hai nước bên cạnh các yếu tố an ninh, quốc phòng. Vấn đề căng thẳng Triều Tiên và hệ thống THAAD của Mỹ có thể không phải là những lý do khiến TQ mạnh tay với Hàn Quốc mà là cạnh tranh kinh tế.

Vắng du khách, dân… thở phào?

Bên cạnh mất nguồn thu, chuyện du khách TQ giảm đến đảo Jeju cũng có thể là một tin tốt với cư dân trên đảo vốn ngán ngẩm nhịp sống ồn ào, muốn có cuộc sống yên bình hơn. Năm 2008, chính quyền Jeju ban hành chính sách 30 ngày miễn visa cho du khách TQ. Kể từ đó hòn đảo nhỏ này trở thành một mỏ vàng cho ngành du lịch hai nước khai thác. Năm 2016 đảo Jeju đón con số kỷ lục 3,1 triệu khách TQ, chiếm 90% tổng du khách đến đây.

Không thể bác bỏ các tác động tích cực từ làn sóng du khách TQ. Thế nhưng đi cùng với sự xô bồ là sự gia tăng đáng báo động trên đảo Jeju về tỉ lệ tội phạm, cũng như tình trạng du khách lẫn người kinh doanh hành xử không văn minh. Tháng 9-2016 đã có hơn 11.000 dân Jeju ký đơn kêu gọi chấm dứt chính sách miễn visa 30 ngày cho du khách TQ. Vụ việc chưa được giải quyết thì phía TQ yêu cầu ngưng khai thác du lịch đến Jeju.

Sự thất thu của Hàn Quốc lại là mối lợi của Thái Lan khi nước này thay Jeju trở thành điểm đến hàng đầu của du khách TQ trong “Tuần lễ vàng” vừa qua, kế đó là Nhật Bản và Singapore.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm