Putin toan tính gì cho ‘người thừa kế’ điện Kremlin?

Khi kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử Quốc hội Nga vẫn chưa được công bố, đảng Nước Nga thống nhất (URP) cầm quyền đã nắm chắc trong tay phần thắng. Phát biểu tại trụ sở URP tối 18-9 vài phút sau khi các phòng phiếu đóng cửa, cùng với Thủ tướng Dmitry Medvedev, Tổng thống Putin đã tự tin tuyên bố đảng cầm quyền của ông đã thắng. “Chúng tôi có thể nói chắc chắn đảng chúng tôi đã thắng”.

Phe đối lập thua nặng

Ước đoán của ông Putin đã hoàn toàn chính xác. Theo Reuters, sau khi hơn 93% số phiếu đã được kiểm vào ngày 19-9, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Trung ương Ella Pamfilova khẳng định URP đang băng băng về đích với 343/450 ghế Hạ viện Nga (Duma quốc gia Nga). Kết quả cuộc bầu cử Quốc hội tiếp tục lại là một bước đà quan trọng cho ông Putin để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống Nga vào năm 2018 sắp tới.

Chiến thắng trong kỳ bầu cử Quốc hội lần này giúp URP tăng thêm hơn 100 ghế tại Hạ viện Nga. Đảng ủng hộ ông Putin giờ đây đã có đủ số ghế trong tay để chỉnh sửa hiến pháp, theo trang Breaking News. Đã có nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng ông Putin có thể sẽ tìm cách thúc đẩy chỉnh sửa hiến pháp cho phép một người có thể ứng cử tổng thống hơn hai nhiệm kỳ liên tiếp và số năm trong một nhiệm kỳ.

Chiến thắng này không chỉ đảm bảo vị thế lãnh đạo của URP, đảng ủng hộ sự lãnh đạo của ông Putin, mà còn là một thất bại nặng nề đối với phe chống đối các chính sách của nhà lãnh đạo 63 tuổi. Theo tờ The Moscow Times, các đảng về sau trong cuộc bầu cử như đảng Dân chủ Tự do Nga (LDPR), đảng Cộng sản Nga và đảng Nước Nga công bằng đều là các đảng phái “trung thành” với chính phủ Kremlin trong các vấn đề chính trị lớn của đất nước. Từ việc tái sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ Nga đến lập trường của Moscow về cuộc xung đột tại Ukraine, các chính sách của Kremlin đều nhận được sự ủng hộ của các đảng này. Cùng với URP, cả bốn đảng “thân thiện” với ông Putin sẽ chiếm gần 445/450 ghế tại Hạ viện Nga. Những tiếng nói chống đối khó lòng có chỗ tại Hạ viện trong năm năm tới.

Cuộc bầu cử 2016 lại mang tính quyết định đối với phe đối lập. Thế nhưng kết quả đạt được lại chẳng khác gì “thảm họa”, tờ The Moscow Times bình luận. Đảng đối lập Yabloko đã không thể chiếm được ghế. Trong khi đảng Parnas của cựu Thủ tướng Nga Mikhail Kasyanov cũng chẳng khá hơn, không qua nổi ngưỡng 5% phiếu bầu toàn quốc để giành ghế tại Hạ viện. Parnas cũng khó có thể giành được ghế trong cuộc đua giành phiếu bầu chọn một đại diện tại Hạ viện cho mỗi quận. Đảng Yabloko thì còn chút hy vọng nhưng cũng không nhiều. Trước khi cuộc bầu cử diễn ra, chính quyền Kremlin cũng đã cẩn thận rào trước mọi nguy cơ chỉ trích tính thuyết phục trong chiến thắng của URP, theo The Telegraph. Bộ Tư pháp Nga đã đưa trung tâm khảo sát độc lập Levada của Nga vào danh sách các “tác nhân nước ngoài” có thể bị xem là bất hợp pháp.

Ông Putin dần loại bỏ những người không phù hợp với tầm nhìn của mình cho tương lai. Ảnh: CƠ QUAN BÁO CHÍ ĐIỆN KREMLIN

Chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện Nga cho đảng của ông Putin lợi thế điều chỉnh Hiến pháp theo ý mình. Ảnh: THE MOSCOW TIMES

Loại “tre già”, cho “măng mọc”

Không chỉ đảm bảo chiến thắng áp đảo tại nghị trường Nga, ông Putin trong thời gian qua cũng đã có những bước đi quyết liệt nhằm quy hoạch lại lớp lãnh đạo kế cận tại Kremlin. Hàng loạt cái tên cộm cán như Vladimir Yakunin (68 tuổi), lãnh đạo cơ quan đường sắt quốc gia và Viktor Ivanov (66 tuổi), lãnh đạo cơ quan cảnh sát chống ma túy, đã bị sa thải thẳng tay. Mới đây nhất, Chánh văn phòng Kremlin Sergei Ivanoc (63 tuổi), người cộng sự lâu năm của ông Putin, cũng đã mất ghế. Tờ The Economist bình luận ông Putin có vẻ đang không còn mấy hứng thú trong việc tìm kiếm sự cố vấn từ những người bạn lâu năm của ông, những người có thể nói chuyện “gần như ngang hàng” với nhà lãnh đạo 63 tuổi.

Nhiều chuyên gia nhận định ông Putin đang muốn “dọn dẹp” các vị trí lãnh đạo để đào tạo một thế hệ kế cận mới. Người thay thế vị trí chánh văn phòng của Kremlin là Anton Vaino, chỉ mới 44 tuổi. Trong khi đó, cựu cận vệ của ông Putin là Alexei Dyumin, cũng chỉ mới 44 tuổi, đã được bổ nhiệm chức vụ thống đốc. Trước đó, ông Dyumin cũng từng được Tổng thống Putin bổ nhiệm là thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga trong vài tháng. Có hai cựu cận vệ khác của ông Putin cũng được bổ nhiệm chức vụ thống đốc. Victor Zolotov, một cựu cận vệ khác, giữ chức lãnh đạo lực lượng vệ binh quốc gia. Tờ Daily Mail nhận định thế hệ lãnh đạo mới của Nga mà ông Putin đang “quy hoạch” đều bước chân vào chính trường khi ông đã giữ ghế tổng thống và thu hút được sự tin tưởng khổng lồ của người dân Nga. Họ đều là các chính trị gia trưởng thành trong thời kỳ mà ông Putin là hình mẫu lãnh đạo lý tưởng nhất của đất nước. Những chính trị gia này đều “nợ” ông Putin cả sự nghiệp chính trị của mình. Evgeny Minchenko, một cố vấn chính trị tại Nga, cho rằng thế hệ chính trị gia này sẽ đặc biệt “trung thành, hiệu quả và không bị chi phối bởi tư tưởng khác”.

“Những người không phù hợp với tầm nhìn của ông Putin đang phải rời đi. Không có ai trừ ngài tổng thống hiểu rõ các mục đích mà ông đang nhắm đến là gì” - Aleksei Chesnakov, một cựu quan chức từng làm việc cho ông Putin, nhận định.

Sẽ không có “người thừa kế”?

Vào ngày 5-9, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin Bloomberg, nhà lãnh đạo của Nga đã bất ngờ cho biết người tổng thống kế tiếp của Nga cần là một chính trị gia “khá trẻ nhưng phải trưởng thành”. Tuy nhiên, ông cũng không hề phủ nhận khả năng sẽ tiếp tục tham gia tranh cử tổng thống Nga vào năm 2018. Nhiều nhà quan sát chính trị đánh giá khả năng ông tiếp tục tranh cử và giành chiến thắng là rất cao, đặc biệt khi nhà lãnh đạo 63 tuổi vẫn chưa có dấu hiệu gì mệt mỏi trước các sức ép tại vị trí quyền lực số một nước Nga.

Trung tâm khảo sát Levada cho biết kể từ khi Nga tái sáp nhập Crimea vào lãnh thổ quốc gia, mức tín nhiệm hằng tháng của ông Putin chưa bao giờ dưới 80%. Dù cho các khảo sát về mức độ hiệu quả của chính phủ có bị suy giảm do tình hình suy thoái kinh tế, vẫn không có đối thủ đủ sức thách thức chiếc ghế ông chủ điện Kremlin của ông Putin. Tiết lộ với tờ The Telegraph, nhiều quan chức cấp cao của Nga thậm chí còn không dám nghĩ đến viễn cảnh một nước Nga không có Putin. Họ sợ đất nước sẽ chìm vào rối ren và các ứng viên nặng ký như Thủ tướng Dmitry Medvedev, Phó Thủ tướng Igor Shuvalov, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu hay Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin sẽ không đủ khả năng quản lý. Theo Evgeny Minchenko, nếu như không có dấu hiệu bệnh tật hay đe dọa chính trị nào nghiêm trọng, nhà lãnh đạo kỳ cựu của nước Nga sẽ tiếp tục dẫn dắt đất nước trong nhiều năm nữa.

Nếu như tiếp tục đắc cử vào năm 2018, ông Putin cũng sẽ chính thức “xô ngã” kỷ lục của Tổng Bí thư Liên Xô Leonid Brezhnev về số năm lãnh đạo đất nước thời kỳ hậu Thế chiến thứ II.

Tình báo KGB tái sinh?

Dù vị tổng thống Nga nhiệm kỳ sau là ai đi nữa, ông chủ kế tiếp Kremlin nhiều khả năng sẽ được kế thừa từ ông Putin một bộ máy tình báo tinh vi hơn. Theo tờ Kommersant, hệ thống an ninh Liên bang Nga đang được lên kế hoạch cải tổ quy mô lớn trước khi cuộc bầu cử tổng thống năm 2018 diễn ra.

Trên nền tảng của Cục An ninh Liên bang (FSB), Kremlin sẽ thiết lập nên “Bộ An ninh quốc gia”. Tờ The Moscow Times bình luận cơ quan an ninh Nga sẽ được trả về với vị thế quyền lực của cơ quan tình báo KGB thời kỳ trước khi Liên Xô tan rã.

Tờ Kommersant cho biết cơ quan chính phủ sắp được thành lập sẽ gộp cả Cục Tình báo nước ngoài (FIS). Đa số các đơn vị trực thuộc Cục Bảo vệ liên quan (FPS), cơ quan bảo vệ các quan chức hàng đầu của Nga, cũng sẽ được gộp vào Bộ An ninh quốc gia. Cơ quan mới thành lập này không chỉ điều tra các vụ án được đệ trình bởi Ủy ban Điều tra Liên bang và Bộ Nội vụ, mà thậm chí còn giám sát quy trình hoạt động của các cơ quan này. Bộ có trách nhiệm hỗ trợ tình báo cho tất cả cơ quan chấp pháp và an ninh của Nga, đảm nhận cả các vụ án tham nhũng cấp cao. Dự kiến số tiền bồi thường cho việc cắt giảm nhân sự sẽ tiêu tốn ít nhất là 308 triệu USD.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm