Quốc vương Bhumibol: Vị thánh sống của người Thái

Quốc vương Bhumibol Adulyadej là vị vua trị vì lâu nhất trên thế giới. Vị quốc vương vừa băng hà, hưởng thọ 88 tuổi của Thái Lan được người dân vô cùng tôn kính và xem như một vị thánh sống.

Đường đến ngôi báu

Quốc vương Bhumibol Adulyadej được sinh ra trên đất Mỹ vào ngày 5-12-1927, khi phụ hoàng của ông đang du học ở bang Massachusetts. Ông được gửi đi du học tại Thụy Sĩ trước khi quay trở lại Massachusetts để hoàn tất việc học hành.

Ông được chỉ định làm người kế thừa ngôi báu vào ngày 9-6-1946, sau khi anh của ông là Ananda Mahidol bị bắn chết trong một “tai nạn” bí ẩn trong hoàng cung Bangkok. Ông chính thức được truyền ngôi vào tháng 5-1950.

Trong những năm đầu tiên trị vì, quốc vương Bhumibol bị “che mờ” bởi nhiều lãnh đạo quân đội quyền lực. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của các thành viên hoàng tộc và lòng trung thành của nhiều tướng lĩnh, ông đã tái dựng được vị thế vương quyền của hoàng gia Thái Lan.

Ông được xem là nhân tố quan trọng giúp ổn định đất nước Thái Lan xuyên suốt những bất ổn chính trị-xã hội, giữ đất nước không chìm vào cảnh chiến tranh loạn lạc. Trong suốt thời gian trị vì của mình, quốc vương Bhumibol Adulyadej đã chứng kiến rất nhiều những cuộc đảo chính, 19 lần điều chỉnh Hiến pháp và nhiều đời thủ tướng.

Người dân Thái Lan đau buồn tột độ trước thông tin quốc vương Bhumibol đã băng hà. Ảnh: Reuters

Cứu tinh của chính trường

Dù Thái Lan là quốc gia theo thể chế quân chủ lập hiến, thực quyền của quốc vương vô cùng hạn hẹp, đa số người Thái vẫn tôn thờ ông như một vị thánh sống. Mọi phát biểu dù ngắn của ông cũng đều lập tức được xem như lời chỉ dụ, giáo huấn dành cho người dân Thái Lan. Về mặt hiến pháp, quốc vương Thái Lan đứng ngoài chính trị quốc gia. Tuy nhiên, ông Bhumibol Adulyadej đã nhiều lần ra tay can thiệp vào các giai đoạn căng thẳng đỉnh cao của chính trị Thái Lan. Ông được ca ngợi là nhân tố quan trọng thúc đẩy Thái Lan tìm ra các giải pháp bất bạo động trong các cuộc khủng hoảng chính trị.

Theo BBC, lần công khai can thiệp vào chính trường đầu tiên của quốc vương Bhumibol là cuộc khủng hoảng năm 1973. Vào thời điểm đó, những người biểu tình đòi dân chủ tại Bangkok đã bị quân đội xả súng. Sau đó, họ đã được quốc vương Thái Lan cho vào hoàng cung trú chân, tránh bị quân đội làm hại. Động thái này được xem là yếu tố quyết định sự sụp đổ của chính quyền thủ tướng Thái Lan khi đó là tướng Thanom Kittikachorn.

Năm 1981, quốc vương Bhumibol đã chống lại một nhóm sĩ quan quân đội tiến hành đảo chính Thủ tướng Prem Tinsulanond, vốn là người bạn thân của ông. Các lực lượng quân sự trung thành với hoàng gia đã nhanh chóng tái chiếm Bangkok và đẩy lùi lực lượng đảo chính. Trong cuộc khủng hoảng chính trị năm 1992, ông lại một lần nữa can thiệp vào chính trường đất nước. Một trong những lãnh đạo của âm mưu đảo chính trước đó, tướng Suchinda Kraprayoon, đã cố tìm cách được trở thành thủ tướng Thái Lan. Những người biểu tình chống lại ông Suchinda Kraprayoon bị quân đội xả súng. Quốc vương đã triệu hồi tướng Suchinda và nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, tướng Chamlong Srimuang, đến nói chuyện. Truyền hình quốc gia ghi được cảnh vị quốc vương răn dạy ông Suchinda và ông Chamlong. Hai vị tướng quyền lực phải quỳ gối lắng nghe. Sau sự kiện nổi tiếng này, chế độ bầu cử dân chủ tại Thái Lan đã được khôi phục và một bản hiến pháp mới được xây dựng.

Trong cuộc khủng hoảng chính trị năm 2006 liên quan đến Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người dân Thái và các chính trị gia đã nhiều lần thỉnh cầu quốc vương Bhumibol can thiệp. Tuy nhiên, ông vẫn quyết định giữ im lặng vì cho rằng sự can thiệp của ông đối với thể chế dân chủ là không phù hợp. Dẫu thế, hãng tin BBC bình luận chính sức ảnh hưởng to lớn của quốc vương đã khiến tòa án Thái Lan bác bỏ chiến thắng của ông Thaksin trong cuộc bầu cử năm đó. Những năm gần đây, tên tuổi và hình ảnh của quốc vương Bhumibol thường xuyên được phe ủng hộ hoàng gia Thái Lan dùng đến để tìm cách hạ bệ các phe ủng hộ sự trở về của ông Thaksin.

Quốc vương Thái Lan (phải) nổi tiếng là người đa tài, từng chơi saxophone với nhóm nhạc huyền thoại của Benny Goodman vào năm 1960. Ảnh: AP

Với những công lao to lớn với đất nước, quốc vương Bhumibol được người dân tôn thờ như một vị thánh sống. Ảnh: Reuters

Quyền lực không thể so sánh

Cái tên Bhumibol Adulyadej của quốc vương Thái Lan có ý nghĩa là: “Sức mạnh của đất, quyền lực không thể so sánh”. Không những nhiều lần ra tay cứu đất nước Thái Lan khỏi cảnh “nồi da xáo thịt”, tháo ngòi nổ những cuộc khủng hoảng chính trị quân sự nghiêm trọng, quốc vương Thái Lan còn góp công lớn trong việc cải thiện cuộc sống của người dân Thái Lan. Với hàng loạt chuyến vi hành đến các tỉnh thôn quê và vô số chương trình nông nghiệp hoàng gia, quốc vương Bhumibol đã trở thành vị thánh sống đối với người dân Thái.

Sau khi quay trở về Thái Lan từ châu Âu, ông đã không lựa chọn một cuộc sống xa hoa, thường xuyên chu du đây đó. Ông ngừng du lịch nước ngoài và nói rằng ở nước nhà có quá nhiều việc cần làm. Ông góp công thúc đẩy nhiều chương trình phát triển Thái Lan, như các nhà máy tiệt trùng sữa, các công trình thủy điện giúp tưới tiêu các cánh đồng cằn cỗi, những nhà máy tái chế xác mía, các cơ sở chế biến lục bình thành nhiên liệu, các dự án tạo mưa nhân tạo cứu các vùng hạn hán và vô số những dự án phát triển nước khác. Tờ New York Times bình luận dưới sự trị vì của quốc vương Bhumibol, Thái Lan đã thật sự lột xác, từ một nền kinh tế với nông nghiệp là chủ đạo trở thành một nền kinh tế hiện đại với công nghiệp và thương nghiệp phát triển cùng một tầng lớp trung lưu giàu có.

Năm 2006, Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan đã trao tặng quốc vương Thái Lan giải thưởng Thành tựu trọn đời về phát triển con người đầu tiên của LHQ.

Người kế thừa ngôi báu là ai?

Quốc vương Bhumibol Adulyadej có một người con trai và ba cô con gái gồm thái tử Maha Vajiralongkorn, công chúa Ubol Rattana, công chúa Maha Chakri Sirindhorn và công chúa Chulabhorn Walailak. Thái tử Maha Vajiralongkorn vốn là người được chỉ định kế vị quốc vương.

Thái tử Vajiralongkorn sinh năm 1952 tại Bangkok. Ông từng du học tại các nước Mỹ, Anh và Úc. Ông được chỉ định làm người kế thừa ngôi báu vào năm 1972. Ông đã được đào tạo nhiều kỹ năng quân sự, chẳng hạn như lái trực thăng và máy bay chiến đấu cũng như các kỹ năng nhảy dù.

Sau khi hoàng cung và chính phủ Thái Lan thông báo quốc vương băng hà, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha đã chính thức công bố thái tử Maha Vajiralongkorn được chỉ định là người kế vị ngai vàng. Theo South China Morning Post, các chuyên gia quốc tế và các nhà quan sát chính trị ở Thái Lan hầu hết cho rằng thái tử Vajiralongkorn sẽ giữ vững ngôi vị tân quốc vương Thái Lan. “Quan điểm của tôi là thái tử Vajiralongkorn sẽ kế vị. Tôi không nghĩ là có khả năng khác. Chính quyền đương nhiệm ở Thái Lan đã cho thấy rõ là họ ủng hộ thái tử” - Kevin Hewinson, chuyên gia về châu Á tại ĐH North Carolina (Mỹ), nhận định. Học giả người Đức Serhat Unaldi cũng tin rằng vị trí của thái tử Vajiralongkorn hoàn toàn vững chắc. Ông Unaldi nói: “Không có ai có thể thay thế thái tử Vajiralongkorn. Dựa theo luật truyền ngôi hoàng gia Thái Lan, ông ấy là người thừa kế ngai vàng phù hợp”.

Tuy nhiên, tờ The New York Times bình luận thái tử Vajiralongkorn được nhiều người xem là một tay ăn chơi nhiều hơn là một nhà lãnh đạo. Ông không nhận được sự tôn kính nhiều như người cha của mình. Với cái chết của quốc vương Bhumibol và thái tử Vajiralongkorn kế thừa ngôi báu, không những Thủ tướng Prayuth mất đi sự ủng hộ cho tính chính danh của chính phủ mà ngay cả nền quân chủ lập hiến của Thái Lan cũng đứng trước tương lai bất định.

Thái Lan chìm trong đau thương

Phát biểu về cái chết của quốc vương Bhumibol, Thủ tướng Thái Lan ngày 13-10 chia sẻ: “Ngày 13-10 sẽ ở mãi trong tâm trí người dân. Bây giờ chính là lúc mà niềm tiếc thương sẽ không còn giới hạn. Nhà vua đã đưa người dân từ chỗ không còn hy vọng đến bến bờ an toàn với lòng quyết tâm, dũng cảm đương đầu mọi thử thách”. Chính phủ Thái Lan tuyên bố sẽ để tang vị quốc vương đáng kính trong vòng một năm. Linh cữu của quốc vương Bhumibol sẽ được quàn trong vòng 100 ngày để người Thái khắp nơi đến viếng và bày tỏ lòng thương tiếc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm