“Săn” dế mùa lụt

Cả làng “săn” dế

Từ tinh mơ sáng, từng nhóm người ở xã Nam Lộc đã lục tục mang dao, cuốc, ấm múc nước kéo nhau ra đồng. Nhiều cụ già cao niên cũng nhập đoàn với đám “quân con nít” để đi “săn” dế. Không khí sôi nổi của hàng chục mùa dế đã qua vẫn được bảo lưu nguyên vẹn.

Đứng từ đường 15A nhìn ra các bãi bồi ven sông Lam, chúng tôi thấy chỗ nào cũng thấp thoáng bóng người đi đào dế. Trên các bãi cát cao ven sông, nơi nước lũ chưa bao giờ đến, mún dế, hang dế xuất hiện hàng loạt. Dế mùa lụt nhiều vô kể, lại dễ đào. Vì thế, dù cho ngày nào cũng có cả trăm người đi “săn” nhưng ai nấy đều bắt được khá nhiều dế. Anh Nguyễn Trung Đỉnh (xóm 2 Nam Lộc) cho biết: “Năm mô cũng thế, cứ đến mùa lũ là chúng tôi lại đào dế về ăn. Lũ càng to, con dế càng nhiều và dễ kiếm. Xóm chúng tôi đây nhà ai cũng ra đồng bắt dế cả”.

“Săn” dế mùa lụt ảnh 1

Sau lũ, dế đồng rất nhiều và béo. Ảnh: CAO THÁI

Mún dế làm ở đất cát. Người săn chỉ cần khơi nhẹ vài nhát cuốc ở trên rồi dùng nước đổ vào hang, đợi một lát dế sẽ chui lên. Trông có vẻ dễ nhưng người không quen thì loay hoay mãi chưa chắc đã thấy mặt con dế, rồi một lát làm mất cả hang, thế là công toi! Em Nguyễn Văn Quang (12 tuổi) khoe: ‘Dễ kiếm thôi chú à! Mỗi buổi thế này em cũng kiếm được trăm con”. Ông Ngô Văn, đã hơn 60 tuổi, truyền đạt kinh nghiệm: “Chỉ cần đào một lớp mỏng trên hang, rồi rê nước từ từ vào cửa, dế sợ nước sẽ chui lên ngay. Khi thấy hai sợi râu dài nhú lên thì dùng dao hoặc thanh nứa đâm xuống phía sau bẩy lên là bắt được dế thôi”.

Ngon, bổ nhưng không rẻ

Năm nào cũng vậy, cứ dịp mưa lụt là dế lại sa xuống đầy các cánh đồng ven sông Lam. Sau một đêm, các cồn cát mọc lên hàng loạt mún dế, hang dế. Dế nhiều đến mức vào ban đêm, nếu ai đó thắp đèn điện sáng trước cổng thì chỉ một lát đã thấy dế bay từ đâu đến hàng đàn, có thể dùng túi để đi lượm. Người dân cho hay năm nào lụt to thì dế lại về nhiều và con dế càng béo. Có những năm, người ta dùng cả bao tải để đi bắt dế.

“Săn” dế mùa lụt ảnh 2

Từ sáng sớm, người dân đã kéo nhau ra đồng “săn” dế. Ảnh: CAO THÁI

Chị Hà Thị Hoa (xóm 1 Nam Lộc) nói vui: “Đến mùa này là tui cứ ở ngoài bãi suốt cả ngày, mà người nhà nào cũng thế cả. Gần tuần ni bữa mô tôi cũng đi bắt dế. Bây giờ đến bữa cơm mà không có dế là khó chịu rồi, như thiếu đi cái vị chi đó”. Chị Hoa cho biết thêm, nhờ có món thịt dế vừa lạ vừa ngon mà thời gian này, nhiều chị em không phải lo tiền bạc đi chợ nữa.

Dế vàng bắt được về làm sạch chân, cánh, kéo phần ruột ra hết, sau đó chiên lên thật giòn, bỏ thêm ít lá chanh thái nhỏ sẽ có mùi rất thơm và béo ngậy. Với cánh đàn ông, mùa mưa se lạnh mà có thêm chai rượu với đĩa dế chiên vàng thì không gì bằng. Ông Nguyễn Thứ (xóm 2 Nam Lộc) nói: “Dế béo rứa nhưng dễ ăn, ăn lắm cũng không bị ngán. Tôi khoái nhất là ngồi uống rượu với dế”.

“Săn” dế mùa lụt ảnh 3

Với nhiều người, mùa dế sa là dịp để kiếm thêm thu nhập. Ảnh: CAO THÁI

Món dế chiên giòn cũng rất được ưa chuộng tại các quán nhậu hiện nay. Theo bà con, chính vì dế béo và ngon nên có nhiều người tìm mua. Hiện giá bán dao động 700-1.000 đồng/con. Những người chịu khó thì mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 50.000-60.000 đồng tiền bán dế. Đợt mưa to lũ lớn vừa qua đã nhấn chìm hàng ngàn hecta lúa hè thu của bà con nông dân vùng ven sông Lam. Chính vì thế, con dế đã trở thành thứ “hái ra tiền” để bà con có thêm chút ít thu nhập sau một vụ mùa thất bát. Với những cư dân vạn chài trên sông, mùa dế từ lâu đã trở thành “mùa vụ” chính của họ.

Tuy nhiên, cũng có những người chỉ xem dế như một thứ bầu bạn, thứ gia vị của mùa mưa lụt nên không nỡ bán đi. “Ai chứ nhà tôi là chẳng bán bao giờ, “săn” được bao nhiêu ăn hết bấy nhiêu. Con dế là đặc sản của mảnh đất này, đã gắn bó với xóm làng chúng tôi qua biết bao mùa lũ. Ai có nhu cầu thì cứ đến nhà tôi, làm thực khách với món rượu dế, còn chuyện bán mua thì gác lại” - ông Nguyễn Thứ khép lại cuộc nói chuyện với chúng tôi bằng câu nói chân tình như thế.

CAO THÁI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm