Tân tổng thư ký LHQ - nhà hoạt động nhân quyền tích cực

Ngày 5-10, ông Antonio Guterres, người đứng đầu Cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (LHQ - UNHCR) trong một thập niên qua, đã giành được sử ủng hộ của 13 trong tổng số 15 thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ để trở thành tổng thư ký LHQ trong nhiệm kỳ năm năm tới.

Bất ngờ thú vị

Theo Sky News, Đại sứ Nga Vitaly Churkin đã tuyên bố trước hội đồng rằng ông Guterres sẽ trở thành người kế nhiệm của ông Ban Ki-moon. “Hôm nay, sau sáu vòng bỏ phiếu, chúng tôi đã chọn được ứng viên với sự ủng hộ rõ ràng nhất. Tên ông là Antonio Guterres” - ông Churkin tuyên bố. Tờ The Guardian cho biết việc HĐBA đạt đồng thuận sớm về Guterres là khá bất ngờ. Giới quan sát nghĩ quá trình lựa chọn sẽ kéo dài tới cuối tháng 10 do các nước lớn đều muốn vận động cho ứng viên của mình. Nga, nước đang làm chủ tịch luân phiên của HĐBA, được cho là muốn ứng viên Đông Âu cho vị trí này. Ngoài ra, giới quan sát cũng từng kỳ vọng LHQ có thể có một tân tổng thư ký nữ khi có vài ứng viên khá mạnh tham gia.

Sau khi HĐBA chính thức xác nhận việc chọn ông Guterres, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha (nhiệm kỳ 1995-2002), sẽ trình diện để Đại hội đồng LHQ phê duyệt. Ông Guterres sẽ bắt đầu nhiệm kỳ năm năm làm tổng thư ký LHQ thay ông Ban Ki-moon kể từ 1-1-2017. Cựu thủ tướng Bồ Đào Nha 67 tuổi nói trên Twitter: “Các thành viên của hội đồng đã nhất trí chọn tôi làm tổng thư ký LHQ nhiệm kỳ tới. Tôi cảm thấy vinh dự và hạnh phúc”. “Đây là một lựa chọn ngọt ngào” - Michael Doyle, cựu Phó Tổng Thư ký LHQ và hiện là giáo sư tại ĐH Columbia, nói. “Chúng ta có được một người có năng lực chính trị tuyệt vời, ông cũng là một người mạnh mẽ”. Trong khi đó, Đại sứ Pháp Francois Delattre cho rằng việc lựa chọn ông Guterres là “một tin tốt cho LHQ”. Còn Đại sứ Anh Matthew Rycroft nói rằng ông Guterres sẽ là một “tổng thư ký hiệu quả và mạnh mẽ”.

Ông Antonio Guterres - cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha và là người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tỵ nạn trong thập niên qua. Ảnh: UNHCR

Đam mê vật lý trọn đời

Ông Antonio Guterres sinh ra tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha vào năm 1949. Ông theo học ngành kỹ sư và vật lý tại Instituto Superior Técnico, ĐH Lisbon và tốt nghiệp năm 1971. Ông Guterres chia sẻ với CBS News rằng mục tiêu đầu tiên trong đời ông khi còn là một học sinh trung học là trở thành một tiến sĩ vật lý. Ông đã dạy kiến thức vật lý cho những bạn sinh viên “đàn em” trong trường đại học. Ông nói: “Đó là niềm đam mê trí tuệ tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi”.

Mặc dù vật lý là lĩnh vực đam mê và rất quan trọng với ông nhưng ông quan niệm: “Cố gắng thay đổi mọi thứ trong đất nước tôi có ý nghĩa quan trọng hơn. Đó là lý do tại sao tôi chuyển từ theo đuổi sự nghiệp vật lý sang đời sống chính trị. Với cuộc cách mạng này, tôi đã có cơ hội rất lớn để can thiệp tích cực vào công việc đất nước tôi”.

“Cuộc cách mạng” mà ông Guterres nhắc đến chính là cuộc “Cách mạng hoa cẩm chướng”, chấm dứt chế độ độc tài kéo dài năm thập niên tại Bồ Đào Nha. Ông bước vào chính trường từ năm 1974 khi gia nhập đảng Xã hội trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của đất nước. Từ đó sự nghiệp của ông Guterres đi lên nhanh chóng, trở thành người lãnh đạo của đảng Xã hội năm 1992. Ba năm sau, ông được bầu làm thủ tướng cho tới khi về hưu vào năm 2002.

Trong thời gian 2005-2015, ông Guterres đảm nhiệm chức vụ người đứng đầu Cao ủy LHQ về người tỵ nạn. Với vai trò đó, ông đã có công trong việc cắt giảm chi phí nhưng làm tăng hiệu suất hoạt động của tổ chức trong cuộc vật lộn với khủng hoảng người di cư.

Là người thông thạo ba thứ tiếng Tây Ban Nha, Pháp và Anh, ông Guterres đam mê lịch sử trung cổ, nhạc kịch và điện ảnh. Ông Guterres có hai người con cùng với người vợ đầu qua đời do ung thư vào năm 1998. Ông đã tái hôn vào năm 2001, theo BBC.

Ông Antonio Guterres ngồi cùng hai cậu bé Syria tại Trung tâm Tiếp nhận người tỵ nạn Moria, Lesvos, Hy Lạp hồi tháng 10-2015. Ảnh: UNHCR

Ông Antonio Guterres (phải) cùng đặc phái viên LHQ - diễn viên Angelia Jolie thăm hỏi những người tham gia giải cứu người tỵ nạn trong các vụ vượt biên trên biển ở Malta hồi tháng 9-2014. Ảnh: UNHCR

Hoạt động tích cực về nhân quyền

Việc chọn ông Guterres làm tổng thư ký LHQ nhiệm kỳ tới đã dập tắt mọi hy vọng của nhiều nhà ngoại giao và các nhà hoạt động xã hội-dân sự, rằng người “chèo lái” tổ chức quốc tế lớn nhất hành tinh sẽ là một phụ nữ, lần đầu tiên trong lịch sử 71 năm.

ông Antonio Guterres là người dẫn đầu trong cuộc đua cho chiếc ghế tổng thư ký LHQ nhiệm kỳ 2017-2021 tại cuộc bỏ phiếu kín đầu tiên diễn ra vào ngày 21-7. Tiếp sau ông là ông Danilo Turk - cựu Tổng thống Slovenia, vị trí thứ ba thuộc về bà Irina Bokova - Tổng Giám đốc UNESCO. Ngoài ra, những ứng viên sáng giá còn bao gồm bà Helen Clark - cựu Thủ tướng New Zealand, hiện là Tổng Giám đốc Chương trình phát triển LHQ và bà Susana Malcorra - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Argentina.

Theo The Guardian, điều đáng chú ý trong cuộc đua năm nay là một số ứng viên vào vòng trong đã cố gây ấn tượng bằng các chiến dịch cải cách khắc phục các yếu kém của LHQ trong bùng phát dịch bệnh Ebola. Một số ứng viên khác tập trung giải quyết xung đột ở Syria và Iraq, vấn đề còn nhiều bất đồng quan điểm giữa các nước trong HĐBA. Các chính sách họ đưa ra đều đang đối chọi với những chính sách hiện tại của LHQ. Ngoại lệ duy nhất có lẽ là ông Antonio Guterres. Ông là người hoạt động rất tích cực về vấn đề nhân quyền và với lập trường đi ngược lại cả Nga và Trung Quốc.

Trong một tuyên bố về tầm nhìn của mình nếu trở thành tổng thư ký LHQ, ông Antonio Guterres đã viết về những thách thức mà thế giới phải đối mặt trong việc bất bình đẳng đang tăng, chủ nghĩa khủng bố, các tội phạm có tổ chức, biến đổi khí hậu và sự gia tăng của các phần tử vũ trang quốc tế. Vị cựu thủ tướng 67 tuổi viết rằng LHQ là “một nơi đặc biệt để kết nối mọi người vượt qua những thử thách này” nhưng việc thay đổi và cải tổ là cần thiết. “Mọi người cần sự bảo vệ là chưa đủ. Những người dễ bị tổn thương nhất như phụ nữ và trẻ em nhất định phải là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta phải đảm bảo bất kỳ ai khi nhìn thấy tổ chức Blue Flag đều có thể nói câu: “Tôi đã được bảo vệ””.

Ông Guterres cam kết sẽ cải tổ LHQ để thúc đẩy nỗ lực hòa bình và nhân quyền. Ông cũng muốn kiếm thêm kinh phí cho LHQ và có kế hoạch làm việc với Ngân hàng Thế giới và các công ty tư nhân để tăng ngân quỹ. Ông cũng cho rằng cuộc khủng hoảng người tỵ nạn đã vượt ngoài tầm kiểm soát, do đó sẽ lấy mục đích ngăn chặn các cuộc khủng hoảng như vậy làm ưu tiên của LHQ.

“Chúng ta cần một bước đột phá trong ngoại giao vì hòa bình” - ông Guterres nói về kế hoạch của mình - “Cộng đồng quốc tế cần phải dành nhiều thời gian và nguồn lực hơn nữa để quản lý khủng hoảng, hơn là ra sức ngăn chặn chúng. Là một tổng thư ký LHQ thì phải không ngừng tìm cách góp sức cho việc giảm bớt xung đột và số nạn nhân ảnh hưởng từ các xung đột đó”.

Ông Ban Ki-moon muốn làm tổng thống Hàn Quốc?

Trong chuyến thăm quê nhà Hàn Quốc hồi tháng 5 vừa rồi, Tổng Thư ký LHQ đương nhiệm Ban Ki-moon đã làm bùng lên tin đồn ông sẽ tham gia tranh cử tổng thống Hàn Quốc vào năm 2017. Tuy nhiên, ông Ban đã không bình luận gì thêm và để ngỏ lời xác nhận bằng câu nói: “Khi tôi trở về vào ngày 1-1 năm tới, tôi sẽ chỉ là một công dân Hàn Quốc bình thường. Đó sẽ là lúc tôi cân nhắc và quyết định mình cần phải làm gì với tư cách công dân Hàn Quốc”.

Tờ Washington Post cho hay các nhà phân tích chính trị tại Seoul cho rằng nếu ông Ban có ý định chạy đua vào ghế tổng thống, ông gần như chắc chắn sẽ chiến thắng nhờ vào uy tín và danh tiếng của ông.

Trong khi đó, những người quen biết ông Ban nói rằng tổng thư ký LHQ nếu có ra quyết định tranh cử tổng thống thì không phải vì tham vọng cá nhân, mà là do ông cảm thấy có trách nhiệm phải làm vậy.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm