Tết Nguyên đán Tet holiday trong mắt người nước ngoài

Tham quan khắp thành phố vì tết không kẹt xe

Michael O Donnel (30 tuổi, là giáo viên Anh văn) đến từ đất nước Ireland rất phấn chấn khi nói về kế hoạch đón Tet holiday (cách mà Michael và các bạn nước ngoai gọi tết nguyên đán Việt Nam): “Ồ rất là tuyệt, các bạn có một kỳ nghỉ khá dài. Vì vậy tôi dành thời gian này nghỉ ngơi và đi du lịch. Năm mới ở đất nước tôi chỉ nghỉ được một hoặc hai ngày thôi”. 

Tết Nguyên đán Tet holiday trong mắt người nước ngoài ảnh 2
  Michael Odonnel đến từ Ireland. Ảnh: HỒNG MINH

 

Đây là lần đầu tiên Michael đón tết ở Việt Nam. Trước đó, Michael đã đón tết truyền thống ở 10 nước khác nhau trên thế giới. Michael muốn tiếp tục đi và khám phá tập tục ở nhiều địa phương. 

Những nước có truyền thống lâu đời ở phương Đông thường có những nghi lễ kéo dài và kỳ nghỉ kéo dài. Trong khi đó, ở quê nhà của Michael, tiệc mừng năm mới diễn ra khá đơn giản: “Chúng tôi tụ họp về nhà, mở rượu vodka uống mừng năm mới với người thân, sau đó ca hát và tận hưởng bữa tiệc. Tất cả chỉ có vậy”.

Cũng có những năm Michael không về nhà mà đến bữa tiệc của bạn bè. “Chúng tôi có nhiều kỳ nghỉ trong năm, năm mới là một trong số đó. Chúng tôi rất thích những dịp họp mặt năm mới, nhưng sự thực là không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho nó”.

Micheal cho biết, anh có nhiều bạn bè Việt Nam ở đây, cũng có người mời về nhà ăn tết nhưng anh đắn đo: “Tôi biết các bạn Việt Nam xem tết là một dịp rất quan trọng và dành cho gia đình. Vì vậy tôi không muốn làm phiền gia đình họ. Tết này, tôi gặp một số bạn bè cũng là người nước ngoài đi uống mừng Tet holiday, sau đó đi du lịch Đà Lạt hai ngày”.

Michael tỏ ra thích thú khi nói rằng Tet holiday ở TP.HCM không kẹt xe, đường phố rộng rãi và thông thoáng. “Tôi chạy xe máy đi tham quan khắp thành phố, đến các bảo tàng. Bình thường đường phố kẹt xe nhiều quá nên tôi rất chỉ đi làm rồi về nhà”. Nói tới đây, Michael cười híp cả đôi mắt xám rất to.

Tet holiday rất ấp áp nhưng… hơi mệt

Anh Anbazhagen Divakar (tên thường gọi là Divi) đến từ tiểu bang Tamilnalu (Ấn Độ) có quãng thời gian ở Việt Nam khá dài: gần 10 năm. Divi có vợ là người Việt Nam. Anh nói: “Nền văn hóa Tamil của tôi có bề dày lịch sử rất lâu đời. Nền văn hóa Việt Nam cũng vậy. Tôi rất thích Tet holiday vì các bạn giữ được rất nhiều nét truyền thống tốt đẹp”.

Divi đã ăn bốn cái tết ở quê vợ. Nhà vợ anh tự nấu rượu và làm các loại bánh, mứt, đồ ăn ngày tết. Anh nói: “Món nào tôi cũng thích: Bánh xèo, chả giò, bánh cuốn, gà luộc… Trời ơi, món nào cũng ngon”. Sau đó, anh cùng vợ dẫn các con đi chúc tết họ hàng và lại được mời dự tiệc.

Anh rất thích phong tục lì xì cho trẻ nhỏ và anh cũng được người lớn tuổi lì xì khi đi chúc tết. Anh kể: “Tôi đưa hết tiền lì xì cho vợ, tôi thấy rất vui và cảm thấy mình sẽ nhận được nhiều may mắn”. 

Anh thích truyền thống gia đình của người Việt, mọi người có sự gắn bó bền chặt với gia đình và quê hương, dù đi xa muôn nơi vẫn quay trở về sum họp Tet holiday. Điều đó có sự tương đồng trong văn hóa của người Tamil, họ cũng rất coi trọng sự gắn kết trong gia đình. 

 
Anbazhagen Divakar đến từ Ấn Độ. Ảnh: HỒNG MINH

Anh cho biết, năm mới của người Tamil gọi là Putandu, diễn ra vào tháng Tư. Anh kể: “Chúng tôi quay về nhà mỗi dịp Putandu. Chúng tôi dậy sớm, tắm rửa, mặc quần áo mới cầu nguyện. Sau đó chúng tôi chuyển bị thức ăn chay và ngọt, sau đó chúng tôi chia sẻ nó với hàng xóm. Chúng tôi cũng sẽ chúc tết cha mẹ, cúi xuống chạm vào chân cha mẹ để bày tỏ lòng biết ơn và nhận phước lành. Nhiều người sẽ tạt nước vào nhau rất vui, nước sẽ đem lại may mắn. Nhưng chúng tôi không có tập tục lì xì như các bạn”.
Theo Divi, Ấn Độ có tới 16 ngôn ngữ chính và rất nhiều sắc tộc khác nhau. Vì thế, Ấn Độ có vô số lễ hội trong năm và rất nhiều lễ đón năm mới khác nhau. Tuy nhiên, tất cả người dân Ấn đều chào đón năm mới theo dương lịch. Anh nói: “Tôi rất thích Việt Nam. Việt Nam có nhiều lễ hội và có nhiều nét văn hóa tương đồng với quê hương tôi”.
Điều duy nhất khiến Divi lo lắng là “Tet holiday của các bạn kéo dài quá. Tôi thấy có nhiều người khá vất vả, họ gần như không được nghỉ ngơi. Họ phải sắp xếp cho những bữa tiệc kéo dài, nhiều đàn ông gần như uống suốt ngày. Nhiều khi tôi cũng cảm thấy mệt. Tôi chỉ muốn gia đình mình được vui vẻ, thoải mái và nghỉ ngơi nhiều hơn”.

Tôi ăn tết như người Việt Nam

Adrian Zagrodzki (tên thường gọi là Adi), chàng MC quen thuộc của nhiều chương trình truyền hình thực tế đến từ Ba Lan, đã sống ở Việt Nam 6 năm. Adi nói tiếng Việt rặt giọng Hà Nội, thông minh và lém lỉnh. Adi cảm thấy bản thân mình hòa nhập rất nhanh với cuộc sống trên quê hương mới.

Adi cảm thấy mình may mắn khi đi đâu cũng được yêu thương: “Năm ăn tết ở Hà Tây, Adi gói được 20 cái bánh chưng rồi khiêng đi nấu. Bố nuôi Adi dạy gói bánh đấy”.

Adrian Zagrodzki đến từ Ba Lan Ảnh: HỒNG MINH

 

Adi đã ăn bốn cái tết ở miền Bắc và chuẩn bị cho cái tết thứ hai ở TP.HCM. Ở đâu Adi cũng có người thân. Anh kể: “Adi nhớ nhất là năm ăn tết ở nhà bố mẹ nuôi ở Hải Phòng. Adi theo bố đi chúc tết khắp họ hàng, nhà nào cũng được mời uống và ăn cỗ rất là vui. Đến khi về được tới nhà, Adi nằm một chỗ luôn, mẹ gọi ra ăn cơm nhưng Adi không dậy nổi”.

Khi vào TP.HCM làm việc, có một gia đình nhận Adi làm em nuôi. Adi cũng mặc áo mới, theo anh chị đi chúc tết họ hàng, lì xì trẻ nhỏ. Adi cười: “Ôi tiền lì xì ấy mà, tốn kém phết đấy. Adi cũng được lì xì lại lấy may”. Theo Adi, hai miền Nam Bắc phong tục khác nhau một chút, nhưng tất cả mọi người đều hướng về gia đình rất ấm áp.

Hiện nay, Adi đã chuyển sang làm cho một công ty du lịch, lịch làm việc dày đặc. Hỏi Adi có nhớ tết quê nhà không? Adi cười: “Tết năm mới ở Ba Lan rất đơn giản. Mọi người ăn mừng năm mới từ chiều ngày 31-12, có thể uống cả đêm. Ngày hôm sau là để ngủ bù và nghỉ ngơi. Mình thích tết Việt Nam, mình thích nếp sống của người Việt Nam. Mình đang làm thủ tục để được nhập quốc tịch Việt Nam đấy”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm