Thầy lang xứ Mường - Kỳ 1: Lão Hồng với 30 bài thuốc cứu người

Người ta bảo, nhà ông nghèo nhưng chữa bệnh chẳng bao giờ ông để ý đến chuyện tiền bạc, dù con cái ông phải mất công mấy ngày mới lấy được cây thuốc quý về. Mà ông chữa bệnh đâu phải giản đơn, nhất là khả năng chữa vô sinh cho cả nam và nữ.

Chữa bệnh bằng cây rừng

Ông Hồng tự hào giới thiệu mình là người Mường Au Tá với tài nghệ chữa bệnh bằng cây rừng rất giỏi và phép thuật “chài” người. Ông kể gia đình ông gốc ở Sầm Nưa, Lào. Trước năm 1945, gia đình di cư sang vùng Thanh Hóa, rồi sau này về sống ở Hòa Bình. Ông không nhớ được mình học nghề thuốc từ cha lúc nào, chỉ lờ mờ nhớ “đã qua mấy chục mùa ngô”.

Ông Hồng đang say sưa kể về gốc tích của mình thì anh NTK (xã Đoàn Kết, Đà Bắc) dẫn một người bạn tên T. đến chữa trị vô sinh. Qua khám nghiệm ở bệnh viện cho thấy anh T. bị yếu tinh trùng. Hai vợ chồng chung sống đã ba năm nhưng chưa có con. Trước khi bốc thuốc cho anh T., ông Hồng quay sang phía góc nhà thắp một tuần hương rồi lẩm bẩm cúng. Ông bảo: “Trước khi chữa bệnh, phải cúng tạ ơn người thầy đã truyền lại nghề thuốc cho mình. Khi cúng phải thể hiện lòng biết ơn, sự khiêm tốn của trò với thầy”. Anh K. ghé tai tôi: “Trước kia vợ chồng mình cũng hiếm muộn nhưng nhờ cụ chữa trị mà có được hai cháu bé đấy. Vợ mình chỉ uống thuốc sau khoảng ba tháng là mang bầu. Đứa thứ hai cũng thế”. Thường thì người bệnh phải qua chẩn đoán của Tây y thì ông Hồng mới biết tìm loại cây thuốc phù hợp để điều trị và phải uống thuốc đều đặn, tuân thủ nghiêm ngặt việc kiêng cữ.

Thầy lang xứ Mường - Kỳ 1: Lão Hồng với 30 bài thuốc cứu người ảnh 1

Ảnh trên: Lão Hồng đã qua tuổi 80 nhưng vẫn đau đáu với nghề thuốc.

Lục tìm lại quá khứ với ông Hồng có vẻ là một việc khó khăn. Áng chừng mình đã học được khoảng 70 bài thuốc của cha nhưng giờ ông chỉ nhớ gần 30 bài thuốc trị các bệnh khác nhau. Bệnh ngứa, phong, hóc xương, nấc, dị ứng, côn trùng đốt, rắn cắn, gãy xương… ông chữa được tất. “Gãy xương chữa dễ lắm. Không lo đâu, xương rất nhanh lành. Đắp lá, chậm nhất một tháng là khỏi” - ông Hồng chậm rãi nói.

Cách đây 10 năm, anh Nguyễn Văn Độ (xã Tu Lý) đi rừng bị sưng phù khắp người. Gia đình chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác đều không có kết quả, phải đưa về chờ số phận định đoạt. Người làng khuyên gia đình anh Độ nên tới nhờ lão Hồng Au Tá. “Cụ chữa trị bằng thuốc Nam. Một tháng sau mình khỏi bệnh, cụ cũng chẳng lấy tiền công. Không chỉ gia đình mình, cả vùng này biết ơn cụ nhiều lắm” - anh Độ cho biết.

Tìm kiếm cây thuốc cũng là một việc không hề đơn giản. Ông Hồng nhìn ra cánh rừng xa với ánh mắt đầy hoài niệm: “Bây giờ rừng bị phá hết, cháy hết mất rồi. Lão già rồi, không đi vào rừng sâu được đâu. Con gái lão nó kêu đi đến đau hai cái chân, đỏ hai con mắt có khi cũng chỉ tìm được vài cây thuốc lão cần”. Khi lấy loại cây thuốc lần đầu, ông dặn con gái phải chôn ba đồng xu dưới gốc, không được lấy. Muốn lấy loại cây đó phải tìm chỗ khác. Và cây đưa về nhà trồng cũng phải chôn ba đồng xu quanh gốc. Ông cho biết: Trước khi chôn ba đồng xu phải nói: “Bây giờ tôi lấy cây thuốc này, tôi gửi tiền thần đất, thần rừng”.

Nghề thuốc cần cái bụng sạch

Ở tuổi 80, sức khỏe giảm hẳn nhưng ông Hồng vẫn khá minh mẫn.

Nhà ông Hồng có sáu anh em nhưng chỉ có mình ông là học được nghề thuốc.

Theo phong tục của người Mường Au Tá, để học được nghề thuốc phải vượt qua nhiều thử thách. Người ta tạo ra một đống gai hoặc hố sâu trước mặt, nếu trò muốn học nghề thì phải nhảy vào. Tuy nhiên, người nào đủ dũng cảm nhảy vào thì không thấy đống gai hay hố sâu, bởi phép ảo ảnh được các thầy tạo ra để thử thách người trò.

Việc truyền nghề thường diễn ra từ 22 giờ trở đi mới có hiệu quả, quan trọng nhất là ngày 30 tết, người Mường Au Tá thường gọi là “ngày chín cuối”. Người ta cho rằng tất cả sinh khí trong năm dồn vào thời khắc này nên việc truyền nghề đặc biệt hiệu quả. Trong quá trình học phải kín đáo, tỉ mỉ từng chi tiết. Việc truyền nghề thường qua lời nói, rất ít truyền bằng chữ viết bởi nó không phát huy hết tác dụng bài thuốc.

Thầy lang xứ Mường - Kỳ 1: Lão Hồng với 30 bài thuốc cứu người ảnh 2

Ảnh dưới: Vợ lão phụ giúp việc phơi thuốc hằng ngày.

Ông Hồng tâm sự: “Lão già rồi, muốn truyền nghề nhưng rất khó, nhất là việc lựa chọn người trò. Người học phải có cái bụng sạch và chịu khó học, bụng bẩn không truyền được đâu. Gặp người bệnh phải cứu chữa, tuyệt nhiên không được đòi tiền công với người bệnh. Người bệnh cho thì nhận. Nghề thuốc không như nghề khác đâu. Gia đình có nghèo cũng không dám đòi hỏi chuyện đó”.

Trước đây ông Hồng từng truyền nghề cho hai người trong xóm nhưng họ sống không có đạo đức, quay lại bội ơn nên ông quả quyết: “Bây giờ lão không truyền nghề một cách dễ dãi nữa. Phải lựa chọn cho được người thực sự có đức độ. Lão chết nằm đó chứ nhất quyết không truyền cho kẻ vô tâm, thất đức”.

Thầy lang xứ Mường làm phúc là chính

Phần lớn các bài thuốc Nam ở Hòa Bình được công nhận trên thực tế đời sống nhưng chưa được chứng minh bằng khoa học. Để chứng minh một bài thuốc có cơ sở khoa học phải làm rõ lý lịch thuốc, hồ sơ dược học, kiểm chứng qua thực tế, ứng dụng thử nghiệm… tốn kém từ 100 đến 200 triệu đồng.

Hiện Hòa Bình có hơn 2.000 hội viên Hội Đông y, trong đó thầy lang chiếm tới 90%. Do điều kiện dân cư rải rác nên cần có những bài thuốc để chữa bệnh kịp thời trong phạm vi nhất định. Đời thường, thầy lang là những người lao động nhưng khi có người bệnh, họ lại trở thành thầy thuốc. Những người này chủ yếu dựa vào kinh nghiệm gia truyền, vào rừng lấy thuốc điều trị cho bệnh nhân. Họ hành nghề lấy phúc là chính, sống một cuộc đời bình dị. Họ quan niệm ai biết thì đến họ cố gắng chữa trị và không đặt ra vấn đề vật chất.

Thầy lang xứ Mường thường chọn rất kỹ người có đạo đức để truyền nghề. Có thể họ không truyền cho con đẻ mà truyền cho dâu, rể. Bệnh nhân ở xa đến chữa trị, người ta có thể cho ở lại ăn nghỉ, rồi vào rừng lấy cây thuốc điều trị giúp.

Điều đáng lo ngại là lương y giỏi và có kinh nghiệm đang ít dần, lượng cây thuốc cũng ngày càng sụt giảm do rừng cạn kiệt. Trước mắt, nhà nước cần có chính sách đãi ngộ những thầy có bài thuốc quý, xây dựng được bản đồ dược liệu cũng như danh mục cây thuốc phải bảo tồn và phát triển.

Ông NGUYỄN MINH HIỂN, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Hòa Bình

VŨ TRẦN ĐẠI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm