Thế giới bảo vệ quyền nghỉ ngơi cho lao động nữ

Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động đã bỏ quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Đang có nhiều ý kiến đề xuất từ các chuyên gia và người lao động đề nghị đừng bỏ quy định nhân văn này.

Công ước số 183 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) nêu rõ lao động nữ trong thời gian cho con bú có quyền có thời gian nghỉ trong ngày hoặc giảm giờ làm việc để cho con bú. Các lần nghỉ hoặc giảm giờ làm vẫn được tính lương theo quy định. Ngoài ra, một số quốc gia khu vực châu Á cũng cho phép phụ nữ được nghỉ làm trong thời kỳ “đèn đỏ”.

Được nghỉ ngơi 60-90 phút mỗi ngày

Hầu hết quốc gia trên thế giới đều có quy định về thời gian nghỉ dành cho phụ nữ cho con bú. Bỉ, Costa Rica, Latvia, Hà Lan, Nicaragua, Niger và Philippines… còn bắt buộc các doanh nghiệp phải có phòng điều dưỡng riêng cho phụ nữ có con nhỏ.

Tại một số nước trong khu vực ASEAN, phụ nữ cho con bú được nghỉ hai lần 30 phút mỗi ngày. Còn ở Trung Quốc, phụ nữ được nghỉ thai sản 14 tuần và được hưởng 100% mức lương trung bình hằng tháng. Phụ nữ nước này trong thời gian cho con bú cũng được nghỉ 60 phút và quyền lợi này sẽ kéo dài cho đến khi em bé được một tuổi.

Ở khu vực châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những quốc gia dành sự quan tâm đặc biệt cho đối tượng phụ nữ cho con bú. Lao động nữ trong một ngày làm việc có tối đa 90 phút dành cho con. Quãng thời gian này được chia ra bao nhiêu lần tùy thuộc vào sắp xếp của người mẹ. Ở những nơi sử dụng từ 100 đến 150 lao động nữ (không phân biệt độ tuổi kết hôn), doanh nghiệp phải xây dựng riêng một phòng điều dưỡng.

Tuy nhiên, không phải ở nơi nào quy định như trên cũng đều được thực hiện nghiêm túc. Một nghiên cứu của Trường ĐH Minnesota (Mỹ) cho thấy nhiều bà mẹ Mỹ thường xung đột với công ty vì vấn đề này. Tờ Huffington Post dẫn trường hợp của Aida Lico, một nhân viên giao dịch ngân hàng ở New York, Mỹ. Lico đã đệ đơn kiện vì cho rằng công ty vi phạm quy định về giờ nghỉ dành cho phụ nữ cho con bú. Theo đó, chủ doanh nghiệp chỉ cho phép cô bơm sữa hai lần một ngày và buộc phải thực hiện trong nhà vệ sinh. Người giám sát cũng không cho cô nghỉ ngơi theo đúng quy định, từ đó dẫn đến việc bị căng ngực, nguồn sữa giảm, Lico nhiễm trùng và sốt. Khi quyết định ở nhà để đảm bảo điều kiện chăm sóc con, Lico đã bị sa thải.

Một báo cáo từ Trung tâm luật WorkLife tại ĐH California (Mỹ) hồi tháng 5-2016 cho thấy ở Mỹ, số vụ kiện liên quan đến thời gian nghỉ dành cho lao động nữ trong thời gian cho con bú đã tăng 800% trong vòng 10 năm qua.

Nhiều nước trên thế giới cho phép lao động nữ được nghỉ 60 phút mỗi ngày làm việc để cho con bú. Ảnh: REUTERS

Nhật Bản là nước đầu tiên đề ra quy định cho phép lao động nữ được nghỉ phép khi tới kỳ “đèn đỏ”. Ảnh: REUTERS

Thế giới bảo vệ quyền nghỉ ngơi cho lao động nữ ảnh 3

Một nhóm công nhân nữ ở Ninh Hạ, Trung Quốc. Đây là một trong những tỉnh cho phép lao động nữ được nghỉ ngơi khi hành kinh. Ảnh: GETTY

“Nghỉ sinh lý” trong ngày “đèn đỏ”

CNN dẫn một nghiên cứu cho thấy cứ 10 phụ nữ thì sẽ có một người bị đau bụng dữ dội khi đến kỳ “đèn đỏ” làm ảnh hưởng lớn đến công việc của họ. Chính vì vậy, một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Indonesia đã có luật cho phép phụ nữ nghỉ làm vào những ngày này.

Năm 1947, Nhật Bản là nước đầu tiên đề ra quy định “nghỉ sinh lý”, cho phép phụ nữ được nghỉ làm vào những ngày hành kinh, đặc biệt là với người làm việc ở những môi trường có điều kiện vệ sinh kém như nhà máy, hầm mỏ và trạm xe buýt. Luật pháp Nhật không giới hạn số ngày xin nghỉ, tuy nhiên người nghỉ sẽ không được tính lương.

Nhân viên nữ ở Hàn Quốc cũng được một ngày “nghỉ sinh lý” mỗi tháng. Còn ở Indonesia, phụ nữ được nghỉ hai ngày mỗi tháng khi bị “đèn đỏ” quấy rầy. Từ năm 2013, Đài Loan quy định phụ nữ ở Đài Loan sẽ được nghỉ tổng cộng ba ngày “đèn đỏ” mỗi năm cùng với 30 ngày nghỉ ốm. Ba ngày nghỉ này, nhân viên cũng không được hưởng lương.

“Tôi đã quản lý nhiều nhân viên nữ trong những năm qua và tôi đã thấy phụ nữ thường đau đớn mỗi khi đến tháng. Mặc dù vậy, họ không thể về nhà vì không thể cho ai biết. Điều này là không công bằng. Tôi muốn phá vỡ sự xấu hổ đó và thay thế bằng những quy định tích cực hơn” - The Guardian dẫn lời bà Bex Baxter, chủ một công ty ở Anh.

Năm ngoái, một số khu vực ở Trung Quốc như An Huy, Sơn Tây, Ninh Hạ… cũng có quy định cho nghỉ làm ngày hành kinh. Một nhà hoạt động nhân quyền cho biết quy định mới sẽ có lợi cho những phụ nữ làm việc trong môi trường khó khăn như nhà máy lắp ráp hay vệ sinh đường phố.

Tại Mỹ, Công ty Nike được xem là công ty duy nhất bao gồm thời gian nghỉ “đèn đỏ” trong bộ quy tắc ứng xử vào năm 2007 và thực hiện ở tất cả chi nhánh trên toàn cầu.

Vẫn còn nhiều tranh cãi

Mặc dù một số nước đã có cơ chế cho phép phụ nữ “nghỉ sinh lý”, tuy nhiên quan điểm này vẫn còn gây ra tranh cãi vì nhiều lý do, đặc biệt là vấn đề năng suất lao động và bình đẳng giới.

Theo The Guardian, mặc dù Nhật Bản đã có quy định này từ lâu nhưng đa số nhân viên nữ hầu như không thể tận dụng nó. “Nếu bạn xin nghỉ làm, về cơ bản là bạn đã cho cả văn phòng biết mình đang đến kỳ “đèn đỏ”. Đây không phải là điều có thể cho các đồng nghiệp nam biết bởi nó có thể dẫn đến quấy rối tình dục” - một nhân viên văn phòng 30 tuổi ở nước này ngại ngùng nói. Kết quả khảo sát cho thấy đa số phụ nữ Nhật Bản cho biết chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề nghỉ ngơi khi đến tháng, bởi những ngày nghỉ không tính lương sẽ ảnh hưởng đến thu nhập và năng suất công việc của họ.

Một bài báo trên tờ Korea Times cho thấy phụ nữ Hàn Quốc cũng rất ít khi nghỉ làm, nhất là khi họ làm việc ở nơi có đa số là nam. Korea Times dẫn lời Yoon Jin-sung, một nữ nhân viên 28 tuổi, cho biết: “Mỗi lần xin nghỉ, tôi cảm thấy có lỗi với các đồng nghiệp của mình bởi vì họ phải làm thay việc của tôi. Tôi không nghĩ các đồng nghiệp nam hiểu được nỗi đau của phụ nữ. Nếu như không có sự thấu hiểu hay một quy định cụ thể nào bảo đảm quyền lợi đó, có lẽ hầu hết chúng tôi lại uống thuốc giảm đau để tiếp tục làm việc”.

Theo tờ Atlantic, nhiều người cho rằng quy định phụ nữ được nghỉ làm trong ngày “đèn đỏ” sẽ gây ra những vấn đề về bình đẳng giới, tạo bất công với phái nam hoặc thúc đẩy niềm tin sai lầm rằng phụ nữ là yếu đuối.

Tuy nhiên, quy định “nghỉ sinh lý” cũng nhận được nhiều ủng hộ từ các chuyên gia sức khỏe. Tờ Daily Mail dẫn lời ông Gedis Grudzinskas, một giáo sư về sản phụ khoa, cho biết nghỉ làm trong ngày kinh nguyệt sẽ thúc đẩy động lực và năng suất lao động của phụ nữ. “Một số phụ nữ cảm thấy thực sự đau đớn khi tới kỳ. Đi làm với họ là một cuộc đấu tranh và họ sẽ thấy rất tệ. Khi có cảm giác này, lao động nữ sẽ rất khó mà hoàn thành tốt công việc của mình” - ông Grudzinskas giải thích.. Theo ông, được nghỉ làm sẽ khiến lao động nữ cảm thấy thoải mái hơn và đó là điều tích cực trong công việc.

Vì sao lao động nữ cho con bú cần thời gian nghỉ?

Theo các chuyên gia về sức khỏe, phụ nữ trong thời kỳ cho con bú sẽ tiết sữa hằng ngày và việc có một khoảng thời gian nghỉ để cho con bú là cần thiết. Thông thường, một trẻ sơ sinh thường xuyên đòi bú là dấu hiệu của sức khỏe phát triển ổn định.

Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng nếu làm việc trong hoàn cảnh phải lo lắng đến vấn đề sữa cho con, người mẹ sẽ dễ nảy sinh căng thẳng. Khi bị căng thẳng, việc tiết sữa sau đó cũng sẽ gặp phải nhiều khó khăn. GS Russell Viner từ ĐH Nhi khoa và Sức khỏe trẻ em hoàng gia Anh cho biết: “Phụ nữ không nhận được sự hỗ trợ cần thiết để duy trì cho con bú trong những tháng đầu sẽ gây ra phản ứng dây chuyền đối với sức khỏe trẻ em”. Do đó theo ông, việc các doanh nghiệp và công đoàn lao động đề ra những quy định nghỉ ngơi để lao động nữ chăm sóc được cho con sẽ giúp người phụ nữ giải quyết được nhu cầu cân bằng giữa cuộc sống gia đình và công việc, từ đó hiệu suất làm việc sẽ không bị ảnh hưởng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm