Thế mạng trả nợ rừng

Thế mạng trả nợ rừng ảnh 1
Hai đứa con của người thợ rừng xấu số Trần Văn Lý. Tương lai nào cho các em và của cả 10 đứa bé mồ côi trong xóm khi cả bốn ông bố đều chết vì lũ cuốn? - Ảnh: L.Đ.Dục

Mộ những thợ rừng trước chưa kịp khô bùn thì trận lũ sau lại cuốn thêm một người nữa. Cả một vùng đất thượng nguồn sông Gianh xơ xác điêu tàn, nước sông vẫn chưa xuống hẳn, gầm gào cuộn réo phăng phăng về hạ lưu. Chiều 18-10, chúng tôi đến được xã Thanh Hóa sau bảy giờ đi xe từ Đồng Hới. Vừa đến xã, anh Hoàng Quang Tiếp, chủ tịch xã, nói vội: “Thi thể anh Lê Viết Thập, một thợ rừng thôn 2 Thanh Lạng (cùng xã Thanh Hóa), bị mất tích do lũ cuốn vừa được tìm thấy, tôi vừa sang đó”. “Lâm tặc” xóm nghèoAnh Nguyễn Quang Tiệp, cán bộ văn hóa xã, dẫn chúng tôi sang thôn Bắc Sơn, không khó để đến tìm nhà của những người thợ rừng xấu số bởi trên con đường làng ngập bùn ấy, chỉ cần thấy ngôi nhà nào loáng thoáng bóng những vành khăn tang trắng đang lui cui dọn dẹp thì tìm vào. Đấy là nhà hai anh em ruột Trần Vĩnh Diễn (37 tuổi) và Trần Văn Lý (28 tuổi), Nguyễn Văn Duy (24 tuổi) và Trần Văn Bình (36 tuổi), họ đều là những trai tráng khỏe mạnh nhất làng! Giờ thì chúng tôi đang ngồi trong căn nhà của Trần Văn Lý, một trong bốn thợ rừng chết vì lũ cuốn. Vợ anh, chị Trần Thị Chanh, mới 22 tuổi, đang ngồi thất thần trên nền nhà còn ngập ngụa bùn. Hai đứa con của vợ chồng chị, bé Khánh Ly 3 tuổi và cu Gia Bảo mới hơn 1 tuổi dắt nhau bước lẫm chẫm từ nhà bà ngoại về, bàn chân trần trẻ thơ cũng lấm lem bê bết bùn non. Có lẽ suốt đời tôi sẽ không quên ánh mắt của hai đứa trẻ này. Vừa về nhà, hai chị em đã sà đến bên chiếc bàn thờ có di ảnh bố để lấy nhang và cây đèn cầy. Chiếc bàn thờ cũng được đóng vội bằng mấy tấm ván gỗ tạp như gỗ dùng đóng thùng hàng, cao chỉ tầm nửa mét. Thấy cảnh hai đứa bé 3 tuổi và 1 tuổi cầm nhang đèn như thế, dù có cứng rắn đến đâu cũng phải chùng lòng. Nhưng cả hai đứa bé chưa biết thắp nhang trên bàn thờ của người bố trẻ. Màu đỏ của cây đèn cầy có lẽ là thứ đồ vật lạ nhất, nổi bật trong căn nhà u ám tuềnh toàng, vì thế được hai đứa nhỏ mang xuống cầm trong tay như món đồ chơi. Có lẽ các em chưa bao giờ có khái niệm “đồ chơi” kể từ khi chào đời, và giờ đây cái bàn thờ bố thấp tè có những cây nến màu đỏ được hai chị em coi như chỗ chơi của chúng. Thợ rừng, thợ sơn tràng, hay “lâm tặc” như nhiều người vẫn gọi, “thợ may ăn giẻ, thợ vẽ ăn hồ”, nhưng trong ngôi nhà của những thợ rừng xấu số này không có lấy cây cột nhà nào tử tế. Cột nhà nào cũng đúc bằng ximăng, mái lợp tôn fibro, tường che bằng lá cọ rừng và những miếng gỗ tạp, cả khi chết đi cũng không có mảnh gỗ tử tế để đóng một cái bàn thờ. Đêm kinh hoàngTrong tốp thợ rừng của Bắc Sơn bị lũ quét chết có một người may mắn sống sót trở về, đó là Trần Mã Lương (32 tuổi). Lương là anh trai của Lý và là em trai của Diễn. Suýt nữa thì cả ba anh em ruột đã không một ai trở về. Gương mặt vẫn chưa hết thất thần, Lương kể: “Biết rằng xách cưa vào rừng là chịu phận “lâm tặc” nhưng không vào rừng thì lấy gì để sống. Em loay hoay đủ nghề rồi cũng không có con đường nào khác là theo anh em vào rừng. Chuyến đi ấy là chuyến đầu tiên của em...”. Mấy năm trước Lương đi bộ đội về thì bị tê liệt phần thân trái, vừa khá hơn thì anh em rủ đi, sức yếu nhưng đi trong nhóm có ba anh em ruột, hai người kia cũng là anh em bà con nên cứ nghĩ sẽ đỡ đần hộ nhau. Nơi nhóm thợ rừng này tập kết khai thác là vùng đầu nguồn, thuộc xã Dân Hóa (huyện Minh Hóa), giáp biên giới Việt - Lào. Đi được gần một tuần thì xảy ra đêm định mệnh ấy. Lúc ấy tầm 20g, mưa ầm ầm trút xuống. Lương và mấy anh em thu dọn đồ định chạy thì nước đã ngập lên sạp, chưa kịp thoát ra thì căn lán bạt ụp xuống cuốn trọn cả mấy anh em trong dòng nước hung hãn. Cố gắng chòi đạp, Lương níu được một thân cây, rồi thân cây cũng bị nước nhổ bật. Vẫy vùng giữa đêm tối, Lương bám vào một rễ cây khác, níu theo rễ cây ấy bò dần lên phía núi cao.Bốn bề đêm đen vây phủ, chỉ nghe tiếng ầm ào cuộn réo của con nước dữ. Kiệt sức ngất đi, khi tỉnh dậy chừng 1g sáng, Lương hú gọi mấy anh em nhưng tiếng hú chìm trong tiếng mưa rừng và âm âm vọng tại từ vách núi. Biết không hi vọng gì nữa Lương cũng hoảng loạn vì lần đầu đi núi nên lạc giữa rừng thẳm. Đến chiều đó Lương may mắn gặp được hai người đàn ông dân tộc Khùa đi thăm bẫy và đưa Lương về bản. Bị vây bởi nước lũ hai ngày đêm, đến ngày thứ tư kể từ đêm lũ quét, Lương mới lần ra đến đồn biên phòng 589 báo tin, rồi cứ thế cuốc bộ theo con đường bản Lòm ra tới quốc lộ 12 xin nhờ xe về làng. Đi bộ hơn 100 cây số, sau năm ngày đêm kể từ hôm lũ quét, Lương về tới nhà chỉ kịp thông báo số phận nhóm thợ rồi ngã lăn ra ngất xỉu. Cả xã huy động anh em trai tráng, nhóm đi ngược sông Gianh, nhóm đi theo đường bản Lòm tìm kiếm. Sau mấy ngày vất vả mò tìm, thi thể những thợ rừng cũng được phát hiện chỗ thác nước Tà Roong, nước lũ đã quăng quật tan nát nhân dạng.Cùng lúc với sự thiệt mạng của bốn thợ rừng xã Thanh Hóa, mấy huyện miền núi Quảng Bình cũng có thêm nhiều thợ sơn tràng khác thiệt mạng trong rừng vì lũ quét trong hai trận thiên tai vừa qua. Mịt mù ngày mai...Chúng tôi ghé nhà chị Đào, vợ anh Trần Vĩnh Diễn, chị Đào mới 33 tuổi nhưng đã có bốn mặt con lít nhít sát nhau, đứa đầu, bé Hoa 12 tuổi, bé út mới 5 tuổi. Cái chết của anh Diễn, trụ cột gia đình, khiến chị gần như tuyệt vọng. Ngồi ôm cậu con trai út Trần Văn Phương trước bàn thờ chồng, chị nghẹn ngào: “Trước khi đi rừng, bao giờ nhà tui cũng lấy chịu gạo, muối, thuốc men... ở quán, sau khi về mới có tiền trả nợ. Anh Diễn nói đi chuyến ni về chắc chắn sẽ có để trả tiền gạo, mắm muối cũng như trả mấy khoản nợ vay từ các chuyến đi trước, tiền nợ mua sách vở cho mấy đứa nhỏ... Chừ chồng thì chết mà tiền nợ gạo, nợ mắm muối người ta vẫn còn đó! Cả nhà lâu nay sống nhờ công làm lụng trên nương hoặc các chuyến đi rừng của anh Diễn, nay anh mất rồi tui lo mấy đứa không có chi ăn hằng ngày chớ nói chi đến chuyện đến trường học. Khi anh còn sống, trong nhà có thiếu ký gạo hay gói muối mình đi đong chịu ở quán cũng dễ, nay anh mất rồi người ta sợ mình không trả nổi nên muốn đi mua nợ cái chi cũng khó”. Dòng nước mắt lăn dài trên gò má người góa phụ trẻ. Cả nhà có một sào đất (500m2) trồng bắp. Đất xấu nên chỉ thu được vài tạ bắp mỗi mùa trồng. Tất cả nguồn thu “cố định” của sáu miệng ăn chỉ có vậy, giờ ngày tháng tới không biết sẽ sống ra sao! Bà Cao Thị Khoa, mẹ của thợ rừng Nguyễn Văn Duy, ôm đứa cháu nội mới 5 tháng tuổi ầu ơ ru cháu, không nói được gì khi chúng tôi tìm gặp. Chị Lượng, vợ thợ rừng Trần Văn Bình, cũng một tay ôm ba đứa con dại, đứa lớn 8 tuổi, hai đứa sau mới 3 tuổi và 1 tuổi... Cả bốn ngôi nhà của bốn thợ rừng xấu số đều ở chênh vênh ngang triền đồi, vậy mà trận lũ đầu nước ngập quá nóc, trận lụt sau ngập tới xà ngang, bốn góa phụ và 10 đứa nhỏ mồ côi trong trận lũ đầu, nay thêm vợ con anh Lê Viết Thập bên thôn Thanh Lạng cũng chung cảnh ngộ.

“Không biết làm chi để sinh sống”
Anh Nguyễn Quốc Tiệp, cán bộ văn hóa xã hội xã Thanh Hóa, cho biết toàn xã có 70-80% thanh niên đi rừng làm ăn. Hồi trước mỗi hộ dân trong xã có 3-4 sào đất trồng trọt, tuy không nhiều nhưng cũng cày cấy làm ra được cái ăn. Nhưng vài năm trở lại đây người lấy chồng lấy vợ nhiều nên số gia đình mới ra ở riêng cũng tăng. Mỗi gia đình mới lại được ba mẹ chia cho một ít diện tích đất trồng trọt nên đất đai của mỗi hộ cứ thế ít dần. Địa phương lại không có nghề phụ nên đi rừng là nghề mưu sinh quanh năm của người dân nơi đây. “Xã, huyện và kiểm lâm vẫn cấm người đi rừng đấy chớ, nhưng dân không biết làm chi để sinh sống nên họ cứ đi, bị bắt thì đành chịu. Người dân xã tui cần được giúp đỡ về việc làm, có nghề phụ để mần ăn mới mong khỏi vô rừng” - anh Tiệp nói.

Theo LÊ ĐỨC DỤC - LAM GIANG (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm