Thiên đàng dưới lòng đất

Tại sao “gái miền Tây” lại phải “bôn ba” khắp nơi như vậy? Các cô có thực sự giống như cách nhìn nhận của nhiều người?

LẠC LỐI VÌ “CÒ”

“Gái miền Tây” đa phần là những cô gái sinh sống ở nông thôn miền Tây với gia cảnh khó khăn, học ít, nhận thức kém cũng như thiếu hẳn sự quan tâm, dạy dỗ của gia đình. Thực tế vẫn có rất nhiều cô gái ở nông thôn miền Tây, tuy nghèo khó nhưng nhờ sự quan tâm, giáo dục của gia đình, được học hành đến nơi đến chốn và thành đạt khi lập nghiệp ở TPHCM hay một số thành phố lớn khác. Cũng không ít cô tuy không có điều kiện học cao nhưng chấp nhận làm công nhân ở các khu công nghiệp với mức lương thấp chứ không làm những nghề “nhạy cảm” kể trên.

So với miền Trung khắc nghiệt thì khí hậu, thiên nhiên miền Tây lại khá ưu đãi con người. Thế nhưng phần lớn cuộc sống của người dân ở nông thôn ngày nay rất khó khăn, trừ những gia đình bán được đất giá cao vì gần khu công nghiệp hay vừa mở đường lớn, hoặc nhờ con cái đi làm ăn xa gửi về. Chúng tôi đã có một cuộc thăm dò ở ấp Ngã Cái, xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình của tỉnh Vĩnh Long thì gần như gia đình nào cũng đang mắc nợ ngân hàng. Tất cả vì mất mùa. Có gia đình vay cả trăm triệu để trồng cam sành nhưng chưa tới ngày thu hoạch những trái cam sành rụng dần, rụng dần và cuối cùng không còn gì cả. Khi chúng tôi viết bài này thì người dân ở xã này đang lao đao vì bưởi Năm Roi.

Vì nghèo khó, cộng với cuộc sống đơn điệu ở nông thôn, nam nữ thanh niên quyết định lên thành phố tìm cơ hội để có tiền giúp gia đình. Trong khi nam thanh niên tìm các công việc như công nhân hoặc một số nghề lao động chân tay khác, thì các cô gái một phần đi lấy chồng ngoại thông qua môi giới, một phần chấp nhận theo “cò” lên thành phố. “Cò” ở đây hoạt động khác với “cò” môi giới mại dâm, tức là được trả tiền đứt đoạn một lần tính theo đầu người. Ví dụ, một quán massage cần tuyển 20 cô gái miền Tây thì sẽ thông báo cho “cò” biết, “cò” sẽ tự đi về quê săn lùng. Khi có “hàng”, “cò” sẽ dẫn đến cho chủ quán massage và lấy tiền công. Hiện có khá nhiều “cò” chuyên về miền Tây dụ dỗ các cô gái lên thành phố, cung cấp cho các quán bia ôm, nhà hàng, massage, hớt tóc - gội đầu, cà phê đèn mờ... Phần lớn “cò” kết hợp và ăn chia với các cô gái ở quê nhưng đã “hoạt động” trong lĩnh vực “ôm” ở thành phố từ lâu. Các cô này sẽ giúp “cò” tiếp cận những cô còn đang ở quê.

Thiên đàng dưới lòng đất ảnh 1

CHA MẸ “VÔ TƯ”, CON KHỔ

Khi đặt chân đến thành phố, các cô mới vỡ ra rằng sự thật công việc không chỉ đơn thuần là “bưng cà phê” giống như những lời dụ dỗ của “cò”. Thế nhưng quay về quê thì các cô không thể, vì sĩ diện và vì trót đã nhận tiền của “cò” trước đó. Vả lại, hình ảnh các “đàn chị” mỗi lần về quê trên những chiếc xe hơi sang trọng, đầy ắp quà, rồi hàng tháng gửi về cho gia đình cả chục triệu đồng khiến các cô nhắm mắt đưa chân.

Một lần, trên chuyến xe bus từ Vĩnh Long về TPHCM, chúng tôi tình cờ ngồi cạnh một cô gái tên D. Lúc đầu chúng tôi không có thiện cảm với cô này bởi cách ăn mặc quá hở hang, trang điểm đậm, móng tay sơn đủ thứ màu, đeo nữ trang đầy người và đặc biệt... chửi thề. Lúc đầu D. cho chúng tôi biết nhà cô ở huyện Bình Minh, cô đang bán hàng cho một shop quần áo ở TPHCM. Thế nhưng suốt hơn ba tiếng đồng hồ nói chuyện, D. lại thật thà cho hay cô đang “làm việc” ở một quán bar vào ban đêm, ban ngày thì làm “gái bao” cho một người đàn ông có vợ, giàu có. Cô thành thật: “Phải cắn răng mà chiều mấy ông đó để có tiền thôi chị ơi. Gia đình em ở quê cứ hết chuyện này đến chuyện nọ, cần tiền hoài. Đến nỗi anh của em lái xe gây tai nạn, em cũng phải lo tiền đền bù vì ảnh đâu có tiền. Mỗi lần em về thăm nhà mới khổ. Mẹ chưa bao giờ hỏi xem em sống một mình trên thành phố công việc thế nào, cuộc sống ra sao, có gì khó khăn không. Lúc nào mẹ cũng kể cho em nghe từng nhà, từ đầu trên tới xóm dưới rằng nhà ai mới mua cái gì hay có gì đẹp rồi so sánh. Em thề với chị, cả đám con gái trong xóm em lên thành phố lập nghiệp đều có hoàn cảnh giống y chang em. Những lúc rảnh tụi em gặp nhau, nói chuyện rồi chỉ biết khóc...”.

Ai đã từng sống ở nông thôn miền Tây sẽ hiểu cuộc sống của người dân ở đây. Họ thật thà, chất phác và đơn giản. Chính vì vậy đối với con cái, phần đông phụ huynh thường phó mặc cho... tự nhiên, rất ít người có cách dạy con tỉ mỉ. Do ít học nên khi lớn lên, sự nhận thức xã hội của con họ có giới hạn. Cộng với thiếu sự quan tâm của gia đình nên khi chân ướt chân ráo đến các thành phố lớn, các cô gái trẻ khó cưỡng được những cám dỗ, không thể đủ nghị lực và ý chí đương đầu với khó khăn.

Bên cạnh trách nhiệm của mỗi gia đình, sự việc “gái miền Tây” “nổi tiếng” khắp nơi trên cả nước với hàm ý xấu còn là trách nhiệm của lãnh đạo các địa phương. Giá như các cấp lãnh đạo từ xã phường đến tỉnh thành biết quan tâm kịp thời, không để các em bỏ học sớm, có sự tuyên truyền, cảnh báo về những điều xấu nhất có thể xảy ra khi lấy chồng ngoại thông qua môi giới, hay đầy rẫy những cạm bẫy chực chờ mà những cô gái trẻ người non dạ có thể gặp phải, thì có lẽ tình hình được cải thiện hơn nhiều.

Theo TRÚC LINH (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm