Nhà văn Nguyễn Đình Tú:

“Tôi để linh hồn các chiến sĩ lên tiếng”

Ngày 13-8, cuốn tiểu thuyết viết về chiến tranh biên giới phía Bắc của nhà văn - Trung tá, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn Nghệ Quân Đội Nguyễn Đình Tú do NXB Trẻ ấn hành đã chính thức ra mắt bạn đọc.

Sự thôi thúc cá nhân

. Phóng viên: Xác phàm là một trong những cuốn tiểu thuyết đầu tiên về chiến tranh biên giới phía Bắc 1979, tại sao anh lại lựa chọn đề tài nhiều thử thách như thế khi bản thân không trải qua cuộc chiến tranh này?

+ Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Trước hết phải khẳng định Xác phàm có đề tài không “hot” đối với đa số bạn đọc hiện nay. Tôi đã viết từ một sự thôi thúc cá nhân, bắt nguồn từ những chuyến đi qua những địa danh đã từng chứng kiến cuộc chiến tranh đó. Tôi cũng từng gặp những người lính bước ra khỏi cuộc chiến, mạnh mẽ, kiên cường nhưng đứng trước bia mộ của đồng đội họ bật khóc như mưa, như gió. Những vết tích chiến tranh dậy lên trong tôi một cảm giác mà trong tiểu thuyết tôi đã gọi tên: Mùi buồn.

 
Nhà văn Nguyễn Đình Tú. Ảnh: THÀNH DUY

Có lúc tôi cảm giác vong linh các anh hùng liệt sĩ nhắc nhở mình phải viết về hai cuộc chiến gần đây nhất ở hai đầu đất nước: Chiến tranh biên giới Tây Nam và chiến tranh biên giới phía Bắc.

. Không trải qua cuộc chiến, anh khỏa lấp sự thiếu hụt trải nghiệm của bản thân như thế nào?

+ Tôi có mặt, tôi đi lại nhiều lần ở những nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến. Tôi cũng đến sư đoàn Ba sao vàng, là sư đoàn chủ lực duy nhất chặn địch ở mặt trận Lạng Sơn ở thời điểm tháng 2-1979 khi quân Trung Quốc đánh sang, rồi qua đến pháo đài Đồng Đăng, Hữu Nghị Quan, khu Đồng Mỏ, các mỏm đồi… và nhiều địa điểm khác dọc tuyến biên giới phía Bắc. Một số nhân vật, câu chuyện trong tiểu thuyết được huy động từ những nguyên mẫu ngoài đời thực mà tôi thu lượm được từ những chuyến đi đó.

. Anh có thể dẫn chứng về một trường hợp cụ thể?

+ Một lần, chúng tôi về nhà anh Hoàng A Sáng, ở bản Pác Thay (Cao Bằng). Anh Sáng đang làm làm ở báo Văn Nghệ. Theo lời anh Sáng, năm 1979, khi cuộc chiến tranh nổ ra, bố anh đang là trung đội trưởng dân quân, trưởng bản Pác Thay. Phía mỏm đồi bên kia là một bản khác, cũng có một đồng chí trung đội trưởng là trưởng bản. Bố anh Sáng vốn là lính chống Mỹ nên có kinh nghiệm, ông đã bảo tất cả dân quân trong bản chôn hết súng đạn đi, không đánh gì cả, nhờ thế khi lính Trung Quốc khi tràn qua, dân bản Pác Thay đã không bị giết hại. Trong khi đó, bản bên kia được trưởng bản huy động dân quân ra kháng cự. Cả bản bị “quét” sạch trong vòng một tiếng đồng hồ. Cũng vì thế mà sau này bố anh Sáng đã bị nghi ngờ là Hán gian. Ông đã thanh minh rằng bản của ông phải giấu lực lượng, vì chỉ với mấy chục tay súng dân quân mà căng mình ra chiến đấu thì khả năng bị tiêu diệt không còn một mống rất cao. Từ câu chuyện này, tôi xây dựng nhân vật Hoàng A Hạng và đổi tên bản Pác Thay thành bản Pác Só.

Không hề né tránh

. Tiểu thuyết của anh đã dũng cảm động đến một đề tài khó, nhạy cảm. Tuy nhiên, những địa danh, tên làng, tên bản và kể cả kẻ địch cũng được nói trại đi, là Khợ chẳng hạn, phải chăng anh vẫn né tránh?

+ Tác phẩm văn học đòi hỏi cá tính sáng tạo. Đáp ứng cho những ai muốn tìm hiểu về chiến tranh biên giới 1979 dưới dạng tư liệu là việc của những nhà viết sử, viết truyện ký. Tôi thì khác, tôi muốn cống hiến một tác phẩm nghệ thuật văn xuôi, trong đó có đề cập chiến tranh biên giới 1979. Tôi quyết tâm từ chối cái gọi là cung cấp một hiện thực cụ thể, do vậy tiểu thuyết là một thế giới với một pháo đài mang tính biểu tượng nghệ thuật. Các tên gọi như Đồi Tả, Đồi Hữu, Quốc Môn, quân Khợ… là sự sáng tạo có chủ ý chứ không phải né tránh.

. Tại sao anh lại mượn hình tượng Nam, một Xác phàmđa giới tính để kể câu chuyện của mình?

+ Không chỉ riêng tôi, nhiều tác phẩm Việt Nam lẫn Trung Quốc khi nói về cuộc chiến tranh này đều dùng hình ảnh ma hay các linh hồn để kể chuyện. Nhà văn Trịnh Sơn nói đó là thủ pháp “ốc mượn hồn”. Nguồn gốc của những điểm chung đó? Cuộc sống hiện tại khiến nhà văn phải tồn tại dưới dạng đó ngay trong sáng tạo của mình chăng? Với tôi, tôi chọn cách kể đó vì đã tiếp xúc với nhà ngoại cảm Nguyễn Ngọc Hoài, người viết cuốn Một thế giới khác. Qua đó, tôi nhận thấy rằng có những kiểu người đặc biệt, nửa âm, nửa dương, có khả năng ngoại cảm, có thể tiếp xúc được với các linh hồn, với “thế giới khác”. Chính vì thế, tôi đã xây dựng một kiểu nhân vật xác phàm, đa ngã, đa giới tính, có thể có nhiều linh hồn cùng vào đó trú ngụ được, từ đó họ cất lên những câu chuyện của chính mình...

Bìa tiểu thuyết Xác phàm. Ảnh: VT

… Vẫn là một ẩn ức

. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là để anh an toàn về mặt chuyên môn, bởi vì anh không chứng kiến cuộc chiến đó?

+ Chọn cách kể này hay cách kể khác đều không giúp tôi an toàn được nếu nó không thắng nổi sự kém cỏi về nghề. Cuốn tiểu thuyết dở là dở, hay là hay. Và nó sẽ chết nếu nó thực sự dở.

. Còn nội dung mà cuốn tiểu thuyết hướng tới thì sao? Hình tượng xác phàm có giúp tác phẩm chuyển tải thông điệp nào không?

 + Chọn kiểu nhân vật “xác phàm” phải đi giải phẫu chuyển đổi giới tính này, đó là hình thức lại chính là nội dung của câu chuyện. Và thông điệp của tiểu thuyết là: Câu chuyện chiến tranh biên giới năm xưa là một ẩn ức không dễ giãi bày.

Qua đó tôi để hồn các chiến sĩ nói tiếng nói của chính mình. Đồng thời cũng truyền đi một thông điệp, à hóa ra kể một câu chuyện về một cuộc chiến mà cũng nhọc nhằn, khổ sở như thế đấy.

Tâm thức của dân tộc ta một thời gian qua như thế đấy. Về cái đau, cái khổ có cả máu và nước mắt mà không được nói ra, nó là câu hỏi về cuộc chiến sao mà nó khó khăn, ẩn ức thế nhỉ. Đó là hình tượng ba trong một mà tôi muốn chuyển tải.

.Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

VIẾT THỊNH thực hiện

Chúng tôi có đặt hàng Tú viết một cuốn tiểu thuyết về biên giới phía Bắc, cũng may là Tú nói rằng em đang viết và nó sẽ rất lạ. Đến 22-12-2013, Xác phàm đã chuẩn bị đi nhà in nhưng rồi tháng 5-2014 trôi qua, sự kiện 40 năm Hoàng Sa trôi qua, sự kiện Gạc Ma trôi qua… Xác phàm vẫn chưa có mặt. Phải đến khi giàn khoan Hải Dương 981 kéo đến Việt Nam, chúng tôi quyết định không thể hèn được, không thể ngồi chờ được và quyết định sau khi đổi giấy phép sẽ in. Xác phàm được in thành sách, chúng tôi mừng vì đã nói được tiếng nói bấy lâu nay không thể nói được. Thời ở lính chúng tôi có nói một câu là “Thà hy sinh chứ không chịu chết” và Xác phàm là một trong những chiến sĩ chấp nhận hy sinh chứ không chịu chết.

Ông PHẠM SĨ SÁU, Trưởng phòng Khai thác bản quyền NXB Trẻ

… Nét độc đáo nữa của tiểu thuyết Nguyễn Đình Tú chính là sự hư cấu thông minh. Để nhân vật Nam không thôi mơ màng, phân vân nhị nguyên trong thân phận lưỡng tính đã khiến cái việc luôn luôn nhìn thấy-nhớ lại-kể lại tường tận cuộc chiến khốc liệt và chỉ rọi, chiếu ánh sáng ký ức vào hai nhân vật Bố Anh - Bố Em của Việt, kéo dài suốt cuốn tiểu thuyết, đã khiến việc miêu tả mười mấy ngày đêm chiến đấu quyết tử giữa quân - dân Việt Nam với bọn Khợ xâm lược trong cuốn tiểu thuyết đã không bị khô cứng nhàm tẻ và lên gân kiểu ta thắng địch thua. Ngược lại, câu chuyện chiến tranh tàn khốc đã được miêu tả rất tiểu thuyết, trong sự thanh thoát và cảm động, trữ tình và bi tráng của giọng kể tiểu thuyết khá là đa thanh của Nguyễn Đình Tú.

TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm