NHỮNG “BỘ NÃO” CỦA BIỆT ĐỘNG SÀI GÒN - BÀI 1

Trần Hải Phụng - Tướng chiến trường đô thị

Là người chỉ huy cao nhất, lên kịch bản mọi cuộc tấn công của biệt động Sài Gòn vào hàng loạt mục tiêu của địch trong suốt cuộc chiến tranh chống Mỹ, ông là Thiếu tướng Trần Hải Phụng (Hai Phụng) - vị tư lệnh đầu tiên của Quân khu Sài Gòn - Gia Định. Ông cũng là người đặt những viên gạch đầu tiên khôi phục lại lực lượng vũ trang TP thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Dùng một người “bẻ gãy” vạn người

Tháng 5-1961, Thiếu tướng Trần Hải Phụng là nhóm trưởng đoàn Sài Gòn - Gia Định, trong đoàn Phương Đông hành quân vào miền Nam để tăng cường lực lượng cho tiền tuyến. Ngoài vai trò là chỉ huy cao nhất của lực lượng biệt động Sài Gòn, Tư lệnh Trần Hải Phụng còn chỉ đạo xây dựng những căn cứ bí mật, đưa lượng lớn vũ khí vào để đánh các mục tiêu của địch ngay giữa lòng Sài Gòn, đặc biệt cho chiến dịch Mậu Thân.

PGS-TS Phan Xuân Biên, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, từng là thư ký cho Thiếu tướng Trần Hải Phụng, nhận định những chiến công của lực lượng vũ trang TP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đều gắn với công lao của ông. Theo ông Biên, trong thời kỳ chiến tranh đặc biệt quân Mỹ ở miền Nam lúc này chủ yếu với vai trò là các cố vấn quân sự, thì lực lượng vũ trang bấy giờ nổi bật là biệt động Sài Gòn, là lực lượng đầu tiên tiêu diệt quân Mỹ.

Ông Trần Minh Sơn (Bảy Sơn), nguyên Phó Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Gia Định (hiện đang sống ở quận 3), nói: “Anh Phụng là một vị tướng chiến trường thực thụ bởi đánh biệt động là phải bày mưu lập kế nên anh ít khi ở căn cứ mà luôn luôn có mặt ở nội thành, vùng ven để điều nghiên”.


Tướng Trần Hải Phụng (phải) cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: TƯ LIỆU

Lần theo ký ức như vừa hiện diện ngày hôm qua, ông Bảy Sơn kể: “Trận càn Phong Hỏa diễn ra vào năm 1966, địch xác định khu Bời Lời (Trảng Bàng) là căn cứ nơi các đồng chí lãnh đạo Thành ủy, tức là bộ máy chỉ đạo chiến tranh trong TP của ta đóng ở đây. Địch đã tiến hành một trận càn dùng tới 16.000 quân, hàng chục trận địa pháo binh, sử dụng xe tăng thiết giáp, hàng trăm máy bay, vừa bỏ bom, vừa bắn phá, vừa đốt xăng… đánh hai ngày liên tiếp hòng san bằng căn cứ cách mạng của ta. Đồng chí Sáu Dân (cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt) sốt ruột hỏi: “Địch đánh hai ngày, biệt động nằm im sao?”. Để đánh trận này, tôi bàn bạc với anh Hai Phụng dùng anh Lê Văn Cẩm, một cán bộ của ta dưới vỏ bọc làm thợ hàn, thợ điện trong sân bay, tổ chức đánh vào CLB sĩ quan không quân Mỹ bằng lõm nổ chậm. Đồng chí Sáu Dân nghe xong rất khen vì ta đánh nhằm vào “sinh lực quý” của địch, tức là lực lượng phi công địch phải đào tạo mất nhiều năm mới thành”.

Được giao nhiệm vụ, ông Cẩm phát hiện các sĩ quan không quân Mỹ thường ăn chơi tại CLB vào mỗi buổi trưa khi bay thả bom về. Sau khi nghiên cứu thực địa, ông Cẩm đã đặt 4 kg thuốc nổ TNT và 500 viên bi, mảnh sắt vụn đặt vào chính giữa mái nhà CLB rồi hẹn giờ nổ. Sức công phá của khối thuốc nổ đã làm chết và bị thương hàng trăm sĩ quan không quân khiến cho ngay hôm sau Mỹ ngụy vội vàng thu quân về.

“Biết vận dụng mưu kế đúng lúc, Tư lệnh Trần Hải Phụng chỉ cần dùng đến một người mà có thể “bẻ gãy” cả trận càn” - ông Bảy Sơn gật gù nói về người lãnh đạo của mình.

Vượt qua mệnh lệnh ngặt nghèo

Trong những cuộc trò chuyện, ông Bảy Sơn nhận định trận đánh khó khăn bậc nhất thể hiện vai trò thao lược chỉ huy của Thiếu tướng Trần Hải Phụng chính là trận đánh vào Đại sứ quán Mỹ trong chiến dịch Mậu Thân. “Ngày 23 tết, chỉ còn một tuần nữa là cuộc tổng tấn công diễn ra, quân ta ém sẵn ở các hầm vũ khí bí mật đợi ngày đánh vào các mục tiêu Dinh Độc Lập, Bộ Tư lệnh hải quân, Bộ Tổng tham mưu... Bất ngờ đồng chí Võ Văn Kiệt đặt vấn đề: “Tại sao Đại sứ quán Mỹ các anh không đánh, nếu trận này không đánh vào sứ quán Mỹ coi như chiến dịch Mậu Thân biệt động không tham gia gì cả”. “Ông Kiệt dứt lời, anh Hai Phụng thấy có sự lo âu bởi đứng ở góc độ hoạt động trong TP lúc đó, một mệnh lệnh phải thi hành bằng được trong thời gian cận kề mà tất cả là con số không - không lính, không tiền, không vũ khí. Một mệnh lệnh ngặt nghèo như thế mà cuối cùng anh Hai Phụng vẫn thi hành được, chỉ có thể là người tư lệnh biết dựa vào sức mạnh của anh em thân cận” - ông Bảy Sơn đánh giá.


Đơn vị vũ trang đầu tiên của nhân dân Sài Gòn - Gia Định (ông Trần Hải Phụng mặc áo trắng, ngồi giữa). Ảnh: TƯ LIỆU

Để chuẩn bị cho trận đánh vào mục tiêu quan trọng bậc nhất này, ông Hai Phụng cho giải tán cơ quan tham mưu của Phân khu 6 do ông Bảy Sơn làm tham mưu trưởng, kể cả cán bộ liên lạc và chuyên môn. Do ban tham mưu toàn là “lính kiểng” nên họ được gấp rút đưa đi tập bắn đủ loại súng.

Đánh vào một mục tiêu mang tầm chiến lược mà chỉ có sáu ngày đêm làm công tác chuẩn bị là một kỷ lục mà có lẽ từ xưa đến thời điểm đó chưa có ai làm được. Rà qua xét lại, thấy chỉ một người có thể tổ chức đưa vũ khí vào nội thành trong thời gian gấp rút, ông Hai Phụng quyết định chọn ông Ngô Thanh Vân (Ba Đen). Ông Ba Đen vốn là một công nhân thợ giày không biết chữ, ký tên, chỉ biết viết mỗi con số 3 nhưng chỉ trong vài ngày ông đã tổ chức đưa vũ khí trót lọt từ căn cứ, ngụy trang trên các chuyến xe chở hàng đưa vào TP. Khi các công tác đã chuẩn bị xong, ông Võ Văn Kiệt có lời khen và nhắc nhở: “Đây là trận đánh làm cho ý chí kẻ thù sút giảm và khẳng định dù Mỹ có bao nhiêu quân trang bị tận răng cũng không tránh nổi bị biệt động Sài Gòn trừng trị”.

Ngày 28 tháng Chạp, 16 người vốn là “lính kiểng” họp mặt tại đường Minh Phụng, trước trận đánh quyết định vào sứ quán Mỹ. Ông Bảy Sơn rưng rưng nhớ lại: “Có một em nhỏ tuổi nhất tên Vinh, mới 17 tuổi đã hy sinh trong trận chiến đấu sau đó, dõng đạc tuyên bố: “Chúng tôi muốn một phát súng bắn trúng hai kẻ thù, chúng tôi sẵn sàng hy sinh sống mái với quân thù trong trận đấu này””.

Cuộc tập kích chiến lược tết Mậu Thân mà Phân khu 6, phân khu nội đô (lúc này Quân khu Sài Gòn - Gia Định chia làm sáu phân khu) do Thiếu tướng Trần Hải Phụng làm tư lệnh, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh vào ý chí xâm lược của Mỹ; buộc Mỹ phải đưa ra quyết định ngồi vào bàn đàm phán rút khỏi Việt Nam.

PGS-TS Phan Xuân Biên nhận định: “Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có rất nhiều tướng chỉ huy tài ba ở các chiến trường nhưng chỉ có ông Hai Phụng là tư lệnh chiến trường đô thị có một không hai. Vì thế mà sau khi kết thúc chiến tranh, năm 1983 ông được cử làm phó đoàn sang cố vấn cho Cuba, ông đã tập trung cố vấn cho nước bạn nhiều kinh nghiệm quý về phòng thủ đô thị, được nước bạn tặng thưởng huân chương cao quý”.

Thiếu tướng Trần Hải Phụng sinh năm 1925 (Hà Tĩnh). Ông vào bộ đội từ năm 1945 tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954 ông tập kết ra Bắc. Từ năm 1954 đến 1957, ông là trưởng Ban Liên lạc quân sự giới tuyến Vĩnh Linh. Sau đó làm cục phó, rồi lên cục trưởng Cục Vật tư Bộ Quốc phòng. Năm 1961, ông là trưởng nhóm Sài Gòn - Gia Định trong đoàn Phương Đông vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Năm 1961 thành lập Quân khu Sài Gòn - Gia Định, ông giữ chức tư lệnh kiêm tham mưu trưởng. Năm 1967, Quân khu Sài Gòn - Gia Định chia làm sáu phân khu, ông Trần Hải Phụng làm tư lệnh Phân khu 6. Tháng 8-1972, tái lập Quân khu Sài Gòn - Gia Định, ông làm tư lệnh cho đến tháng 8-1974 thì được điều ra Bắc để chữa bệnh. Đúng vào thời điểm này diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, ông được mời vào Bộ Tổng tham mưu theo dõi chiến dịch Hồ Chí Minh. Năm 1978 ông về làm tư lệnh Bộ Chỉ huy quân sự TP.HCM. Năm 1982 ông đi làm phó đoàn cố vấn cho nước bạn Cuba. Năm 1985 ông nghỉ hưu, là ủy viên thường vụ Hội Cựu chiến binh TP.HCM. Ông mất năm 1997.

______________________________________

Nói về tướng Trần Hải Phụng, ông Trần Minh Sơn (Bảy Sơn), nguyên Phó Tư lệnh Thành đội Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định, nhận định: “Đây là một người tướng, một người chỉ huy, một người anh tuyệt vời. Anh được tình cảm của mọi người từ trên xuống dưới, sống rất có đức độ, nghĩa tình với tất cả anh em”. Còn ông Nguyễn Văn Siêu (67 tuổi, hiện nay sống ở Củ Chi), từng vào sinh ra tử với ông Hai Phụng, nói: “Ông đối với lính rất nghiêm nhưng hòa nhã, đặc biệt ông rất tiết kiệm. Trong ăn uống ông cũng dễ dàng, lính ăn gì thì ông ăn nấy mà không đòi hỏi”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm