KHỞI NGHIỆP TRẺ - BÀI 6

Trăn trở với dự án kinh doanh cộng đồng

Ứng dụng thương hiệu Việt với tên Zinmed, chuyên về quản lý điều trị bệnh tiểu đường thông qua smartphone và website, đang tạo được dấu ấn mạnh. Ứng dụng đã giành được khá nhiều giải thưởng, được người sử dụng yêu thích. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đằng sau những thành công ban đầu ấy là rất nhiều mồ hôi và cả nước mắt của tiến sĩ trẻ chuyên về ngành kỹ thuật y Chử Đức Hoàng với những người bạn chung tâm huyết.

Nảy ý tưởng từ những thất bại

Anh Hoàng cho biết trong quá trình 10 năm giảng dạy và nghiên cứu rồi lấy bằng tiến sĩ, anh cũng đã nhiều lần khởi nghiệp với hàng loạt ý tưởng liên quan đến lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn các dự án này đều thất bại mà nguyên nhân chính là không phù hợp với nhu cầu sử dụng trong thực tế. Cụ thể như website quản trị cơ sở y tế hay phần mềm hỗ trợ người dùng tạo ra mô hình kinh doanh... đều không thành công. Sau khi tham dự một số khóa học về khởi nghiệp, Hoàng mới ngộ ra là không thể bắt đầu mọi thứ theo cảm hứng, thích thì làm mà phải có nhiều bước đi bài bản mới có thể đưa ra được sản phẩm tốt.

Đúc kết những bài học kinh nghiệm, Hoàng quyết định thực hiện giải pháp công nghệ hướng tới một lĩnh vực cụ thể, đó là bệnh nhân tiểu đường. Năm 2014, dự án có tên là Zinmed xuất hiện sau thời gian dài chuẩn bị. Với Zinmed thì bệnh nhân tiểu đường có thể cập nhật các thông số về đường huyết, insulin, huyết áp và các chỉ số sức khỏe mỗi ngày. Ứng dụng cũng tự động nhắc nhở lịch vận động, uống thuốc… Thông qua ứng dụng trên smartphone và website trung tâm y tế có thể theo dõi. Với những bệnh nhân mới, ứng dụng cũng hướng dẫn họ cách tìm các trung tâm y tế, các nhà thuốc có những loại thuốc phù hợp với bệnh trạng.

Lý do chọn ứng dụng liên quan đến bệnh tiểu đường, anh Hoàng cho biết: “Đây là một căn bệnh rất phổ biến, có đến sáu triệu người ở Việt Nam và 350 triệu người trên thế giới bị mắc căn bệnh này với nhiều mức độ khác nhau. Có cả chục triệu lượt tìm kiếm mỗi tháng về căn bệnh này vì bệnh tuy không khiến người bệnh chết ngay mà có thể kéo dài sự sống đến hàng chục năm nhưng cũng gây cho người bệnh rất nhiều phiền toái. Trong thời gian đó, nhu cầu khám và chữa bệnh rất cao nên nếu có một ứng dụng kết nối bệnh nhân với cơ sở y tế để theo dõi sức khỏe hằng ngày sẽ rất tiện lợi cho bệnh nhân, đồng thời tạo sự an tâm cho họ”.


Nhóm thành viên tham gia dự án Zinmed. Ảnh: PTG

Khó khăn chồng chất

Cũng trong năm đó, Hoàng cùng bốn người bạn thành lập Công ty Zinmed bằng nguồn tiền ít ỏi. Dù cũng đã trù tính trước nhưng sau vài tháng thì toàn bộ số tiền đã hết và Hoàng đã phải tiếp tục đi vay mượn bạn bè, dự án có nguy cơ phải dừng lại vì không còn kinh phí. Trong lúc khó khăn này, ánh sáng cuối đường hầm chợt lóe lên khi Zinmed đoạt được một số giải thưởng về ứng dụng CNTT. Nhờ những giải thưởng này, dự án tiếp cận được với một số quỹ đầu tư, trong đó Google hỗ trợ 100.000 USD và Microsoft hỗ trợ 60.000 USD cho chương trình khởi nghiệp nhưng họ chỉ hỗ trợ bằng không gian mạng và điện toán đám mây. Còn lại, chương trình ITP của Phần Lan hỗ trợ 30.000 euro bằng tiền mặt được quy đổi ra tiền Việt, đây là số tiền cực kỳ quan trọng giúp nhóm tiếp tục phát triển ứng dụng.

Niềm vui chưa được bao lâu thì hàng loạt rắc rối trong điều hành lại phát sinh. Là một người vốn làm công tác giảng dạy, giờ bước vào điều hành doanh nghiệp startup, vị tiến sĩ trẻ đóng vai trò CEO gặp rất nhiều trở ngại khi không tìm được đội ngũ thực hiện phù hợp. Số tiền tài trợ đã tiêu tốn gần hết nên việc tuyển nhân viên vô cùng khó khăn. Hoàng và những thành viên trụ cột phải ôm luôn nhiều vai trò, theo kiểu vừa làm sếp vừa làm “sale”. Đích thân Hoàng phải tự chạy đi chào hàng ở các bệnh viện, nhà thuốc…, tự lên kế hoạch quảng cáo, thậm chí tự thiết kế từ logo của công ty. Thiếu những người marketing chuyên nghiệp và phù hợp với dự án, việc tìm kiếm khách hàng và thị trường không đem lại kết quả khả quan. “Ứng dụng ra mắt nhưng không có nhiều người hưởng ứng và không có doanh thu, nhiều tháng trời không thu được một đồng nào. Áp lực đè nặng lên những người thực hiện, bên cạnh là những lời chê bai, dè bỉu. Ngay cả một số bạn bè thân thiết, người thân cũng thực lòng khuyên chúng tôi nên bỏ dở dự án mà quay lại việc giảng dạy cho an toàn. Những khó khăn khiến tôi cảm thấy buồn bã và cô đơn đến cùng cực, có lúc cũng định buông xuôi” - vị tiến sĩ trẻ nhớ lại.

Quả ngọt sẽ đến

Anh Hoàng tiết lộ chính nhờ sự sáng suốt từ ban đầu khi quyết định không thu tiền bệnh nhân sử dụng mà chỉ thu tiền các phòng khám đang tham gia vào ứng dụng khoản phí phần mềm quản lý với giá chỉ 1 triệu đồng/tháng, đồng thời kết hợp với đối tác như nhà thuốc cung cấp các quảng cáo sản phẩm và dịch vụ với chi phí hợp lý..., kết quả là ứng dụng được nhiều bệnh nhân tin tưởng sử dụng và nhờ đó cũng gia tăng các đối tác trả tiền.

Hiện nay doanh thu đã có, dù chưa được như kỳ vọng nhưng đội ngũ Zinmed vẫn đang cảm thấy tự tin hơn vào thành công trong tương lai. Bởi ngoài việc mở rộng ứng dụng phần mềm, lúc này Zinmed đang nghiên cứu để đưa ra thị trường máy đo tiểu đường không xâm lấn mà nếu thành công sẽ là bước nhảy vọt của dự án.

Anh Hoàng cho biết những người bệnh tiểu đường phần lớn là người có tuổi, nói chung khả năng tiếp thu và sử dụng công nghệ không cao, cách nào có thể giúp đối tượng này tiếp cận với Zinmed thì câu trả lời chính là ở những chiếc máy đo này. Máy đo tiểu đường không xâm lấn là thiết bị phần cứng giúp việc đo đường huyết không cần sử dụng que thử hay thiết bị lấy máu. Người bệnh chỉ cần đặt tay vào chiếc máy nhỏ gọn chừng 10 giây là các thông số của bệnh nhân sẽ được ghi lại, kết nối với smartphone và nếu ứng dụng kết nối với trung tâm y tế thì khi các chỉ số vượt quá ngưỡng an toàn, các thông tin sẽ được gửi trực tiếp đến trung tâm y tế dưới hình thức báo động và các bác sĩ sẽ có hướng xử lý phù hợp. Việc này tạo thuận lợi với đối tượng người già hay trẻ em vốn ít khả năng tương tác tốt với công nghệ.

“Việc sử dụng máy cũng sẽ giúp bệnh nhân giảm đi rất nhiều chi phí vì họ chỉ phải bỏ ra khoản tiền vài triệu cho máy ban đầu. Tuy nhiên, bù lại bệnh nhân không phải tốn mỗi ngày mấy chục ngàn đồng cho những lần lấy máu. Ngoài ra việc lấy máu còn khiến bệnh nhân không bị đau so với cách lấy mẫu máu thông thường nên số người sử dụng với Zinmed chắc chắn sẽ tăng cao” - CEO Zinmed phân tích.

Những chiếc máy này sẽ được Zinmed sản xuất ngay trong nước chứ không nhập về bán. Anh Hoàng cho biết giá thành sản xuất trong nước rẻ hơn trên thị trường thế giới. Hiện nay loại máy đo tiểu đường theo cách đo huyết áp của Nga có giá gần 10 triệu đồng, loại máy của Mỹ có giá trên 3 triệu đồng, trong khi đó nếu sản xuất tại Việt Nam giá máy chỉ vỏn vẹn chưa đến 2 triệu đồng, với mức giá này Zinmed có thể cạnh tranh với các thiết bị cùng cấu hình trên thế giới hiện nay. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, những chiếc máy đo tiểu đường không xâm lấn này hoàn toàn có thể “xâm lấn” ra thị trường quốc tế mà trước mắt là Đông Nam Á. Hiện Zinmed đang chạy đua với thời gian để hoàn thiện thiết bị đo nhằm cung cấp sản phẩm ra thị trường vào năm 2016.

Lạc quan và tự hào về sản phẩm tâm huyết nhưng vị tiến sĩ trẻ vẫn cho rằng Zinmed sẽ không thành công cho dù đạt được lợi nhuận. Theo đó, khi mà các yếu tố nhân văn và y đức được xã hội và cộng đồng hưởng ứng và đánh giá cao mới chính là sự thành công của dự án.

Với phương ngôn là đưa y tế đến gần hơn với mỗi nhà, Zinmed là chiếc cầu nối giữa bệnh nhân tiểu đường với bác sĩ từ xa. Ứng dụng từng đoạt giải nhì cuộc thi Hội tụ phát triển ứng dụng di động, do Microsoft và Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức. Hiện Zinmed cũng đang là đối tác với nhiều tập đoàn doanh nghiệp lớn của Việt Nam như FPT, Viettel, Bộ Y tế Việt Nam...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm