Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 3: Hãy tha thứ cho cha mẹ

Tại nghĩa trang đồng nhi TP Pleiku (Gia Lai), phần lớn các nấm mồ hài nhi đều mang tên “vô danh”. Tuy nhiên, giấc ngủ vĩnh hằng của chúng vẫn được nâng niu bởi những ân nhân thầm lặng đã lập mộ và chăm sóc mộ phần các cháu. Mỗi năm có hàng trăm ngàn lượt khách hành hương đến thăm và hương khói. Những sinh linh bị chính cha mẹ mình ruồng bỏ vẫn nhận được tình yêu thương từ những người xa lạ.

Người chôn cất 5.000 thai nhi

Người làm công việc mai táng 5.000 thai nhi ở nghĩa trang này hơn 10 năm qua là anh Nguyễn Phước Phụng. Trong ngần ấy thời gian, anh đã bế trên tay hơn 5.000 thai nhi từ các bệnh viện, nhà hộ sinh về đây chôn cất mà không hề rõ bố mẹ các cháu là ai.

Anh Phụng nguyên là người xây mộ, chăm sóc mồ mả kiếm sống qua ngày. Nhưng dần dà chứng kiến nhiều thai nhi bị bỏ bên nghĩa địa, anh tự nguyện nhận luôn việc mai táng thai nhi. 10 năm trước, mỗi ngày anh mang về đây 7-8 cháu, có ngày đến... 20 cháu. Với tình yêu thương trẻ con, anh không nề hà, hễ được báo có thai nhi bị vứt bỏ đây đó là anh liền tìm đến mang về lo hậu sự. Trong số hơn 5.000 trẻ được anh đưa về đây có cháu chỉ còn là bộ xương, có cháu còn một nửa thân thể, cũng có cháu khô quắt... trông thật xót xa.

Gắn liền với nghĩa trang đồng nhi còn có cụ Lê Thị Tâm tự nguyện đến phục vụ tại đây từ năm 2007. Cụ Tâm thường được gọi trìu mến là “bà nội”, còn anh Phụng được mọi người xem như người cha của các cháu. “Nhà tôi ở gần nghĩa địa. Ngày ngày tôi thấy khách hành hương lên đây nhổ cỏ, quét dọn rồi về. Tôi nghĩ sao mình ở gần mà không làm được như thế...” - cụ Tâm từ tốn nói.

Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 3: Hãy tha thứ cho cha mẹ ảnh 1

Ngày ngày nhiều khách hành hương đến nghĩa trang. Phía trên là dòng chữ: "Chúng con tha thứ cho cha mẹ". Ảnh: DUY TÍNH

Từ đó, sáng sớm cụ lên nghĩa trang, chiều tối quay về. Ngày ngày cụ bận bịu với việc lo nhang đèn, dọn dẹp bàn thờ chung cho các cháu. Xong xuôi cụ ra quét mộ, nhổ cỏ... “Từ ngày lên đây phục vụ các cháu, tôi thấy mình khỏe lên hẳn” - cụ Tâm cười móm mém. Cụ Tâm thường thủ thỉ với các cháu: “Cha mẹ quá sai rồi nhưng các cháu hãy tha thứ nhé! Phá bỏ con mình, cha mẹ các cháu cũng khổ tâm, ân hận lắm!”.

Hôm trước có cặp vợ chồng trẻ từng phá thai hai lần đã đến đây. Họ quỳ lạy từ ngoài ngõ rồi đến bàn thờ thắp nhang cho các cháu. Họ khóc lóc van xin con tha thứ. Họ cho biết đã vứt con ở bệnh viện và nghe nói con mình được đưa về đây an táng nên tìm đến. Tuy nhiên, không ai có thể nhớ con của họ được chôn chỗ nào cũng như dấu hiệu nhận dạng để giúp đỡ.

Những con số bàng hoàng

Người sáng lập ra nghĩa trang đồng nhi là linh mục Nguyễn Văn Đông ở TP Pleiku. Năm 1992, ông bắt đầu đến các bệnh viện nhận về và mang các cháu ra nghĩa địa Pleiku xin chôn tại vùng đất dành cho những người không có thân nhân. Sau đó, các chùa cũng hợp tác với nhau cùng làm trên tinh thần nhân đạo. Đến nay, nghĩa trang đã là nơi yên nghỉ của khoảng 13.000 thai nhi. Hiện linh mục Đông đã xây dựng được 15 nghĩa trang đồng nhi khác và chôn nhờ thai nhi tại vài chục nghĩa trang người lớn. Con số thai nhi bị phá bỏ được đưa về chôn chất tại các nghĩa trang này chắc hẳn khiến mỗi người trong chúng ta không khỏi bàng hoàng.    

Bên cạnh linh mục Đông là ông Sáu. Người đàn ông 55 tuổi này kể mình bắt đầu việc tìm kiếm, hỗ trợ mai táng thai nhi từ năm 2002. “Năm đó, mẹ tôi mất nên gia đình mai táng tại nghĩa trang Pleiku. Khi xây mộ cho mẹ, tôi thấy có mấy người mang một thai nhi lên chôn, hỏi ra mới biết cháu bị vứt ngoài chợ và người ta nhặt được. Thế là tôi xây luôn cho cháu một ngôi mộ. Nhưng cũng từ đó, hằng ngày lên thắp hương cho mẹ, tôi đều bắt gặp những bao nylon vứt đâu đó hoặc chôn vội còn lấp ló, khi mở ra thì đó là những thai nhi đã chết. Tôi cảm thấy bứt rứt và tự hỏi nếu đây là con mình thì mình có bỏ được không? Vậy là tôi bắt đầu đến các bệnh viện xin thai nhi và để lại số điện thoại liên hệ. Hỗ trợ trực tiếp cho tôi còn có anh Phụng, bà Tâm...” - ông Sáu chậm rãi kể về cái duyên đưa ông đến với công việc gắn với cuộc đời ông gần chục năm nay.

Trên những nghĩa trang hài nhi - Bài 3: Hãy tha thứ cho cha mẹ ảnh 2

Cụ Tâm ngày ngày lo quét dọn cho những ngôi mộ hài nhi. Ảnh: DUY TÍNH

Qua một số người, tôi biết thêm mỗi ngày ông Sáu chỉ xài 15.000 đồng, bữa sáng chỉ một gói mì tôm, một gói cà phê bột. “Xài tiền cho mình tôi rất tiếc nhưng tiền cho các cháu, cho người đau yếu, bệnh tật đang cần thì bao nhiêu tôi cũng không tiếc” - ông Sáu nói.

Hiện linh mục Đông đang cho làm những nơi chăm sóc người lầm lỡ để họ mẹ tròn con vuông, còn ông Sáu đã xin được 1.000 m2 đất gần nghĩa trang đồng nhi Pleiku để xây một nghĩa trang đồng nhi mới rộng rãi hơn. Tâm nguyện của ông Sáu vào những ngày cuối đời là lập một nơi nuôi dưỡng người già, giúp họ có chốn tịnh dưỡng tuổi xế chiều.

Những ngôi mộ vô danh

Tấm biển ngay đầu nghĩa trang với những dòng chữ như một lời khẩn cầu tha thiết: “Xin đừng vật bỏ vùi lấp chúng con. Hãy cho chúng con có nơi yên nghỉ!”.

Hàng loạt ngôi mộ với tên chung “Vô Danh”, đủ làm nhói lòng cả những ai cứng rắn: Nguyễn Thị Vô Danh, Dương Vô Danh, Võ Vô Danh... Bên cạnh đó còn có cháu mang tên Trung Thu vì được mang về vào ngày Trung Thu, có cháu tên Giáng Sinh vì chào đời (đúng hơn là vĩnh biệt cõi đời) vào đêm Giáng sinh... và cũng có ngôi mộ chẳng có dòng chữ nào. Những người giữ mộ nói rằng tên Vô Danh của các cháu là do cha mẹ “nuôi” đặt cho. Hễ ai đến đây xin xây mộ đều có quyền đặt tên cho các cháu, đều có quyền xây mộ theo ý họ. Do đó, hàng ngàn ngôi mộ nằm đây cái to, cái nhỏ, mỗi cái một kiểu, mỗi màu khác nhau.

Bên cạnh những ngôi mộ được xây cất đàng hoàng cũng có những thai nhi vừa được mang về chưa có mạnh thường quân đến hỗ trợ. Khó ai cầm lòng trước cảnh năm, ba cháu nằm trên một mỏm đất nhỏ xíu, bên cạnh còn chiếc thùng giấy - nơi chứa các cháu khi vừa bị phá bỏ. Mỗi ngôi mộ được phân biệt bằng một cây nhang hay một cái que. Những người giữ mộ cho hay sự lộn xộn, to nhỏ của các ngôi mộ cũng là do không có đất nên có chỗ nào trống là để các cháu vào, sau đó tìm chỗ rộng rãi hơn mai táng lại.

Ở nghĩa trang này, hằng ngày khách thập phương đến thắp nhang, xin đỡ đầu xây mộ rất nhiều, trong đó không ít người là cha mẹ các cháu. Họ đến trong sự ăn năn, hối lỗi và chỉ cầu mong con cái tha thứ để thanh thản mà sống tiếp.

Và ở nhiều nơi khác, những nghĩa trang đồng nhi cùng những ân nhân thầm lặng vẫn luôn là gia đình chung bình yên của những đứa trẻ bị ruồng bỏ. Nhìn hàng ngàn nấm mộ mọc lên lớp lớp ngày càng nhiều, anh Phụng tâm sự: “Còn sống ngày nào tôi ráng giúp các cháu ngày đó chứ không hề nghĩ đến việc kiếm tiền hay cứu khổ cứu nạn. Qua công việc này, tôi mong nếu ai đó lỡ có thai ngoài ý muốn thì hãy để đứa trẻ được chào đời, đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà tước đoạt quyền được sống của con mình”.

DUY TÍNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm