Triều Tiên có bom H: Hoài nghi nhưng lo lắng

Khi sinh nhật của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến gần (8-1), Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố rằng nước này đã tiến hành thử thành công bom H (hay còn gọi là bom nhiệt hạch). Dù một số chuyên gia cho rằng thông tin này vẫn còn “bán tín bán nghi” nhưng trận động đất hơn 5,1 độ Richter có tâm chấn ngay khu vực tình nghi Triều Tiên thử hạt nhân cho thấy rất có thể đây là lần thứ tư Bình Nhưỡng thử loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà ngay cả Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc đều ngán ngẩm.

Triều Tiên muốn “nhất tiễn hạ song điêu”?

Chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom H, loại bom mà theo nhiều chuyên gia Mỹ có sức công phá gấp trăm lần quả bom mà Mỹ từng thả xuống TP Hiroshima (Nhật Bản trong Thế chiến thứ II), được xem là nước cờ “nhất tiễn hạ song điêu”- một mũi tên trúng hai đích. Một phần Bình Nhưỡng muốn khẳng định sức mạnh của quốc gia, kích thích chủ nghĩa dân tộc trong nước vốn đang chống chịu với nền kinh tế, phúc lợi xã hội yếu kém vì chịu không ít áp lực và cấm vận từ nhiều nước. Một số chuyên gia quốc tế bình luận rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un ngay trước sinh nhật tuổi 30 của mình muốn củng cố chắc chắn hình tượng lãnh đạo của mình với toàn dân.

Mặt khác, Triều Tiên muốn chuyển thông điệp “cường quốc hạt nhân đáng để thế giới lưu tâm cũng như những quốc gia khác” đến thế giới, đặc biệt là các ông lớn như Mỹ, Nga, Nhật Bản và thậm chí không ngoại trừ Trung Quốc - quốc gia láng giềng “đỡ đầu” cho Triều Tiên trong suốt sáu thập niên qua. Thực tế hiện nay theo đánh giá của các chuyên gia hạt nhân phương Tây, Triều Tiên vẫn chưa phải là một gã khổng lồ về hạt nhân nhưng quốc gia “bí ẩn nhất thế giới” này đang nỗ lực từng ngày để đạt được vị trí đó. Nước này được cho là đã nắm trong tay một số đầu đạn hạt nhân, đồng thời đã tổ chức ít nhất ba lần thử vũ khí hạt nhân kể từ năm 2006 và phải nhận các lệnh trừng phạt từ Liên Hiệp Quốc.

Mặc dù hoài nghi về trình độ và khả năng sở hữu bom H của Triều Tiên nhưng ông Francois Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược tại Paris, nhận định sự việc lần này là giải pháp để Triều Tiên chứng tỏ mình không chịu tổn thương, hay vẫn “bình thản” trước áp lực và sự trừng phạt từ bên ngoài. Thực tế tuyên bố thử thành công bom H cũng chỉ là một màn phô trương sức mạnh.

Các chuyên gia cho rằng năng lực quân đội Triều Tiên chưa đủ để sở hữu bom H. Ảnh: CNN

Trình độ có bắt kịp mong muốn?

Theo ông Heisbourg, Bình Nhưỡng hiện đang thiếu khả năng sở hữu công nghệ tên lửa tầm xa để có thể bắn đi các đầu đạn hạt nhân theo mong muốn. Vị này nhận định Triều Tiên chưa có kho hạt nhân và nhiều khả năng nước này phải chờ một thời gian nữa, vài năm hay thậm chí là vài thập niên mới có thể sản xuất ra các phương tiện hạt nhân có thể kích nổ tạo ra sự đe dọa thật sự. Chưa có những bằng chứng rõ ràng cho thấy Bình Nhưỡng có khả năng sử dụng các phương tiện tên lửa có gắn đầu đạn hạt nhân để bắn vào ai đó. Bom H mà Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công thực tế có sức công phá khủng khiếp hơn quả bom tàn phá Hiroshima (Nhật Bản) và điều đó so với tiềm lực hiện nay của Triều Tiên là rất chênh lệch. Phát ngôn viên Nhà Trắng Josh Earnest cho biết kết quả những phân tích của chính phủ Mỹ về hoạt động dưới lòng đất của Triều Tiên không khớp với tuyên bố thử thành công bom H mà Bình Nhưỡng tuyên bố. Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có dấu hiệu gì làm thay đổi những đánh giá của Washington đối với năng lực quân sự hay hạt nhân của chính quyền Triều Tiên.

Bên cạnh đó, nếu chuyện thử bom H thành công là có thật thì đó là một cuộc đại cách mạng đối với nền vũ trang của Bình Nhưỡng vốn vẫn còn rất nhiều hạn chế. Tuy nhiên, thông tin Triều Tiên chế tạo thành công bom H vốn đã bị phủ nhận từ sớm. Theo truyền thông phương Tây, các quan chức quốc phòng và tình báo cao cấp của Mỹ đã “tạt một gáo nước lạnh” lên tuyên bố của ông Kim Jong-un rằng Bình Nhưỡng chế tạo thành công bom H hồi tháng 12-2015. Và hoài nghi tương tự vẫn lặp lại ngay cả khi Triều Tiên có trận động đất 5,1 độ Richter làm minh chứng cho tuyên bố thử thành công bom H.

Giới quan sát nhận định Triều Tiên đang cố phóng đại sức mạnh của nước này. Đến nay cũng chỉ có các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc mới có khả năng tạo ra bom H. Ngay cả như Ấn Độ, Pakistan dù là quốc gia hạt nhân nhưng bom H vẫn cũng chỉ là chuyện ngoài tầm với. Chuyên gia Heisbourg nói thêm Triều Tiên không phát triển nhanh như những nước hạt nhân khác, điển hình như Ấn Độ. Năng lực chế tạo và vận hành trọn vẹn một quả bom H phụ thuộc vào một nền công nghiệp và kỹ thuật phát triển mạnh - điều dường như xa xỉ với Bình Nhưỡng hiện tại. Ngay cả khi đã chế tạo thành công bom H thì Triều Tiên cũng phải trải qua nhiều giai đoạn phức tạp trước khi có khả năng vận hành bom H để tấn công mục tiêu. Mỹ cũng đã từng phải thử hàng loạt vụ nổ bom H trước khi nước này có khả năng sử dụng bom H như một loại vũ khí “tạo ra sự sợ hãi”.

Jin Canrong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại ĐH Renmin ở Bắc Kinh (Trung Quốc), thẳng thắn nói rằng: “Tôi không tin Triều Tiên đã thử thành công bom H”. Khi so sánh với các đợt thử hạt nhân vào năm 2013, vị này cho rằng cơn địa chấn mà Triều Tiên lấy làm bằng chứng cho sự hiện diện của bom H rất có thể xuất phát từ việc nước này kích nổ một quả bom nguyên tử bình thường mà thôi.

Ai sẽ phải lo lắng?

Trong ngắn hạn, thông tin Triều Tiên thử thành công bom H dù khó tin nhưng vẫn khiến Mỹ và nhiều quốc gia lo ngại. Với tốc độ phát triển và tham vọng hạt nhân hiện nay, không có gì đảm bảo Triều Tiên không thể sở hữu bom H trong vài năm tới, cụ thể là trong thập niên tới. Phải thừa nhận một thực tế rằng để chứng tỏ khả năng và sự sẵn sàng về vũ khí hạt nhân của mình,Triều Tiên không chỉ phô trương lời nói mà còn dùng không ít hành động khiến thế giới phải rung chuông cảnh báo.

Hàn Quốc và Nhật Bản ngay sau thông tin Triều Tiên thử thành công bom H đã lập tức họp khẩn và lên tiếng phản đối, bày tỏ quan ngại về đe dọa an ninh từ phía Bình Nhưỡng. Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc dù tỏ ra nghi ngờ nhưng cũng phản đối tuyên bố của Triều Tiên gay gắt. Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói vụ thử hạt nhân là hành động đe dọa an ninh Nhật Bản một cách nghiêm trọng, không thể tha thứ và Nhật sẽ có sự phản đòn đích đáng. Chuyên gia Heisbourg khẳng định hầu hết quốc gia trên thế giới trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản hay các nước có nền an ninh và thịnh vượng phụ thuộc vào mối quan hệ với các nước châu Á-Thái Bình Dương đều sẽ rất lo lắng trong thời gian tới đây trước tham vọng trở thành cường quốc hạt nhân của Triều Tiên.

Quá trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên

- Ngày 12-12-1985: Triều Tiên gia nhập “Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).

- Năm 1993: Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cáo buộc Triều Tiên vi phạm NPT.

- Ngày 21-10-1994: Mỹ và Triều Tiên ký thỏa thuận Bình Nhưỡng đóng băng tiến đến loại bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đổi lại nước này nhận viện trợ quốc tế để phát triển hai nhà máy điện hạt nhân.

- Ngày 17-11-1998: Triều Tiên sau đó đồng ý để Mỹ kiểm tra cơ sở hạt nhân để đổi lấy viện trợ và Mỹ không tìm thấy bằng chứng nào về việc Triều Tiên phát triển hạt nhân.

- Tháng 6-2001: Triều Tiên tuyên bố sẽ tái khởi động chương trình hạt nhân nếu Mỹ không bình thường hóa quan hệ với Bình Nhưỡng.

- Ngày 29-1-2002: Mỹ cáo buộc Triều Tiên cùng với Iran và Iraq hợp thành “trục ma quỷ”. Triều Tiên tuyên bố đang phát triển một chương trình hạt nhân bí mật, vô hiệu hóa thỏa thuận đã ký với Mỹ vào năm 1994, xóa bỏ chương trình giám sát hạt nhân của IAEA.

- Ngày 26-2-2003: Triều Tiên tuyên bố rút khỏi NPT, tuyên bố sở hữu vũ khí hạt nhân.

- Năm 2005: Triều Tiên ban đầu rút khỏi đàm phán sáu bên, tuy nhiên sau đó đồng ý chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lại các khoản viện trợ năng lượng, kinh tế và an ninh.

- Năm 2006: Lần đầu tiên Triều Tiên thử vũ khí hạt nhân nhưng ngay sau đó chấp thuận nối lại đàm phán sáu bên.

- Năm 2007: Triều Tiên đổi viện trợ, chấp nhận ngừng hoạt động của các cơ sở hạt nhân và cho phép các thanh sát viên của IAEA quay trở lại Bình Nhưỡng.

- Ngày 25-5-2009: Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ hai, Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh trừng phạt mới.

- Ngày 12-2-2013: Quan hệ liên Triều và Triều Tiên với phương Tây căng thẳng, Bình Nhưỡng tiến hành thử vũ khí hạt nhân lần thứ ba.

- Ngày 15-9-2015: Triều Tiên tuyên bố có thể sử dụng vũ khí hạt nhân bất cứ lúc nào.

- Ngày 6-1-2016: Tuyên bố thử thành công bom H.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm