Trinh sát miền Tây và hành trình truy nã tội phạm

LẬP HẦM BÍ MẬT LẨN TRỐN

Sáng 7-11, sau cuộc họp giao ban, đại tá Dư Văn Rí, Trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Cà Mau triệu tập cuộc họp khẩn. Đã hơn một năm phòng được thành lập, nhiều hồ sơ truy bắt các đối tượng truy nã được xếp lại nhưng đối tượng Hồ Văn Hồng (SN 1955, ngụ ấp Cái Bát, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, Cà Mau) vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Ngày nào Hồng chưa bị bắt giữ, cán bộ chiến sĩ phòng còn nợ với người dân. Y có bề dày tiền án, tiền sự trộm cắp tài sản. Năm 2004, Hồng bị tố cáo trộm vuông tôm. Chẳng cần giải thích, y tập hợp người thân và thuê xã hội đen tổ chức thanh toán để dằn mặt. Sau vụ ẩu đả, con trai Hồng bị khởi tố, bắt giam. Hồng là kẻ chủ mưu bỏ trốn. Ngày 19-8-2004, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thới Bình ký quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi “gây rối trật tự công cộng”. Ngày 2-3-2006, Công an huyện Thới Bình ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Hồng.

Theo thông tin trinh sát, từ ngày bỏ trốn Hồng vẫn còn lảng vảng ở quê nhà. Khi màn đêm buông xuống, y và người thân tổ chức ăn nhậu. Trung úy Trần Quốc Đông, cán bộ Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Cà Mau cho biết: “Nguồn tin chính xác thu được cho thấy Hồng vẫn còn ở địa phương. Nhưng công an nhiều lần kiểm tra, khám xét nhà lại không gặp. Sự mất tích bí ẩn của Hồng đặt nhiều nghi vấn. Hồng chưa bị bắt”. Giở hồ sơ khám xét và thông tin thu thập của trinh sát, đại tá Dư Văn Rí quyết định “vén” tấm màn bí mật đằng sau vụ lẩn trốn của Hồng.

Trinh sát miền Tây và hành trình truy nã tội phạm ảnh 1
Trung úy Trần Quốc Đông

Trung úy Trần Quốc Đông, người trực tiếp khám xét nhà Hồng nhớ lại: “Nhận lệnh của lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ quyết tâm kết thúc hồ sơ truy nã đối với Hồng. Chúng tôi xác định, đây sẽ là đợt khám xét cuối cùng bởi nhiều lần anh em triển khai việc này nhưng không thu được kết quả”. Tám giờ ngày 7-11, Đông cùng đội trinh sát phối hợp với Công an huyện Thới Bình, Công an xã Hồ Thị Kỷ tiếp tục đến nhà đối tượng. Hơn một giờ vượt Quốc lộ 63, trinh sát đến ấp Cái Bát. Xóm nghèo Cái Bát vắng lặng. Người dân ra vuông tôm chuẩn bị mùa vụ. Mấy năm đầu chuyển dịch, vuông tôm của Hồng thu hoạch khá nên xây căn nhà khang trang. Cách vài chục mét, người thân Hồng cất chòi giữ tôm, theo thu thập của trinh sát, đây chính là nơi Hồng cùng người thân ăn nhậu khi trời tối. Từ ngày Hồng bỏ trốn, hai đứa con của y, một đối tượng vừa ra tù, thay phiên nhau quản lý tài sản và nuôi bà nội là Võ Thị Lợi. Lực lượng thi hành nhiệm vụ triển khai đội hình quanh căn nhà. Trung úy Đông trực tiếp gặp chủ hộ để động viên nhưng bất thành.

Trước thái độ bất hợp tác của người thân Hồng, trung úy Đông đành gọi điện báo cho đại tá Rí xin ý kiến. Đại tá Rí quyết định kiểm tra hành chính. Qua điện thoại, đại tá Rí cẩn thận dặn: “Nhớ chú ý từ chi tiết nhỏ khi khám xét. Rất có thể Hồng đang ở trong nhà”.

Nhận lệnh từ chỉ huy, Đông liền thay đổi kế hoạch từ vận động đối tượng sang đề nghị công an xã kiểm tra hành chính. Cũng như nhiều lần trước, lực lượng thi hành nhiệm vụ kiểm soát khắp căn nhà nhưng không thấy bóng dáng của Hồng. Từng chi tiết nhỏ trong căn nhà được trinh sát khám xét cẩn thận, Đông phát hiện miếng mốp nằm trơ trọi góc nhà. Đông tiến lại gần giở nắp mốp lên phát hiện miệng hầm tối thui. Đông thò tay ra thì một bóng người dần dần nhô đầu ra khỏi miệng hầm. Bóng người đàn ông trốn trong hầm là Hồng, kẻ trốn lệnh truy nã năm năm.

Qua đấu tranh, Hồng khai nhận, sau khi thực hiện hành vi “gây rối trật tự công cộng”, y đào sẵn cái hầm trong góc nhà để trốn tránh. Ban ngày không có người lạ, y ra bờ vuông lao động như người bình thường. Hay tin lực lượng kiểm tra, y chui xuống hầm để trốn tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng. Hồng được di lý về công an tỉnh tiến hành lấy lời khai trước sự thán phục của quần chúng nhân dân.

Trinh sát miền Tây và hành trình truy nã tội phạm ảnh 2

Hồ Văn Hồng, Bùi Văn Tuấn, Lê Hoàng Nam

MƯỜI TÁM NĂM THEO DẤU TÊN CƯỚP

Mỗi lần họp giao ban, trung tá Đặng Công Chức, Phó phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an TP.Cần Thơ không khỏi phân vân. Đã 18 năm, các đối tượng trong băng cướp có vũ khí tại huyện Thốt Nốt đã thi hành án, riêng Bùi Văn Tuấn vẫn ngoài vòng pháp luật. Theo hồ sơ truy nã, Tuấn là tên tội phạm hết sức nguy hiểm. Ngoài các tiền án, tiền sự về hành vi trộm cắp và cướp tài sản, Tuấn còn tham gia nhiều vụ cướp có “hàng nóng”.
Năm 1993, tên Liêm (đối tượng cầm đầu băng cướp có vũ khí) tìm đến huyện Thốt Nốt chuẩn bị cướp. Y lân la làm quen với Tuấn và thú thật ý định đang tìm “con mồi”. Ông Nguyễn Vinh Quang, cha Tuấn liền ủng hộ kế hoạch của Liêm. Để lấy lòng tin với ông Quang, Liêm khoe khẩu súng Colt 45. Tháng 2-1993, Liêm cùng Tuấn, Hậu, Quang... chuẩn bị kế hoạch cướp tại nhà anh Lê Văn Tánh (ngụ ấp An Lợi, xã Thạnh Phú, huyện Thốt Nốt, TP.Cần Thơ).

Ngày 24-2-1993, bọn chúng đem theo hai cây súng phục kích tại nhà anh Tánh. Chờ cho hết chương trình truyền hình, bọn chúng tấn công. Đến 22 giờ 45 Quang gọi cửa nhà anh Tánh xin mượn quẹt gas để đốt thuốc. Không nghi ngờ, mở cửa sổ Liêm chĩa súng vào đầu anh Tánh. Nhanh trí, anh Tánh tránh được khẩu súng và tắt đèn hô cướp. Bọn chúng tẩu thoát. Đến 23 giờ ngày 8-9-1993, bọn chúng tiếp tục đến nhà anh Lê Văn Quang. Lần này, ngoài khẩu súng, Liêm còn mang theo quả lựu đạn. Kế hoạch cướp hoàn hảo. Liêm khống chế các thanh viên trong nhà rồi gom hết tài sản tẩu thoát. Trước khi đi, bọn chúng bắn phát đạn gây khiếp sợ cho người dân xã Thạnh Phú.

Ngày 17-9-1993, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Cần Thơ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “cướp tài sản công dân có vũ khí”, thực hiện lệnh bắt các đối tượng trên, thu hồi vũ khí. Bùi Văn Tuấn bỏ trốn.
Chuyên án được xác lập, thiếu tá Nguyễn Thành Trung, Đội trưởng Đội truy bắt đối tượng truy nã CATP Cần Thơ quyết trả món nợ suốt 18 năm. Trung đóng giả người thuê đến An Giang để tiếp cận với Tuấn. Kế hoạch không thành công, Trung lại lên TPHCM lân la ở phòng trọ để tìm Tuấn nhưng thất vọng. Sau những ngày cất công tìm không hiệu quả, Trung báo cáo với Ban chuyên án đổi kế hoạch.

Tháng 5-2011, tờ mờ sáng, ông Quang (cha Tuấn) đón người khách lạ. Chưa kịp hớp ngụm trà, vị khách than thở: “Chú giúp con cho số điện thoại của Tuấn giùm. Trước đó, con với Tuấn có hùn hạp hàm ăn, Tuấn còn thiếu con số nợ. Vả lại, nhiều người còn nợ Tuấn số tiền lớn. Hiện nay con biết Tuấn khó khăn. Con xin số điện thoại của Tuấn để hỏi ai còn nợ con sẽ đòi giùm”. Ban đầu, ông Quang từ chối. Vị khách lạ không nản chí. Cứ vài ngày, trong gương mặt thiểu não, vị khách tìm đến nhà ông Quang để dò la tin tức Tuấn. Mưa dầm thấm đất, ông Quang tin tưởng cho số điện thoại của Tuấn. Vị khách cảm ơn rối rít. Ông Quang đâu biết, vị khách là thiếu tá Nguyễn Thành Trung.

Thiếu tá Trung nhớ lại: “Tuấn tỏ ra ranh ma, không đồng ý tiếp cận. Có lần, y hẹn gặp tôi tại TPHCM nhưng không đến. Thực tế, Tuấn vẫn còn thiếu nợ nhiều người và một số người vẫn còn nợ y”. Bằng biện pháp nghiệp vụ, ngày 6-8-2011 trung tá Đặng Công Chức, thiếu tá Nguyễn Thành Trung cùng tổ trinh sát đã truy bắt Tuấn tại tổ 14 (khu vực 1, phường Tân Hiệp, TP. Biên Hòa, Đồng Nai).

Qua đấu tranh, Trần Văn Tuấn thừa nhận y chính là Bùi Văn Tuấn. Sau khi gây án, y đã bỏ trốn qua rất nhiều địa phương như An Giang, TPHCM, Đồng Nai. Trong thời gian lẩn trốn tại An Giang, Tuấn đã nhận ông Năm Ký (ngụ xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Thành, An Giang) là cha nuôi. Tuấn giấu ông Ký quá khứ phạm tội của mình xin nhập hộ khẩu chung với gia đình. Nhờ vậy, Tuấn làm giấy chứng minh nhân dân với tên Trần Văn Tuấn và kết hôn với người phụ nữ tại huyện An Phú, An Giang. Những ngày sống hạnh phúc với hai đứa con nhưng Tuấn ám ảnh hành vi phạm tội của mình. Y cùng vợ con đến TP.Biên Hòa, Đồng Nai lập nghiệp. Thế nhưng, y không thoát khỏi sự tầm nã gắt gao của trinh sát.

TÊN TỘI PHẠM “TÀNG HÌNH"

Bắt giữ Lê Hoàng Nam (tên thật là Phùng Em Lớn, SN 1955, ngụ ấp Mỹ Phú Tây, xã Hưng Phú, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, trinh sát Lê Minh Vương, Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bạc Liêu không giấu được phấn khởi. Thế nhưng việc truy bắt tên tội phạm này không hề đơn giản.

Tháng 12-2010, mọi người chuẩn bị đón tết, đại tá Bùi Thanh Hòa, Trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Bạc Liêu gọi Vương đến làm việc. Vừa đưa xấp hồ sơ, vỏn vẹn vài dòng: năm 1983, Lê Hoàng Nam giả danh thiếu tá quân đội nhũng nhiễu nhà hàng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. TAND tỉnh Sóc Trăng tuyên phạt Nam ba năm tù giam. Thụ án được 30 tháng thì Nam bỏ trốn.

Đọc đi đọc lại hồ sơ không có ảnh của đối tượng, bất ngờ Vương phát hiện những điều không bình thường vì nhân thân của Nam trong hồ sơ truy nã. Nam mang họ Lê nhưng theo hồ sơ, cha Nam có tên là Phùng Hiếu Kỳ, mẹ là Nguyễn Thị Lăng. Vương nhận định, trước khi phạm tội, Nam đã thay tên đổi họ nên trình báo với lãnh đạo phòng. Đại tá Bùi Thanh Hòa phân công Vương xác minh đối tượng. Vương nhớ lại: “Hai lần tôi đến ấp Mỹ Phú Tây, xã Hưng Phú (huyện Phước Long, Bạc Liêu) tìm manh mối Lê Hoàng Nam nhưng không có kết quả. Chính quyền địa phương lắc đầu, hồ sơ nhân khẩu địa phương không có ai có cái tên như vậy. Ngay tên ông Phùng Hiếu Kỳ cùng vợ là Nguyễn Thị Lăng, địa phương cũng không biết”.

Trong lúc bế tắc, Vương được tập thể Phòng chỉ đạo phải tìm gặp những cán bộ địa phương thời gian trên sẽ rõ. Một lần nữa, Vương không ngại khó khăn đến ấp Mỹ Phú Tây tìm gặp ông Nguyễn Văn Vàng, nguyên Trưởng ban nhân dân ấp những năm 1980. Khi nghe Vương hỏi tên ông Phùng Hiếu Kỳ, ông Vàng vỗ vỗ trán: “Gia đình đó là gia đình chính sách. Hình như ông Kỳ có đứa con trai quậy lắm. Tôi nhớ không lầm, đứa con tên là Phùng Em Lớn thì phải. Vợ chồng ổng chết lâu rồi”.

Vương mừng như bắt được vàng nhưng lại thất vọng bởi chính quyền địa phương xác nhận, hiện nay xã không có ai mang tên Phùng Em Lớn. Vương nhanh trí thay đổi kế hoạch hỏi người dân trong xóm mộ phần của ông Kỳ, bà Lăng. Kẻ phạm tội phải tảo mộ ông bà, cha mẹ khi giáp tết. Sau bao ngày mật phục, Vương được kết quả như mong muốn. Gần tết có người đàn ông sống trong căn nhà tình nghĩa thường tảo mộ ông Kỳ, bà Lăng. Ông ta tên Năm Lớn. Mỗi lần chính quyền địa phương kêu đăng ký hộ khẩu, Năm Lớn lấy lý do chuẩn bị dời nhà qua xã khác nên không đăng ký. Công an xã thông cảm bởi Năm Lớn là thương binh sống trong căn nhà tình nghĩa nên bỏ qua.

Lệnh bắt Năm Lớn được triển khai. Ngày 6-1-2011, Vương cùng đội trinh sát đến nhà Năm Lớn. Khi nghe trinh sát đọc lệnh bắt, Năm Lớn quát: “Mấy anh bắt Lê Hoàng Nam thì tìm Nam mà bắt. Tôi tên Năm Lớn, thương binh. Mấy anh lạng quạng bắt bớ sai, tôi sẽ kiện”. Thực hiện lệnh bắt xong, Vương từ tốn kể lại quá trình phạm tội của Năm Lớn đến thủ thuật qua mắt cơ quan chức năng. Đến nước này, Năm Lớn đành tra tay vào còng: “Hồi đó, tôi còn ba tháng nữa là ra tù rồi. Mấy chục năm nay tôi lo sợ nhưng kết cục cũng đã đến”.

Quá trình 25 năm lẩn trốn, Năm Lớn khai nhận, khi lấy tên Lê Hoàng Nam trong lúc phạm tội, y cứ nghĩ rằng trốn ra khỏi tù sẽ không ai tìm gặp. Năm 1986, y trở về địa phương lấy tên Phùng Em Lớn. Để tránh sự phát hiện của lực lượng công an, Em Lớn làm sổ hộ khẩu, đăng ký hưởng chính sách thương binh tại ấp Mỹ Phú Nam, xã Vĩnh Bình (huyện Hòa Bình, Bạc Liêu). Y không ngờ rằng kế hoạch của mình cũng bị trinh sát lật tẩy.

Theo ĐÀO VĂN (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm