Trò hề quái dị của “giáo chủ Bảy Te”: Thống lĩnh “tam giáo” bằng thơ con cóc

Tại trần gian, “đấng bề trên” xưng là “giáo chủ” của “tam giáo” với các tên gọi “Phật Vương Di Lạc”, “Đức Chí Tôn Thượng đế”, “Đức Chúa trời”... “Giáo lý” do chính Te “sáng tác” dưới dạng kinh thơ, sấm trạng tuyên truyền mê tín dị đoan, hết sức nhảm nhí, dung tục, xằng bậy được Te mang đi tán phát khắp nơi để lôi kéo những người nhẹ dạ cả tin theo nhóm tạp giáo tà đạo của y. Thứ nọc độc, loại rác rưởi văn hóa như vậy nhưng lại được một số nhà xuất bản cấp phép cho in hàng loạt tập thơ với những lời giới thiệu tâng bốc, đưa Te lên hàng “sao” thi sĩ! Điều này không chỉ tạo vỏ bọc vững chắc mà còn giúp Te củng cố ngôi “giáo chủ”, lừa gạt khắp nơi...

Trò hề quái dị của “giáo chủ Bảy Te”: Thống lĩnh “tam giáo” bằng thơ con cóc ảnh 1

“Giáo chủ” và hai nữ đệ tử áo “hồng”

Kỳ 1: CHÂN DUNG “GIÁO CHỦ” TÀ ĐẠO

Nguyễn Văn Te có nhiều tên khác như Nguyễn Văn Thận, Nguyễn Hoàng Minh, Bảy Te, Út Te, “Thầy” Te (SN 1956, ngụ khu phố 3, P.An Phú Đông, Q12, TPHCM). Khi khoác lên mình chiếc áo “thi sĩ”, Bảy Te lấy tên là Hải Hồ, Nguyễn Hồng. Trong sơ yếu lý lịch, Bảy Te khai lập gia đình năm 1976, có ba con gồm một gái (đang sống ở Mỹ) và hai trai (một đang sống tại Đức).

Trước năm 1996, Te thường hay tập họp đông người về nhà mình đàn ca múa hát, nghe Te giảng “đạo”. Ngày 1-2 năm Bính Tý (ngày 19-3-1996), Te nhảy dựng rồi tuyên bố mình là “Thông thiên giáo chủ” của “Long Hoa đại hội” hay “Đông tiên ngọa long” của “Đại khai minh giáo”; là “Hồng Mông Lão Tổ” hạ phạm trần, dùng “kinh thơ, sấm trạng” cứu tử hoàn sinh! Để chứng tỏ là “đấng bề trên”, bụng chứa đầy kinh luân, miệng “phun châu nhả ngọc”, Te tuyên bố sẽ cho ra đời bộ “Thông thiên thơ pháp” hay “Thiên trường ca bất tử” để “phổ độ chúng sanh” và các đệ tử thân tín!

Te cho rằng mình là hiện thân của “Tam thái tử” được trời ban cho ngọc tỷ, triệu tập “Hội yến bàn đào”, thống nhất các cõi, các cung, các tầng, các miền lập ra “Long Hoa đại hội”; hợp tất cả các “pháp” từ khai thiên lập địa đến hiện đàng, cộng Nho, Khổng, Minh lại thống nhất thành “tam giáo đồng nguyên”! Về “đạo pháp”, Te viết: “Vì tất cả các pháp ở thế gian bị chiếu “bí” hết nên không làm sao mà giải được, càng làm càng sai, càng đi càng mê, làm  cho tội càng chồng chất. Cho nên “Cậu Bảy” ta “thế thiên hành đạo” xuống trần để dẫn dắt muôn loài chúng sanh. Hãy mau vào “Long Hoa đại hội” để kiếm chỗ trên chuyến xe chiều về cõi thần tiên!”.

Te khoác lác không ngượng miệng khi cho rằng mỗi tiếng nói của Te là “chuỗi lưu ly”, còn mỗi chữ ký của y là đóa hoa sen!

Giỏi “khua môi múa mép, “Thông thiên giáo chủ” Te đã lôi kéo được khá nhiều người theo. Do Te là “Hồng Mông Lão Tổ” nên tất cả đệ tử đều được Te đặt tên mới lấy họ “Hồng” như Hồng Lý Kỳ Hương, Hồng Lý Kỳ Huệ, Hồng Lý Thái Lan... Ngoài “ân sủng” được  thay họ đổi tên, các đệ tử thân tín còn được “thầy” tặng “Xá lợi” để được hỗ trợ “thiêng liêng” hay uống ly “cam lồ” (thực chất là nước lã) để giải bách bệnh! Trong khi “thầy” bị chứng dạ dày và viêm xoang đi bác sĩ dây dưa không khỏi! Theo lời “thầy” dạy, các đệ tử đêm nào cũng phải đọc “Thông thiên thơ pháp” của “thầy” để đem phước đức về cho gia đình, người thân, dòng họ (?!)...

Tất cả các đệ tử dù lớn hay nhỏ tuổi khi gặp “giáo chủ” phải cúi đầu, khúm núm gọi bằng “thầy” ngọt xớt! Khi nghe “Te” giảng “đạo”, nhiều đệ tử còn chắp tay quỳ lạy một cách cung kính như người cõi trên! Một đệ tử là nạn nhân kể, Te từng chọn các nữ đệ tử mặc đồng phục (màu trắng hay hồng) để phục vụ xoa bóp, đấm lưng, ca hát nhảy múa kể cả “nỉ non tâm sự” giống như những cung tần mỹ nữ phục vụ cho vua chúa ngày xưa!

Không chỉ ở TPHCM, Te mở rộng địa bàn ra các tỉnh miền Đông (nhất là Đồng Nai) và Tây Nam bộ (nhất là Long An). Các đệ tử theo Te đa số là nông dân có trình độ văn hóa thấp, nhận thức hạn chế, nhẹ dạ cả tin, nặng đầu óc mê tín dị đoan, đặc biệt là người dân ở vùng sâu xa. Một số trường hợp là người có học hay “đại gia” cũng bị Te mê hoặc.

Tại Long An, chỉ riêng ở huyện Thủ Thừa, Te đã có hàng chục “đệ tử”. Theo kết luận của Công an huyện Thủ Thừa, từ năm 1998, Te thông qua Trần Văn Cường Bảy (ngụ thị xã Tân An, Long An) bắt đầu thu nạp một số “đệ tử” cốt cán.  Các đệ tử này không chỉ trung thành mà còn giúp Te phát triển “đạo” bằng cách vận động, lôi kéo thêm người, tụ tập thành nhóm (từ 2 đến 8 người/nhóm), lặn lội đến tận nhà Te để nghe rao giảng và mua kinh thơ với giá từ 5.000 đến 25.000 đồng/quyển, mua băng cassete, mang về sao chép rồi phát cho nhiều người khác.

Trong số các đệ tử thân tín nhất của Te có cụ Phan Văn Thành (SN 1925, ngụ ấp Bình Lương II, xã Bình Thạnh, Thủ Thừa), nhập “đạo” năm 1998, được Te đặt tên “Hồng Đinh Thiên Đạo”, đã  lôi kéo được ba người cùng tham gia và phát kinh thơ, tài liệu cho bảy người. Cùng ấp với cụ Thành còn có Phùng Văn Thân (SN 1960) theo Te năm 1998 với tên “Hồng Nhu Thiên Đạo” lôi kéo hai người và phát tán tài liệu cho bốn người. Thân là đệ tử đóng vai trò tích cực, nhiều lần tập hợp những người nhẹ dạ cả tin đến nhà kể cả điểm bán dưa của Thân để nghe “thuyết pháp”. Còn Lê Phát Thanh (SN 1956, ngụ ấp 2, Mỹ Thạnh, Thủ Thừa, theo Te năm 1998 với tên “Hồng Tín Thiên Đạo”) thì lợi dụng công việc hốt thuốc nam để rỉ tai, tuyên truyền, vận động, phát kinh thơ, tài liệu cho nhiều người, câu móc họ theo “đạo” rồi kéo đến nhà Te học “giáo lý”.

Về nữ nổi lên đệ tử Lê Thị Tường (SN 1946, ngụ ấp An Hòa 1, xã Bình An, Thủ Thừa), theo Te  năm 1999 với tên “Hồng Lý Thiên Đạo”, là đối tượng cuồng tín, thường xuyên tụ tập nhiều người đến tư gia hay đưa đến nhà của Te để nghe rao giảng “đạo pháp”. Song hành với Lê Thị Tường có Phan Thị Ngọc Giàu (SN 1969, ngụ ấp Rạch Đào, thị trấn Thủ Thừa), một đệ tử trẻ, cốt cán của Te ở Thủ Thừa. Tự  nguyện theo Te từ năm 1998, được Te đặt cho cái tên hết sức ấn tượng là “Hồng Mẫu Thiên Đạo”. Giàu lôi kéo được nhiều người nhập “đạo”, là đầu mối liên lạc tổ chức cho các đệ tử đến nhà Te. Bên cạnh đó, Te còn có hai đệ tử thân tín khác là Nguyễn Hoàng Thành (SN 1948, ngụ thị trấn Thủ Thừa) và Trương Ngọc Cam (SN 1950, ngụ ấp 11, thị trấn Thủ Thừa). Cả hai nhập “đạo” năm 1998 với tên “Hồng Đức Thiên Đạo” và “Hồng Kiệt Thiên Đạo”.

Trong số các đệ tử của Te, đáng chú ý có trường hợp Lê Văn Tư (SN 1937, ngụ ấp 7, Nhị Thành, Thủ Thừa). Là cán bộ hưu trí, lẽ ra phải gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, và Nhà nước thì ông Tư cùng con gái gia nhập “đạo” của Te từ năm 1998 với tên “Hồng Tâm Kỳ Ngộ”. Biết ông Tư có uy tín nên Te lợi dụng để tổ chức tuyên truyền tạp giáo cho nhiều người tại nhà. Điều này chẳng những làm tăng thêm niềm tin cho các đệ tử mà uy tín, vị thế của Te càng được củng cố tại địa bàn huyện Thủ Thừa cũng như toàn tỉnh Long An.

Công an huyện Thủ Thừa đã thu giữ của Te và các đệ tử 167 quyển kinh thơ, 667 tờ tài liệu, 50 cuốn băng cassete, 14 “ngọc xá lợi” cùng nhiều tranh ảnh. Thừa nhận hành vi sai trái do bị Te lừa bịp, các đệ tử cam kết rút khỏi tà đạo của Te.

Công an huyện Thủ Thừa kết luận: Nguyễn Văn Te tự xưng là “giáo chủ” của tam giáo dựng lên tổ chức tà giáo. Te đã truyền bá lối sống mê tín dị đoan trên phạm vi rộng, làm ảnh hưởng xấu đến đời sống tinh thần, tự do tín ngưỡng của một bộ phận quần chúng nhân dân, làm mất ANTT ở địa phương. Nguy hiểm hơn, “giáo lý” của Te còn đả kích các tôn giáo khác, gây mất đoàn kết trong nhân dân. Te còn vi phạm về tàng trữ phát hành xuất bản phẩm...

(Còn tiếp)

  
Theo Hoàng Cương Chính (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm