Trò hề quái dị của “giáo chủ Bảy Te”: Thống lĩnh “tam giáo” bằng thơ con cóc (Kỳ cuối)

Vươn “vòi bạch tuộc” tận các nhà xuất bản

Thật không thể tưởng tượng nổi, có đến năm nhà xuất bản từ Nam chí Bắc cùng ca tụng tán dương “đại thi sĩ Nguyễn Hồng” tức “giáo chủ Bảy Te”. Một nhà văn ở Hà Nội còn so sánh “sức viết” của Te vượt xa những thi hào tầm cỡ của Việt Nam và thế giới như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du.  

Đầu tiên là nhà xuất bản (NXB) Đồng Nai cho ấn hành tập thơ “Nghĩa đời” của Hải Hồ tháng 10-1999. Về tên Hải Hồ, một “tín đồ” cho biết, Te đã mạo danh nhà cách mạng lão thành ở tỉnh Đồng Nai để qua mặt cơ quan chức năng. Theo NXB Đồng Nai thì “Nghĩa đời” chứa chan tình yêu đất nước, tác giả đối với “Nghĩa đời” còn tha thiết hơn với bản thân mình (?!). Tình yêu quê hương đất nước của “Bảy Te” được thể hiện bằng những câu thơ con cóc thế này đây: “Vì con vì cháu Lạc Hồng/ Vì đồng khô cạn cua đồng ngổn ngang/ Cả trên cá mặt tôm càng/ Tràn đồng thế sự phủ phàng thê lương/ Lịch lươn rắn rết nói thương...” (trang 38). Hay “Đồng nhường mới biết đồng thương/ Đồng cương để khỏi ly hương khổ sầu” (trang 14).

Trò hề quái dị của “giáo chủ Bảy Te”: Thống lĩnh “tam giáo” bằng thơ con cóc (Kỳ cuối) ảnh 1

Đông đảo đệ tử nghe “giáo chủ” giảng “đạo”

Bước nhảy đầu tiên quá thuận lợi nên Te lại chọn ra một số bài trong quyển “giáo lý kinh thơ” để cho in tập thơ thứ hai với tựa đề “Cho ngày mai” được NXB Thanh Niên ấn hành tháng 5-2000.

Lướt qua một vài bài, chúng tôi giật mình bởi có quá nhiều điều xằng bậy kể cả xúc phạm đến dân tộc. Te viết: “Vua Hùng là tổ nước ta/ Sinh ra vạn vật chia ra năm miền” (trang 28). Te đặt tên đất nước thời mở cửa: “Thời vàng son Nam bang mở cửa/ Cần bàn tay anh dũng góp công/ Dẹp ngay con khỉ mắc phong...” (trang 44).  Như một kẻ tâm thần, bệnh hoạn, Te sánh mình với Phật Như Lai: “Một bậc thiên tái thiên tài/ Vậy mà con cháu không xài buồn thay/ Một nhà soạn nhạc Như Lai/ Vậy mà con cháu không xài nên đau...” (trang 32).

Sự dung tục, xằng bậy của Bảy Te lên đến đỉnh điểm khi cho ra đời tập “Tất cả vì quê hương” do NXB Lao Động ấn hành tháng 3-2004, với 87 bài, dài 219 trang. Theo lời giới thiệu của NXB, kể từ khi “phát tâm” (làm từ thiện) vào đầu năm 1996, ông Te đồng thời cũng bắt đầu “phát thi” với bút hiệu Nguyễn Hồng. Nghe nói ông đã viết hàng mấy trăm nghìn câu thơ thuộc các thể loại khác nhau (?!). NXB tâng bốc Te tận mây xanh: “Thơ Nguyễn Hồng đã kỳ vọng làm cái sứ mệnh mà người thơ - người năng làm từ thiện đặt trên đôi cánh thi ca của nó. Những trích đoạn của bản trường ca chỉ nhằm mục đích để minh họa cho tấm lòng “tất cả vì quê hương” của một người luôn coi trọng Nhân, Nghĩa, Lễ, Tín; cũng có nghĩa là để hoàn chỉnh bức chân dung của một người làm từ thiện” (?!). Sự thật hoàn toàn đối lập với những gì NXB ca ngợi.

Trò hề quái dị của “giáo chủ Bảy Te”: Thống lĩnh “tam giáo” bằng thơ con cóc (Kỳ cuối) ảnh 2
Sách do 5 NXB in ấn cho “giáo chủ Bảy Te” 

Nói về cội nguồn dân tộc, Te viết: “Hồng Bang là cội Hồng Bàng/ Sinh ra  Bàng Cổ, Hồng  Bàng Lạc Long”. Bàn về “đạo làm người”, Te viết: “Làm người khó lắm ai ơi/ Làm ma dễ lắm, người ơi người à/Làm người khó lắm người à/Làm ma dễ lắm người à người ơi” (trang 78). Về bổn phận của thanh niên: “Nữ nam có một cái còi/ Đó là bổn phận giống nòi  đã giao” (trang 101). Nói về trí thức: “Cưỡi trâu còn biết đường đi/ Vậy thì trí  thức làm gì góp công/ Trí thức đừng để mọc nanh...” (trang 180).

Đâu chỉ thô tục nhảm nhí, nhiều bài thơ có nội dung tuyên truyền tà đạo, Te tự cho mình là người nắm “thiên cân” trong tay: “Chỉ vì ta nắm thiên cân/ Cho nên ta phải ân cần thiết tha (trang 188). Hay: “Vì thương địa thánh mà khai/ Cho nên viết sử Bồng Lai nơi trần” (trang 172).

Hàng loạt những câu thơ sáo rỗng, vô nghĩa: “Sanh hóa sanh hóa khắp bầu / Khắp bầu, bầu khắp, khắp bầu bốn phương” (trang 46). Hay “Làm cho một cội đen sì/ Làm cho một cội, đen sì đen thui” (trang 57). Nguy hiểm hơn, một số bài thơ có nội dung làm cho người đọc hiểu sai lệch cội nguồn dân tộc, trong đó có cả những bài  mang tính xuyên tạc, phản động như Hà Nội thiêng liêng, Hỡi người vì nhân, Văn  hoa  long, Xưa xửa xưa...

Sau khi bị Báo CATP vạch mặt qua bài điều tra “Giáo chủ Bảy Te lại xuất thơ bá láp” đăng tháng 8-2004, Te không dám khoác lác như trước. Nhưng chỉ một thời gian thì Te tiếp tục  “đánh bóng” mình bằng quyển “Tất cả vì quê hương, cội Hồng Bàng quyển 1” dày  đến 544 trang, in 500 quyển trên giấy trắng, bìa cứng rất  bắt mắt. Mở đầu sách là lời giới thiệu của NXB: “Tập thơ là kết quả làm việc mười năm của Nguyễn Hồng; tác giả đã bộc lộ tình cảm về quê hương, đất nước. Những vần thơ mang nhiều cung bậc tình cảm giàu lòng nhân ái”. 

Sự thật, đây là quyển sách lộ rõ nhất mộng làm “giáo chủ” thống lĩnh “tam giáo” của “Hồng Mông Lão Tổ” Bảy Te. Mở đầu “trường ca”, Te viết: “Sấm nổ đất nước Việt nha/Như Lai hiện hiện hữu nghe nha hồng trần/ Sấm nổ lập hội Tân Dân/ Sấm nổ Thánh Chúa, hồng ân muôn loài” (trang 7). Tiếp đến, Te viết: “Chiến lược Long Hoa/ Hòa ca tam giáo” (trang 115) hay “Hồng Mông quy cội tam đồng/ Họ Hồng thống nhất trần hồng người ơi” (trang 118). Nói về nước Việt, Te phán: “Tân Dân Việt nước người ơi/ Từ từ sẽ thấy khắp nơi thành bùn” (trang 430). Hay “Đất ngày nay còn nghe mùi thúi/ Đủ biết trần dạ thúi làm sao/ Gây đến việc thúi vào lòng đất” (trang 526). Kết thúc sách, Te viết: “Càn khôn đã mở phiên tòa/ Đất trời thay đổi chờ mà coi sao” (trang 543). Dư luận rất bức xúc, đang chờ có một phiên tòa dành cho Te!

Cuối năm 2008, Te lại cho ra đời quyển “Đức Phật khai ngộ” dày  294 trang, in 1.000 cuốn trên giấy trắng, bìa cứng rất  đẹp. Sách do NXB Tôn Giáo ấn hành. Mở đầu sách là lời giới thiệu của chuyên viên cao cấp, nhà nghiên cứu Lê Duy Chữ: “Hình như trời đất đã ban tặng cho ông một tiềm năng mà riêng tôi rất khâm phục. Tôi mong muốn cuốn sách này sẽ tới tay mọi tầng lớp nhân dân để cùng học hỏi”. Sự thật, người dân sẽ học gì từ quyển sách của “giáo chủ Bảy Te”?

Te tự ví mình: “Ta đây nhân cách Lạc Hồng/ Mãi mãi nhân cách Lạc Hồng tình yêu” (trang 85). Và “Mong đời sớm hiểu rõ ràng/ Để ta được khảy cây đàn Như Lai” (trang 277). Nói về con người, Te so sánh: “Con người nay quá hỡi ôi/ Rõ ràng thua vật, rồi người gặp ta” (trang 6). Hay: “Bớ những hạng người lôi thôi/Đừng ngu quá trớn, nghe lời người ngu” (trang 272). Nói về chúng sanh, Te chửi: “Cù là chẳng biết đó nha/ Mới ngu tận mạng, đó là chúng sanh” (trang 111). Te phê phán xã hội: “Ôi thôi đủ loại vô thần/ Gây nên bức xúc nhân dân quá trời/ Tham nhũng khó nói nên lời/ Dân sao mà nói nên lời được đây” (trang 219)...

Mới nhất là quyển “Con đường tu Phật”, dày 336 trang cũng do NXB Tôn Giáo ấn hành 2.000 cuốn vào tháng 9-2011. Mở đầu, NXB giới thiệu: “Thiên tình ca với 44 quyển của nhà thơ Nguyễn Hồng tất nhiên nói lên các bí mật của nguồn gốc khởi sinh đầu tiên... Hiện nay do sự hiểu biết hạn hẹp về văn hoá cội nguồn của mình cho nên tác giả muốn góp phần khai sáng văn hóa của dân tộc” (?!).

Trên thực tế, “Con đường tu Phật” cũng giống như nhiều cuốn sách của Te được xuất bản trước đó. Nói về quê hương đất nước, Te viết: “Mong đất nước quê nhà đồng chí/ Vì đồng bào đồng chí chung lo/ Chung lo cái bụng phải to...” (trang 54).

Te “ca” về “Long Hoa” do y làm “giáo chủ”: “Thấy thiên hạ xa gần tăm tối/ Nên Long Hoa mở lối nhiệm mầu” (trang 59). Te viết tiếp: “Chuyện khai mở thiên môn ai thấu/ Chuyện Long Hoa ai nhậu mới tài” (trang 60). Bàn về Phật pháp thì Te chê: “Phật pháp nay xao lao nhiều ngã/ Phật pháp nay toàn ngó đâu đâu” (trang 61).

Dễ nhận thấy, việc cho ấn hành những tác phẩm có nội dung bôi bác, nặng mùi mê tín đã đi ngược lại với chủ trương chấn chỉnh đối với xuất bản phẩm. Với việc cho in ấn sáu cuốn sách, các NXB không chỉ giúp Bảy Te tăng uy tín, củng cố ngôi “giáo chủ” mà còn hỗ trợ tích cực cho Te “thuyết pháp”, phát tán tán tài liệu, lôi kéo nhiều người theo tà giáo của y hơn... Sau 15 năm, tà giáo của Te ngày càng tủa “vòi bạch tuộc” khắp nơi gieo rắc nhiều hậu quả khó lường...

Theo Hoàng Chính Cương (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm