Trồng rừng làm lại cuộc đời

Biết chị đã lâu, từ khi chị mới bỏ cái nghề xã hội ruồng bỏ để về trồng rừng nhưng phải đến năm năm sau, tôi mới có cơ duyên gặp lại chị. Chị là Nguyễn Thị Uyên Thùy, người thôn Lại Bằng, xã Hương Vân, huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế.

Cái bào thai không được thừa nhận

Dù đã ngoài 40 tuổi nhưng ở chị vẫn có nét gì đó dễ khiến đàn ông chú ý. Chị không phải mẫu người trắng trẻo, hiền dịu mà có cá tính mạnh, thậm chí ngang tàng. Hỏi về chị thì người ở quê ai cũng biết nhưng bảo nhận xét về chị thì ai cũng lắc đầu bởi họ ngán cái tính nói nhiều, thẳng thắn nơi chị.

Chị nói chị nghiện thuốc. Vì vậy, xuyên suốt những câu chuyện, chị cứ liên tục đốt thuốc. Đàn ông hút thuốc đã thấy trầm tư. Vậy mà nhìn chị hút thuốc lại càng thấy “tâm trạng” hơn. Câu chuyện ngã rẽ cuộc đời chị cũng bắt đầu từ sự non nớt của một cô gái mới lớn.

Chị kể, chị mồ côi cha từ nhỏ. Năm 19 tuổi, chị là cô gái mê thơ, mê đàn hát. Làng có cuộc thi ca hát nào chị đều tham gia. Máu văn nghệ của chị đã khiến nhiều chàng trai trong làng để ý, trong đó có một anh từng là sinh viên trường sư phạm. Họ bén duyên nhau… rồi chị có thai. Cái thai ngày một lớn nhưng không được người đàn ông đó thừa nhận...

Không việc làm, nhà lại chỉ có người mẹ già, chị đã nghĩ đến việc phải bỏ đứa con trong bụng nhưng mẹ chị lại bảo: “Thôi, con cứ sinh rồi mạ nuôi. Sinh xong, con vào Sài Gòn làm thợ may rồi gửi tiền về nuôi con…”. Từ câu nói ấy, chị quyết định giữ đứa bé. Ngày vượt cạn của chị cũng chỉ có người mẹ tần tảo ở bên.

Trồng rừng làm lại cuộc đời ảnh 1

Chị Nguyễn Thị Uyên Thùy đang cùng con gái út chuẩn bị bữa ăn cho gia đình. Ảnh: ĐÌNH DŨNG

Cuộc sống càng trở nên khó khăn trong cái gia đình nhỏ thiếu người trụ cột. Một cơn bạo bệnh khiến mẹ chị không qua khỏi. Mẹ ra đi, chị cũng gánh thêm một món nợ sau những ngày chạy vạy thuốc thang cho mẹ.

Túng quẫn, với số tiền duy nhất còn sót lại là 5.000 đồng, chị quyết định đưa con lên TP Huế kiếm việc làm với ước mong đổi đời. “TP khác thôn quê chúng tôi, nó có những cám dỗ mà tôi không thoát ra được. Tôi đã chọn cái nghề mà người đời khinh rẻ: làm gái bia ôm” - chị Thùy nói.

Những trận đòn vì từ chối ngủ với khách

Từ đó ngày ngày, khi con đã được đem gửi ở nhà trẻ, chị lại uống bia, hát và để khách ôm ấp. Càng uống nhiều thì tiền khách cho lại càng nhiều. Vì vậy, chị cứ uống, khách cứ cho và chị cũng cứ say… Có lúc chị tưởng cuộc đời mình sẽ kéo dài như thế cho đến chết.

“Là gái bia ôm chẳng phải thơm tho gì nhưng tôi không cho phép mình ngủ với khách. Có lẽ sẽ có người bảo tôi giả tạo. Lý do duy nhất khiến tôi muốn làm như vậy là vì tôi còn con. Nếu ngủ với khách bị công an bắt thì tôi còn mặt mũi nào nhìn con mình, rồi con tôi biết nương tựa vào đâu…” - chị Thùy giải thích.

Không chịu ngủ với khách thì sẽ bị đánh. Chị bị đánh thật. Bảo kê của nhà hàng không để chị yên. Trong lúc hai bên lời qua tiếng lại, chị đã dùng sức đập chai bia xuống bàn, kiên quyết có chết cũng không ngủ với khách. Nghe to tiếng, một anh bảo kê khác chạy đến và thấy một cảnh tượng quá lạ: Một cô gái bia ôm lại chống cự không chịu ngủ với khách. Từ đó, anh bắt đầu quan tâm tới cô gái ấy. Chị cũng cảm nhận được sự quan tâm của anh. Mãi sau này chị mới biết anh là Nguyễn Đình T. - cầu thủ của đội bóng Bình Trị Thiên bị chấn thương nên phải nghỉ việc và theo nghề “bảo kê”.

Ngày anh quyết định đưa chị về ra mắt gia đình, mẹ anh đã ngất lên ngất xuống khi nghe tin con trai muốn lấy một cô gái bán bia ôm. Chị nhớ lại: “Lúc đó tôi nghĩ anh sẽ bỏ cuộc. Thực sự nếu anh làm như vậy, tôi cũng không thể trách anh. Người như anh sao có thể đi cùng đường với một người bị xã hội khinh rẻ”.

Còn anh T., vốn hiền hậu, chẳng hiểu sao lần này lại quyết liệt. Họ đã khăn gói về vùng quê nghèo của chị để làm đám cưới và sinh sống.

Chống chọi với cái nghèo

Chị tâm sự: “Thời gian đầu, cuộc sống của chúng tôi cơ cực lắm. Anh phải làm đủ thứ nghề để nuôi cả gia đình, từ mót củi đến vá xe đạp, bốc vác... Có những lúc tôi tưởng anh sẽ hối hận mà bỏ đi. Vậy mà anh vẫn thương gia đình, gắng sức làm lụng…”.

Đứa con của chị với người cũ cũng được anh thương yêu, chăm sóc tận tình như con ruột. Rồi họ có với nhau hai mặt con. Nhà thêm miệng ăn trong khi công việc chưa ổn định, thấy mọi thứ khó khăn quá, chị lại bàn với chồng phải đi kiếm việc khác hoặc bỏ xứ đi làm ăn. Khoảng năm 1998, họ khăn gói vào Quảng Nam lấy củi về bán.

“Ngày nào vợ chồng tôi cũng dậy thật sớm vào rừng lấy củi. Một ngày, đang lúc lấy củi, vợ chồng tôi gặp một nhóm người dân tộc, họ hỏi chúng tôi không biết chữ hay sao mà không đọc được cái bảng “Cấm phá rừng” trước mặt. Nghe câu nói đó, tụi tôi dị quá nên khăn gói về quê quyết… trồng rừng vừa để mưu sinh vừa như một cách chuộc lỗi” - chị Thùy kể lại.

Về quê, chị xin làm dự án “Phủ kín đất trống đồi trọc” ở ngay vùng núi Khe Băng quê mình. “Tự dưng tôi mê rừng từ lúc nào không hay. Năm 2006, tôi trồng 4 ha keo. Bốn năm sau, tôi thu hoạch được 33 triệu đồng. Chừ niềm hạnh phúc lớn nhất của gia đình tôi là đứa con ngày xưa người ta ruồng bỏ đã đậu Học viện Âm nhạc Huế. Ngày xưa, tôi mê đàn nhưng chẳng ra chi, chừ đời con trai tôi cũng mê đàn và được học hành đàng hoàng. Rứa là mừng lắm rồi…” - chị Thùy nói.

Quá khứ đã khép lại, chị cũng đã tạm quên nó để làm lại đời mình. Rời mái ấm của họ, lòng tôi chợt chùng xuống vì những tâm sự của chị lúc chia tay: “Ngày tôi về quê làm lại từ đầu, họ khuyến khích người dân trồng rừng để tránh đất trống đồi trọc. Không hiểu sao sau bao nhiêu năm khai hoang, giờ họ lại bảo sẽ lấy lại đất rừng. Từ ngày nghe xã nói có thể lấy lại đất rừng, tôi cứ bần thần…”.

Chị Thùy có khả năng phải giao lại đất rừng cho xã

Hiện xã đang bàn phương án để lấy lại đất rừng nơi chị Nguyễn Thị Uyên Thùy đang trồng. Theo ông Xuân, đất rừng chị Thùy trồng trước đây do Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Sông Bồ quản lý. Hiện toàn bộ đất rừng của rừng đầu nguồn Sông Bồ đã được bàn giao lại cho UBND xã Hương Vân. Trong khi đó, chị Thùy không có giấy chứng nhận mượn đất rừng. Vì vậy, xã đang xem xét sẽ lấy lại bao nhiêu và bàn giao lại cho chị bao nhiêu.

Ông Nguyễn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hương Vân,
huyện Hương Trà, Thừa Thiên-Huế

MAI PHƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm