Trong thế giới người điên

“Những bệnh nhân nặng đang nổi cơn điên. Lát nữa điều dưỡng cho uống thuốc là các bác, chú ấy dứt cơn thôi. Các anh đừng sợ, dứt cơn là họ lành như đất ấy mà” - y tá Phan Đình Huệ nhẹ nhàng trấn an chúng tôi. 

Những người lớn ngây thơ

Trước mắt chúng tôi là dãy nhà cao tầng cũ mèm, phòng chăm sóc bệnh nhân tâm thần nằm ở tầng dưới. Con đường duy nhất vào thế giới của người điên là cánh cửa lớn tại phòng làm việc của đội ngũ y, bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân tại đây. Ở bên kia cánh cửa, có một bệnh nhân “ít điên hơn” tự đảm nhiệm vai trò gác cửa. Anh bị rối loạn thần kinh cảm hứng, khi nào cũng nghĩ mình là người gác cửa. Anh ta luôn hứng khởi làm mọi việc nhưng làm việc nào cũng nửa vời, dở dở ương ương. Anh cứ lon ton chạy theo giúp việc cô y tá, bác sĩ không khác gì một quản gia lanh lợi.

Trong thế giới người điên ảnh 1

Một bệnh nhân điên đang tuyệt thực được y, bác sĩ chăm sóc. Ảnh: LÊ PHI

Tại khoa Cấp tính nam, 55 bệnh nhân đang chơi đùa, nói cười như trẻ con ngoài sân. Nhìn họ có vẻ như chẳng hề có bệnh. Một bệnh nhân cởi trần đang ngồi phơi nắng và “chăn” kiến cả ngày không biết chán. Đến giờ ăn, bác sĩ lại ra dìu anh vào. Bác sĩ Nguyễn Văn Tám, Trưởng điều dưỡng khoa Cấp tính nam, cho biết: “Người cởi trần ấy là bệnh nhân Hùng. Ngày nào anh ta cũng ra sân chăn kiến. Khi chúng tôi đưa vào, anh ấy lại ra coi kiến đến chiều, nhìn ngây ngô như con nít mới lớn mà tội nghiệp”.

Ở dãy nhà cuối hành lang, một số bệnh nhân hì hục thay phiên nhau rửa, lau chùi chỉ có một cái chén như một dây chuyền công nghệ. Cái chén trở nên bóng loáng.

Ở bệnh viện tâm thần này, có bảy bệnh nhân được viện kiểm sát chuyển đến điều trị vì phạm tội trong trạng thái điên. Ví như bệnh nhân Đặng Hưng Phú trong cơn điên đã giết chết cả cha mẹ mình. Sau khi bị bắt, Phú được chuyển đến đây để điều trị đặc biệt. Muốn bệnh nhân của mình mau lành bệnh, những thầy thuốc đúng nghĩa với “lương y như từ mẫu” này lại nhảy vào thế giới của người điên để diễn vở kịch của riêng mình. “Có bệnh nhân cả ngày ngồi búng tai, có người lại đứng gác cổng giả làm chú cảnh sát giao thông, có người lại ngồi vỗ bụng đến chai sạn cả da thịt. Chúng tôi phải nhập vai diễn “kẻ điên” để sống với người bệnh, đưa bệnh nhân về đúng chỗ của mình” - y tá Huệ tâm sự.

Thầy thuốc của người điên

Bà Đào Thị Thúy (70 tuổi, Đại Lộc, Quảng Nam) vừa thất thểu đưa người con trai đầu của mình là anh Huỳnh Thường (41 tuổi) vào nhập viện. “Nếu không có bệnh viện chắc chúng tôi không chăm sóc nổi con mình. Rồi đây khi tôi không còn sống nữa, tôi cũng phải gửi gắm nó lại nơi này thôi” - bà Thúy buồn rầu nói.

Chúng tôi rảo quanh bệnh viện, nhìn các y bác sĩ chăm sóc bệnh nhân. Quả thật, đây là nơi lành nhất dành cho những người điên loạn. Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Tám cố giấu cảm xúc và nỗi vất vả khi làm thầy thuốc của người điên. Nghề y đã là một công việc vất vả, làm thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân tâm thần thì khổ gấp trăm lần.

Trong thế giới người điên ảnh 2

Phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần nặng với sự giúp đỡ của một bệnh nhân ít điên hơn. Ảnh: LÊ PHI.

Ở bệnh viện này, đội ngũ y, bác sĩ phải thay nhau túc trực, chăm sóc bệnh nhân suốt ngày đêm như nuôi từng đứa con mọn khó nuôi. Hơn 185 cán bộ và 26 bác sĩ tại bệnh viện tâm thần nơi đây là những người biết “chịu đòn”. Họ bám nghề chỉ vì tình yêu thương dành cho bệnh nhân của mình. Thỉnh thoảng, có người lại bị bệnh nhân chửi rủa và rượt đánh đến thâm tím mặt mày.

Với dược sĩ Lê Thị Xuân Thảo, những ngày mới vào làm tại bệnh viện là nỗi sợ hãi vì bị rượt đánh. Cô luôn bị ám ảnh bởi những ánh mắt vô hồn. Những hình ảnh ấy theo cô vào cả trong giấc mơ. Sau những lần đánh ấy, dứt cơn, bệnh nhân lại ăn năn, đến xin lỗi cô như một đứa bé biết lỗi đến xin mẹ tha thứ. “Hầu hết y, bác sĩ ở đây đều gắn bó lâu năm để chăm sóc bệnh nhân vì tình thương, dù thường xuyên bị bệnh nhân lên cơn thịnh nộ đánh đấm thương tích đầy người” - bác sĩ Trần Nguyên Ngọc, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng, cho biết.

Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng được xây dựng từ sau giải phóng để khắc phục những mất mát do chiến tranh để lại. “Đó là bệnh viện hàn gắn lại những vết thương lòng dẫn đến điên loạn của người dân, khi chiến tranh cướp đi người thân của họ” - ông Ngô Văn Trấn, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, nhớ lại. 

Hiện tại, Bệnh viện Tâm thần TP Đà Nẵng có năm khoa với 130 bệnh nhân. Có lúc con số này dao động đến 200 bệnh nhân. Ngoài việc điều trị cho các bệnh nhân trên địa bàn, bệnh viện còn là nơi gửi gắm của người nhà các bệnh nhân đến từ Quảng Nam, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Đang trò chuyện với bác sĩ trưởng khoa Cấp tính nam Nguyễn Hữu Việt, tôi giật bắn mình khi một bệnh nhân đến thỏ thẻ vào tai: “Buồn lắm bác sĩ ơi! Bác sĩ vô đây nói chuyện với em chút coi”. Bác sĩ Việt tạm gác cuộc nói chuyện, đứng lên vỗ về chàng bệnh nhân điên loạn vì si tình. Ông bảo anh chàng về phòng nằm nghỉ đi, người yêu sẽ đến nói chuyện sau.

Khi thấy chúng tôi cầm máy ảnh, các bệnh nhân khoa Cấp tính nam với đủ các điệu bộ chạy ù đến tạo dáng trước ống kính. Các bệnh nhân nài nỉ xin chụp bằng được một bức ảnh. Qua khe ngắm, hình ảnh những bệnh nhân điên cũng hiện lên đủ cung bậc. Điệu bộ, nét mặt trông ngây ngô và hiền như đất, họ như những đứa con nít tinh nghịch và quậy phá. Đó là giây phút yên ắng và “người” nhất của những bệnh nhân điên trong ngày.

LÊ PHI

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM tháng 7-2010)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm