Trùng tu và các ‘phiên bản lỗi’

Những ngày này, du khách đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã hết sức ngỡ ngàng khi một số hạng mục trong khu di tích này được quét vôi mới. Đã có nhiều ý kiến khác nhau. Trên thế giới cũng không ít công trình lịch sử khi được trùng tu gây nhiều tranh cãi.

Angkor Wat và công cuộc phục dựng công phu

Đền Angkor Wat, viên ngọc quý của đất nước chùa tháp Campuchia, được xây dựng từ hơn 1.000 năm trước. Việc thiết kế và xây dựng được tiến hành vào nửa đầu thế kỷ 12 dưới thời vua Suryavarman II. Đến năm 1992, khu quần thể này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới và đó cũng là lúc chính phủ Campuchia đẩy mạnh công tác bảo tồn, trùng tu công trình vĩ đại này. Khảo sát cho thấy khoảng 20% các họa tiết tại đền Angkor Wat đang trong tình trạng hư hỏng, chủ yếu do quá trình xói mòn tự nhiên cùng sự xuống cấp của đá và một phần do các nỗ lực phục dựng trước đó gây ra.

Apsara, cơ quan quản lý và bảo vệ đền Angkor Wat, cho biết hiện có 21 tổ chức đến từ 13 nước gồm Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Cộng hòa Czech, Đức, Indonesia, Ý, Úc, Hungary, Nhật Bản, Thụy Sĩ, Mỹ và Hàn Quốc tham gia thực hiện các dự án trùng tu.

Chất liệu làm nên Angkor Wat huyền bí không phải là xi măng, cát và sắt mà là những viên đá sa thạch khổng lồ. Do đó để đảm bảo tính thuần chủng của ngôi đền, các thợ xây cũng chỉ sử dụng loại đá này để tôn tạo di tích. Việc trùng tu được tiến hành theo nguyên tắc thô sơ, không sử dụng công nghệ cao. Một thợ xây cho biết anh chỉ nhặt những viên đá rơi rớt đưa vào vị trí cũ và thay thế những viên đá không còn giá trị sử dụng. Trang du lịch TripAdvisor (Mỹ) mới đây cũng đăng tải một số hình ảnh cho thấy các công nhân tham gia công tác trùng tu chỉ sử dụng bàn chải để chà phần rêu xanh bám quanh các tòa tháp chứ không dùng hóa chất hay công nghệ nào khác.

Khu quần thể Angkor Wat của Campuchia.  Ảnh: PHNOM PENH POST

 

Hiện dự án bảo tồn Apsara Đức (GACP) đang thực hiện công tác bảo vệ các hoa văn và họa tiết điêu khắc đá khỏi hư hại. Các công việc trùng tu khác bao gồm sửa chữa các phần bị sụp đổ của ngôi đền cũng được tiến hành. Một phần phía tây của ngôi đền đã được củng cố thêm bằng giàn giáo từ năm 2002 trong khi một đội bảo tồn đến từ Nhật Bản đã hoàn thiện việc phục dựng khu vực thư viện phía bắc của khoảng đất phía ngoài hồi năm 2005. Quỹ Di tích Thế giới (WMF) vào năm 2008 đã bắt đầu công việc phục dựng hành lang Churning of the Sea of Milk Gallery sau một vài năm nghiên cứu tình trạng.

Tờ Phnom Penh Post dẫn lời ông John Sanday, người đứng đầu dự án huấn luyện bảo tồn Banteay Chhmar của Quỹ Di sản toàn cầu (GHF), nói rằng việc các thợ thủ công Campuchia nắm vững các kiến thức về trùng tu đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo tồn khu quần thể này.

Dù việc trùng tu được thực hiện khá kỹ lưỡng như thế nhưng GHF vẫn cảnh báo khu quần thể Angkor Wat hiện đối mặt trước các mối đe dọa nghiêm trọng do việc phát triển du lịch và kỹ thuật bảo tồn chưa đủ tốt. “Hàng trăm ngàn du khách leo lên các khu vực bị hư hại của ngôi đền mỗi năm. Điều đó khiến công trình xây bằng đá này xuống cấp nhanh chóng”.

“Hứng đá” vì phủ xi măng Vạn Lý Trường Thành

Cuối tháng 9-2016, chính quyền địa phương tại Trung Quốc đã hứng hàng loạt chỉ trích từ người dân khi trùng tu một đoạn Vạn Lý Trường Thành bằng cách phủ xi măng phẳng lì. Đoạn Vạn Lý Trường Thành được tu sửa nằm ở khu vực giáp ranh giữa tỉnh Liêu Ninh và Hà Bắc.

Một lượng lớn xi măng đã được dùng để trát lên bề mặt đoạn tường thành khiến phần công trình có tuổi đời 700 năm này bị phủ một lớp màu trắng phẳng lì. Công tác tu sửa thật ra đã được tiến hành vào năm 2014 nhưng công chúng chỉ chú ý khi các hình ảnh về đoạn tường thành trên xuất hiện trên mạng xã hội Weibo và một số tờ báo của Trung Quốc.

Một đoạn của Vạn Lý Trường Thành bị phủ bằng xi măng khiến người dân Trung Quốc phẫn nộ hồi cuối năm ngoái. Ảnh: AFP

 

Người sử dụng mạng xã hội tại Trung Quốc ngay lập tức đã chỉ trích việc tu sửa. “Vạn Lý Trường Thành đẹp nhất đã bị san phẳng” - một người dùng Weibo đăng. Một người khác mỉa mai: “May là tượng nữ thần Milo không ở Trung Quốc, nếu không ai đó đã cho bà ấy thêm một cánh tay rồi!”.

Ông Đổng Diệu Hội, Chủ tịch Hiệp hội Vạn Lý Trường Thành, nhận định rằng công tác tu sửa đã được tiến hành rất tệ. “Việc trùng tu đã phá hủy hình thái ban đầu của Vạn Lý Trường Thành và làm mất tính lịch sử của công trình”. Ông Đổng cho biết công việc trùng tu thất bại nói trên đã cho thấy sự cấp thiết, đòi hỏi chính phủ Trung Quốc phải chuyên nghiệp hơn, tiếp cận các phương pháp trùng tu hợp lý đối với bất cứ kế hoạch tu sửa nào ở địa điểm được UNESCO công nhận là di sản thế giới.

Phiên bản lỗi của kim tự tháp Ai Cập

Một vụ trùng tu khác gây tranh cãi phải kể đến kim tự tháp Djoser tọa lạc tại TP Memphis, tây bắc của Ai Cập. Công trình cao 62 m này được xây dựng vào thế kỷ 27 trước Công nguyên và lớn hơn kim tự tháp Giza khoảng 100 năm tuổi. Hơn chục năm trở lại đây, công trình bị hư hại nặng nề do tác động từ môi trường, trong đó có tác động của các đợt gió khắc nghiệt trên sa mạc và một trận động đất hồi năm 1992. Do đó, chính quyền Ai Cập đã đẩy mạnh công tác trùng tu kim tự tháp. Tuy nhiên, diện mạo bên ngoài của kim tự tháp hiện nay khác hẳn với hình hài nguyên thủy của nó.

Việc trùng tu bắt đầu vào năm 2002 và đến năm 2006 một công ty có tên El-Shorbagy được Bộ Di tích Ai Cập ủy quyền trùng tu kim tự tháp trên. Tuy nhiên, công ty này không hoàn tất nhiệm vụ trước năm 2008 và đó cũng là lúc nhiều chuyên gia chỉ trích “tác phẩm lỗi” do công ty này tạo ra.

Kim tự tháp Djoser mất hình dạng nguyên thủy sau khi được trùng tu. Ảnh: IB TIMES

Theo nhóm khảo cổ EHTF của Ai Cập, sau một thập niên trùng tu, hình dáng bên ngoài hiện tại của kim tự tháp bỗng nhiên… lạ hoắc! Các hình ảnh được đăng tải cho thấy phần bệ sát mặt đất nhìn láng mượt hơn công trình cũ, như thể được phủ một lớp áo mới. “Kết quả trùng tu rất tệ. Nếu đem so sánh với các hình ảnh của kim tự tháp cách đây 10 năm, kim tự tháp hiện tại rất khác. Màu sắc và kết cấu cũng hoàn toàn khác biệt” - nhóm khảo cổ phân tích.

Các nhà vận động cho rằng công ty được ủy quyền trùng tu kim tự tháp không có kinh nghiệm trong việc trùng tu di tích cổ khiến công trình bị hư hại nặng nề. Đến giữa tháng 9-2014, Bộ Di tích Ai Cập công bố quyết định tái trùng tu công trình này. Quyết định thời điểm đó đã được hoan nghênh nhưng một làn sóng phẫn nộ tiếp tục dấy lên sau khi bộ này tiếp tục… thuê lại công ty trên, theo IB Times.

Hiến chương Venice năm 1964 về bảo tồn di tích và di chỉ Điều 9 nói rõ: “Tiến trình trùng tu là một thao tác có tính chuyên môn cao. Mục đích của trùng tu là bảo tồn và làm lộ ra giá trị thẩm mỹ và lịch sử của di tích và phải dựa trên cơ sở tôn trọng vật liệu gốc và các cứ liệu xác thực. Trùng tu phải dừng lại ngay khi bắt đầu có sự phỏng đoán hoặc nếu xét thấy nhất thiết phải làm thêm một điều gì đó vì lý do thẩm mỹ hoặc kỹ thuật thì bộ phận làm thêm đó phải được phân biệt với bố cục kiến trúc và phải ghi rõ dấu ấn niên đại lúc thực hiện. Bất kỳ trong trường hợp nào, trước và sau khi trùng tu phải có nghiên cứu di tích về mặt khảo cổ và lịch sử”.

Điều 12 của hiến chương nhấn mạnh thêm: “Những bộ phận dùng để thay thế vào những chỗ trống phải hài hòa với tổng thể, đồng thời phải phân biệt được với phần nguyên gốc; có như vậy việc trùng tu mới không làm sai lệch cứ liệu nghệ thuật hoặc lịch sử”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm