Từ bỏ ma túy khi nhìn mẹ quét lá kiếm cơm

Học đến lớp 8, Nguyễn Xuân Quý (xã Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi, TP.HCM) tự ý bỏ học, theo nhóm bạn đi chơi. Cứ đêm đến cả nhóm cùng nhau đi bắt trộm gà, đi trộm đồ mang bán lấy tiền mua thuốc hút. “Lúc đầu tôi chẳng biết đến ma túy là gì, chỉ đi theo chơi cho vui. Sau đó, thấy trong nhóm đứa nào cũng cầm ma túy hút nên cũng thử một lần cho biết rồi nghiện…”. Gần 10 năm, Quý chỉ biết chìm đắm trong ma túy.

Thèm thuốc - trộm đồ - bị đánh

Để có tiền mua thuốc hút, Quý đi trộm đồ của hàng xóm, lén lấy đồ trong nhà đi bán, hết tiền thì bắt mẹ phải đưa tiền. Tiền của mẹ không đáp ứng đủ thì mắng chửi, đập phá đồ rồi bỏ đi. Đêm đến thì vào bệnh viện ngủ vờ ngủ vật. Ban ngày Quý lang thang khắp nơi, ai hở gì là cướp, là giật, rồi bị đánh. “Bị người ta đánh máu chảy khắp người, phải khó nhọc lết từng bước về nhà, tôi đã tự hứa sẽ cai thuốc. Nhưng rồi cơn nghiện lại cuốn tôi. Cái vòng luẩn quẩn thèm thuốc - trộm đồ - bị đánh cứ lặp đi lặp lại hết năm này qua năm khác” - Quý nhớ lại.

Ba mẹ Quý sinh bốn người con. Các anh của Quý đều tu chí làm ăn, lo cho ba mẹ. Chỉ có Quý là út, được cưng chiều nhất và là nỗi thất vọng của vợ chồng bà. “Lúc nó bỏ đi, mấy thằng anh cứ thay nhau đi tìm. Đến chỗ nào ba đứa nó cũng dán số điện thoại và hình em lên để ai thấy gọi cho mình. Thế mà nó về được mấy ngày là bỏ đi”.

Vợ Quý bỏ theo người khác sau khi sinh con được vài tháng, đứa trẻ được để lại cho ông bà nội. Đưa tay chỉ về phía con trai Quý đang chơi với em dưới nền nhà, mẹ Quý nói: “Chỉ tội cho thằng bé, đã mồ côi mẹ, ba lại như thế. Mới ba tuổi, thấy các anh chị có ba, có mẹ nó cứ thắc mắc: “Sao con không có ba, có mẹ hả nội?”, tôi chỉ biết nói dối: “Ba mẹ con đi làm ăn xa rồi””.

Những ngày nghỉ cuối tuần anh Quý thường làm thuê tại các nhà vườn. Ảnh: NGỌC THÂN

Tỉnh người khi nghe con cất tiếng gọi cha

Mẹ Quý làm tạp vụ ở trường học. Công việc của bà là dọn vệ sinh, quét rác, lá khô ở sân trường và các lớp học. Từ công việc đó mà bà nuôi được bốn đứa con trưởng thành.

Một lần, thấy mẹ khom lưng quét rác ở sân trường giữa trưa nắng, người nhễ nhại mồ hôi, Quý bước vào phụ mẹ. “Cầm cây chổi quét lá thay mẹ mình thấy công việc quá đỗi vất vả. Hơn 60 tuổi rồi, hằng ngày mẹ vẫn phải đi quét lá, dọn vệ sinh từng góc phòng học,còn mình đang thanh niên trai tráng mà chỉ biết say trong ma túy. Tôi biết mình đã quá sai rồi” - Quý ăn năn.

Quét lá xong, về đến nhà nhìn đứa con trai đang học lớp 1 thấy mình không xứng làm cha. “Tôi lúc đó chỉ còn da bọc xương nữa thôi, ai nhìn cũng sợ. Đứng soi mình trong gương tôi cứ nghĩ mình là người khác. Người tôi lúc đó cứ như ở trên mây vậy. Cho đến khi con cất tiếng gọi ba, tôi mới nghĩ người trong gương là mình”.

Để cai nghiện, Quý tự nhốt mình trong phòng, chẳng ăn uống gì cả. “Lúc đó, thằng con cứ đến xoa đầu, đấm lưng bảo: “Ba mới đi làm xa về mệt phải không, để con đấm lưng cho”. Không muốn con biết chuyện, tôi lên chùa tự cai. Thằng bé biết được, hằng ngày tự mình đạp xe lên chơi với ba. Nó bảo: “Con sợ ba buồn ba lại đi xa, con nhớ…”. Nghe con nói, tôi hối hận lắm. Có được đứa con ngoan như vậy mà thời gian qua chỉ biết vùi mình trong ma túy”. Sau hơn một năm tự cai nghiện, Quý đã từ bỏ được ma túy.

Hơn sáu năm nay, Quý đi làm bảo vệ cho một shop quần áo, mỗi tháng thu nhập được 7 triệu đồng. Không để thời gian trống lãng phí, những ngày nghỉ cuối tuần anh thường đi làm thuê cho các nhà vườn để kiếm thêm thu nhập. Tháng nào lãnh lương về Quý cũng biếu mẹ tiền tiêu vặt rồi sắm sửa đồ đạc trong nhà. Phần còn lạianh nhờ bà giữ để dành cho con trai đi học. Quý nói: “Tôi đã từng là vết nhơ của xã hội thì không muốn con đi theo con đường lầm lỗi của ba nó nữa. Thằng bé nhất định phải đi học để làm người tốt”.

Chìm đắm trong ma túy gần 10 năm, Quý đã cai dứt hẳn được ma túy đến nay đã sáu năm và chí thú làm ăn, lo cho con và cho gia đình. Trước đó, nhìn người nó tàn tạ lắm, chẳng dám đi đâu vì sợ bị người khác dè bỉu. Thấy vậy tôi nói rằng con cứ qua nhà cô, lúc nào cô cũng mở cửa đón con hết. Nó băn khoăn rằng nó đã trượt dài rồi, làm sao có thể là người tốt được. Tôi khuyên chẳng ai là không làm được người tốt hết, chỉ cần con ra đường thấy một hòn đá nằm giữa đường con cúi xuống nhặt cất vào một chỗ cũng là làm việc tốt rồi. Giờ thì hãy đi làm việc tốt đi. Bây giờ, mỗi lần nhìn nó, tôi vui lắm.

Cô giáo TRẦN THỊ HẰNG, hàng xóm của Quý

Cho đến nay, Quý là người hoàn lương thật sự và đã biết cố gắng cho tương lai của bản thân và gia đình. Không chỉ từ bỏ được ma túy, thời gian qua Quý còn nhiệt tình hỗ trợ cho địa phương vận động những người nghiện đi cai để làm lại cuộc đời.

Anh PHAN VĂN HOÀNG, Phó Trưởng Công an
Trung Lập Hạ, huyện Củ Chi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm