Từng viên đá nhỏ lát nên con đường

Những người lát đường

Diễm lấy tay áo quệt mồ hôi, xếp gọn cặp lồng cơm vào bọc xốp, lại cười: “Sáu, bảy năm nay, hồi nào tới giờ chỉ đi phụ hồ. Làm chỗ khác cũng lát đá, nhưng đá lát ở đây đẹp ghê, cắt miếng gọn gàng vuông vức. Tới đây cũng phụ hồ, bưng đá, chà ron. Làm luôn tay, đâu rảnh mà nhớ tính hôm nay mình bưng, xếp, chuyển được bao nhiêu viên đá. Công xá nơi khác 180.000 đồng/ngày, ở đây cao hơn chút - 200.000 đồng - lĩnh theo tuần”. “Sắp tết rồi, Diễm mong nhất điều gì?”. “Chừng vài tuần nữa xong việc ở đây. Chưa rõ sẽ làm đâu, còn phụ thuộc nhà thầu. Mong nhất là có việc đều đều, chớ thất nghiệp một tuần là lo trắng con mắt. Đã từng mất việc, nên hiểu lắm”. “Vợ chồng đưa con lên trung tâm Sài Gòn chơi nhiều chưa?”. “Ở Sài Gòn bao năm, ra làm đây mới biết có khu này đẹp vậy. Mỗi ngày đi làm về tối mắt lo cho con, hai gái, đứa học lớp 2, đứa 5 tuổi, con trai 14 tháng gửi nhà mẹ ruột ở bến xe Miền Đông, có biết đi chơi là gì? Điện thoại cà tèng, đâu có nối mạng mà biết nơi này rồi sẽ đẹp thế nào. Mai mốt con đường đẹp rồi, chắc cố đưa con lên chơi, chỉ cho nó coi mấy khúc đường cha mẹ nó từng góp tay làm. Nhưng trước mắt lo có tiền tiêu tết này đã…”.

Chồng Diễm tên là Hồng, làm chung tổ với vợ, người An Giang, thợ đóng đá. Hồng nằm vắt chân chữ ngũ trên miếng gỗ, lựa xem mấy tấm vé số để chọn mua, giọng nhát gừng “việc là chăng dây, đóng đá cho thẳng, chặt. Đếm chi ngày đóng được mấy viên. Lo làm cho tốt, làm xấu, sếp bắt dỡ đá ra đóng lại, mất công, bị la…”. Tôi cười: “Tết này có phim “Trúng số”, có Chí Tài, Dustin Nguyễn diễn hài kể chuyện có ông nghèo trúng số, đời đổi hẳn. Hồng nhớ đưa Diễm đi coi. Mà lỡ trúng số bạc tỉ, vợ chồng sẽ làm gì?”. Hồng cười toe, rồi lim dim mắt: “Có phim ông trúng số nhiều thiệt vậy hả? Tôi trúng số, sẽ mời anh em trong đội ăn bữa xả láng, rồi về quê, cất cái nhà cho ngon ở…”. Diễm âu yếm nhìn chồng: “Trúng số, ba tụi nhỏ đưa mẹ con tui đi chơi đây, nghe”.

Cách tổ Diễm, Hồng làm vài chục mét, vỉa hè đối diện, gần nơi trong ký ức người Sài Gòn từng là vòng xoay cây liễu, người đàn bà xưng tên Hiền mồ hôi nhễ nhại cầm vòi nước tưới cây đại rào rào. “Tui người Đồng Tháp, làm nhóc việc ở quê, cũng mần hồ riết, quen cực rồi. Hai vợ chồng lên đây chừng tháng nay, mần công cho thằng em làm thầu. Mần đủ việc...”. Cậu trai mặc áo phông sau lưng in hàng chữ “Fan Club Chợ Mới”, vừa nhổ râu, vừa thủng thẳng: “Tôi tên Nam, người An Giang, lên Sài Gòn lát đá hai tháng nay. Cả ngày làm, ăn, uống, ngủ, nghỉ ở đây hết. Ở quê cũng làm hồ, xây nhà cấp 4, dễ hơn lát đá đường phố. Mai mốt khu này đẹp rồi, nhất định lên đi coi cho đã mắt, để nhớ lại những ngày lát đá, những đêm đang ngủ thì mưa, chạy trối chết, cực thế nào. May giờ mùa khô rồi…”.

Cô phụ hồ tên Diễm. Ảnh: Â.T
Cô phụ hồ tên Diễm. Ảnh: Â.T

Chị Hiền chỉ người đàn ông ngồi phệt dưới đất, mặt rầu rĩ, liên tục hít ống chữa nghẹt mũi. “Chị hỏi chuyện Điệp nè. Đời nó buồn và cực hơn tụi tui nhiều lắm. Chị đưa hình, quay phim Điệp lên báo để vợ nó biết tìm về với nó hén…”. Tôi hỏi Điệp: “Sao không đăng báo nhắn tìm vợ?”, “Biết đăng sao? May bữa nay có chị hỏi chuyện. Chị đăng giùm tôi đầy đủ vầy: Chồng là Nguyễn Văn Điệp, 34 tuổi, người xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, Đồng Tháp; lên Sài Gòn được tháng rưỡi, làm phụ hồ ở đây để tìm vợ là Trần Thị Thúy An, 21 tuổi, người An Giang, bế con trai là Nguyễn Văn Du, 3 tuổi, bỏ nhà lên thành phố từ 29.5.2014 cùng cha mẹ vợ, hiện đang ở đâu?”. Mắt ngân ngấn nước, Điệp kể: “Tôi và An làm may ở ngã tư Bình Chuẩn. Cha mẹ đồng ý cho ở với nhau, không đám cưới. An đã có con riêng 6 tuổi. Với mức thu nhập công nhân may, hai đứa ở quê sống là tạm đủ, nhưng mẹ vợ muốn hai đứa sống khá hơn. Hôm 28.4.2014, tôi đi cắt lúa thuê kiếm thêm tiền đưa vợ. Đến ngày 29.5.2014, hay tin vợ ôm con bỏ nhà đi. Tôi về nhà trống hoác, nhớ con trai, mất ăn mất ngủ, đâm thành bệnh. Lên Sài Gòn làm thuê tìm vợ con. Thiệt là mỗi người mỗi phận sao…”.

Ngàn mét vuông đá lát kiểu Sài Gòn

Gần 13h, công nhân bắt đầu dậy, lục tục, chuyên chú việc của mình. Không một ai nhận ra hay bị “kinh động” bởi sự xuất hiện bất ngờ của ông Lê Thanh Hải - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM. Lặng lẽ, từ tốn, cùng người thư ký, ông Hải đi dọc đoạn đường Nguyễn Huệ, thi thoảng ghé cúi xem vài viên đá, ngó xuống mặt đường lát, dõi mắt nhìn toàn bộ con đường, dừng ở nơi mấy tháng trước còn là Thương xá Tax, quay qua hỏi han, trao đổi với người thư ký. Mấy chục ngày nữa là Tết Ất Mùi. Năm mới, “nhà cửa” - khu mặt tiền UBND TPHCM cần gấp rút dọn dẹp gọn gàng, khang trang, và hơn thế, toàn bộ khu trung tâm, tính từ trụ sở UBND thành phố chạy thẳng ra đường Tôn Đức Thắng - bến Bạch Đằng có quảng trường thành phố là công trình trọng điểm của TPHCM kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, phải hoàn thành trước tháng 4, nên ông Hải quan tâm nhiều cũng phải thôi.

Tôi nhìn xuống những mét vuông đường lát đá. Những phiến đá vuông vắn, như nhau, xám nghiêm cẩn, xếp đều đặt thành hàng và hơi… tẻ nhạt. Và tôi bỗng nhớ, mùa thu năm 2009, số phận mỉm cười mang lại cho tôi một món quà: Vì chuyến bay từ Varadero (Cuba) về nước bị chậm, tôi được rẽ ngang thành phố Frankfurt (Đức) một ngày, được thăm nơi Đại thi hào W.Goethe sinh ra. Sau chuyến du ngoạn chớp nhoáng 2 giờ đồng hồ, một trong những điểm tôi nhớ nhất về những con phố cổ khu trung tâm Frankfurt, đó là trên mặt đường lát đá ở quảng trường, những con phố cổ lát đá xám, thi thoảng bật lên một miếng đồng dập nổi hình quả táo vàng lấp lánh. 

Những quả táo cũng được đặt trên những chiếc cột đá loáng thoáng chạy thành hàng dọc ở một vài nơi. Anh hướng dẫn viên không giấu nổi tự hào: “Từ năm 2004, Frankfurt bắt đầu công việc thiết kế lại những quảng trường, khu phố cổ, lát đá những con đường theo bản nguyên gốc từ thế kỷ 19. Những miếng đồng có hình quả táo được gắn xuống mặt đường bởi vì táo, rượu vang táo (Apfelwein) là đặc sản danh tiếng cả ngàn năm nay của Frankfurt. Chúng tôi lát đường như vậy để nhắc công dân của mình nhớ đặc sản vùng mình và cũng để khoe, giới thiệu cùng du khách…”.

Không phải là bắt chước… “mù quáng”, nhưng kể ra cũng sẽ thú vị hơn đấy, giả thử nếu con đường lát đá đầu tiên này của Sài Gòn, cũng học cách khoe niềm tự hào “địa phương nhưng mang tầm quốc tế” như người Frankfurt? Thế thì hình tượng nào, cái gì sẽ được gắn cái để khoe với du khách nét đặc trưng Sài Gòn nhỉ? Và rồi tôi cũng bỗng nhớ lời khuyên của ông bạn già - nhà phê bình nghệ thuật, họa sĩ Nguyễn Quân - trong một bài viết trên báo Lao Động Cuối tuần - khi người Sài Gòn rất thương những hàng cổ thụ đâu đó trên những con phố, cứ thi thoảng lại bị chặt đi vài cây vì lý do phát triển, trong đó có những cây liễu xanh tươi ở vòng xoay đường Nguyễn Huệ. Ông Nguyễn Quân khuyên, khu trung tâm Sài Gòn, hãy dành nhiều chỗ cho cỏ xanh và cây xanh, gỗ từ những cái cây bị đốn hạ đó, đóng thành những chiếc ghế thật thanh lịch, mỗi chiếc ghế, đính kèm bảng nhỏ đề: “Gỗ làm ghế này là từ những cây liễu ở vòng xoay”. Ứng xử với một sự chu đáo, chút lãng mạn như vậy, hẳn sẽ làm mát lòng nhiều người Sài Gòn ưa hoài niệm…

Trong tổng thể toàn khu trung tâm, những con đường lát đá là phần nhỏ nhưng khiến người ta chú ý, bởi lần đầu tiên, cả Sài Gòn mới có một khoảng hàng chục ngàn mét vuông đường lát bằng đá như vậy. Có thể còn những điều gì đó chưa thật hài lòng của những đổi thay cảnh quan như vậy vì chưa quen mắt, không thích mắt, thậm chí thấy chướng mắt. Nhưng không thể chối bỏ một điều, trong dáng vẻ mới, Sài Gòn có những nét lạ và đáng yêu...

Theo LÂM TUYỀN (Lao Động)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

 Bà Ly Sa trong cuộc vận động đồng bào dân tộc H’Mông xóa bỏ các hủ tục, trong đó có vấn nạn tảo hôn.

Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn

(PLO)- Cuộc chiến chấm dứt nạn tảo hôn là chìa khóa căn cơ để giải quyết hệ lụy là đói nghèo, trẻ em bỏ học, chất lượng dân số thấp kéo dài qua nhiều thập niên ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa).
Ép con lấy chồng cận huyết

Ép con lấy chồng cận huyết

(PLO)- Tuổi 15, Sùng Thị Tú ở xã Trung Lý, huyện vùng cao biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã bị chính mẹ ruột của mình ép lấy người cậu họ.
Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

Tết tại bệnh viện dã chiến ở Nam Sudan

(PL)- Dù đón một cái Tết xa nhà nhưng bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 Việt Nam tại Nam Sudan cũng tổ chức nấu bánh chưng, trang trí mai, đào rộn ràng không khí Tết.
Đến Campuchia truy tìm MH370

Đến Campuchia truy tìm MH370

(PL)- Đội tìm kiếm người Anh nói rằng họ đã may mắn “thoát chết” trong quá trình tìm kiếm bất thành và sẽ trở về Anh hôm nay.
Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

Phía sau 17.000 tỉ cho từ thiện của Châu Nhuận Phát

(PL)- Thiên vương điện ảnh nói sẽ tặng toàn bộ tài sản tương đương 17.000 tỉ đồng cho từ thiện vì: “Số tiền đó vốn không phải của chúng ta. Chúng ta đi vào thế giới này bằng hai bàn tay trắng và ra đi cũng như thế”.
Bán nhà, cưu mang con nuôi

Bán nhà, cưu mang con nuôi

(PL)- Hơn bốn năm nhận nuôi đứa trẻ mang căn bệnh quái ác, chị Trần Phương Lan đã đánh đổi gần như tất cả. Ngày 9-10 vừa qua, chị là một trong 10 nhân vật được UBND TP Hà Nội công nhận là “Công dân ưu tú thủ đô 2018”.
Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

Mỹ-Anh-Pháp-Đức và khả năng đánh Syria

(PL)- Mỹ-Anh-Pháp-Đức bàn kế hoạch đánh Syria nếu nước này sử dụng vũ khí hóa học khi tấn công tổng lực tỉnh Idlib - cứ điểm cuối cùng của phe nổi dậy.
Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

Jack Ma nghỉ hưu non đi làm giáo dục

(PL)- Chủ tịch Tập đoàn Alibaba, tỉ phú Jack Ma, cho biết đang dành nhiều thời gian và tài sản hơn để làm từ thiện với mong muốn thành lập một quỹ từ thiện tập trung vào giáo dục.
Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

Chạm mặt nhà vua giữa vùng biên giới

(PL)- Trước khi gặp được những chiến binh săn đầu người, tôi đã chạm mặt nhà vua của bộ tộc Konyak trong “cung điện hoàng gia” nằm giữa hai nước Ấn Độ-Myanmar kỳ lạ, ngỡ ngàng…