Vụ án bí ẩn được khám phá vào chiều 29 Tết

Công an tỉnh Bình Định tích cực điều tra, đến chiều 7-2-2005 (29 Tết) với những chứng cứ thu thập được, Cơ quan cảnh sát điều tra đã chính thức kết luận vụ án. Thượng tá Thân Trọng Hải - Phó trưởng phòng cảnh sát truy nã tội phạm - Lúc bấy giờ đang là thiếu tá, điều tra viên, công tác tại Phòng PC16, người trực tiếp tham gia điều tra vụ án - kể lại 52 ngày đêm lần theo dấu vết hung thủ.

BUỔI TỐI KINH HOÀNG

Khoảng 20 giờ 30 ngày 14-12-2004, không thể kiên nhẫn được nữa, anh Lưu Mỹ Tài quyết định phá ổ khóa cửa sắt ngôi nhà của chú ruột để xem điều gì xảy ra bên trong. Thường ngày vợ chồng Lưu Văn Sơn (SN 1946) và Trần Thị Nhi (SN 1959) nếu có đi đâu lâu lắm cũng chỉ một buổi, thế mà lần này đã một ngày một đêm rồi ngôi nhà của họ vẫn đóng cửa im ỉm, nhưng bên trong đèn điện lại sáng trưng, nhìn qua khe cửa sắt chiếc xe máy vẫn dựng chỗ cũ. Tham gia phá khóa cửa với anh Tài còn có vài người nữa đều là bà con và láng giềng của vợ chồng ông Sơn. Sau một lúc cưa đục, cánh cửa sắt được kéo ra, anh Tài là người đầu tiên vào nhà nhưng mới đi được vài bước anh đã quay ngược lại, lắp bắp nói không thành câu: “Chú... Chú Sơn chết rồi...”. Thấy sự sợ hãi hiện trên nét mặt anh Tài, những người đi sau đều khựng lại và nhìn theo hướng anh chỉ, họ thấy trong đường luồn từ phòng khách xuống nhà dưới có người nằm bất động.

Tại hiện trường, Công an huyện Hoài Nhơn phát hiện ngoài ông Sơn, trong nhà còn có một xác chết nữa là bà Nhi. Cái chết của vợ chồng ông Sơn gây bàng hoàng cả thị trấn Bồng Sơn. Bà con tụ tập từng nhóm, bàn tán râm ran và chờ đợi ở công an câu trả lời “vì sao cả hai vợ chồng ông Sơn chết một cách thê thảm như vậy?”.

Sáng 15-12-2004, Thân Trọng Hải với nhiệm vụ là điều tra viên cùng đoàn công tác Công an tỉnh Bình Định gồm: cán bộ kỹ thuật hình sự, trinh sát hình sự và bác sĩ pháp y có mặt tại thị trấn Bồng Sơn. Công tác khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi được tiến hành ngay sau đó.

Nơi xảy ra vụ chết người chưa rõ nguyên nhân là ngôi nhà số 230 QL1A thuộc thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định, liền kề hai bên là nhà bà con, họ tộc của ông Lưu Văn Sơn. Cấu trúc căn nhà gồm phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn, nhà bếp liền nhau theo chiều dọc... Ông Sơn nằm chết tại đường luồn phía trước phòng ngủ, tử thi bà Nhi nằm ở phòng bếp cách xác ông Sơn 10,7 mét. Cả hai nạn nhân đều được đắp trên người một tấm vải có sẵn trong nhà. Dọc đường luồn và trên nền nhà bếp in nhiều dấu dép, xung quanh có nhiều tờ bạc mệnh giá 50.000đ, 100.000đ dính máu vương vãi, trên tường có nhiều vết máu đã khô... Cửa phòng riêng của vợ chồng ông Sơn khóa kín. Các phòng còn lại không thấy dấu vết lục soát. Tại hiện trường, trinh sát thu giữ một con dao phay mũi bằng, một dao inox gãy mũi, một kềm điện mũi nhọn, tất cả đều dính máu. Cửa phòng riêng của vợ chồng ông Sơn được mở ra, trong phòng không có dấu vết xáo trộn, chiếc túi xách - được xác định là của bà Nhi - bên trong có 2.800USD và 14.500.000đ đang treo trên giá áo.

Vụ án bí ẩn được khám phá vào chiều 29 Tết ảnh 1
Ngôi nhà của vợ chồng ông Sơn, nơi xảy ra vụ án

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy bà Nhi bị nhiều vết thương do vật nhọn đâm khắp người và nguyên nhân dẫn đến tử vong do đứt động mạch cổ, trên người ông Sơn cũng bị nhiều vết thương như vợ và nguyên nhân chết được xác định do bể hộp sọ. Thức ăn trong dạ dày hai người đã tiêu hóa, điều đó cho biết họ chết sau bữa  ăn ít nhất 6 tiếng đồng hồ trở lên...

Cùng với công tác khám nghiệm, các biện pháp điều tra thu thập thông tin xung quanh vụ chết người chưa rõ nguyên nhân được trinh sát, điều tra viên công an tỉnh và Công an huyện Hoài Nhơn tiến hành khẩn trương. Kết quả ghi nhận được, vợ chồng ông Lưu Văn Sơn mua bán vải, lấy hàng từ TP. Hồ Chí Minh đem về địa phương tiêu thụ. Khách hàng của họ phần đông là những người buôn bán vải ở các chợ và thợ may trong, ngoài huyện. Trong cuốn sổ ghi chép việc mua bán có tên nhiều bạn hàng chưa thanh toán tiền mua vải. Mối quan hệ mua bán giữa vợ chồng ông Sơn với bạn hàng tuy chưa phát hiện có mâu thuẫn nhưng tiềm ẩn nhiều nghi vấn.

Xác minh về quan hệ gia đình của vợ chồng anh Sơn, trinh sát phát hiện giữa họ với một số người là anh em và bà con trong họ đang có những bất đồng, có lúc gay gắt. Ngôi nhà vợ chồng anh Sơn đang sử dụng là nhà thờ họ do ông bà để lại hiện đang có tranh chấp về quyền thừa kế giữa ông Sơn với những người trong họ tộc; một ngôi nhà khác ở quận Gò Vấp TPHCM do ông Trần Đình Long - Việt kiều Mỹ, cha của bà Trần Thị Nhi đưa tiền nhờ vợ chồng bà mua giúp và làm thủ tục đăng ký quyền sở hữu, nay ông Long muốn đứng tên ngôi nhà này nhưng vợ chồng ông Sơn không chịu nên giữa họ xảy ra mâu thuẫn gay gắt... Tất cả đều có thể là nguyên nhân dẫn đến cái chết của  vợ chồng ông Sơn trước khi được điều tra viên xác minh loại trừ.

Về thời gian xảy ra vụ án, thượng tá Thân Trọng Hải nhớ lại, lãnh đạo công an tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo trinh sát, điều tra viên xác minh dựng lại toàn bộ diễn biến của nạn nhân từ việc đi lại, gặp gỡ giữa họ với người khác trong những ngày trước đó đến khi vụ án xảy ra. Căn cứ vào tài liệu thu thập được, anh và đồng đội xác định trong ngày 13-12-2004 có nhiều người đến nhà ông Sơn mua vải, trả nợ và đặt hàng. Trong đó, điều tra viên tìm được người cuối cùng rời nhà vợ chồng ông Sơn lúc 16 giờ 50 ngày 13-12-2004 là ông Hương ở huyện Hoài Ân.

Ông Hương trình bày với điều tra viên, khi ông ra về thì thấy ông Sơn cầm cà-men chạy xe máy ra khỏi nhà. Lần theo lời khai của ông Hương, điều tra viên xác minh làm rõ, ông Sơn đi mua cháo vịt, nhưng cả ba quán ông đến đều hết cháo nên về không. Và đó là thời điểm cuối cùng có người còn nhìn thấy ông Sơn. Sau đó, từ 17 giờ trở đi không ai biết vợ chồng ông Lưu Văn Sơn làm gì trong căn nhà của họ. Điều tra viên cũng đã làm việc với bà Mai - chủ tiệm vải Mai Khoa ở xã Hoài Hảo, Hoài Nhơn và được biết lúc 19 giờ ngày 13-12 bà Mai đã nhiều lần gọi điện đến nhà ông Sơn nhưng không ai bắt máy.

TRUY TÌM HUNG THỦ

Ngày 17-12, Giám đốc Công an tỉnh Bình Định triệu tập cuộc họp gồm lãnh đạo công an tỉnh, các đơn vị nghiệp vụ, CA huyện Hoài Nhơn, điều tra viên, trinh sát tham gia giai đoạn điều tra ban đầu vụ chết người. Tại cuộc họp này, sau khi đánh giá, phân tích kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi và những tài liệu điều tra thu thập bước đầu, lãnh đạo công an tỉnh đã loại trừ khả năng do mâu thuẫn gia đình, ông Sơn giết vợ sau đó tự sát. Từ đó đã quyết định khởi tố vụ án “giết người” và thành lập ban chuyên án do đại tá Chế Trường - Giám đốc Công an tỉnh - làm trưởng ban, đại tá Nguyễn Trung Tâm - Phó giám đốc, làm phó ban. Ban chuyên án quyết định huy động các lực lượng nghiệp vụ Công an tỉnh phối hợp với Công an huyện Hoài Nhơn tiến hành khẩn trương các biện pháp điều tra làm rõ vụ án theo hướng nhận định: giết người do tranh chấp tài sản, giết người do mâu thuẫn trong kinh doanh và không loại trừ khả năng giết người cướp tài sản.

Những ngày đầu, điều tra viên, trinh sát tham gia chuyên án gần như bơi trong bể dư luận với nhiều tin đồn như những con sóng lớp trước chưa tan, lớp sau ập tới.  Nào là vợ chồng Lưu Văn Sơn và Trần Thị Nhi lợi dụng việc mua bán vải để vận chuyển ma túy, nay có dấu hiệu bị lộ nên đồng bọn thủ tiêu bịt đầu mối; vợ chồng Sơn bị giết chết do tranh chấp tài sản; ông Sơn ghen tuông nên giết vợ rồi tự sát; thủ phạm giết người do mâu thuẫn trong việc mua bán, nợ nần... Mỗi khi phát hiện một nguồn tin mới, trinh sát lại phải đi tìm ngọn nguồn và sau khi thu thập đủ tài liệu, loại dần những tin đồn không có căn cứ, cuối cùng công tác điều tra tập trung vào nghi vấn giết người do mâu thuẫn trong việc mua bán, bịt đầu mối nhằm xóa nợ...

Mặc dù tập trung vào nhận định thủ phạm giết người do mâu thuẫn trong việc mua bán, nhưng kẻ đó là ai trong số những người còn nợ tiền mua hàng của vợ chồng ông Sơn? Hướng đi đã có nhưng con đường đến đích vẫn còn phủ đầy bóng tối, nhiều chông gai, điều tra viên, trinh sát gần như dò từng bước một. 

Một ngày kia, trinh sát nhận được tin có người ở xã Hoài Hảo nhặt được một chiếc mũ bảo hiểm rơi dưới cống Ông Tài thuộc địa phận xã Hoài Hảo. Nguồn tin tưởng như không liên quan gì đến cái chết của vợ chồng ông Sơn nhưng kinh nghiệm tích lũy được trong những năm tháng lăn lộn với những vụ án nghiêm trọng chưa rõ thủ phạm đã mách bảo điều tra viên Thân Trọng Hải không được bỏ qua. Và anh đã tìm gặp được Trần Anh Nhẫn (ở Hoài Hảo), người nhặt được chiếc mũ bảo hiểm nói trên. Thấy công an tìm đến tận nhà, anh Nhẫn hơi bất ngờ, nhưng khi nghe Thân Trọng Hải nói rõ mục đích việc tìm gặp, anh vui vẻ lấy chiếc mũ và nói: “Không biết cái mũ này của ai nhưng thấy có dính máu nên từ hôm nhặt được nó đến nay tôi chưa sử dụng lần nào".

Vừa lập biên bản tạm giữ chiếc mũ bảo hiểm xong, Thân Trọng Hải phát hiện thêm cũng tại khu vực anh Nhẫn nhặt được chiếc mũ có một thanh niên khác nhặt được chiếc áo lạnh. Người thanh niên đó là Lưu Đình Thành, ở xã Hoài Hảo, đã lấy chiếc áo còn dính những vệt máu khô đưa cho Thân Trọng Hải. Tuy những vệt máu dính trên mũ bảo hiểm và áo lạnh đều đã cũ nhưng với địa điểm nhặt hai vật trên cách nơi xảy ra vụ án khoảng 10km về phía bắc và kiểm tra chiếc áo, cán bộ kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bình Định phát hiện một số chỗ dính bột mì đã cho phép ban chuyên án nhận định người sử dụng chiếc áo lạnh đó ở các xã phía bắc huyện Hoài Nhơn, nơi có nhiều gia đình làm bột mì. Từ đó, chỉ đạo điều tra viên, trinh sát khoanh vùng truy tìm chủ nhân chiếc áo để xác minh có liên quan đến vụ án trên hay không.

Hơn một tháng trôi qua, nhiều đối tượng hình sự ở Hoài Nhơn, các huyện lân cận và một số người ở TP. Hồ Chí Minh, Đắk Lắk, Gia Lai... trinh sát xác định có xuất hiện ở thị trấn Bồng Sơn trong thời gian xảy ra vụ án nhưng chưa phát hiện dấu hiệu nghi vấn. Trong lúc công tác điều tra đi dần vào bế tắc, đại tá Chế Trường chỉ đạo điều tra viên tiếp tục quay vào TP. Hồ Chí Minh xác minh toàn bộ số bạn hàng bà Nhi giao dịch mua bán với mục đích thu thập thông tin về những mối quan hệ nhằm lần ra đầu mối nghi vấn.

Kết quả thật khả quan, tại TPHCM trinh sát phát hiện những tháng gần đây có một thanh niên tên Tín (quê ở thị trấn Tam Quan, huyện Hoài Nhơn) thường vào đây lấy hàng. Những người giao dịch với Tín cho biết, trước đây bà Nhi lấy hàng về giao cho Tín, nhưng sau đó giữa hai người nảy sinh mâu thuẫn nên bà Nhi không giao hàng cho Tín nữa.

Với những tài liệu thu thập được từ TPHCM, Thân Trọng Hải quay về Hoài Nhơn truy tìm người thanh niên tên Tín và đã nhanh chóng xác định đó là Lê Đức Tín (SN 1976), chủ tiệm may Thành Tâm, ở khối 6, thị trấn Tam Quan, Hoài Nhơn chuyên may dù biển. Tín là một trong số bạn hàng lớn của bà Nhi đã được ban chuyên án đưa vào nhóm đối tượng nghi vấn thứ nhất - giết người do mâu thuẫn trong quan hệ mua bán - nhưng trong quá trình điều tra trinh sát phát hiện Tín bị tai nạn giao thông và tự tử chết trong lúc cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định trước khi vợ chồng ông Sơn được phát hiện đã chết nên không tập trung xác minh. Với những tài liệu trên, ban chuyên án đặt ra những yêu cầu cụ thể cần làm rõ đối với Lê Đức Tín và chỉ đạo lực lượng điều tra tập trung xác minh nhằm xác định Tín có liên quan đến vụ án hay không.

(Còn tiếp)
  
 Theo MAI LINH GIANG (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm