Vụ án hai đóa hoa hồng dưới huyệt mộ

Vụ án hai đóa hoa hồng dưới huyệt mộ ảnh 1

Đại tá Phạm Văn Thịnh và đ/c Hai Thành kể lại vụ án với tác giả

Hai người phụ nữ trên 40 tuổi khá xinh đẹp giàn giụa nước mắt lao mình xuống huyệt mộ. Đặt hai đóa hoa hồng lên quan tài, cả hai khóc than thảm thiết. Một người là vợ của ông Hữu, một người là mối tình đầu hơn mười năm trước.

TIẾNG SÚNG TRONG ĐÊM                                                                     

Chập choạng tối, vùng ngoại ô Nam Lân (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TPHCM) hoang vắng đến rợn người. Thỉnh thoảng mới có vài chiếc xe ôtô lướt nhanh trên xa lộ Đại Hàn.

- Đoàng... Đoàng... Đoàng!

Những tiếng súng xé toang màn đêm, làm kinh động những người dân ở khu vực này. Ông Mười - Đội trưởng đội sản xuất - buông đũa hô hoán mọi người cầm đèn chạy ra nơi có tiếng súng nổ. Thật hãi hùng khi mọi người chứng kiến cảnh một người đàn ông khoảng 50 tuổi nằm chết bên vệ đường. Ông Mười vội vã đến Công an xã Bà Điểm trình báo. Công an xã lập tức có mặt bảo vệ hiện trường, đồng thời điện báo về Công an huyện Hóc Môn. Tin dữ được cấp báo về Phòng Cảnh sát hình sự và Ban giám đốc Công an thành phố. Đại tá Cáp Xuân Diệm - Phó giám đốc - chỉ đạo Ban chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự huy động lực lượng trinh sát phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ tổ chức khám nghiệm và điều tra.

8 giờ tối, dưới ánh đèn chiếu sáng của hai chiếc xe ôtô và những chiếc đèn pin, các cán bộ kỹ thuật hình sự và trinh sát kiểm tra từng chi tiết. Đến 1 giờ sáng, lực lượng công an địa phương được lệnh bảo vệ hiện trường cho đến sáng hôm sau. 8 giờ sáng, dưới sự chỉ huy của Trưởng phòng Trịnh Thanh Thiệp và Đội phó Đội trọng án Hai Thịnh, công tác khám nghiệm được tiếp tục. Trinh sát thu được khẩu súng K59 trong bụi cỏ cách vệ đường khoảng 30 mét. Hơn 10 giờ, không tìm được gì nữa, trung tá Trịnh Thanh Thiệp quay về Bệnh viện Thống Nhất, nơi tử thi đang được giải phẫu. Vừa thấy anh, đồng chí kỹ thuật hình sự đã vội nói:

- Xong rồi anh. Nạn nhân bị bắn ba phát. Đường đạn đi cho thấy người bắn ở cự ly rất gần và trực diện. Một phát xuyên thủng bàn tay phải, một phát xuyên lồng ngực, một phát xuyên bả vai.

- Cảm ơn cậu, chiều nay cậu cho mình bản kết quả khám nghiệm và giải phẫu tử thi nhé!

- Được, thưa anh!

Nạn nhân là ông Nguyễn Hữu, trung tá quân đội, ngụ quận Tân Bình.

Ông Hữu là một sĩ quan sống nghĩa tình với đồng đội, hết lòng thương yêu vợ con. Từ chiến trường K., ông được điều về thực hiện nhiệm vụ quan trọng, nhưng công việc đang dở chừng thì ông bị bắn chết. Kẻ nào đã sát hại ông Hữu bằng chính khẩu súng K59 của ông? Chúng giết ông vì mục đích gì? Cơ quan điều tra Công an TPHCM cùng Cơ quan điều tra hình sự Quân khu 7 tập trung lực lượng vén màn bí mật những phát súng trong đêm.

Trong lúc tang gia bối rối, trinh sát không hỏi gì được bà Đinh Thị Túc - vợ ông Hữu. Bà luôn phủ phục bên linh cữu chồng khóc than thảm thiết. Cũng đeo băng tang như những chiến sĩ quân đội và nhiều người dự lễ tang nhưng bà B.N - người yêu hơn mười năm trước của ông Hữu - thì đôi mắt luôn ngấn lệ xót thương. Trong vai người thân của ông Hữu, Đội phó Phạm Văn Thịnh thường trực tại đám tang, theo dõi những biến động khác thường, song anh không tìm thấy một nghi vấn nào. Chỉ khi ngồi trên xe tang cùng vợ và người yêu xưa của ông Hữu, Thịnh linh cảm một điều gì đó không bình thường từ đôi dòng lệ của người đàn bà vừa trở thành góa phụ.

Ban chuyên án họp phiên thứ ba dưới sự chủ trì của đại tá Cáp Xuân Diệm. Từ tài liệu thu thập tại hiện trường, kết quả khám nghiệm, giải phẫu tử thi và công tác xác minh trong một tuần qua, Ban chuyên án nhận định, kẻ sát hại ông Hữu phải là người thân quen vì ông bị bắn bởi chính khẩu súng của mình. Tuy nhiên ban chuyên án cũng đặt giả thiết khác là thời điểm này bọn cướp hoạt động trên quốc lộ thường xuyên mà vùng ngoại thành Hóc Môn cũng là mục tiêu ăn hàng của chúng. Liệu bọn cướp tấn công ông Hữu, bị ông dùng súng bắn trả rồi chúng cướp súng hạ sát ông?
“Nhiệm vụ trước mắt là các anh phải khẩn trương làm rõ ông Hữu có mặt tại hiện trường trong hoàn cảnh nào, bằng phương tiện gì, ông đến đó một mình hay đi với ai?” - Đại tá Cáp Xuân Diệm chỉ đạo. Các anh phối hợp với cơ quan điều tra quân đội làm rõ xem ông Hữu có gây thù với ai không, kể cả trong quân đội cũng như ngoài xã hội.

- Các đồng chí cần thẩm tra kỹ xem chuyện tình cảm của vợ chồng ông Hữu trong thời gian qua thế nào - Trưởng phòng Trịnh Thanh Thiệp tiếp lời đại tá Cáp Xuân Diệm. Tôi xin nhắc lại nhận định của ban chuyên án là kẻ sát hại ông Hữu phải là người thân thích hoặc quen biết mới có điều kiện tiếp cận ông.

- Tôi linh cảm kẻ sát hại ông Hữu là một phụ nữ - Đội phó Thịnh nêu ý kiến. Người đó có thể là vợ ông Hữu - bà Đinh Thị Túc. Bởi theo thông tin của một số người dân thì cách đó vài hôm, vợ chồng ông Hữu đi Hóc Môn tìm mua heo giống về nuôi, nhưng chưa mua được. Chiều tối bị bắn, ông Hữu đi Hóc Môn cùng vợ trên chiếc xe Cub 78. Người thân của bà Túc khẳng định điều này. Trong khi bà Túc thì nói chiều đó bà ở nhà, có người bạn nào đó đến rủ ông Hữu đi đâu không rõ. Hơn nữa, nhân chứng Huỳnh - người câu cá gần hiện trường - khai rằng, sau tiếng súng nổ thứ nhất, anh nghe có tiếng người nói: “Phúc... Phúc... sao lại bắn anh”. Có thể Phúc... Phúc là Túc... Túc mà nạn nhân bị thương nên nói không rõ tiếng. Đặc biệt là câu... sao lại bắn anh. Một câu nói rất tình cảm cho thấy người bắn có mối quan hệ đặc biệt với ông Hữu. Lời khai của nhân chứng Huỳnh đã được thực nghiệm trong ba đêm liền và xét thấy lời khai này hoàn toàn có cơ sở. Kết thúc nhận định của mình, đội phó Thịnh đề nghị làm rõ hơn nữa về những dấu hiệu bất thường của bà Túc, và trước mắt đưa chiếc xe Cub 78 của ông Hữu về xem có dấu hiệu bất thường nào không.

Ngay hôm ấy, chiếc xe Cub 78 của ông Hữu được đưa về cơ quan điều tra xem xét. Đội phó Hai Thịnh phát hiện những vết máu trên bửng xe. Tuy nhiên cơ quan giám định trả lời, lượng máu quá ít không xác định được máu người hay máu động vật.

NƯỚC MẮT NGƯỜI VỢ PHẢN BỘI

Tiếp tục xác minh, trinh sát được biết bà Túc thường hay ghen tuông cho rằng ông Hữu vẫn còn giữ mối liên hệ với người tình cũ hồi ở Thanh Hóa là bà B.N. Nhưng thực chất bà B.N không có mối quan hệ trên mức tình cảm bạn bè, đồng đội với ông Hữu. Trong khi đó, tối hôm ông Hữu bị giết, bà Túc chạy xe Cub 78 về nhà với thái độ vội vã. Vừa vô nhà, bà lao ngay vào nhà tắm thay đồ, tắm rửa, đêm đó bà trằn trọc rất khó ngủ. Một bất ngờ nữa là Cơ quan điều tra  cũng tìm thấy mối nghi ngờ khác là bà Túc có quan hệ với một người tên Ngô M.N đã có vợ con. Người này thừa nhận đã từng đưa bà Túc đi chơi đây đó. Tuy nhiên khi làm việc với cơ quan điều tra, bà Túc phủ nhận mối quan hệ này.

19 ngày sau cái chết ông Hữu, Đội phó Thịnh đề nghị cho bắt Đinh Thị Túc. Theo lệnh của đại tá Cáp Xuân Diệm, Hai Thịnh có mặt tại phòng làm việc của ông cùng Trưởng phòng Trịnh Thanh Thiệp.

- Tôi sẽ ký lệnh nhưng các anh có đảm bảo thị Túc sẽ khai nhận hành vi phạm tội không? - Đại tá Cáp Xuân Diệm hỏi cả hai người.

- Thủ trưởng yên tâm - Đội phó Thịnh trả lời. Tôi tin là mình bắt đúng, tôi sẽ có cách “cạy miệng” bà ta.

Ngày thứ 20 của cuộc điều tra, Đội phó Thịnh có mặt tại phòng làm việc của đồng chí Bí thư Quận ủy Tân Bình. Sau khi Đội phó Thịnh trao đổi, đồng chí Bí thư Quận ủy nói:

- Các đồng chí đã xác minh kỹ chưa, liệu có nhầm lẫn gì không?

- Thưa đồng chí Bí thư - Đội phó Thịnh quả quyết - Chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc bắt Đinh Thị Túc.

Cuộc họp khẩn của Thường vụ Quận ủy Tân Bình tiến hành ngay sáng hôm ấy.
10 giờ 30, Đội phó Thịnh cùng các trinh sát và công an phường có mặt tại phòng làm việc của bà Túc ở Phòng Thương nghiệp quận Tân Bình. Thấy công an đến đông và đem theo cả còng số 8, bà Túc tuy có phần chột dạ nhưng vẫn cố trấn tĩnh hỏi:

- Các anh bắt tôi sao? Các anh có nhầm không, làm sao tôi có thể giết chồng tôi được? 

- Chị yên tâm, nếu chị không có tội chúng tôi sẽ là người có tội vì bắt oan chị. Nhưng chúng tôi có đầy đủ chứng cứ chị đã giết chồng vì muốn được ở với tình nhân - Đội phó Thịnh nhấn mạnh.

Bà Túc ngồi thừ người ra. Lệnh bắt nghi can Đinh Thị Túc về hành vi giết người được thực thi.

Nếu như cái chết của trung tá Hữu đã gây xôn xao dư luận trong những ngày qua thì việc bắt giữ bà Đinh Thị Túc cũng là đề tài bàn tán của nhiều người.

Ngày đầu bị xét hỏi, bà Túc phủ nhận hầu hết những gì cơ quan điều tra đưa ra dù lời khai của bà có nhiều mâu thuẫn. Tuy nhiên, lời khai của người tình Ngô M.N và các nhân chứng đã chống lại bà. Sau một ngày đấu trí căng thẳng, Đội phó Thịnh đành gấp hồ sơ vì kết quả vẫn chưa như ý.

Ngay chiều hôm ấy, Đội phó Thịnh quyết định sử dụng một biện pháp nghiệp vụ khá táo bạo. Sáng hôm sau, sau khi tiếp nhận nguồn tin đặc biệt từ biện pháp nghiệp vụ trên, Hai Thịnh tiếp tục cuộc xét hỏi:

- Chị uống nước đi - Đội phó Thịnh đẩy ly nước về phía bà Túc - Hồi hôm chị có ngủ được không?

- Cảm ơn anh, khoảng 3 giờ sáng tôi mới chợp mắt được.

- Chị suy nghĩ kỹ rồi chứ? Chị có cần tôi đưa thêm chứng cứ ra không?

Đội phó Thịnh vừa dứt lời thì bà Túc đã bật khóc nức nở:

- Em khai thật có được khoan hồng giảm án không anh?

- Có chứ! Nếu lời khai của chị hoàn toàn đúng sự thật và thể hiện sự ăn năn hối cải.

Trao giấy bút cho bà Túc, Đội phó Thịnh ra ngoài. Hơn nửa tiếng đồng hồ sau, Hai Thịnh quay vào và đọc lướt qua bản tường trình: ...Tôi có ghen tuông về chuyện chồng tôi giữ mối quan hệ với người tình cũ nhưng thực ra tôi cũng không có chứng cứ gì. Và tôi nghĩ chồng tôi cũng không làm việc đó. Tình cảm vợ chồng sứt mẻ là do tôi, tôi có hành vi sai trái là đã phản bội lại chồng. Vì muốn được ở với người tình mà tôi đã nảy sinh ý nghĩ giết chồng. Chiều tối 22-3, tôi điều chồng đi mua heo giống ở Hóc Môn, với mục đích ra nơi vắng để hành động. Tôi lén lấy khẩu súng của chồng lận theo. Đến điểm vắng ở Bà Điểm, Hóc Môn, tôi giả bộ cự nự ghen tuông, cãi nhau vài câu, tôi bảo chồng dừng xe. Ngay lúc đó tôi rút súng bắn thì chồng tôi đưa tay đỡ và nói: “... Túc... Túc, sao lại bắn anh?”. Tôi ghì súng bắn viên thứ hai vào ngực và viên thứ ba trúng vào vai. Sau đó tôi vứt súng và chạy xe về nhà...

Trong bản tường trình, bà Túc cũng nêu rõ ý định giết chồng của bà được người tình Ngô M.N ủng hộ và bày cách bóp cò súng. Sau đó Ngô M.N bị Cơ quan điều tra bắt về vai trò đồng phạm.

Kết thúc cuộc xét hỏi, Đội phó Phạm Văn Thịnh rời Trại giam Chí Hòa mà lòng trĩu nặng nỗi buồn, tiếc thương cho người sĩ quan quân đội đã chết.
  
 

Theo THANH NGHỊ (CATP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm