"Vua kỳ nam” xứ Nẫu

"Vua kỳ nam” xứ Nẫu ảnh 1

Anh Hiệp và cây trầm hương hóa đá ngàn năm tuổi
 Gọi anh là “vua kỳ nam” bởi sau lần trúng trầm năm 2006, anh có rất nhiều tiền. Gần ba mươi năm lên rừng, lúc khá giả người ta mới biết đến anh. “Nhà tôi nghèo. Tuy có việc làm ổn định nhưng cuộc sống không khỏi cái đói. Tôi muốn làm một việc gì đó có thể thay đổi nhưng biết sức mình có hạn, vì vậy tôi chuyển sang đi trầm để cầu may. Không ngờ, cái nghiệp lại đeo tôi mấy chục năm liền”. Anh nói về cơ duyên đến với nghề trầm như vậy.

Được lộc rừng trên núi

Người xưa có câu “Ngậm ngải tìm trầm”. Anh em trong giới cũng gọi đây là nghề “làm tôi tớ bà cậu” nên phải cầu ở sự may mắn. Trước khi quyết định theo nghề trầm, anh Hiệp ăn chay nằm đất suốt 3 tháng trời. Trong suốt gần 27 năm (1979 - 2006) đi trầm, lúc nào anh cũng xem tâm linh là điều quan trọng. Anh tâm sự: “Tôi đi trầm năm 21 tuổi, từ miền Trung, Tây Nguyên đến các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, có khi qua tận Campuchia. Chuyến đi dài nhất thường một tháng. Mỗi lần đi phải sắm chuyến, hết lương thực phải về đồng bằng sắm rồi đi tiếp. Tôi đi một mình nên anh em trong giới gọi tôi là Sáu cô đơn”. Kỷ niệm vui buồn và có cả hiểm nguy. Có lần hết lương thực giữa rừng phải đào củ mài ăn thay cơm. Những lúc gặp bà con người thiểu số, thấy họ khổ, anh cho cá mắm, đôi khi cả thuốc tây. “Có một kỷ niệm tôi nhớ suốt trong đời là năm 1990, tôi đến làng Mèo huyện An Khê - Gia Lai. Người đi điệu nói sông Ma Choi cọp nhiều. Đêm đó tôi nằm kề cận với cọp dữ, sáng ra nghĩ lại mà giật mình…”.

Nhiều năm đi trầm, anh Hiệp được “bà cậu” thương 6 lần. 5 lần đầu chỉ gọi là may ít. Năm 2006, ước mơ đổi đời đã thành sự thật, câu chuyện ít nhiều mang màu sắc huyền bí với sự tin tưởng kỳ dị có yếu tố tâm linh. Anh kể: “Một đêm năm 2006, sau những ngày lang thang trên núi, tôi nằm ngủ một mình trên cánh rừng già ở tỉnh Đắk Lắk. Đêm khuya, tôi thấy một người lạ, mặc quần áo màu đà đến bảo: “Sáng mai con lên đỉnh, bà cho con hai chiếc thuyền”. Hôm sau tôi thức dậy, nhớ lại chuyện đêm, lòng suy nghĩ “sao lại có thuyền trên núi”. Nghĩ thế nhưng vẫn tin. Buổi chiều hôm sau, tôi vào một đám rẫy của một người dân tộc thiểu số ở huyện Lắk. Căn duyên đã đến, tôi gặp 2 “chiếc thuyền”. Cây dó có đường kính khoảng 70 cm, nằm ở bìa rẫy. Người dân ở đây đã đốn cây, cưa lấy ván, chỉ còn lại phần gốc và ngọn. Không ngờ trầm lại nằm ở đó. Phát hiện rồi, tôi lấy, mừng đến nỗi run cả người.

Dưới gốc toàn kỳ nam loại một. Tôi khai thác và chuyển hàng về nơi tập kết đã 3 lần nhưng chủ rẫy vẫn không biết. Một hôm trở lại, tôi ngồi nói chuyện và hỏi chủ rẫy “ông thích giàu có không”. Ông trả lời: “Tôi muốn có vài chục con bò như già làng”. Tôi liền cho ông 50 triệu đồng. Ông mừng quá, vội quay về nhà, quên cả cảm ơn. “Ngày đó, người ta đồn ông trúng đến vài trăm ký, sự thật có đúng vậy không? Sau lần hưởng “lộc”, ông có nghĩ mình là người giàu nhất trong giới đi điệu, cuộc sống của ông sau đó thế nào?”. “Lần đầu tôi bán đổ tháo, bán một nửa “cho” một nửa. Sau này tôi bán được khá hơn. Người ta đồn về tôi nhiều lắm, còn sự thật tôi trúng bao nhiêu ký thì…xin (cười). Trong đời đi trầm nói chung, phải nói ít có người may như tôi và tôi nghĩ mình là người may mắn nhất chứ không bao giờ dám nghĩ mình là người giàu nhất. Cuộc sống gia đình tôi và bà con hai bên nội ngoại đều có sự thay đổi. Tôi cho tiền cất nhà, mua xe và ít vốn làm ăn, nói chung là tương đối đàng hoàng”.

Thế đấy, kỳ nam đã thay đổi cuộc đời một con người một cách ngoạn mục. Sau khi đã trở nên giàu có, không phải lo nhiều đến cái ăn, cái mặc, anh Hiệp lại chuyển cái tính kiên trì của mình sang một lĩnh vực khác, và cũng lại tiếp tục “nổi tiếng”…

Chơi đá cảnh kiểu “vua kỳ nam”

Bén duyên với nghề đi điệu, song anh Võ Hiệp cũng là một người mê chơi. Tính đến nay, anh đã có gần 15 năm “đắm mình” trong thế giới đá cảnh tự nhiên. Nhà anh, từ trước đến sau chỗ nào cũng thấy đá: đá trên bàn, trên kệ, đá dưới đất, trong phòng, nhà trên nhà dưới và cả tận ngoài ngõ, sau hè. Hiện bộ sưu tập đá cảnh của anh đã lên đến con số ngàn, trong đó có bộ Tứ linh rất quý, có những tác phẩm anh xem như vật gia bảo, để đời. Giá trị mỗi tác phẩm từ vài triệu lên đến vài trăm triệu đồng. Đặc biệt tác phẩm Cây trầm hương hóa đá anh đang sở hữu thuộc hàng “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, giá trị lên đến gần tỉ đồng.

Người ta nói vạn vật hữu linh, điều đó không sai. Bởi mọi cái đúng sai đều đã được kiểm chứng trong thực tế. Anh nói về sự khởi đầu của mình như sau: “Tôi đến với đá cảnh ngẫu nhiên hơn đi trầm. Một lần lên núi, tôi ngồi nghỉ chân, tình cờ thấy một viên đá trước mặt có hình ngồ ngộ. Tôi lại gần, ngồi nhìn hồi lâu trông viên đá giống một “ông” rùa núi cổ có đeo dây chuyền vàng, đầu quay sang nhìn tôi. Lúc này tâm trạng tôi rất khác. Không chần chừ, tôi quyết định đưa “ông” về. Về đến nhà, lau hết đất bụi, để một nơi khang trang và tôi xem đó như một vật linh thiêng. Từ ngày được “ông rùa”, gia đình tôi luôn gặp may. Và cũng chính từ đó, tôi bắt đầu chú ý đến đá tự nhiên, dần dần đam mê lúc nào không biết”.

Anh Hiệp mê đá đến nỗi đêm nằm mơ thấy. Có lần rủ không ai đi, một mình anh cũng liều. Anh đi sưu tầm đá khắp chốn, từ Bình Định đến Đồng Nai và nơi anh đến nhiều nhất là sông Ba Hạ (Phú Yên). Chuyến dài nhất đến vài ngày. Có hôm được “lộc trời”, cả đi về chỉ trong vòng một ngày. Sáng đi, chiều tàng tàng xe máy về xuôi, trên yên đèo “cục vàng”, đến nhà đã biến ngày công thành ngày vàng.

Trong bộ sưu tập của anh, quý nhất là tác phẩm hình “ông rùa”. “Có người trả tôi 10 ngàn đô nhưng tôi không bán. Bây giờ có trả bao nhiêu tôi cũng nói không”. Tác phẩm có giá trị nhất của anh là: Cây trầm hương hóa đá. Hàng “độc” này anh mua lại của một người quen trong tỉnh cách đây 3 năm với giá 80 triệu đồng: “Tôi bị cuốn hút khi lần đầu tiên nhìn thấy nên mới bỏ số tiền lớn ra mua. Sau khi mua về, tôi làm đế và đưa đi triển lãm nhiều nơi, được những người sành chơi đánh giá khá cao về mặt hình thể, chất liệu, niên đại” - anh Hiệp cho biết.

Năm 2008, anh đem tác phẩm này triển lãm tại Bình Định, có người đặt vấn đề mua với giá 800 triệu đồng. Đồng ý bán và anh đã nhận tiền đặt cọc 20 triệu đồng. Thế nhưng, một người ở Phú Yên khuyên anh không nên ham tiền mà bán, phải để làm “đinh” cho tỉnh nhà. Anh đồng ý đem về và theo anh đây cũng là cái may, vì: “Nếu ngày đó tôi bán chắc bây giờ không tìm đâu ra được, tôi tin chắc điều đó bởi tôi đi nhiều nhưng chưa thấy tác phẩm nào đạt như tác phẩm của mình”. Ngoài 2 tác phẩm kể trên, anh Hiệp còn có nhiều tác phẩm độc đáo khác. Với anh Hiệp: “Chơi đá cảnh trước hết phải có sự đam mê, tiếp đến phải có “gan” và có điều kiện. Muốn có tác phẩm “độc” đòi hỏi mình phải có vốn, đôi lúc tôi phải bỏ ra một số tiền rất lớn để mua về một viên đá mình kết mà những người hàng xóm bảo “ông này giàu đem tiền bỏ trong túi người khác”.

"Vua kỳ nam” xứ Nẫu ảnh 2

Ông rùa đeo dây chuyền vàng

Sau lần trúng đậm kỳ nam, anh Hiệp vẫn là người sống vui vẻ và hòa đồng. Hiện vợ chồng anh đã mua nhà và mở khách sạn tại TP Tuy Hòa. Vợ làm giám đốc, chồng chơi đá cảnh. Dù không đi trầm nữa nhưng anh đã mua 5 sào đất nông nghiệp gần nhà trồng cây dó bầu - loài cây đã cho anh được “lộc”. Ngày ngày ra vườn tưới nước nuôi cây để con cháu sau này biết nhà mình đổi đời là nhờ loại cây này. Một số cây lớn đã được anh cấy trầm bước đầu. Anh đang chuẩn bị tham gia triển lãm đá cảnh tự nhiên trong 2 sự kiện lớn sắp tới, đó là ngày hội kỷ niệm 400 năm Phú Yên và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Theo Đào Tấn Trực (TNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm