Xã… “chơi sang” giữa đại ngàn

Tại xã Hồng Thái, đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số vốn khó khăn, quanh năm đi rừng, làm rẫy, chỉ mong có cái ăn, cái mặc đã khó. Vậy mà từ sau khi dự án thủy điện khởi công, họ đã trở thành triệu phú, thậm chí tỉ phú nhờ số tiền đền bù có “nằm mơ cũng không thấy”. Cuộc đổi đời không do sức lao động này đã tạo nhiều hệ lụy xấu. Nhiều hộ dân chỉ biết “vùi” vào ăn chơi trong khi số tiền đền bù ngày một vơi dần.

Vào vùng đền bù

Một sáng nắng ráo, khi dãy Trường Sơn dần hiện rõ trong sương mù, chúng tôi ghé thăm những hộ dân định cư trên xã Hồng Thái. Nhiều trai bản mặt đỏ ửng phóng xe về hướng thị trấn A Lưới. Thấy mấy chiếc xe ngược chiều rồ ga với tốc độ cao, chúng tôi bèn thắng gấp, né vào lề để nhường đường. Một thanh niên ngồi trên xe cười hả hê, ra vẻ khoái chí.

Xã… “chơi sang” giữa đại ngàn ảnh 1

Hình ảnh trai bản hăng say lên rẫy đã trở nên hiếm thấy ở xã Hồng Thái. Ảnh: TRIỆU SƠN

Đến huyện A Lưới bây giờ, đi đâu cũng nghe người dân bàn tán về cuộc sống “xa hoa rỗng” của người dân trong vùng giải tỏa. Quả thật, vừa đặt chân đến đầu xã Hồng Thái, chúng tôi đã thấy một cảnh tượng khác xa với những vùng lân cận. Đời sống nhân dân đổi khác, bức tranh nông thôn miền núi đã được phủ lên một màu ấm no. Tuy nhiên, kể từ khi nhận được tiền đền bù, nhiều người dân đã lao vào thụ hưởng mà bỏ quên lao động.

Theo quan sát của chúng tôi, trên nhiều đồng lúa hầu như rất ít bóng dáng của thanh niên trai tráng. Đã từ lâu, lên rẫy lên nương không còn là công việc hằng ngày của họ. Họ tập trung chủ yếu tại các tụ điểm giải trí như quán cà phê, quán bi-a hay các điểm Internet.

Là một xã biên giới nhưng cuộc sống của người dân Hồng Thái chẳng khác gì nhiều so với dân thành thị. Hàng quán xập xình nhạc, quán nhậu mọc lên như nấm sau mưa, dịch vụ làm tóc, nhuộm tóc có lẽ đắt hàng nhất từ trước tới nay. Một số thanh niên dõng dạc khoe với chúng tôi “thời gian biểu” của họ trong một ngày: Sáng uống cà phê, la cà nhậu nhẹt cho hết trưa, chiều ngủ, tối “cưỡi” xe máy đẹp đi dạo.

Đua nhau… “chơi sang”

Xã Hồng Thái được xếp vào xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí còn thấp. Nhưng kể từ tết Nguyên đán 2010, tình hình đã hoàn toàn đổi khác. Với số tiền đền bù giải tỏa, xã này bỗng dưng nắm giữ “kỷ lục” về sắm xe máy và nội thất đắt tiền.

Thanh niên trong xã vẫn chưa hết “ngưỡng mộ” anh Hồ Văn Lời - người đầu tiên dám bỏ ra 120 triệu đồng để mua một lúc bốn chiếc xe máy xịn. Thấy anh Lời “chơi xe” sang quá, nhiều trai bản cũng lấy đó làm “thần tượng” rồi đua nhau sắm. “Mua xe Tàu làm chi cho nhanh hỏng, lại không sang. Bây giờ xã mình có mua xe cũng thấp nhất là 20 triệu đồng rồi” - anh Hồ Văn Ngân hỉ hả cho biết.

Xã… “chơi sang” giữa đại ngàn ảnh 2

Say mê sắm xe máy từ tiền đền bù để thể hiện “đẳng cấp”. Ảnh: TRIỆU SƠN

Như một “trào lưu” đang thịnh, trai bản cứ thế đổ xô đi mua xe, gây nên “cơn sốt” xe chưa từng có tại huyện miền núi này. Nhiều gia đình vừa nhận tiền đền bù, chưa kịp tính toán làm ăn thì con cái đã lấy tiền mua xe cho bằng bạn, bằng bè. Một cán bộ tại Phòng Khuyến nông huyện A Lưới kể: “Có thời gian các cửa hàng bán xe máy tại A Lưới “cháy” hàng. Thế là nhiều người phải chạy về TP Huế để mua. Có lần tui chứng kiến cảnh trên 10 chiếc xe máy nối đuôi nhau chạy từ TP Huế lên”.

Ngoài việc ồ ạt “tậu” xe máy, người dân xã Hồng Thái còn “đốt tiền” vào việc mua điện thoại di động. Chủ nhân của những chiếc xế đẹp cũng ráng tậu cho được chiếc điện thoại xịn để xứng tầm với chiếc xe. Thế là các cửa hàng điện thoại tại thị trấn A Lưới cũng được dịp ăn nên làm ra. 

Xếp sau điện thoại và xe máy là… nhậu. Chúng tôi tìm đến quán nhậu ngay giữa trung tâm thôn A Lá, gặp mẹ Hồ Thị Lý để được “mục kích” mẹ bán hàng. Dù đang bận bán cho mấy thanh niên mua bia và mồi nhậu, mẹ vẫn tranh thủ chỉ tay vào sợi dây chuyền vàng một lượng, khoe: “Sợi dây này có được là nhờ mẹ bán bia đó. Họ có tiền, mình bán đắt mấy họ cũng mua. Mấy bữa nay hàng khan quá, không có mà bán”.

Xã… “chơi sang” giữa đại ngàn ảnh 3

Đêm xuống, trai bản lại say mê “cày” game. Ảnh: TRIỆU SƠN

Ông Hồ Văn Khốt, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Thái, nhẩm tính: “Chỉ mới hơn nửa năm nhận được tiền đền bù nhưng người dân đã mua mới khoảng 300 xe máy, phổ biến nhất là xe có mức giá 20 triệu đồng”. “Ngày di dời về khu tái định cư cận kề nhưng nhiều hộ dân đã gần hết vốn làm ăn. Phía Xã đoàn cũng không thấy triển khai dự án gì để giúp trai bản lập nghiệp. Thanh niên trong xã hư lắm, cứ nhuộm tóc xanh, tóc đỏ, sa vào ăn chơi” - ông Khốt lo lắng nói.

Viễn cảnh triệu phú tái nghèo!

Với 273 hộ dân nằm trong diện di dời, xã Hồng Thái là nơi có nhiều hộ dân phải giải tỏa nhất do nằm trong lòng hồ thủy điện. Tổng diện tích đền bù khoảng 70 ha đất, bao gồm đất ở và đất canh tác. Tổng số tiền đền bù lên đến 30 tỉ đồng. Trong bảy thôn có hộ dân phải di dời, hai thôn A Đên và A Vinh nhận được tiền đền bù nhiều nhất. Tại hai thôn này, có ba hộ nhận được 500 triệu đồng, một hộ nhận được 800 triệu đồng và cao nhất là hơn 1 tỉ đồng.

Với khoản tiền tưởng như từ trên trời rơi xuống đó, đa phần các hộ đều rơi vào cảnh “đua nhau chơi sang” mà không tính chuyện tiết kiệm chi tiêu. Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện đoàn A Lưới, cho biết: “Tâm lý ỉ lại, không chịu nhìn xa khiến bà con say mê hưởng thụ mà quên lo việc kinh tế. Chúng tôi đang nỗ lực hướng thanh niên dành vốn để phát triển kinh tế, đặc biệt là vận động tái định cư tại làng thanh niên lập nghiệp xã Hương Lâm”.

Nhiều nhà trong xã trước đây rất nghèo nhưng do có nhiều đất canh tác nên khi kê khai đền bù, bỗng dưng họ thoát nghèo, trở thành triệu phú. Nhưng với cái đà trên thì từ triệu phú lại hoàn nghèo là chuyện không khó tưởng.

Dự án Thủy điện A Lưới khởi công vào cuối tháng 6-2007, do Công ty Cổ phần Thủy điện miền Trung đầu tư xây dựng với tổng vốn 3.234 tỉ đồng, công suất lắp máy 170 MW và sản lượng điện bình quân hằng năm ước đạt 686,5 triệu kWh. Dự án Thủy điện A Lưới trên sông A Sáp nằm trong địa phận các xã Hồng Thái, Hồng Thượng, Sơn Thủy... Dự kiến, tổ máy 1 sẽ phát lên lưới điện quốc gia vào quý IV năm 2011.

TRIỆU SƠN

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 160)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm