Xót xa những dự án ngàn tỉ ‘đắp chiếu’

Hàng chục dự án có vốn đầu tư hàng ngàn, thậm chí hàng chục ngàn tỉ đồng đang ngắc ngoải, “đắp chiếu”, chờ phá sản. Hiệu quả kinh tế của những dự án này không có, gây ra nhiều hệ lụy cho ngân sách vốn đang khá eo hẹp, kéo theo những tác động xã hội tiêu cực.

Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển Bộ KH&ĐT, xung quanh vấn đề này. TS Lưu Bích Hồ cho rằng: “Những dự án ngàn tỉ “đắp chiếu, trùm mền” cần phải được rà soát, quy trách nhiệm và dứt khoát phải xem lại quy trình thẩm định, phê duyệt. Nếu không, những dự án kiểu này sẽ tiếp tục phát sinh, nảy nở và làm ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế”.

Hàng ngàn tỉ thành đống sắt vụn

. Phóng viên: Thưa ông, những dự án “trùm mền” hiện nay không ít. Ông có thể chỉ tên một số dự án tiêu biểu?

+ TS Lưu Bích Hồ: Kể ra thì nhiều lắm! Nhưng có thể kể đến dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên trị giá hơn 8.000 tỉ đồng; Nhà máy đạm Ninh Bình 12.000 tỉ đồng; dự án Nhà máy sợi Đình Vũ 7.000 tỉ ở Hải Phòng; dự án mở rộng cảng Cái Mép - Thị Vải 7.000 tỉ đồng…

Nếu cộng tất cả dự án “đắp chiếu, trùm mền” trên cả nước, thì số tiền lãng phí, không hiệu quả… có thể lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng. Thật là đau xót!

.Vâng, nhìn những số tiền hàng chục, hàng trăm ngàn tỉ đồng đổ ra không hiệu quả ấy không ai không đau xót. Những hậu quả có thể nhìn thấy qua các dự án này là gì, thưa ông?

+ Chưa nói đến những hậu quả sâu xa cho nền kinh tế, chỉ điểm qua những hậu quả trước mắt ta đã thấy sức ảnh hưởng nặng nề do những dự án này gây ra. Chẳng hạn, dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên hiện nay đã trở thành một đống sắt vụn làm cho kỳ vọng tạo ra hàng chục ngàn việc làm vỡ tan. Nhà máy đạm ở Ninh Bình tuy đi vào hoạt động nhưng lại lỗ lũy kế lên tới 2.000 tỉ đồng, phải sa thải rất nhiều công nhân trong khi số công nhân dự kiến lên tới 1.000 người.

Tình trạng này cũng xảy ra tại Nhà máy Bio-Ethanol Dung Quất khi lẽ ra sẽ tạo việc làm cho khoảng 200 kỹ sư, công nhân thì hiện chỉ còn giữ lại vài chục người để đảm bảo nhà máy hoạt động cầm chừng.

Ở một góc độ khác, các dự án trên còn gây thiệt hại rất lớn khi dù không hiệu quả nhưng vẫn phải trả lãi suất hằng tháng, do trượt giá bị đội vốn…

Dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên trị giá hơn 8.000 tỉ đồng “đắp chiếu”. Ảnh: HỮU VIỆT

Bệnh thích hoành tráng

. “Liệu cơm gắp mắm” là một trong những nguyên tắc phổ biến trong đầu tư, kinh doanh. Nhưng dường như nguyên tắc này không được tuân thủ đối với những dự án “đắp chiếu, trùm mền”. Theo ông, vì sao lại xảy ra tình trạng này?

+ Tôi cho rằng tư duy “dấu ấn nhiệm kỳ” là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Ai cũng muốn trong nhiệm kỳ của mình phải có dấu ấn bằng những dự án, công trình hoành tráng mà nhiều khi không quan tâm đến hiệu quả kinh tế cũng như sức chịu đựng từ ngân sách nhà nước.

Chính điều này đã sản sinh ra những nhà máy sản xuất đặt ở những vùng không có nguyên liệu, sản xuất cầm chừng, hiệu quả rất thấp. Mặt khác nó cũng làm phát sinh “hội chứng” xin làm cảng, sân bay, làm đường, làm chợ… tràn lan, không hiệu quả.

Thêm nữa, tính hiệu quả của các dự án không cao do việc phải vẽ ra nhiều dự án để xin kinh phí từ trung ương. Trong khi về nguyên lý đầu tư, nếu vốn được dùng đúng chỗ thì sẽ thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực, các ngành. Người ta đã không tuân thủ đúng nguyên lý này.

Điều nguy hiểm là ở chỗ có nhiều dự án, như dự án cảng Cái Mép - Thị Vải, đã có nhiều ý kiến phản biện với đầy đủ luận chứng kinh tế, khoa học… nhưng không ai nghe, vẫn cứ đầu tư. Sự công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong những trường hợp như vậy đã không được tuân thủ. Điều này khiến cho công tác phản biện, giám sát gặp khó khăn rất nhiều.

. Theo ông, Nhà nước có nên tiếp tục rót tiền vào các dự án ngàn tỉ đồng đang “trùm mền” như đề nghị của các chủ đầu tư?

+ Đối với tình trạng các dự án ngàn tỉ “trùm mền, đắp chiếu” hiện nay, cần phải làm rõ thực trạng và chỉ ra nguyên nhân trong phân cấp quản lý, phê duyệt đầu tư cũng như trách nhiệm cá nhân. Chúng ta dường như chỉ đang giải quyết hậu quả do các dự án này gây ra mà chưa quy trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân, người đứng đầu.

Tôi cho rằng đã đến lúc Bộ KH&ĐT phải tổng rà soát các dự án kiểu này để chấm dứt tình trạng đầu tư kém hiệu quả như hiện nay. Bởi một trong những nguyên nhân là do việc phân cấp đầu tư chưa thực sự hợp lý, hoặc chưa có sự giám sát chặt chẽ, hiệu quả đối với phân cấp.

Phải gắn trách nhiệm cá nhân của từng dự án

. Nhưng thưa ông, đôi khi người ta hay nại đến quy hoạch để nói rằng dự án, công trình… đã nằm trong quy hoạch và phải thực hiện?

+ Tôi đồng ý quy hoạch là nền tảng để có thể đầu tư hiệu quả. Tuy vậy, thực trạng quy hoạch hiện nay của chúng ta đang thiếu bài bản. Tình trạng quy hoạch này sẽ khiến còn nhiều dự án rơi vào tình trạng “đắp chiếu, trùm mền” trong tương lai.

Bởi lẽ quy hoạch hiện nay đang có tình trạng theo lý thuyết mà không dựa vào thực tế nguồn vốn, ấy là chưa kể đến tình trạng có những báo cáo thiếu trung thực về nguồn vốn. Thực tế đã có những dự án triển khai được một phần rồi hết vốn, sau đó “đắp chiếu, trùm mền” đợi được bơm vốn. Điều này là hệ quả của cơ chế xin-cho trong cả việc cấp vốn lẫn xây dựng quy hoạch.

Hơn nữa, tình trạng nhiều dự án thoi thóp như hiện nay một phần còn do căn bệnh đầu tư duy ý chí, bệnh thành tích chứ không dựa trên tín hiệu thị trường.

. Để khắc phục tình trạng này, theo ông đâu là giải pháp mấu chốt?

+ Như tôi đã khẳng định nhiều lần, vấn đề then chốt nằm ở bộ máy và con người. Thiết kế lại bộ máy vận hành theo hướng hiện đại, tiên tiến, minh bạch và công khai; có trách nhiệm giải trình là yêu cầu tất yếu, nhất là trong tương lai hội nhập sâu rộng hơn với thế giới.

Ngoài ra, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể đối với từng dự án, từng quyết định đầu tư, phê duyệt phải được đặt lên hàng đầu. Tránh tình trạng “tập thể chịu trách nhiệm”, nhất là đối với những dự án “đắp chiếu, trùm mền” hiện nay.

Tuy nhiên, tôi muốn nhấn mạnh cần phải có những hành động quyết liệt, đi đôi với những lời nói mạnh mẽ. Sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn nếu việc xử lý nghiêm minh trách nhiệm của cá nhân đối với những dự án đang và sẽ “đắp chiếu” không được tiến hành triệt để. Bởi nếu không xử lý nghiêm thì sẽ để lại những hậu quả khôn lường, cả về mặt kinh tế, xã hội.

. Xin cám ơn ông.

Tâm lý hám rẻ gây nhiều hệ lụy

Điểm mấu chốt nhất trong việc thu hút và phê duyệt các dự án từ nước ngoài, đặc biệt là từ Trung Quốc, là yếu tố giá bỏ thầu thấp. Tâm lý “hám của rẻ” đối với các dự án này là có thật và đang gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế, xã hội như chúng ta thấy.

Đơn cử dự án mở rộng khu gang thép Thái Nguyên. Lúc bỏ thầu thì giá thấp, khi phê duyệt thì giá cao hơn, đến khi triển khai thực hiện thì lại đội vốn lên nữa. Hay dự án đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông, như chúng ta biết, đã phải điều chỉnh vốn rất nhiều lần, có những lần lên tới gần 400 triệu USD. Nếu so với giá bỏ thầu lúc đầu thì giá của dự án hiện nay đã cao hơn rất nhiều.

Sự thiệt hại này không thể chỉ được tính toán bằng những triệu USD cụ thể, mà còn phải tính tổng thể cả những tác động tiêu cực đến giao thông, môi trường và tâm lý xã hội.

Xét một cách tổng thể, trong những dự án ngàn tỉ "trùm mền, đắp chiếu" hoặc không hiệu quả, trì trệ thì có nhiều dự án có vốn đầu tư từ Trung Quốc.

Một định hướng rất tiến bộ của chúng ta khi phê duyệt những dự án này là yếu tố công nghệ hiện đại, tiên tiến, công nghệ sạch. Tuy vậy, thực tế cho thấy yếu tố giá rẻ vẫn đang chiếm ưu thế gần như tuyệt đối.

Đây là một “lỗ hổng” trong đầu tư mà nếu như không xác định và thực hiện nghiêm túc định hướng thu hút công nghệ cao, hiện đại, công nghệ sạch… thì lỗ hổng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế đất nước và để lại những hậu quả lâu dài.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm