35% doanh nghiệp vẫn phải 'chi phí gầm bàn'

Ông Vũ Ngọc Anh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, công nhận điều này khi phát biểu khai mạc hội thảo công bố báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính hải quan, mức độ hài lòng của DN năm 2016.

Hội thảo do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính tổ chức chiều nay, 27-4.

Ông Vũ Ngọc Anh cho hay ngành hải quan đã nỗ lực cải cách thủ tục theo hướng đơn giản, minh bạch hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phương pháp quản lý rủi ro, đào tạo, giáo dục công chức nhằm đáp ứng kỳ vọng của DN.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh nói ngành hải quan sẽ tiếp tục cải cách. Ảnh: CHÂN LUẬN

“Tuy nhiên, những kết quả đạt được một phần nhờ chúng tôi nhưng một phần lớn là do các hiệp hội và DN chia sẻ với ngành hải quan. Hải quan nhận thức được điều đó và sẽ cố gắng nhiều hơn, đáp ứng yêu cầu của DN” - ông Vũ Ngọc Anh nói.

Đề cập đến sự phối hợp với các bộ, ngành khác, ông Vũ Ngọc Anh nói Nghị quyết 19 của Chính phủ có tác dụng thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy vậy, sự phối hợp giữa các bộ, ngành vẫn còn chưa tốt.

“Tôi mong muốn cộng đồng DN tiếp tục đóng góp tích cực hơn để ngành hải quan có thêm cơ sở khách quan kiến nghị Bộ Tài chính và Chính phủ sửa đổi các văn bản cho rõ ràng, minh bạch, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, không chồng chéo nhằm tạo thuận lợi cho DN” - ông Vũ Ngọc Anh nói.

Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quang Phòng cũng cho rằng: Ngành hải quan cần tiếp tục cải cách thủ tục hơn nữa, nâng cao chất lượng thông tin, thực hiện chế độ công khai, minh bạch.

Ông Hoàng Quang Phòng cho rằng doanh nghiệp mong muốn thủ tục hải quan đơn giản hóa hơn. Ảnh: CHÂN LUẬN

“DN muốn ngành hải quan tiếp tục nâng cao kỷ cương, kỷ luật cán bộ, công chức trong ngành. VCCI mong muốn gửi đề xuất các cơ quan khác tạo thuận lợi cho xuất nhập khẩu, minh bạch, đơn giản, điện tử hóa các thủ tục hành chính” - ông Phòng nói.

Trình bày báo cáo kết quả khảo sát, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho hay: Nhìn chung, so với năm 2015 và các năm trước, DN đánh giá thủ tục hành chính hải quan đã có bước cải thiện đáng kể. Từ tiêu chí tiếp cận thông tin đến thái độ phục vụ của cán bộ, công chức.

Tuy vậy, vẫn còn những vấn đề mà DN mong muốn hải quan cần cải thiện hơn nữa.

“Công văn trả lời các vướng mắc của DN còn chung chung, chủ yếu đưa ra các thông tư, nghị định mà không có câu trả lời rõ ràng và các hướng dẫn cụ thể cho DN” - ông Tuấn cho hay.

Trong quá trình thực hiện thủ tục kiểm tra sau thông quan, 38% DN được khảo sát cho rằng: Khó khăn hàng đầu đối với DN là nội dung kiểm tra bị chồng chéo, trùng lặp; 36% ý kiến cho rằng thời gian kiểm tra luôn bị kéo dài hơn so với kế hoạch đã thông báo cho DN.

“Rất đáng lưu ý, có tới 35% DN cho biết họ phải chi trả chi phí không chính thức trong các lần kiểm tra này” - ông Tuấn cho hay.

Ông Đậu Anh Tuấn: "Vẫn còn 35% doanh nghiệp cho biết phải chi phí lót tay cho cán bộ hải quan". Ảnh: CHÂN LUẬN

Ông Kim Long Biên, Ban Cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục Hải quan, cũng thừa nhận ngành hải quan còn nhiều vấn đề và cần phải tiếp tục cải cách hơn nữa.

“Chúng ta không chỉ nói đến từ cải cách, mà cải cách ấy phải là các sản phẩm cụ thể, có tác dụng thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Biên nói.

Với những hạn chế như DN vẫn còn chi phí lót tay, cán bộ hải quan đôi lúc còn phân biệt đối xử, một số thủ tục hải quan còn rườm rà… ông Biên cho rằng: thông qua các ý kiến của doanh nghiệp, hải quan đã nhận thức được vấn đề này và đang tiếp tục cải cách.

Ông Kim Long Biên cho hay: Hải quan qua các ý kiến doanh nghiệp, đã có hẳn một danh mục hàng hóa chịu hai giấy phép kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: CHÂN LUẬN

Với thủ tục kiểm tra chuyên ngành, một trong những thủ tục gây khó khăn cho DN được đưa ra trong khảo sát, ông Biên khẳng định: “Hải quan đã biết điều này, thậm chí có danh mục hàng hóa cụ thể phải chịu tới hai giấy phép kiểm tra chuyên ngành. Hải quan sẽ kiến nghị Bộ Tài chính, Chính phủ về những vấn đề này”. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Rào chắn bao quanh cửa hàng xăng dầu. ẢNH: TÚ UYÊN

TP.HCM: 18 cửa hàng xăng dầu tạm ngưng hoạt động

(PLO)- Theo Sở Công thương TP.HCM, các cửa hàng xăng dầu này tạm ngưng với các lý do để sữa chữa nâng cấp, do giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hạn, đang thực hiện thủ tục theo quy định.

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

TKV: Doanh thu, lợi nhuận vượt kế hoạch, lương bình quân tăng

(PLO)- Với doanh thu năm 2023 đạt trên 170.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 7.800 tỷ đồng, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) tiếp tục giữ ổn định các hệ số tài chính quan trọng và đủ khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn.