530 khách hàng hụt nhận ô tô

Đầu năm 2007, thị trường ôtô trong nước xuất hiện dòng xe du lịch bảy chỗ hiệu Chevrolet-Capiva-Lt của Công ty liên doanh Việt Nam - Hàn Quốc GM Daewoo. Với kiểu dáng đẹp, dòng xe này nhanh chóng được người tiêu dùng chú ý.

Điệp khúc “chưa có hàng”

Tại tỉnh Đồng Nai, đại lý của GM Daewoo là Công ty TNHH Thương mại-Dịch vụ Tài Lộc Phát (phường Long Bình, TP Biên Hòa) đã có 530 khách hàng ký hợp đồng mua loại xe trên. Theo hợp đồng, khách hàng phải đặt cọc 1.000 USD/xe. Hợp đồng ghi rõ thời hạn giao xe là hết tháng 10-2007. Thế nhưng khi khách hàng liên hệ để nhận xe thì Công ty Tài Lộc Phát cho biết đến cuối tháng 10-2007 không có xe để giao.

Ông Nguyễn Trí Quyết một khách hàng đặt mua xe nói: “Tôi đã ký hợp đồng với Công ty Tài Lộc Phát từ tháng 5, hợp đồng ghi rõ tháng 10-2007 nhận xe. Tôi đã hơn chục lần tìm đến công ty để nhận xe nhưng lần nào cũng nhận được câu trả lời “chưa có hàng”. Công ty lại hẹn tôi đến tháng 8-2008 mới có xe. Tôi đã mất quá nhiều thời gian, công sức cho việc mua xe này”. Ông Quyết cũng không dám chắc đến tháng 8-2008 sẽ có xe như lời hứa của công ty.

Một khách hàng ở Biên Hòa phàn nàn: “Thà không có xe thì đại lý phải cho biết từ đầu để chúng tôi tính mua loại xe khác. Do phải chờ mua xe này mà công việc của tôi lâu nay bị đình đốn. Nếu Công ty Tài Lộc Phát không giao xe tôi như cam kết, tôi sẽ kiện ra tòa đòi bồi thường thiệt hại”.

Hủy hợp đồng: Chỉ được nhận lại tiền cọc

Trả lời Báo Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Thành - phụ trách bán hàng của Công ty Tài Lộc Phát cho biết: “Toàn bộ số tiền cọc của 530 khách hàng chúng tôi đã chuyển về cho liên doanh GM Daewoo tại Hà Nội. Bây giờ chúng tôi chỉ có hai cách: một là những khách hàng nào chờ được đến sang năm nhận xe thì cứ chờ, còn những khách hàng nào không chờ thì sẽ nhận tiền đặt cọc lại”.

Theo ông Thành, trong hợp đồng mua bán xe đã ghi rõ trong trường hợp nếu không có xe giao thì khách hàng được nhận lại tiền cọc. Do xét thấy thiệt hại cho khách hàng nên công ty sẽ linh động trả lãi suất không kỳ hạn đối với khoản tiền cọc (0,25%/tháng) cho khách hàng. Việc trả lãi thêm này là do đại lý đứng ra chịu chứ không phải nhà máy sản xuất xe chịu. Ông Thành nhìn nhận sự đền bù này chưa thỏa đáng nhưng đại lý không còn cách nào khác. Riêng việc hứa giao xe vào năm 2008, ông Thành nói: “Đại lý phụ thuộc vào nhà máy, đến lúc này không nhận được thông tin nhà máy sẽ cho nhận bao nhiêu xe nên không thể biết được lịch trình giao xe cho khách hàng là lúc nào”.

Được biết từ đầu năm 2007, Công ty Tài Lộc Phát mỗi tháng chỉ được liên doanh GM Daewoo tại Hà Nội giao cho khoảng chục xe. Sau khi bán được hơn 100 xe Chevrolet-Capiva-Lt thì công ty này không còn xe để bán tiếp. Trong khi đó, theo hợp đồng mỗi khách hàng phải đóng tiền cọc là 1.000 USD, như vậy Công ty Tài Lộc Phát đã nhận cọc của 530 khách hàng lên tới 530.000 USD (gần 8,5 tỷ đồng).

Các liên doanh “nợ” khách hàng hơn 10.000 xe ôtô

Giám đốc một công ty kinh doanh xe ôtô trên đường Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) cho biết trường hợp đại lý nợ xe của khách hàng không hiếm. Theo ông này, hiện nay các liên doanh lắp rắp ôtô trong nước đang nợ khách hàng hơn 10.000 xe. Do đó trong những hợp đồng mua bán xe giữa các đại lý của các liên doanh lắp ráp xe ôtô trong nước khi ký với khách hàng, điều khoản về thời gian giao xe thường để trống. Cũng theo ông này, với công suất của các liên doanh lắp ráp xe ôtô hiện nay, đến hết năm sau cũng chưa chắc giao đủ xe cho khách hàng.

BÙI NHƠN - TRƯƠNG HIỆU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm