Ba “chìa khóa” để DN vào siêu thị

Báo Pháp Luật TP.HCM số 143 (ngày 2-6) đã đưa tin về tình trạng doanh nghiệp (DN) đưa hàng vào siêu thị không dễ dàng, thậm chí DN còn bị chịu nhiều áp lực khi siêu thị áp đặt những điều khoản phi lý… Vậy đâu là giải pháp giúp DN tạo được thế cân bằng với siêu thị? Pháp luật TP.HCM có trao đổi với một số chuyên gia kinh tế xung quanh vấn đề này.

Chuyên gia kinh tế LÝ TRƯỜNG CHIẾN:

Phải tự nâng cao năng lực

Khi nguồn cung (số lượng DN muốn vào siêu thị - PV) quá lớn trong khi nhu cầu (của siêu thị) lại không tương xứng nên dẫn đến chọn lựa có điều kiện. Thế nên có chuyện làm khó giữa siêu thị và DN. Vậy nên nếu quá trình thương thảo, DN vận dụng những thế mạnh, điều luật có sẵn mà chưa đủ tạo cân bằng với siêu thị thì cần liên minh, tạo nên sức mạnh đối trọng với siêu thị. Việc tham gia vào các tổ chức hiệp hội sẽ có ích cho DN nếu các DN thống nhất hành động và tạo được âm hưởng, sức mạnh.

Tuy nhiên, điều quan trọng và tiên quyết vẫn là DN phải có năng lực. Theo đó, DN phải tìm hiểu thị trường, có kiến thức về thị trường, các quy định của luật pháp để vận dụng phù hợp. Nhiều DN đang cần giúp đỡ nhưng bản thân họ không chịu thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới mà chỉ biết trông chờ ai đó can thiệp cứu mình. DN tự nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng để siêu thị phải tìm đến mời mình hợp tác chứ không phải đi năn nỉ siêu thị. Nếu sản phẩm của DN uy tín, hấp dẫn, chắc chắn cách thương thảo của DN đối với bất kỳ siêu thị nào cũng rất dễ dàng.

Doanh nghiệp phải có năng lực mới có thể thương thảo. Ảnh: TÚ UYÊN

Ông NGUYỄN ĐĂNG VANG, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam:

Nên quảng bá thương hiệu

Muốn vào siêu thị đúng là chật vật mất nhiều thời gian, tốn nhiều chi phí nhưng thật sự đó là nền kinh tế thị trường. Một ông siêu thị có một kệ hàng thực phẩm mà có hàng chục ông DN đều muốn vào, trưng bày hàng mình lên kệ bán thì siêu thị buộc phải có điều kiện. DN nào có thương hiệu bán được hàng và lợi nhuận cao thì họ chấp nhận. Điều quan trọng là thực lực của DN đó, không phải chiết khấu cao cho siêu thị là được, mà chính là thương hiệu của sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, biết đến nhiều nhờ chất lượng và dịch vụ chăm sóc khách hàng. DN phải biết quảng bá thương hiệu, thay đổi mẫu mã thường xuyên, chất lượng tốt thì chắc chắn chuyện vào siêu thị là không khó.

Đại diện một DN thực phẩm tiết lộ có siêu thị luôn dành đất cho hàng DN nhỏ và ưu tiên hàng Việt nhưng yêu cầu phải có sản phẩm mới độc đáo. Nếu đáp ứng, siêu thị sẵn sàng sắp chỗ tốt, làm quầy kệ bắt mắt cho DN trưng bày sản phẩm. Tuy nhiên, hệ thống bán lẻ cũng có quy luật đào thải hoặc luân chuyển vị trí sản phẩm. Nếu DN không thay đổi mẫu mã thương hiệu thường xuyên, doanh số bán hàng không cao, siêu thị sẽ chuyển sang vị trí khác hoặc có thể đẩy ra nhập hàng DN khác. Vì thế thương hiệu, chất lượng và biết cách quảng bá sản phẩm mới là chìa khóa giúp DN hợp tác lâu dài với nhà bán lẻ.

Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP):

Xây dựng câu lạc bộ doanh nghiệp

Sự liên minh của các DN thủy sản nội địa là hết sức cần thiết để tạo ra môi trường liên kết giúp các thành viên nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất kinh doanh hàng thủy sản cung cấp cho kênh phân phối. Nó giống một diễn đàn cởi mở nơi DN trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin xu hướng thị trường chứ không phải tạo nên một sự đối chọi, đấu tranh gì hết. Vì đơn giản đây là sân chơi thị trường và có quy tắc riêng của thị trường, thuận mua vừa bán. Chứ không thể nói có cơ chế giám sát, bắt buộc nào, nếu DN nào thỏa thuận được, đồng ý với mức chiết khấu thì hợp tác với siêu thị, nếu không buộc phải tìm kênh phân phối khác.

CLB DN được thành lập dưới hình thức phối hợp hoạt động giữa các DN thành viên rên cơ sở tự nguyện, các bên cùng có lợi. Xây dựng và duy trì mối quan hệ hợp tác bền vững, cùng có lợi với các kênh phân phối tại thị trường Việt Nam. Đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng, hợp pháp của các thành viên CLB. Khi CLB tạo nên uy tín, thông tin minh bạch thì tình trạng các DN “đi đêm” sẽ bị loại bỏ, khi đó mối quan hệ với nhà bán lẻ mới phát triển bền vững. Nếu có vấn đề bức xúc, mâu thuẫn với nhà bán lẻ, CLB sẽ họp lại lắng nghe ý kiến DN và góp tiếng nói tới nhà bán lẻ. Nhưng CLB cũng sẽ dựa trên nguyên tắc đàm phán, thỏa thuận điều kiện hợp lý để hai bên tiếp tục hợp tác.

QUANG HUY - TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm